Công dân thứ 90 triệu của Việt Nam, bé gái Nguyễn Thị Thùy Dung, chào đời lúc 2 giờ 45 phút sáng ngày 1/11/2013.
Bé Dung được chọn một cách ngẫu nhiên đại diện cho 10 em bé đều là công dân thứ 90 triệu sinh ra trong khoảng từ 0 giờ tới 5 giờ sáng ngày 1/11, theo truyền thông trong nước.
Bố mẹ của em bé là người ở tỉnh Hải Dương, nhưng Nguyễn Thị Thùy Dung ra đời ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới bệnh viện thăm em bé công dân thứ 90 triệu.
Bà Doan được trích lời trên báo trong nước nói đây là "thế hệ tiếp nối 'dân số vàng' của Việt Nam, thế hệ này sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhiều tiềm lực để phát triển đất nước".
"Dân số vàng" là thuật ngữ khoa học, có nghĩa cứ hai người trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) đi kèm một người hoặc ít hơn một người ở độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 65 tuổi).
Một đất nước có "dân số vàng" được cho là có nguồn lao động dồi dào và Việt Nam được cho là sẽ ở giai đoạn này trong khoảng 30 năm tới.
Thứ 14 thế giớiVới dân số chính thức 90 triệu, Việt Nam đứng thứ 14 trên toàn thế giới.
Ở châu Á, Việt Nam đông dân chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Nhật Bản và Philippines.
Mỗi năm dân số Việt Nam ước tính tăng 1 triệu người, theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa Gia đình thuộc Bộ Y tế.
Dân số Việt Nam được dự đoán sẽ lên mốc 110 triệu vào năm 2050.
Giới chức trong nước đang cảnh báo tình trạng mất cân bằng giới tính ở trong nước, với tỷ lệ bé gái và bé trai sinh ra là 100/110.6, cao hơn tỷ lệ thông thường là 105.
Từng có dự báo tới năm 2030, chừng 3 triệu nam giới ở Việt Nam sẽ khó tìm vợ.
Theo BBC