Lạm dụng thuốc giảm đau là một vấn đề đã xảy ra từ lúc thuốc giảm đau có nguyên liệu là những chất có thể gây nghiện, chẳng hạn như chất hydrocodone trong Vicodin và oxycodone trong OxyCotin. Điều này có thể xem là một thứ phản ứng phụ của thuốc giảm đau vẫn là cần thiết cho nhiều người. Nhưng khi số người chết vì lạm dụng thuốc giảm đau đã vượt quá số người chết vì tai nạn giao thông, vấn đề đã đủ nghiêm trọng để xét tìm nguyên nhân cùng giải pháp.
Những người nói trên có chung giới tính là phụ nữ, và theo báo cáo của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh), từ 2007, ở Mỹ, khả năng phụ nữ chết vì lạm dụng thuốc giảm đau đã cao hơn khả năng chết vì tai nạn giao thông. Tỷ lệ chết vì lạm dụng thuốc trong phụ nữ tăng 400% trong khoảng 1999-2010. Chỉ riêng 2010 đã có hơn 6,600 phụ nữ chết vì lạm dụng thuốc giảm đau, hoặc 18 người mỗi ngày. Ngoài ra, cứ mỗi người phụ nữ chết thì có 30 người khác phải vào bệnh cấp cứu vì cùng lý do.
Tỷ lệ lạm dụng thuốc giảm đau của nam giới cũng tăng đáng kể (265%) trong khoảng 1999-2010, và một trong những nguyên nhân của cả hai tỷ lệ là mức tăng của toa thuốc giảm đau trong cùng thời kỳ. Đầu năm nay, FDA (Điều hành Thực phẩm và Thuốc men) đã ra luật lệ mới gắt gao hơn trong việc cho toa thuốc giảm đau: chỉ cho toa một tháng, bệnh nhân muốn có toa mới phải gặp bác sĩ, không thể lấy toa qua phôn hay điện thư…
Tuy rằng luật mới có thể gây phiền phức cho những người thực sự cần thuốc giảm đau cho những lý do sức khỏe, và tuy rằng 2/3 số người lạm dụng đã bắt đầu dùng thuốc giảm đau như ma túy chứ không phải vì lý do sức khỏe và thuốc họ dùng không phải là từ toa của chính họ, siết chặt kiểm soát việc cho toa sẽ giảm lượng thuốc vào tay người tiêu dùng, giảm số thuốc giảm đau dư không còn cần thiết và theo đó khả năng những thuốc này lọt vào tay người muốn dùng nó như chất kích thích ảo giác.
Ngoài ra, báo cáo của CDC cũng nhấn mạnh đến nguy cơ lạm dụng đang tăng nhanh trong nữ giới và nhắc nhở các bác sĩ rằng cần theo dõi bệnh nhân nữ sâu sát hơn để kịp thời pháp hiện những vấn đề khác có thể dẫn đến lạm dụng thuốc giảm đau như bệnh tâm thần, hoặc những người tìm thêm thuốc giảm đau từ những nguồn khác.
Kiểm soát việc cho toa gắt gao hơn có thể góp phần giảm số 2/3 phụ nữ dùng thuốc giảm đau làm chất kích thích, tuy dĩ nhiên những người này vẫn có thể mua thuốc bán lậu. Trong thị trường chính thức và hợp pháp, nếu những loại thuốc giảm đau có tính ma túy vẫn được dùng, số 25% người lạm dụng thuốc do dùng lâu thành nghiện có thể vẫn tăng. Riêng với phụ nữ, họ có những điều kiện dễ gây lạm dụng: phụ nữ dễ có đau nhức kinh niên kể cả nhức đầu, dùng thuốc giảm đau liều cao hơn, và dùng trong thời gian lâu hơn nam giới; phụ nữ dễ nghiện thuốc hơn nam giới; phụ nữ cũng hay viếng nhiều bác sĩ cùng lúc và như thế có nhiều toa thuốc giảm đau cùng lúc. Một lý do quan trọng khiến việc quan tâm đến lạm dụng thuốc trong nữ giới là khả năng phụ nữ lạm dụng thuốc mang thai và sinh ra những đứa trẻ nghiện thuốc giảm đau từ trong bụng mẹ.
Giải quyết và phòng ngừa nạn lạm dụng thuốc giảm đau có chất gây nghiền triệt để nhất là cấm hẳn những loại thuốc ấy. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể khi y khoa đã tìm ra một loại thuốc giảm đau mới không dựa trên những chất gây nghiền. Cho đến khi ấy, những loại thuốc này vẫn còn cần thiết để giảm đau đớn cho bệnh nhân. Cho dù là thế, có thể cấm những chất dễ nghiền nhất, chẳng hạn như nhiều nước châu Âu (Đức, Bỉ, Thụy Điển, Anh …) đã cấm thuốc có chất hydrocodone.
Mặt khác, cũng cần nhìn đến nguyên nhân và cách giải quyết vấn đề tại sao phụ nữ Mỹ, và dân Mỹ nói chung, tìm đến thuốc giảm đau nhiều hơn. Những chứng đau nhức đã trở thành thông thường hơn, hay áp lực của cuộc sống khiến người ta muốn một câu trả lời nhanh chóng và dễ dãi qua những viên thuốc? Trong một cuộc phỏng vấn, một phụ nữ cho biết bà đã dần tăng lượng thuốc giảm đau phải có toa và không cần có toa đến hơn 30 viên mỗi ngày chỉ trong một thời gian ngắn. Rõ ràng lạm dụng thuốc giảm đau có những nguyên nhân tâm lý sâu xa hơn sự quen/nghiền thuốc. Tìm ra nguyên nhân ấy có thể mang đến câu trả lời hiệu quả nhất trong việc giải quyết và phòng ngừa vấn nạn đang thành mức bệnh dịch này.
Nguyễn Phương