Trên danh sách liệt kê những cách thức trong đó thiền định dường như có lợi cho não, việc điều trị chứng trầm cảm có thể là cách thức mới nhất vừa được khoa học ủng hộ. Một cuộc xem xét nghiên cứu mới, được công bố hôm thứ Hai 6/1 trên tạp chí của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ Mỹ - The Journal of The American Medical Association (JAMA) Internal Medicine - đã tìm thấy rằng thiền định chánh niệm có thể cạnh tranh với các loại thuốc chống trầm cảm, trong việc làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Cuộc xem xét lại này là đáng chú ý vì lý do sau đây: Các chuyên gia đã rà soát lại hàng ngàn cuộc nghiên cứu trước đây về thiền định, đi đến một số lượng nhỏ những cuộc thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên (được xem là tiêu chuẩn vàng trong khoa học) để sử dụng trong cuộc phân tích. Thiền chánh niệm không thể chữa được mọi chứng bệnh, theo cuộc nghiên cứu tìm thấy, nhưng khi nói đến việc điều trị trầm cảm, lo âu, và đau nhức, việc hành thiền có thể cũng công hiệu như thuốc thang vậy.
Tại Hoa Kỳ ngày nay, thiền đã được phổ biến rộng rãi, được thực hành trong các công ty lớn, trường học, cộng đồng như một phương pháp tạp thể dục cho tâm trí được thư giãn, bớt căng thẳng, lo lắng, hồi hộp.
Cuộc nghiên cứu được cầm đầu bởi ông Madhav Goyal, MD, MPH, của trường y khoa Johns Hopkins. Nhóm chuyên gia coi lại gần 18,000 cuộc nghiên cứu trước đó. Cuối cùng họ tìm đến 47 cuộc thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, cộng chung lại được chỉ định cho hơn 3,500 người tham gia tập thiền (chánh niệm hoặc tụng niệm), hoặc ghi danh tham gia vào một cách điều trị khác, chẳng hạn như tập thể dục. Một số người định nghĩa chánh niệm là chú ý đến những tiến trình bên trong của một người (những tư tưởng và / hoặc những cảm giác cơ thể), theo một cách thức khách quan, không phán đoán.
Bác sĩ Goyal nói, “Nhiều người có ý tưởng này là thiền định có nghĩa là ngồi xuống và không làm gì cả. Nhưng nghĩ như vậy là không đúng. Thiền là một hoạt động tích cực tập luyện của tâm trí để nâng cao ý thức, và các chương trình thiền định khác nhau tiếp cận với việc này theo những cách thức khác nhau.”
Không có bằng chứng cho thấy thiền có hiệu quả đối với các trạng thái khác, như sự chú ý, tâm trạng lạc quan, sử dụng chất kích thích, thói quen ăn uống, giấc ngủ và trọng lượng cơ thể. Thiền theo tụng niệm dường như không đem lại cùng một tác dụng tương tự như thiền chánh niệm, nhưng có thể một phần là vì có quá ít nghiên cứu về thiền tụng niệm, để rút ra những kết luận thực sự.
Nhưng các kết quả đều gây ấn tượng mạnh hơn, khi bạn ghi nhớ rằng mức độ ảnh hưởng trung bình của thuốc chống trầm cảm, tức là phương pháp người ta thường sử dụng ở Mỹ, cũng là 0.3. Vì vậy, khi đề cập đến việc điều trị trầm cảm, vốn là việc có một tỷ lệ điều trị thành công thường rất thấp, thì mức độ công hiệu cho thiền định trong cuộc nghiên cứu này thực sự khá tốt đẹp.
Cuộc nghiên cứu của ông Madhav Goyal cũng cho thấy thiền không gây ra một hậu quả tai hại nào đối với người thực hành.
Theo báo Viễn Đông