Đến bây giờ thì hầu như ai cũng biết những lợi ích của việc cho con bú sữa mẹ. Đây là kết quả và thành công của những chiến dịch cổ động việc cho con bú sữa mẹ do nhiều người lưu tâm đề xuất và theo đuổi từ nhiều thập niên qua.
Sữa mẹ chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng theo tỷ lệ cân bằng cho em bé. Sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn sữa bình, và các kháng thể trong sữa mẹ tăng cường hệ thống miễn dịch của bé. Cho con bú còn có thể giúp bà mẹ giảm cân nhanh sau khi sinh con. Tuy nhiên, việc cho con bú có thể có nhiều khó khăn. Đọc về cho con bú là một chuyện. Thực hành là một chuyện khác. Lần đầu tiên cho con bú - tốt hơn là trong vòng một giờ đầu sau khi sinh – bà mẹ nên yêu cầu được giúp đỡ. Các y tá khu hộ sinh hoặc một nhà chuyên môn về việc cho bú mẹ của bệnh viện có thể giúp các bà mẹ, bắt đầu bằng chỉ dẫn những tư thế khi cho con bú và cách giúp em bé “nắm” được núm vú một cách chính xác. Bác sĩ của bà mẹ hoặc của em bé cũng có thể cho những lời khuyên về việc cho con bú.
Sau đây là những lời khuyên để giúp bạn cho con bú tốt.
Những điều đại cương cần biết
-Bắt đầu bằng cách ngồi thật thoải mái, kê nhiều gối nếu cần. Sau đó nâng em bé sát vào ngực, không cúi xuống hoặc chồm tới để đưa vú tới em bé. Giữ đầu của em bé bằng một cánh tay và giữ vú của bạn bằng tay kia. Chạm nhẹ đầu vú vào môi dưới của bé sẽ làm miệng bé mở rộng, và em bé sẽ “ngoạm” trọn núm vú và phần sậm mầu chung quanh. Trọn núm vú sẽ nằm sâu trong miệng của bé, và lưỡi của em bé sẽ khum dưới núm vú để giúp bé nút dễ dàng. Nhìn và lắng nghe để nhận ra nhịp điệu nút và nuốt sữa của em bé chứng tỏ bé đang bú tốt. Nếu muốn lấy vú ra, có thể làm em ngừng bú bằng cách chèn ngón tay góc miệng của bé.
-Trong vài tuần đầu tiên, hầu hết các trẻ sơ sinh bú mỗi 2-3 giờ. Theo dõi các dấu hiệu chứng tỏ bé đang đói như khuấy động, bồn chồn, cử động miệng như đang nút.
Để bé bú một bên vú cho lâu, đến khi vú trở nên mềm mại, thường vào khoảng 20 phút, rồi thử cho bé ợ. Sau đó, cho bú vú bên kia. Nếu vẫn còn đói, bé sẽ bám vào. Nếu không, chỉ cần bắt đầu bằng vú bên kia vào lần bú sau. Nếu em bé chỉ thích bú một bên vú trong vài tuần đầu tiên, nên bơm vú kia để bớt căng và giúp bảo vệ nguồn sữa.
-Một số em bé luôn thích nút một cái gì đó. Lúc này có thể dùng núm vú giả - nhưng coi chừng, cho bé nút núm vú giả quá sớm có thể làm bé “chê” vú thật. Viện Hàn Lâm Nhi Khoa khuyên nên chỉ cho núm vú giả sau khi em bé đã quen thuộc với việc bú mẹ, thường là 3-4 tuần sau khi sinh. Tránh núm vú giả ngay sau khi sinh có thể giúp bảo vệ nguồn sữa cũng làm em bé tăng cân tốt.
-Sau mỗi lần cho ăn, có thể để cho sữa khô tự nhiên trên núm vú. Sữa làm dịu núm vú của bạn. Nếu đang vội đi, nhẹ nhàng thấm khô núm vú. Nếu vú chảy sữa giữa những cữ bú, có thể dùng miếng đệm áo ngực và thay thường xuyên. Khi tắm, không nên hay chỉ dùng rất ít xà bông, dầu gội đầu và chất tẩy rửa khác gần núm vú. Nếu núm vú khô hoặc nứt, có thể dùng purified lanolin (như Lansinoh hoặc Tender Care Lanolin) hoặc hydrogen dressing (như Curasol hoặc Gentell ) sau mỗi lần cho bú. Các sản phẩm này mua không cần toa, có thể làm dịu núm vú bị nứt, cũng như giúp núm vú giữ được độ ẩm.
Khi cho con bú, bà mẹ không thể đo lường lượng sữa bé uống mỗi lần bú, nhưng những cách dưới đây sẽ giúp bà mẹ biết chắc rằng em bé nhận được đủ sữa.
Những chuyện căn bản
Khi đang cho con bú, hãy tự hỏi những câu sau:
oEm bé có tăng cân không? Tăng cân đều đều là dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy em bé bú đủ. Hầu hết các trẻ sơ sinh đều giảm cân chút ít ngay sau khi sinh nhưng thường lên cân lại dễ dàng trong vòng một đến hai tuần. Em bé thường được cân mỗi lần đi khám tổng quát. Nếu cảm thấy lo lắng về trọng lượng của bé, bà mẹ nên lấy hẹn cho bé đi cân.
oBao lâu em bé mới cần bú một lần? Hầu hết trẻ sơ sinh bú tám đến 12 lần trong một ngày, khoảng mỗi hai đến ba giờ. Trong thời kỳ tăng trưởng nhanh, em bé có thể bú nhiều hơn mỗi lần ăn hoặc muốn bú thường xuyên hơn. Cơ thể của bà mẹ thường có khả năng đáp ứng với nhu cầu tăng lên của bé. Bé càng bú nhiều lần thì vú mẹ vàng sản xuất nhiều hơn. Khi lớn hơn, em bé sẽ bú nhiều và nhanh hơn mỗi lần ăn.
• Em bé có nuốt không? Nếu nhìn hoặc nghe một cách cẩn thận, bà mẹ có thể biết được khi nào em bé nuốt - thường là sau vài nút liên tiếp. Nếu em bé nuốt rất nhẹ, bà mẹ có thể chỉ nhận thấy một tạm dừng trong hơi thở của em bé.
oNhững cảm giác ở vú khi cho con bú. Khi em bé “nắm” trọn được núm vú, bà mẹ sẽ cảm thấy một sức kéo nhẹ nhàng ở vú mà không phải là cảm giác núm vú bị kẹp hoặc cắn. Trước khi cho em bé bú, bà mẹ sẽ cảm thấy vú bị cứng và đầy, sau khi cho bú xong thì bà sẽ thấy vú nhẹ và rỗng hơn. Nếu bị đau khi cho con bú, nên hỏi bác sĩ của bé hoặc một người chuyên môn về việc cho con bú để được giúp đỡ .
oTã của bé. Trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh, số tã ướt thường tăng lên mỗi ngày. Đến ngày thứ năm sau khi sinh, em bé thường ướt ít nhất sáu tã một ngày và ba hoặc nhiều hơn lần đi tiêu. Phân sẽ có màu đậm và dính khoảng hai ngày đầu nhưng sau đó trở thành có hạt, hơi lỏng và màu vàng hơi đậm.
oEm bé trông có khỏe mạnh không? Một em bé có vẻ hài lòng sau khi ăn và tỉnh táo, hoạt động vào những lúc khác, là một em bé bú đủ.
-Sự lựa chọn lối sống cũng quan trọng khi đang cho con bú giống như khi mang thai. Ví dụ :
• Ăn uống lành mạnh. Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc sử dụng nguyên hạt (whole grains). Có thể uống thêm vitamin tổng hợp hàng ngày - hoặc tiếp tục dùng vitamin trước khi sinh (prenatal vitamins).
• Uống nhiều chất lỏng như nước, nước trái cây và sữa. Chỉ nên uống caffeine vừa phải, và nên ngưng nếu chất này làm bạn khó chịu hoặc làm em bé khó ngủ. Nếu uống rượu, tránh cho con bú trong hai giờ sau đó.
• Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt . Nếu có thể, nên ngủ khi bé ngủ .
• Không hút thuốc. Hút thuốc có thể làm giảm lượng sữa cũng như thay đổi mùi vị của sữa và gây trở ngại cho giấc ngủ của bé. Khói thuốc cũng là một mối quan tâm vì khói thuốc lá làm tăng nguy cơ “hội chứng chết bất thình lình” của trẻ sơ sinh (SIDS), cũng như bệnh hen suyễn ở trẻ em, viêm phế quản, viêm phổi và nhiễm trùng tai giữa.
• Hãy thận trọng với thuốc. Đa số các loại thuốc đều an toàn nhưng có một số thuốc không tốt cho em bé khi bạn đang cho con bú. Tốt nhất nên hỏi kỹ bác sĩ trước khi uống thuốc.
-Nên hỏi bác sĩ của em bé về vitamin D cho bé, đặc biệt là nếu đang cho em bú sữa mẹ không mà thôi. Sữa mẹ có thể không cung cấp đủ chất vitamin D, là chất giúp bé hấp thụ calcium và phosphorus - chất dinh dưỡng cần thiết giúp xương chắc khỏe.
-Nếu cho con bú quá khó khăn đối với bạn hơn là mong đợi, cố gắng không nản chí. Cho bé bú mỗi vài giờ là rất mệt, nên nếu bạn có một khởi đầu chậm chạp thì cũng OK thôi . Chỉ cần nhớ rằng càng cho bé bú nhiều thì sữa càng ra nhiều và việc cho con bú càng trở thành quen thuộc và tự nhiên hơn.
-Nếu gặp khó khăn, hãy hỏi một chuyên gia về việc cho con bú hoặc bác sĩ của em bé để được giúp đỡ - đặc biệt là thường xuyên bị đau đớn hoặc bé không tăng cân. Núm vú có thể hơi đau trong vài tuần đầu tiên nhưng cho con bú thường không làm đau nhiều quá. Nếu chưa từng làm việc với một chuyên gia về việc cho con bú, nên hỏi bác sĩ của em bé để được giới thiệu đến người chuyên môn, hoặc có thể hỏi ở khu sản khoa tại một bệnh viện địa phương.
Thuốc men khi đang cho con bú mẹ
Nếu đang cho con bú , người mẹ biết mình đang đem lại cho bé một khởi đầu tốt. Tuy nhiên, nếu cần phải dùng thuốc trong khi đang cho con bú, bạn có thể thắc mắc về những tác dụng của thuốc ảnh hưởng lên sữa mẹ. Dưới đây là những gì bạn cần biết về các loại thuốc và việc cho con bú.
-Có phải tất cả các loại thuốc đều vào sữa mẹ? Hầu như bất kỳ loại thuốc nào có trong máu của bạn cũng sẽ vào sữa mẹ đến một mức độ nào đó, mặc dù thường là khá thấp. Nhưng có những ngoại lệ, là trường hợp một vài loại thuốc có thể tập trung nhiều trong sữa mẹ. Do đó, mỗi loại thuốc phải được xem xét một cách riêng biệt.
-Tác dụng của thuốc men có trong sữa mẹ lên các em bé có tùy thuộc vào sức khỏe và tuổi của chúng? Có. Các em bé sinh thiếu tháng, trẻ sơ sinh và các em sức khỏe bấp bệnh hoặc suy thận bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các em bé khỏe mạnh từ 6 tháng trở lên thì ít bị ảnh hưởng.
-Tôi có nên ngưng cho con bú trong khi dùng thuốc? Đa số các thuốc đều an toàn cho đứa bé khi bà mẹ cho con bú. Ngoài ra, lợi ích của việc tiếp tục dùng thuốc để chữa một bệnh kinh niên trong khi cho con bú thường quan trọng hơn là nguy cơ rủi ro có thể xẩy ra do tác dụng của thuốc.
Tuy nhiên, vẫn có một số thuốc không an toàn trong khi cho con bú.Nếu bà mẹ đang uống một thứ thuốc có hại cho em bé, bác sĩ có thể đổi thành một thứ thuốc thay thế an toàn hơn. Nếu không thể, bác sĩ có thể khuyên bà mẹ ngừng cho con bú tạm thời hoặc vĩnh viễn - tùy thuộc vào bao lâu bà mẹ cần phải uống thuốc.
Nếu bà mẹ phải tạm thời cho con ngưng bú, nên dùng một máy bơm vú để nguồn sữa khỏi bị gián đoạn cho đến khi có thể cho con bú lại. Chỉ cần bỏ đi phần sữa đã được bơm ra khi bà mẹ đang dùng thuốc.
Nếu bà mẹ cần phải ngưng hẳn việc cho con bú – trường hợp này không thường xảy ra – nên hỏi bác sĩ về loại sữa bình nào thích hợp cho em bé.
Vài điều về việc bơm sữa
Việc cho con bú hợp với lẽ “cung và cầu”. Càng cho bé bú nhiều - hoặc bơm sữa ra khi không cho bú được – thì vú mẹ sẽ sản xuất càng nhiều sữa. Sau đây là bảy lời khuyên để bơm sữa được thành công .
1.Thư giãn
Stress có thể cản trở khả năng tự nhiên của cơ thể để làm ra sữa mẹ. Muốn bơm sữa nên tìm một nơi yên tĩnh. Nên xoa bóp vú hoặc đắp ấm trước khi bơm. Bà mẹ cũng có thể nghĩ về em bé, nhìn vào một tấm ảnh của em, hoặc nghe nhạc thư giãn .
2.Bơm thường xuyên
Càng bơm nhiều thì càng có nhiều sữa – nhất là khi sử dụng một máy bơm tốt. Nếu làm việc toàn thời gian, nên cố gắng bơm vú trong 15 phút cách mỗi vài trong những ngày làm việc. Nếu có thể, bơm cả hai vú cùng một lúc. Dùng một máy bơm vú đôi sẽ giúp kích thích việc sản xuất sữa và giúp giảm thời gian bơm một nửa.
3.Khi ở bên em bé, nên cho bé bú sữa mẹ theo nhu cầu
Càng cho bé bú nhiều thì vú càng có nhiều sữa khi bà mẹ muốn bơm. Nên thử cho bú thường xuyên vào buổi tối, sáng sớm hoặc cuối tuần. Nên nói với người chăm sóc bé tránh cho bé bú trong giờ cuối cùng, để bạn có thể cho bé bú ngay khi về đến nhà.
BS Nguyễn Thị Nhuận