Kính chào bác sĩ,Thưa bác sĩ, tôi năm nay 78 tuổi, hiện cư ngụ tại thành phố Arlington, xin có vài câu hỏi nhờ bác sĩ chỉ dẫn giùm:
1) Ngày 28/3/2013, tôi phải chở cứu cấp vô nhà thương, ở đây người ta tìm ra là tôi bị pneumonia. Sau khi nằm 9 ngày thì được xuất viện, nhưng sức khỏe của tôi vẫn còn rất yếu, họ nói là phải mất nhiều tháng sức khỏe mới trở lại như cũ. Liệu sau này tôi có bị tái phát không?
2) Tôi có nhận được email nói là mỗi buổi tối nên uống một viên ASPIRINE 81mg để tránh việc bị tai biến mạch máu não, như vậy có đúng không?
Xin bác sĩ vui lòng chỉ dẫn cho.
Xin trân trọng cám ơn bác sĩ, kính chúc bác sĩ và bửu quyến được vạn sự như ý muốn.
Nguyên Đặng
Trả lời:Kính chào Đặng tiên sinh,
Chúng tôi xin phúc đáp mấy thắc mắc của tiên sinh.
1- Pneumonia là bệnh Viêm phổi
Bệnh do các loại vi khuần, virus hoặc nấm xâm nhập cơ thể, nhất là ở những người mà sức đề kháng đã suy yếu, như quý vị cao niên hoặc đang mắc những bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch.
Dấu hiệu triệu chứng của bệnh thường gồm nóng sốt, ho, hụt hơi thở, đổ mồ hôi, đôi khi run lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi.
Với người khỏe mạnh và được điều trị đúng cách với thuốc kháng sinh, bệnh thường qua khỏi mà không gây biến chứng gì. Tuy nhiên, khi cơ thể vốn suy yếu mà không chữa tới nơi tới chốn, bệnh nhân có thể bị hậu quả trầm trọng, như vi khuẩn xâm nhập máu, viêm nhiễm màng phổi… có thể đưa tới tử vong.
Chẩn đoán bệnh dựa trên việc bác sĩ khám hỏi bệnh rồi làm các xét nghiệm như thử máu tìm tác nhân gây bệnh, chụp hình X-quang phổi, thử đàm tìm máu và vi khuẩn.
Điều trị tùy theo tình trạng bệnh và tình trạng sức khỏe, tuổi tác, nguyên nhân gây bệnh.
Nếu bệnh do vi khuẩn thì dùng kháng sinh. Có nhiều loại kháng sinh khác nhau, nếu một loại không giải quyết được vấn đề thì bác sĩ cho loại khác.
Với virus thì có một vài loại thuốc chuyên trị virus chứ kháng sinh không có công hiệu.
Ngoài ra, cũng uống thuốc giảm nhiệt độ, thuốc ho. Tuy nhiên, trước khi uống thuốc ho, nên hỏi ý kiến bác sĩ, vì ho cũng là cách để loại bỏ chất nhờn từ đường hô hấp ra khỏi cơ thể.
Nếu nóng sốt nhiều, quá suy nhược, ho liên tục thì cần được điều trị tại bệnh viện, đặc biệt là với quý vị cao tuổi và các cháu bé.
Bệnh nhân cũng cần tự chăm sóc để mau phục hồi, như: nghỉ ngơi đầy đủ thoải mái; nghỉ ở nhà cho tới khi khỏe hẳn hết sốt mới đi làm, đi học; uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và giữ hẹn tái khám. Nhớ uống nhiều nước để làm lỏng đàm nhớt dễ loại ra khỏi cơ thể.
Phòng ngừa bệnh cũng cần thiết.
Vì bệnh cúm có thể đưa tới viêm phổi, cho nên hằng năm cần chích ngừa cúm vào tháng 9, tháng 10.
Với viêm phổi gây ra do loại vi khuẩn Pneumococcus thì các bác sĩ khuyên chích một lần bảo vệ suốt đời cho những ai trên 65 tuổi hoặc người hút thuốc lá, có bệnh tim mạch, suy tính miễn dịch.
Trẻ em cũng cần chích ngừa với loại vaccin khác với vaccine người lớn, cho nên các bà mẹ nên hỏi bác sĩ gia đình.
Viêm phổi cũng lây lan sang người khác. Khi người bệnh ho, tác nhân gây bệnh bắn ra lẫn trong không khí. Người khác hít phải là tác nhân gây bệnh vào mũi rồi xuống phổi. Bệnh cũng lây lan khi cầm đồ dùng của người bệnh rồi đưa tay lên mũi.
Trở lại với câu hỏi của ông là liệu bệnh có tái phát không, thì xin thưa rằng ông có thể bị bệnh trở lại nếu ông không chích ngừa và ông hít phải tác nhân gây bệnh. Chúng tôi đề nghị ông nên đến bác sĩ gia đình để hỏi về chuyện chích ngừa này.
2- Nhận được email nói uống aspirin để tránh tai biến não
Xin đề nghị với ông hỏi ý kiến bác sĩ gia đình trước khi dùng thuốc này, vì chỉ có vị này mới đủ thẩm quyền quyết định việc dùng thuốc cho ông, chứ không phải email.
Mỗi bệnh nhân có sức khỏe và bệnh tật khác nhau. Thuốc do người này dùng không thể chia sẻ cho người khác vì mỗi người có tình trạng bệnh khác nhau.
Viên aspirin có khả năng giảm rủi ro tai biến não, nhưng không phải cho bất cứ ai. Và ngay trong y giới, hướng dẫn về dùng aspirin để tránh rủi ro bị stroke và heart attack cũng không giống nhau, và các hướng dẫn chỉ định cũng luôn luôn thay đổi.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức