Thính giả Nguyễn Anh Kim, hiện cư ngụ tại thành phố Syracuse, New York, có câu hỏi như sau:
"Kính thưa Bác sĩ,
Tôi tên Nguyễn Anh Kim, 65 tuổi, hiện cư ngụ tại Thành phố Syracuse, bang New York.
Cách nay hai năm tôi bị bệnh giời leo (shingles). Sau khi khỏi bệnh, tôi bị chứng giựt khắp mình mảy, nhiều nhất ở sau lưng.
Xin hỏi Bác sĩ, đó có phải là di chứng thần kinh do bệnh Shingles gây ra không? Muốn hết những cơn giựt này phải làm sao?
Xin Bác sĩ giải đáp cho. Xin thành thật cám ơn.
Kính thư."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải đáp:
Tải để nghe hỏi đáp Y học: Bệnh 'giời ăn' và Hội chứng rung cơ cục bộ lànhBệnh “giời ăn’ và Hội chứng rung cơ cục bộ lành (Herpes zoster and Benign Fasciculation Syndrome (BFS))Bệnh giời ăn (zona, shingles, herpes zoster) do siêu vi herpes bệnh trái rạ (thuỷ đậu) gây ra (varicella zoster virus). Sau khi bệnh trái rạ lành rồi, các virus vẫn tiềm ẩn trong hệ thần kinh người bệnh, dù người đó không có triệu chứng gì cả. Trong một số trường hợp như bị stress, đề kháng cơ thể yếu, virus trái rạ "thức dậy' và sinh ra những mụt nước tụ tập trong một vùng bên phải hoặc bên trái cơ thể, và giới hạn trong "lãnh thổ" của một hai sợi rễ thần kinh xuất phát từ tuỷ xương sống. Ví dụ zona vùng ngực, ngang vú do virus xâm nhập các dây thần kinh tử đốt ngực T3-T4-T5. Vùng bộ phận sinh dục thì S 2-3 (sacral,do sacrum= xương thiêng).
Sau khi bị chứng “giời ăn”, lúc các mụt nước ngoài da đang lành hẳn, dây thần kinh cảm giác dermatome đó vẫn còn có thể bị hư hại, biến đổi, gởi về não bộ những tín hiệu đau đớn gây ra chứng đau thần kinh sau zona (post herpetic neuralgia), có thể kéo dài rất lâu, có khi suốt đời. Người bị zona dưới 60 tuổi, chỉ 10% bị đau hậu zona, người trên 60 tuổi đến 40% bị đau hậu zona.Thuốc chữa gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật (như gabapentin), thuốc tê như xylocain, capsaicin.
Theo như tôi biết thì zona không gây ra những chứng giật khắp mình mẩy như mô tả trong thư của thính giả. Tôi không phải là bác sĩ điều trị cho bệnh nhân, nên tôi xin trước hết khẳng định là tôi không có ý định định bệnh và chữa trị ở đây. Những nhận xét sau đây chỉ có tính cách thông tin mà thôi.
Một số người bị rung, giật các nhóm sợi cơ, thường là ở hai chân, hai tay, mặt và cổ.Từ tiếng Anh là fasciculation. Đề ý là những nơi rung, giật này không giới hạn vào một vùng lãnh thổ rễ thần kinh (dermatomic area) như trong chứng đau sau zona. Sức lực các cơ không thuyên giảm (no muscular weakness) và một khi bệnh nhân vận động bắp cơ đó có chủ ý (voluntary movement) thì cơ ngưng rung giật.
Thường bệnh nhân có những triệu chứng đi kèm như những triệu chứng tâm thần cơ thể ("tâm thể", nguyên nhân tâm lý thần kinh, nhưng thể hiện bằng những triệu chứng thể chất/ psychosomatic symptoms) như nhức đầu, đau nửa đầu, đau bụng cơ năng, ruột già dễ khó chịu, hay đau bụng dưới, sình bụng và mắc cầu (IBS, Irritable Bowel Syndrome), mất ngủ). Bệnh nhân cũng bị stress, và thường dùng nhiều chất kích thích caffeine như cà phê, chocolate. Các triệu chứng khác; mệt mỏi (fatigue), đau nhức bắp thịt, cảm giác nghẹn đàm trong họng, mau mệt lúc vận động thể thao, lo lắng (anxiety).
Bác sĩ thần kinh có thể xác nhận là bệnh rung cơ lành tính (BFS) sau khi loại bỏ khả năng những bệnh khác có thể làm rung cơ do viêm thần kinh, trong đó có những bệnh có thể nặng, làm liệt như bệnh teo cơ ALS (amyotrophic lateral sclerosis).
Thường thì trong BFS sức lực các cơ không thuyên giảm và EMG (cơ điện đồ, electromyogram) bình thường, hay chỉ cho thấy fasciculation. Tuy nhiên bác sĩ cần theo dõi bệnh nhân khá lâu để biết chắc bệnh rung giật cơ thật sự lành tính (benign) hay không.
Chữa trị BFS gồm giảm stress bằng cách tập thể dục, thư giãn, ngồi thiền, và tránh các thức ăn uống có caffeine. Nếu là người mê làm việc quá độ thì cần giảm việc làm, nghỉ ngơi nhiều hơn. Một số thuốc men giúp thư giản như thuốc beta blocker có thể giúp ích ít nhiều. Đa số dự hậu tốt, nhất là nếu bệnh nhân giải quyết được bệnh lo âu của mình và tập nếp sống thoải mái hơn.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền