Thính giả Nguyễn Tuấn Kiệt e-mail đến câu hỏi như sau:
“Kính thưa bác sĩ,
Cháu tên Nguyễn Tuấn Kiệt ở Khánh Hòa, Việt Nam.
Cháu có một bé gái sinh ngày 02/08/2012, đến nay khoảng 14 tháng tuổi. Cháu bé nặng khoảng 10,5 kg. Cháu bé phát triển bình thường về trí tuệ và thể chất nhưng hai vai của cháu bé không cân bằng, bên vai trái của cháu bé thấp hơn vai phải khi bé đứng thẳng, và tay trái của bé không giơ lên đầu thẳng như tay phải được.
Bé sinh tại bệnh viện phụ sản nhi Bình Dương. Lúc mới sinh bé nặng 3,6kg.
Trong quá trình mang thai, mẹ bé có đi khám thai và theo dõi thai kỳ hoàn toàn bình thường, nhưng khi sinh ra bé bị gãy xương đòn trái. Bệnh viện cho biết là vai bé lớn nên khi sinh bị gãy xương đòn và bị liệt đám rối thần kinh tay trái. Sau 12 ngày tuổi, gia đình có đưa bé đi khám ở bệnh viện Nhi Ðồng 1. Trong quá trình khám và tập vật lý trị liệu, tay bé dần hồi phục và cử động được, đến nay tay bé cầm nắm được khoảng 80%.
Cháu có câu hỏi thế này:
Hiện tại vai của bé bên trái thấp hơn vai bên phải và khi giơ lên đầu tay trái không thẳng như tay phải được, về vấn đề thẩm mỹ, cháu bé có cần phẫu thuật vai hay không? Bé bị như vậy có phẫu thuật chỉnh hình được hay không? Và nếu được, thì giai đoạn lứa tuổi nào làm phẫu thuật là tốt nhất? Phẫu thuật như vậy có ảnh hưởng đến tính mạng không? Ngoài phương pháp phẫu thuật ra, kính thưa bác sĩ, còn có cách nào giúp cho vai cháu bé bình thường như mọi người không ?
Cháu rất mong sự hồi âm của bác sĩ và chương trình Hỏi đáp Y học của đài VOA."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải đáp:
Tải để nghe hỏi đáp Y học: Gãy xương đòn trái khi mới sinhMột số trẻ sơ sinh lúc sinh ra bị khó khăn (shoulder dystocia) vì vai trước của em kẹt phía sau xương mu (pubis) của người mẹ. Đầu bé đã ra lọt khỏi cửa mình, và vai nằm phía sau đã tuột ra ngoài, đến vai phía trước còn mắc kẹt lại, bác sĩ tìm cách kéo em ra tiếp bằng cách bẻ gãy xương đòn gánh của em bé phía bên bị kẹt, đồng thời kéo đầu em xuống dưới để giúp vai trước của em tuột ra ngoài. Lúc kéo đầu và cổ em xuống và ra phía trước như vậy, những dây thần kinh nối liền tuỷ sống (spinal cord) với cánh tay liên hệ của em bị kéo giãn ra, các dây thần kinh này có thể bị hư hại ít nhiều, từ mức giãn (stretch, neuropraxia), rách (tear) một phần các sợi thần kinh đến đứt hẳn (rupture, avulsion) một số dây thần kinh. Những dây thần kinh này nằm trong bó thần kinh brachial plexus (tùng cánh tay) đi từ tuỷ xương sống ra, những rễ thần kinh từ cổ (cervical roots, C1-T1)) kết lại thành từng bó (gọi là bó thần kinh : nerve trunks), từ đó phát xuất những dây thần kinh điều khiển cử động của các cơ bắp phụ trách các nhóm cơ của vai, cánh tay, cẳng tay và bàn tay. Bệnh này gọi là brachial plexus palsy, có nghĩa là liệt và mất ít nhiều cảm giác do tổn thương tùng cánh tay. Thường xảy ra là chứng Erb-Duchenne palsy, do hai rễ thần kinh cổ thứ 5-6 (C5-6) tổn thương: vai không dang ra được, khuỷu tay không xếp vào được, và bàn tay không ngửa ra được. Cho nên, sau này, trong trường hợp nặng, cánh tay bên bệnh teo lại, nhỏ hơn, rút vào sát thân mình, duỗi thẳng và các ngón tay thì rút vào. Tư thế này được so sánh với "bàn tay người bồi phòng đang đợi nhận tiền boa (pourboire: "porter's tip hand").
Trị liệu:Thông thường nhất là vật lý trị liệu (VLTL), như trong trường hợp ở đây có vẻ có kết quả tốt:
- Giúp vận động những nhóm cơ yếu
- Giúp giữ quân bình cơ năng giữa các nhóm cơ bắp và và các khớp, trong lúc các dây thần kinh từ từ hồi phục toàn phần hoặc một phần, hoặc các vết thương dây thần kinh thành sẹo, ổn định.
Nên nhớ là VLTL chỉ giúp cho các cơ hoạt động trong khả năng mà sự phục hồi các dây thần kinh cho phép, VLTL không thể làm cho cơ vận động được nếu cơ đã mất dây thần kinh của nó.
Tập luyện trong hồ bơi (aquatic therapy, water therapy) có thể cho kết quả tốt, nước tạo nên một trở ngại nhẹ (resistance) để tập các cơ yếu gia tăng sức co của chúng.
Giải phẫu:Một số trường hợp nặng, một số bác sĩ chủ trương can thiệp giải phẫu sớm (primary surgery), nếu sau 3 -4 tháng không thấy tiến triển, nhưng phải phẫu thuật trước khi bé 6 tháng tuổi, để "giải phóng" các sợi thần kinh bị máu đọng trong bao thần kinh làm chèn ép (neurolysis); hoặc nối lại các dây thần kinh bị đứt đoạn (nerve graft); hoặc thuyên chuyển thần kinh (nerve transfer), nghĩa là lấy bớt một nhánh nhỏ của một dây thần kinh lành mạnh, đem qua ghép vào một cơ bắp bị mất dây thần kinh của nó.
Sau những năm đầu (4-10 tuổi), nếu phẫu thuật thì vì mục đich khác, là sửa chữa sự bất quân bình trong các cơ vùng vai và cánh tay, làm giảm đau đớn:
- Đem một mảnh cơ từ nơi khác đến giúp cho môt cơ bị yếu (muscle transfer),
- Đem đầu gân này chuyển qua thế đối lập để quân bình lực bên co và bên duỗi (tendon transfer)
- Cắt và xoay xương cánh tay để cánh tay có thể xoay ra phía trước thay vì ập sát vào thân mình (derotation humeral osteotomy)
- Thay đổi vị trí các xương đòn gánh và xương bả vai để vai ổn định hơn, không bị trật khớp và ở vị trí cơ năng hơn (hoạt động bình thường hơn).
Nói chung những phẫu thuật này giúp cải thiện hoạt động các cơ bắp và xương khớp, không phải chỉ có tính cách thẩm mỹ.
Botox:Một can thiệp khác không cần đến phẫu thuật là dùng độc tố botulinum (Botox, thường dùng chích giảm các vết nhăn). Botox chích vào các cơ lành mạnh để giảm sức co của chúng lại, tạo cơ hội cho các cơ đối lập bị yếu có cơ hội co lại [trong chiều trái ngược] và nhờ tập luyện qua vật lý trị liệu, các cơ yếu này có cơ hội phát triển thêm lên (ví dụ chích botox làm cho cơ co vào yếu đi, để khuyến khích cơ duỗi ra có cơ hội mạnh hơn).
Tất cả các nhận xét trên đều có tính cách thông tin.
Thính giả cần tham khảo với bác sĩ của mình.
Chúc bệnh nhân và gia đình may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền