WESTMINSTER (NV) - Chỉ còn một vài ngày nữa là “năm hết, tết đến,” phóng viên Người Việt có những cuộc tiếp xúc với các nhạc sĩ để nói chuyện về đề tài nhạc Xuân như thế nào?
Xuân về. (Hình: Dân Huỳnh/Người ViệtNhạc sĩ Ngô Thụy Miên
“Tôi có khoảng ba hay bốn ca khúc viết về mùa Xuân như Ái Xuân, Em Còn Nhớ Mùa Xuân, Nhớ Xuân, Tình Khúc Mùa Xuân, trong đó bài 'Em Còn Nhớ Mùa Xuân' là bài tôi viết năm 1975, đến năm 1978 bài hát đó được nhạc sĩ Ngọc Chánh phát hành tại hải ngoại. 'Em Còn Nhớ Mùa Xuân' là bài hát phản ảnh lại tất cả hình ảnh của quê hương chúng ta trong thập niên 70, mô tả những gì đã xảy ra trên đất nước Việt Nam, kể lại sự mất mát, đổ vỡ của tuổi trẻ thời chúng tôi... Ðó là lý do tại sao tôi chọn bài 'Em Còn Nhớ Mùa Xuân' là nhạc phẩm tiêu biểu của Ngô Thụy Miên.”
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nhắc lại kỷ niệm sau năm 1975, sau khi vợ ông đã đi nước ngoài, còn lại một mình, ông kể: “Có một hôm tôi lang thang ở Sài Gòn, tôi nhìn thấy những bản nhạc rời của tôi nằm trên vỉa hè, lúc đó người bán hàng nói với tôi là nếu không mang về những bài nhạc đó, về sau sẽ không còn cơ hội để nhìn thấy chúng nữa... Trong tâm trạng đó tôi rất đau buồn, khi trở về nhà tôi bắt đầu sáng tác bài 'Em Còn Nhớ Mùa Xuân.'”
“Mỗi khi Tết đến nhắc lại mùa Xuân cuối cùng năm 1975 tại Sài Gòn, nhắc lại tất cả những hình ảnh, kỷ niệm của tôi về Sài Gòn... Những nơi đã gặp gỡ người tình, những ngày tháng ở bên gia đình, bạn bè và hoàn cảnh quê hương lúc đó.”
Nhạc sĩ Lam Phương:
“Bây giờ mệt mỏi, bệnh tật, sức khỏe mỗi ngày một yếu đi như thế này, tôi ít khi nào nghĩ đến ngày Tết là gì...
Trong gia tài âm nhạc của tôi có khoảng bốn ca khúc viết về mùa Xuân như Chuyện Buồn Ngày Xuân, Mùa Xuân Nào Ta Về, Mùa Xuân Không Còn Nữa, Xuân Mộng.
Trong đó bài Xuân Mộng là ca khúc tôi vẫn nhớ, và thích nhất vì ca từ của bài hát rất hay, nhẹ nhàng, reo vang như tiếng pháo nổ đì đùng ngoài ngõ.”
Nhạc sĩ Trần Quảng Nam
“Lúc bạn còn trẻ dĩ nhiên khi mùa Xuân đến bạn sẽ có cảm nhận khác giống như sự háo hức, đợi chờ được thêm một tuổi nữa, để mình có thời gian thực hiện những gì mình mong ước... Còn bây giờ khi tuổi đang bắt đầu cao, tâm lý thay đổi - bạn nhìn ngày Tết cũng giống như ngày lễ, lúc đó bạn bắt đầu chú ý nhiều hơn về những tập tục của người Việt Nam mình như cúng bái, đi lễ Chùa xin lộc hay lì xì, cúng giỗ... Trong nhưng ngày Tết.”
Có bao nhiêu tác phẩm anh viết về mùa Xuân trong kho tàng âm nhạc của anh?
“Những bài hát về mùa Xuân tôi có như Ðàn Én Mùa Xuân, Mừng Tuổi Em ( 94-95), Mừng Nắng Xuân, Tình Xuân, tất cả là 4 ca khúc, hai nhạc phẩm Mừng Tuổi Em và Mừng Nắng Xuân đã từng được trình diễn nhiều lần.”
Sự khác biệt khi viết những ca khúc nhạc tình yêu và nhạc Xuân như thế nào?
“Tôi quan niệm mùa Xuân cũng giống như con người, bởi vậy khi mình viết nhạc cho mùa Xuân cũng chính là trải bày những tâm tình với một người nào đó... Trong bài Mừng Tuổi Em, tôi ví người con gái lúc lớn lên giống như mùa Xuân có hoa trái nở rộ, chính vì suy nghĩ như vậy nên mình có được nổi xúc động rạt rào, còn hai bài Mừng Nắng Xuân và Tình Xuân ra đời lúc đó mình cũng đã bắt đầu có tuổi rồi, nên nội dung các bài hát không nghiêng nhiều về tính nhân bản, tuy nhiên tôi cũng vẽ nên một bức tranh sống động...”
Nhạc sĩ Ðăng Khánh
“Nhạc của tôi hầu hết đều viết về tình yêu, tính nhân bản... Và hình như chưa có bài nào viết ca ngợi mùa Xuân cả.
"Ðối với tôi, khi mình đã bước gần vào tuổi thất thập, thì mỗi lần mùa Xuân về chỉ gợi nhớ lại kỷ niệm của những năm mình còn xách cặp đi học trường trung học tại Sài Gòn... Nhớ những ngày gần Tết, anh em chúng tôi phụ Bố để dọn dẹp, quét rửa nhà cửa cho sạch sẽ, trong khi đó Mẹ tôi lo nấu nướng để cúng kiếng theo đúng tục lễ đón Tết...
"Tôi nhớ lại mùa Xuân 1975, lúc đó tình hình chiến sự căng thẳng, chẳng ai thiết tha lo ăn Tết là gì...
"Bây giờ sang đây, đã trên ba mươi mấy năm, hầu như chưa năm nào tôi và bà xã tôi bỏ qua chuyện cúng bái, đón giao thừa, hoặc những tục lệ khác của người Việt mình trong những ngày Tết.”
Ðức Tuấn/Người Việt