Hôm qua, 14/08/20152, đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc công bố bảng xếp hạng thường niên các trường đại học trên toàn thế giới. Đối với năm 2012, nhiều trường đại học Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chiếm giữ các vị trí đầu bảng. Ngoại trừ Anh Quốc, các trường đại học của châu Âu bị xếp hạng khá thấp.
Trong số 20 vị trí đầu bảng, thì đã có tới 17 trường đại học của Mỹ. Cũng như các năm trước, « bộ tứ » đầu bảng không thay đổi là : Havard, Standford, Massachussett Institute oF Technology (MIT) và Berkeley.
Trang web phân loại các trường đại học của đại học Giao thông Thượng Hải, Trung QuốcAnh Quốc có hai trường đại học lọt vào bảng Top Ten : Cambridge vẫn giữ vị trí thứ 5 và Oxford thứ 10. Trong khi đó University College of London lại bị đẩy ra khỏi danh sách 20 trường đại học đầu bảng, xếp hạng thứ 21. Ở vị trí thứ 20 là trường đại học Tokyo.
Trường đại học châu Âu không thuộc khối anglo-saxon được xếp hạng cao nhất Trường Bách Khoa Liên bang Thụy Sĩ, thứ 23. Trong số các cơ sở của Pháp, trường đại học Paris- Sud có vị trí cao nhất, đứng thứ 37 trong bảng xếp hạng Thượng Hải.
Nếu tính theo số lượng các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng Top 500 thì Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu, có tới 150 trường. Theo sau là Trung Quốc với 42 trường, nhưng không có trường nào nằm trong số Top 100. Anh Quốc 38 cơ sở, Đức 37. Nước Pháp chỉ có 20 trường, ít hơn một so với năm ngoái.
Bảng phân loại các trường đại học trên thế giới của đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc, được công bố lần đầu tiên vào năm 2003, đã nhanh chóng trở thành một tài liệu tham khảo trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, khá nhiều quốc gia chỉ trích các tiêu chí, phương pháp của bảng phân loại Thượng Hải, như chỉ ưu tiên chú ý tới các nghành khoa học chính xác, không quan tâm đúng mức tới việc giảng dạy, tính tới số giải Nobel được trao cho các sinh viên cũ hoặc cho các nhà khoa học của các trường, số lượng giải thưởng Fields (tương đương như Nobel về Toán học), số các bài viết, công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học thuộc khối anglo-saxon như « Nature » hoặc « Science ».
Về bảng xếp hạng Thượng Hải năm 2012, bộ trưởng Pháp phụ trách Giảng dạy đại học và Nghiên cứu, bà Genevière Fioraso, nhận xét : « Điều đáng ngạc nhiên là Đức, Pháp, Ý có rất ỉt các cơ sở nằm trong số 100 hoặc 200 trường hạng đầu trong bảng phân loại này ». Theo bà, bảng xếp hạng Thượng Hải đã không quan tâm đến các môn khoa học xã hội và nhân văn, không chú ý tới chất lượng giảng dạy.
Chính vì thế, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định là cũng sẽ có bảng phân loại riêng của mình, kể từ năm 2013, để tạo thuận lợi cho việc lựa chọn các trường đại học.
Hiện vẫn có một số bảng xếp hạng khác được báo chí thường xuyên nhắc đến, ví dụ bảng phân loại của tạp chí Anh Quốc Times Higher Education, trong đó, rất nhiều trường đại học của Mỹ và Anh chiếm các vị trí hàng đầu.
Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội các trường đại học châu Âu – EUA, trong một báo cáo được công bố cách nay một năm, thì có rất ít bảng phân loại được lập ra nhằm giúp đỡ sinh viên trong việc lựa chọn trường đại học phù hợp nhất với mục tiêu của họ.
Source: RFI