Ban nhạc Pháp Daft Punk'đội mũ) nhận giải Album xuất sắc nhất (với tập nhạc Random Access Memories", trong buổi trao giải Grammy lần thứ 56 tại Los Angeles, 26 /01/2014.
Reuters/Mario AnzuoniLễ trao giải Grammy lần thứ 56 đã diễn ra tối qua 26/01/2014 tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Buổi lễ đã hứa hẹn nhiều tiết mục biểu diễn sôi động ngoạn mục cũng như nhiều giây phút hào hứng bất ngờ. Giải Grammy 2014 đánh dấu sự thành công rực rỡ của ban nhạc Pháp Daft Punk, ca sĩ Lorde người New Zealand và nhóm nhạc người Mỹ Macklemore & Ryan Lewis.
Đúng với dự đoán, ban nhạc Pháp Daft Punk đã thắng đậm với tổng cộng là 5 giải Grammy. Tuy không dẫn đầu danh sách đề cử, nhưng rốt cuộc Daft Punk đã được xướng tên ở tất cả những hạng mục mà nhóm này đi tranh giải. Trong 5 Grammy mà họ đã đoạt được có các giải quan trọng là Ghi âm hay nhất trong năm, Album xuất sắc nhất (với tập nhạc Random Access Memories), Biểu diễn xuất sắc của một ban nhạc pop (nhờ vào ca khúc Get Lucky).
Được thành lập cách đây hai thập niên (1993), nhóm Daft Punk là cánh chim đầu đàn của phong trào nhạc điện tử ‘‘French Touch’’. Sự thành công của nhóm lần này, một phần là cũng nhờ vào sự hợp tác của ca sĩ Pharrell Williams và tay đàn Nile Rodgers, người đã sáng lập ban nhạc Chic trước kia. Tại Pháp, nhạc phẩm Get Lucky là bài hát phổ biến nhát trên các làn sóng truyền hình phát thanh trong năm 2013.
Thành công rực rỡ không kém có cô ca sĩ Lorde người New Zealand. Tuy chỉ mới 17 tuổi, nhnưg Lorde đã đánh bại hầu hết các bậc đàn anh, đàn chị khi đoạt hai giải quan trọng dành cho Ca khúc hay nhất trong năm (nhạc phẩm Royals) và Biểu diễn nhạc pop solo xuất sắc nhất. Sự thành công của Lorde một phần là cũng nhờ vào cộng đồng cư dân mạng. Cách đây một năm, chẳng ai biết đến Lorde, nhưng nhờ vào sự hưởng ứng của các fan trên mạng internet mà Lorde trở thành một hiện tượng với lối diễn đạt tràn đầy sinh lực, dũng mãnh nội tâm, già dặn từng trải dù còn non tuổi đời.
Grammy 2014 còn đánh dấu ngày đăng quang của nhóm Macklemore và Ryan Lewis. Hai gương mặt này đoạt đến 4 giải trong đó có Grammy dành cho Tài năng mới, Ca khúc rap, Biểu diễn và Album nhạc rap hay nhất trong năm. Sự thành công của họ càng đáng ghi nhận vì hai nghệ sĩ này không có ký hợp đồng với bất kỳ hãng đĩa nào. Tập nhạc "The Heist" là một album tự sản xuất, tự phát hành, ăn khách trên thị trường và các mạng trực tuyến dù không hề được quảng cáo rầm rộ.
Nhạc phẩm ‘‘Same Love’’ nói về tình yêu đồng tính được Macklemore và Ryan Lewis biểu diễn trên sân khấu với sự góp mặt của Madonna qua ca khúc Open Your Heart, minh họa cho màn trao nhẫn cưới của 30 cặp đồng tính nam cũng như nữ. Tiết mục gây ấn tượng nhiều nhất năm nay vẫn là màn biểu diễn của Pink, vừa hát vừa nhào lộn đu dây. Katy Perry đầy phong cách ‘‘rock gothic’’ theo kiểu Tim Burton với hoạt cảnh "Dark Horse". Taylor Swift thả hồn vào ca khúc "All Too Well", ban đầu thì thầm rồi dần dần cuồn cuộn sóng ngầm, tuôn trào vũ bão nội tâm.
Nếu như cặp vợ chồng Beyonce và Jay Z đã khai mạc lễ trao giải với một màn biểu diễn gợi tình nóng bỏng, thì Ringo Starr và Paul McCartney đã bất ngờ xuất hiện với ca khúc Photograph, mà Ringo Starr từng sáng tác với George Harrison. Dưới khán đài thì lại có sự hiện diện của Yoko Ono, góa phụ của John Lennon. Một cách gián tiếp, ban tổ chức đã hội tụ 4 thành viên của The Beatles về cùng một nơi, để tôn vinh sự đóng góp của nhóm Tứ Quái cho làng nhạc rock.
Cũng nhân lễ trao giải, ban tổ chức đã kết hợp nhiều thể lọai âm nhạc với nhau, tạo ra dấu gạch nối giữa hai thế hệ xưa và nay. Robin Thicke biểu diễn với Chicago, tay đàn dương cầm cổ điển Lang Lang diễn chung với nhóm nhạc rock Metallica, Kendrick Lamar và Imagine Dragons hợp tấu với Stevie Wonder. Âm nhạc không phân biệt màu da, giới tính hay biên giới, chính là thông điệp đầy ý nghĩa mà ban tổ chức Grammy đã muốn gửi tới 1 tỷ khán giả trên thế giới.
Theo RFI