Trong cuộc sống, có hai việc làm đối với tha nhân xét ra cũng thực tế ngang ngửa nhau, nhưng trái ngược nhau như nước với lửa. Đó là “chia buồn” và “chúc mừng.” Thế nhưng, “chia buồn” thường được đem ra sử dụng dường như chỉ trong hai trường hợp mà người thân của mình vô phúc đụng phải: Tai nạn và quá vãng. Trong khi đó, “chúc mừng” thì... tùm lum, nghĩa là được dùng vào nhiều dịp vô số kể. Nếu căn cứ theo định nghĩa, riêng chữ “chúc” là cầu ước - dĩ nhiên phải là cầu ước những thứ tốt lành, các sự may mắn, mọi sự phúc lộc... chưa xẩy đến - thế nhưng từ “chúc” mà ghép với “mừng” thì “chúc mừng” mặc nhiên phải liên quan đến “sự cố” đã tới rồi một cách mỹ mãn. Chẳng hạn, trước ngày đứa cháu vác “lều chõng” đi thi, ông chú thân mật vỗ vai thằng cháu “chúc cháu may mắn.” Thế rồi, khoảng tháng sau, được tin đứa cháu đã “công thành danh toại,” ông chú khi gặp lại cháu, cười toe, “Chúc mừng cháu nhé!” Thí dụ khác nữa cho chắc ăn: Nhận được “hồng thiếp” của một thằng “đồng chí đồng chuột” thông báo “lên xe hoa về nhà vợ” sau nhiều năm “nằm chèo queo,” bạn bè gọi điện thoại tới; đứa thì, “Chúc mừng mày nhé! Thế là từ nay hết cơm đường cháo chợ” - đứa lại, “Chúc mừng mày đã sa hũ nếp, tha hồ mà sướng mé đìu hiu!” Đại khái vậy. Thế nhưng, trên báo chí và đài phát thanh hay truyền hình, người ta vẫn thỉnh thoảng đọc hoặc nghe thấy “chúc mừng” cả những việc còn xa lắc xa lơ trong tương lai hay chưa chắc gì sẽ diễn ra tốt đẹp, đúng theo ước nguyện. Chẳng hạn, “Tòa soạn chúc mừng quí thân chủ một năm mới An Khang và Thịnh Vượng” - hay, “Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, chúng tôi chúc mừng đất nước sớm thoát khỏi gông cùm cộng sản...”
Nhân đây, theo tục ngữ, “đã trót thì phải trét,” nghĩa là đã lỡ phát ngôn rồi thì tuôn ra luôn cho hết mặc dù có thể là “sự thật mất lòng” hoặc “biết rồi, khổ quá, nói mãi!” Ấy là trong khi xài chữ “chúc,” đôi khi một số bà con mình rất “vô tư “ trong việc tăng cường thêm chữ “cho” mà quên béng đi có sự khác biệt chút đỉnh. Theo đó, người dưới khi muốn cầu ước điều tốt đẹp cho đấng bề trên hay các vị cao niên thì mới dùng duy nhất chữ “chúc” mà thôi; ngược lại, khi các bậc tiền bối hay trưởng thượng muốn bầy tỏ niềm mong muốn cho con cháu hay cấp dưới thì mới “chúc cho.” Thí dụ cho vui nhé. Sáng sớm ngày Mồng Một Tết, con cháu tụ tập đông đủ; từng người cung kính thưa, “Con chúc Bố Mẹ sang năm mới được an khang...” hay, “Cháu chúc Ông Bà luôn được dồi dào sức khỏe và an vui tuổi già bên cạnh con cháu.” Đáp lời, “Ông bà chúc cho cháu...,” và, “Bố mẹ chúc cho con....” Ngoài ra, thiển nghĩ, hầu hết xướng ngôn viên trẻ đẹp của các đài TV, phát thanh nếu nói, “Chúng tôi chúc...” thay vì “chúc cho...” quí khán thỉnh giả một ngay Đầu Năm...” hay “một tân niên Giáp Ngọc tràn đầy hạnh phúc và vạn sự như ý...” hẳn nghe “thuận buồm xuôi gió” hơn!
Đã hơn một lần kẻ hèn này thủ thỉ với vợ về những nhận xét trong việc sử dụng chữ Việt như trên, tuy không phải “lỗi nặng” nhưng là một điểm tế nhị trong cách nói và một đặc tính phong phú của tiếng Việt... tôi liền bị bà xã vốn bản tính vừa thực tế lẫn “thẳng như ruột ngựa,”, bẻ lại, “Vớ vẩn! Ngôn ngữ chỉ là phương tiện, nói sao miễn người khác hiểu được là ô-kê salem rồi! Ai như anh cứ vẽ chuyện, “thừa giấy vẽ voi”; ai đời một chữ lại cứ đòi chẻ làm tư, làm năm!” Bị quạt lại mạnh “hết ý,” tôi có cảm giác mình vừa bị cú đá hậu khi lỡ “mó dái ngựa,” nhưng vẫn cố làm kiếp cà cuống “chết đến đít vẫn còn cay,” tiếp tục “sủa” lại, “Sai một ly đi một dậm, cưng ạ. Em nhớ không, mới đây một đài TV đã kể lại với hình chụp giấy hộ chiếu làm bằng chứng trường hợp của một phụ nữ duyên dáng, chỉ vì công nhân viên nhà nước vốn gốc gác xứ Quảng, đã phát âm sao viết vậy nên tên Thúy Hằng của sở hữu chủ thẻ thông hành vốn thật sự quá đẹp, quá hay lại trở thành một thứ tên gọi chẳng giống con giáp nào: Tý Hèn.”
E vợ vẫn chưa chịu “lép vế” trước “sự thật phũ phàng” tôi bèn nhắc lại hoàn cảnh của chính bản thân mình. Số là bố tôi, “một bồ chữ Hán” thứ thiệt chứ chẳng phải bỡn, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, đã đặt cho thằng con giai đầu lòng là tôi một cái tên vốn ấp ủ cả một giấc mộng hải hồ của ông cụ: Đào Công Trùng. Vậy mà năm 1954, khi di cư vào miền Nam, bà cụ tôi vốn “một chữ cắn đôi” nhưng lại tháo vát, xông pha chỗ này, nơi nọ, đã tình nguyện tự mình xông pha đi làm lại giấy khai sinh mới cho con. Dĩ nhiên cụ bà phát âm đúng giọng Bắc, nhưng nhân viên miền Nam đã hạ bút viết, “Đào Côn Trùng.” Chỉ vì tên đệm của tôi bị thiến mất mẫu tự “g” mà số kiếp tôi đang là một mẫu mực mang đặc tính bao la chung cho thiên hạ bắt chước, bỗng chỉ trong chớp mắt đã bị hạ bệ xuống thành một kẻ chuyên môn... đào giun và sâu bọ. Rồi cả một thời thơ ấu và niên thiếu của tôi đã trở thành “nguồn vui” cho lũ bạn bè nghịch ngợm. Lớn lên, vì tôi là một tín đồ Công Giáo thành ra trước ngày lấy vợ, theo tục lệ của Giáo Hội, tên tuổi cô dâu chú rế tương lai phải được xướng to trong các thánh lễ suốt 3 tuần lễ để “ai có điều gì muốn khiếu nại hoặc có điều gì biết về đôi này bất hợp lệ thì phải khai báo...” thì cứ mỗi lần cha xứ vừa rao, “Cậu Đào Côn Trùng muốn kết hôn...,” thế là toàn thể “con chiên” trong nhà thờ lại được dịp “cười vỡ bụng” mà không lo bị xét là phạm tội bất kính với Chúa. Ấy là tôi vẫn còn may, sau này đọc gia phả, tôi khám phá ra cụ cố nội tôi có húy danh là Đào Cống đấy. “Cống” đây không dính dáng gì đến ý nghĩa đường rãnh đào cho nước bẩn chẩy, nhưng bởi chữ “Cống sinh” tên gọi người đỗ thi Hương từ đời Lê về trước, tức về sau gọi là Cử Nhân.
Thứ Bẩy tuần vừa rồi, nhân dịp mừng sinh nhật thượng thọ thứ 80 của tôi; vui miệng tôi lập lại “tiểu sử” của mình cho bạn hữu “thưởng thức,” tức thì một cụ bạn đã vội chìa tay đòi bắt tay tôi, đồng thời phán, “Tên của ông đời nay có giá lắm đấy, nhất là cho bọn già mình, vì đó là thứ thần dược... Côn Trùng Hạ Thảo!” Thế là cả bàn tiệc “thi đua” mà cười như vỡ chợ. Tôi nghĩ, có lẽ đây là “tiết mục giúp vui” cuối cùng trong đời do danh xưng của tôi mang lại cho... đám đông!
Vì mải mê tản mạn từ đầu đến giờ, tôi đã lạc đề quá xa, nhưng mạn phép xin quí độc giả nhân dịp năm hết Tết đến hãy rộng lượng mà niệm tình thứ tha cho kẻ hèn này về cái tật “nói dai, nói dài, nói dở” bẩm sinh. Thật sự, ý của tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một trong những khía cạnh tuy nhỏ nhưng có thể tạo ra nhiều hệ lụy vĩ đại trong việc sử dụng Việt ngữ, đặc biệt nhân dịp chúc Tết.
Vâng, rất thông thường người Việt mình vẫn “nhân danh” con giáp của năm mới để chúc Tết thân bằng quyến thuộc, chẳng hạn chúc sớm được quyền cao chức trọng như Rồng (năm Thìn), chóng đào hoa tốt mã như Dê (năm Mùi), mau tích tiểu thành đại hầu bước từ bậc khố rách áo ôm lên hàng triệu phú như Chuột (năm Tí)... Nghe cũng ổn và đúng điệu nhằm “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa.” Thế nhưng, với con giáp năm mới này - NGỌ - thiết tưởng nên cẩn thận khi ví von bay bướm với Ngựa. Hãy thử tưởng tượng, một đấng nam nhi vừa cười cầu tài vừa xoa bàn tay với các ngón “dùi đục chấm mắm cáy” vào nhau để chúc Tết một thiếu nữ, “Chúc cô ngày một thăng tiến như Ngựa.”
Ngay cả có mục tiêu tốt qua việc một đứa trẻ vốn sinh trưởng ở ngoại quốc cầu ước cho ông bà nội hay ông bà ngoại có sức khỏe bền bỉ, đứa cháu cung kính, “Sang năm Giáp Ngọ, cháu chúc ông luôn được thư giãn kiểu nhong nhong ngựa ông đã về, còn bà thì mạnh như Ngựa phi đường xa cho ông cưỡi.”
Với phái nữ, chữ “ngựa” bị “đánh giá” là một từ ngữ không những có tính dị ứng mà còn phải được kiêng húy, nghĩa là tối kỵ đụng tới nữa đấy. Nói xa chẳng qua nói gần, bởi vì chữ “ngựa” khơi dậy hình ảnh “đĩ ngựa.” Chớ thấy bức ảnh con bạch mã (ngựa trắng) quá đẹp mà “chàng” trên ngưỡng cửa tân niên, diễn tả mơ ước là “nàng” của mình cũng “đẹp” như vậy, bèn khen, “Em chẳng thua gì ngựa!” Đối với một quân nhân thì việc “mã cách lý thi” hẳn là một vinh dự, một lý tưởng nhưng ngày đầu năm mà ta ân cần nói với người lính ấy trong năm mới này được toại nguyện “da ngựa bọc thây” thì không phải là một lời chúc, nhưng là một câu nguyền rủa độc địa.
Sau hết, một câu chúc vốn thâu tóm tất cả đặc điểm của Ngựa, vẫn thông dụng trong rất nhiều trường hợp quan trọng, điển hình nhất như khai trương một công trình, mở cửa một cửa hàng hay một thương hiệu, nhưng đặc biệt hơn cả là vào các dịp đầu Năm Mới, “Mã đáo thành công” - nếu người chúc phát âm tiếng Việt mà chuẩn thì cứ “vô tư” mà anh dũng xướng to lên, bằng ngược lại, nếu giọng lơ lớ pha giọng người ngoại quốc tập nói tiếng Việt, nhất là quí vị nào vốn “sở hữu” thổ âm của miền Trung Việt Nam, thiết tưởng thì cần hết sức thận trọng, bởi vì “Mã Đáo Thành Công,” bảo đảm khi lọt vào thính giác người nghe sẽ trở thành, “Mã... đéo thèng công!”
Hoài Mỹ