Chiều Chúa Nhật 26 tháng Giêng, tôi đến trụ sở Cộng Đồng Người Việt Houston (CĐNVH) với 2 mục đích: MỘT LÀ nghe bà Trần Thị Ngọc Minh - thân mẫu cô tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh- nói chuyện; và HAI LÀ nói chuyện với ban Đại Diện CĐVNH.
Bà Minh nói chuyện rất hay, lưu loát và thuyết phục; bà cũng biểu lộ được tinh thần chống Cộng hăng say không kém người Việt hải ngoại. Bà đứng đồng ca với giới trẻ Houston những bài hùng ca dân tộc.
Cô Minh Hạnh, 28 tuổi, bố là một chiến sĩ mũ nâu Biệt Động Quân, và mẹ là bà Ngọc Minh, một cán bộ xây dựng nông thôn trước năm 1975; Minh Hạnh là một sinh viên Cao đẳng kinh tế, và cũng là một nhân vật trẻ tranh đấu cho nhân quyền. Hiện cô đang bị Việt Cộng cầm tù cùng với nhiều chiến sĩ nhân quyền khác.
Chế độ lao tù Việt Cộng dành cho những chiến sĩ nhân quyền trong nước khiếp đảm đến mức bà mẹ nhạc sĩ Việt Khang không nhìn ra con mình mặc dù bà mới gặp Việt Khang trong chuyến thăm nuôi tháng trước. Bà mô tả da anh xạm lại, với nhiều vẩy đồi mồi, cặp mắt mệt mỏi, nét mặt bơ phờ.
Hành hạ thể xác anh đến như vậy, mà Việt Cộng vẫn thất bại trong nỗ lực bẻ gẫy ý chí chiến đấu của anh. Anh không đầu hàng để được yên ổn trở về với gia đình. Khối người trẻ can đảm đứng lên đối diện với chế độ tàn bạo của Việt Cộng, ý thức được con đường chông gai họ chọn; không một người nào đầu hàng khó khăn, gian khổ. Một trong những chiến sĩ này là anh Đoàn Huy Chương.
Cô Tường Mạnh, vợ anh Chương sau chuyến thăm nuôi chồng, cho biết là nhiều tù nhân lương tâm trong khu biệt giam tại phân trại 2 (trại Z30A – Xuân Lộc ) đã tuyệt thực gần 1 tuần qua phản đối chính sách hà khắc của cai tù; dĩ nhiên toán quản ngục không tự ý chà đạp nhân phẩm, và đàn áp tù nhân bằng việc xây thêm biệt giam dành riêng cho tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm. Chúng chỉ thi hành chỉ thị của bọn lãnh tụ Việt Cộng.
Chủ trương biệt giam tù nhân chính trị, chúng chia những chiến sĩ nhân quyền thành từng toán nhỏ để họ không còn chia xẻ tin tức, không còn thảo luận với nhau về những hành động tiếp tục chiến đấu trong lao tù.
Khu biệt giam chia cắt tù nhân chính trị thành từng nhóm 3 người, giam giữ họ trong những căn phòng kín như bưng, khiến buồng này khó nói chuyện qua buồng khác được.
Bà Ngọc Minh nói Minh Hạnh và những người cùng chiến đấu với cô bị biệt giam, và bị đánh đập tàn nhẫn, nhưng lao tù và bạo lực chỉ làm số người đứng lên đòi hỏi nhân quyền mỗi ngày một nhiều hơn.
Bà Ngọc Minh nói, năm 18 tuổi Minh Hạnh đã tham gia nhiều công tác xã hội. Năm 2005 -20 tuổi- cô ra Hà Nội giúp đỡ dân oan khiếu kiện đất đai và bị giam nhiều ngày tại Hà Nội; gia đình xin bảo lãnh, cô được thả về, nhưng bị giam lỏng theo chế độ địa phương quản chế, không cho cô rời khỏi Di Linh.
Bị quản thúc, nhưng Minh Hạnh vẫn bí mật hoạt động; cộng tác với anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, cô đến tận công trường Trung Cộng khai thác Bô Xít trên Cao Nguyên, chụp ảnh và chuyển đi toàn cầu qua mạng Internet.
Hai năm sau, Minh Hạnh đứng tổ chức cho công nhân người Việt làm việc tại các xưởng thợ do người ngoại quốc làm chủ, biểu tình và đình công đòi tăng lương và đòi an toàn lao động.
Tháng 3 năm 2009, Hạnh cộng tác với nhóm Ngủ Gật hỗ trợ cho đồng bào Tây Nguyên biểu tình. Tháng 12 năm 2009 cô bí mật đi đường bộ vượt lãnh thổ 2 nước Cambuchia và Thái Lan, để đến Malaysia tham dự đại hội kỳ 2 của Ủy ban về người lao động Viet nam.
Tết Canh Dần, Hạnh cùng hai người bạn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chuơng và một số chiến sĩ nhân quyền rải truyền đơn phản đối tổ chức "Ngàn năm Thăng Long"; dưới bí danh Hải Yến cô trả lời nhiều phỏng vấn của các đài VOA, RFI, RFA, BBC, tố cáo nhà cầm quyền Cộng sản và cảnh báo nguy cơ mất nước trước hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng.
Tháng hai 2010, Minh Hạnh bị bắt vì bị cáo buộc "xúi giục" công nhân của một công ty giày da tỉnh Trà Vinh tổ chức đình công. Ngày 27 tháng 10, 2010, tòa Việt Cộng xử Minh Hạnh 7 năm tù giam với tội danh "phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân".
Bình luận về vụ án này, HRW (Human Right Watch) nhận định: "Tất cả những việc Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương làm chỉ là khẳng định quyền của công nhân Việt Nam trong việc được tự do tổ chức, nhóm họp và bãi công một cách ôn hòa để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc,"
Ngày 12 tháng 12 2011, giải Quốc tế nhân quyền Việt Nam 2011, tổ chức tại Úc, đã trao tặng giải này cho TS Cù Huy Hà Vũ và cô Đỗ Thị Minh Hạnh.
Vào đầu tháng 7, 2013, qua một cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Việt Cộng Phạm Bình Minh tại hội nghị Asean ở Brunei, ngoại trưởng Úc Bob Carr yêu cầu trả tự do cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương; ông Carr nói, “Chúng tôi đặt nặng tầm quan trọng vào việc bảo vệ quyền tự do lập hội và tự do thành lập công đoàn. Tôi yêu cầu Việt Nam thả những người này.” Vào tù Minh Hạnh vẫn tiếp tục đấu tranh phản kháng sự áp bức bóc lột sức lao động của các tù nhân do bọn công an trại giam thực hiện.
Trong phần thảo luận, cử tọa nêu lên nghi vấn làm cách nào bà Ngọc Minh thoát ra khỏi Việt Nam được, và hỏi bà có ý định trở về Việt Nam nữa không; bà Minh trình bầy những khó khăn của bà, nhưng bà khẳng định bà sẽ trở về tiếp tục yểm trợ cuộc đấu tranh của con gái bà -cô Minh Hạnh- và giới trẻ trong nước.
Rất nhiều người trong cử tọa đã đóng góp giúp bà lộ phí tiếp tục cuộc hành trình đi nhiều quốc gia khác, để trình bầy rõ với dư luận thế giới về cuộc đấu tranh của người Việt quốc nội.
Chủ tịch Đại Diện Cộng Đồng (bĐDCĐ), luật sư Phan Quốc Cường hăng say đứng đồng ca với bà Minh và mọi người, hình ảnh này tạo thiện cảm cho cử tọa; anh trách tôi, "chúng cháu mới ra mắt được 15 ngày mà bác đã chỉ trích túi bụi." Tôi phân tách là tôi chỉ trích ban ĐDCĐ 2 việc: họ viết tiếng Anh trong thư mời đại diện truyền thông Houston đến dự lễ ra mắt của họ, và trong lá thư này họ đưa ra mục đích tối hậu của bĐDCĐ là xây dựng kinh tế cho khu Tây Nam Houston, tôi thấy cả 2 điều đó đều sai và cần chỉnh đốn ngay từ ngày đầu, để sai lầm không đi quá xa đến chỗ hết thuốc chữa như trường hợp luật sư Al Hoàng.
Ngoài 2 điều chỉ trích này, tôi còn viết bài xin bĐDCĐ đừng làm công việc xây dựng kinh tế cho Houston -việc mà người Việt Houston đã bầu bà Anise Parker và những nghị viên đô thành lên để làm- mà phải tập trung vào việc thực tế phục vụ người Việt Houston, qua hai trường hợp thương tâm vừa đến với người Việt hải ngoại, một trong 2 trường hợp này xẩy ra ngay tại Houston tối thứ Năm 16 tháng Giêng 2014, vào lúc 7 giờ 45. Nội vụ là việc một cặp vợ chồng đi làm về, bà vợ làm nail, ông chồng 35 tuổi, làm chủ tiệm (có người nói là tiệm giặt), nhà họ ở khu townhome, blốc 7900 đường Ellinger Lane.
Trung sĩ J. Parker và viên chức cảnh sát S. Straughter thuộc sở cảnh sát Houston mô tả là ông chồng lái xe vào garage, cửa garage còn mở, hai vợ chồng xuống xe, đang lui cui lấy thực phẩm, vật dụng trên xe xuống thì tên cướp bước vào, tay cầm súng, bắn ông chồng trọng thương, cưỡng hiếp bà vợ.
Tôi hứa với LS Cường là tôi sẽ tạm ngưng không viết gì thêm nữa, để anh có thời giờ thiết kế và bắt tay vào việc phục vụ Cộng Đồng. Ngoài anh Cường, tôi còn được gặp 2 thành viên bĐDCĐ -anh Trần Quốc Anh và anh Phạm Kenny Hải; tôi cũng nói với 2 nhân vật này là tôi chờ bĐDCĐ bắt tay vào việc để nhận định và trình bầy trung thực với đồng bào độc giả.
Mọi người đều trông chờ 11 nhà trí thức trẻ và rất hăng say đứng ra mở một kỷ nguyên mới cho cộng đồng người Việt Houston.
Nguyễn Đạt Thịnh