Cơn đau ở lồng ngực thường làm người bệnh rất lo sợ, không hiểu mình có đang bị đột quỵ tim (heart attack) hay không.
Đau ở lồng ngực là một trong những triệu chứng thông thường nhất, khiến người ta kêu cấp cứu. May thay, không phải cơn đau lồng ngực nào cũng là triệu chứng đột quỵ tim. Ngược lại, đa số các cơn đau này không liên quan tới tim. Tuy nhiên, khi bị đau ở ngực, chúng ta không nên coi thường, mà cần đến ngay phòng cấp cứu ở bệnh viện để đuợc khám và định bệnh.
Triệu chứng
Tùy theo căn nguyên của bệnh mà triệu chứng khác nhau:
1. Do bệnh tim: Nếu triệu chứng có căn nguyên từ tim, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng sau:
- Cảm thấy sức ép, bóp chặt trong lồng ngực.
- Đau như xé trong ngực, đưa ra sau lưng, cổ, quai hàm, vai và cánh tay, nhất là tay bên trái.
- Đau vài phút hết rồi trở lại, cường độ đau thay đổi.
- Thở dốc, ra mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn.
2. Do bệnh khác: Đau ngực do những nguyên nhân khác, triệu chứng có thể là:
- Ợ chua, đồ ăn trào ngược lên cổ họng.
- Khó nuốt.
- Cường độ đau thay đổi tùy theo vị trí nằm ngồi.
- Đau tăng lên khi ho hay thở sâu.
- Đau khi nhấn vào lồng ngực.
* Khi nào nên gặp bác sĩ?
Nếu bạn bị đau ngực hoặc nghi mình đang bị heart attack, gọi 911 ngay, đừng chần chừ để tự định bệnh. Mỗi phút đều quan trọng cho việc chữa trị. Vào phòng cấp cứu có thể cứu mạng bạn, hoặc đem đến cho bạn cảm gáic bình yên, khi biết cơn đau không phải là heart attack. Gọi 911 hoặc nhờ người chở ngay đến bệnh viện, không tự lái xe.
*Nguyên nhân
1. Do bệnh tim:
- Đột quỵ tim (heart attack) do mạch máu nuôi tim bị nghẽn.
- Đau thắt ngực (angina): Mảnh cholesterol đóng vào thành động mạch nuôi tim, khiến đường kính hẹp lại, máu không tới tim đủ khi làm việc nặng, bệnh nhân cảm thấy đau thắt ngực.
- Động mạch chủ bị xước: Thành động mạch chủ bị tét ra, khiến máu chảy nhiều, đưa đến thình lình đau xé trong lồng ngực và sau lưng. Có thể gây ra do bị tông mạnh vào ngực hay do biến chứng của bệnh cao huyết áp.
- Động mạch bị co thắt: Các động mạch nuôi tim bị co thắt, khiến máu không tới được bắp thịt tim. Triệu chứng xảy ra lúc bệnh nhân đang nghỉ ngơi chứ không phải đang làm việc nặng.
- Viêm màng tim: Màng bọc quanh tim có thể bị nhiễm siêu vi và sưng lên gây ra đau trong lồng ngực.
- Những bệnh tim khác: Viêm bắp thịt tim do siêu vi, tim to do bắp thịt to lên.
2. Bệnh đường tiêu hóa: Cũng có thể gây ra đau lồng ngực, rất giống triệu chứng bệnh tim:
- Bệnh ợ nóng: Nước chua từ bao tử trớ ngược lên thực quản khiến bệnh nhân bị đau xé ngay sau xương ức.
- Thực quản co thắt: Gây ra đau do các bắp thịt thực quản không phối hợp nhau khi nuốt.
- Thoát vị hoành cách mô: Một phần bao tử bị trồi lên lồng ngực.
- Nghẹt van thực quản (achalasia): Van ở cuối thực quản không mở ra đủ khiến thức ăn không xuống bao tử được, dồn lại gây ra đau.
- Bệnh túi mật và tụy tạng: túi mật có sạn hay viêm tụy tạng có thể gây ra đau bụng chiếu lên ngực.
3. Bệnh xương và bắp thịt:
- Viêm sụn của xương lồng ngực gây ra đau, đau tăng thêm khi ta nhấn vào xương ức hay xương sườn.
- Bắp thịt đau do các bệnh như fibromyalgia.
- Xương sườn bị thương hay dây thần kinh bị kẹt gây ra đau.
4. Bệnh đường hô hấp:
- Cục máu đông trong phổi (embolism) làm nghẹt động mạch dẫn máu tới phổi, thường xảy ra sau khi mổ hay nằm bất động lâu.
- Viêm màng phổi khiến đau khi ho hay thở sâu.
- Những bệnh phổi khác như phổi bị xẹp (pneumothorax), tăng huyết áp động mạch phổi, suyễn.
5. Những nguyên nhân khác:
- Cơn hốt hoảng (panic attack).
- Bệnh giời leo.
- Ung thư.
*Định bệnh
Như trên đã nói, có rất nhiều nguên nhân gây ra đau ở lồng ngực (chest pain), không nhất thiết phải là heart attack. Tuy nhiên, những cái đau này rất giống nhau và rất khó phân biệt. Do đó, không thể khinh thuờng cái đau trong lồng ngực, mà cần phải đến bệnh viện ngay để được định bệnh và chữa trị.Nên chọn bệnh viện lớn có phương tiện chữa bệnh heart attack. Nơi đây, một số các thử nghiệm và quang tuyến X sẽ được thực hiện, sau khi các bác sĩ cấp cứu hỏi bệnh và khám nghiệm bệnh nhân, nhất là những thử nghiệm tìm những bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng như heart attack, rách động mạch chủ, nghẹt động mạch phổi, phổi bị xẹp…
* Chữa trị
Tùy theo nguyên nhân gây ra cái đau mà bệnh nhân được chữa trị bằng những phương cách khác nhau:
- Bệnh tim được chữa bằng nhiều loại thuốc khác nhau.
- Heart attack được chữa bằng cách thông động mạch vành tim bị nghẽn và có thể mổ, để thay đoạn bị nghẽn bằng một mạch máu khác.
- Các bệnh nghẹt động mạch phổi, rách động mạch chủ… thường được chữa bằng cách giải phẫu.
- Bệnh đường tiêu hóa thường được chữa bằng thuốc.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận