Sau buổi thiền của nhóm sáng nay, tôi có buổi chiều khá rảnh rỗi để nhìn lại chuyện đời mình. Và hơn bao giờ hết, tôi thấy hạnh phúc được thuộc về một nhóm như vậy. Cái cảm giác “được thuộc về” đó là một cảm giác thật cần thiết cho con người (mà hình như thú vật cũng vậy thì phải, vì chúng thường sống thành bầy). Tuy mỗi con người đều là một sinh vật cô đơn, sinh ra và chết đi một mình, sống là một “hải đảo tự thân,” nhưng con người cũng cần phải ngồi lại với nhau, nương tựa nhau để cảm thấy sự ấm áp, có được cảm giác quây quần cùng những người bạn, cùng làm một việc, cùng thích một chuyện...
Chuyện mà nhóm chúng tôi thích là thiền. Mỗi thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần, tôi đều cảm thấy khá náo nức, không phải như thời trẻ náo nức đi dự tiệc hay coi hát, nhưng là một cảm giác vui vui khi sắp được gặp lại nhóm bạn thiền, cùng tiêu thì giờ bên nhau, tập thể dục cho mệt nhoài, rồi cùng ngồi im lặng nhìn vào bên trong, tìm sự vắng lặng của nội tâm. Thay vì tìm niềm vui vật chất thường thấy, chúng tôi đi tìm niềm vui tâm linh. Mỗi giai đoạn của đời người, chúng ta có một số bạn mới vì khuynh hướng cần thiết những niềm vui mới, và ít liên lạc với những bạn cũ. Ở giai đoạn 6 bó này đây, nhóm bạn mà tôi gặp nhiều nhất là nhóm bạn thiền này vậy. Quả là một may mắn cho tôi. Vì ngoài chuyện ngồi thiền chung, tôi còn học được vô số chuyện từ những bạn tu. Mỗi bạn đều có cái hay để cho tôi học.
Đây là anh chị Khuyến-Hiếu và anh chị Lộc-Mai. Các anh chị đã cao tuổi nhưng luôn đúng giờ, đều đặn, và lúc nào cũng cho thấy sự hăng hái, vui tươi. Các anh chị lúc nào cũng có nụ cười trên môi và học hỏi hết lòng.
Đây là chị Vân, tham dự tất cả những buổi học và... chơi, dù là tập thể dục, thiền, nghe giảng, hay dự party... Nhờ vậy chị đã có được kết quả mỹ mãn: xuống cân , khỏe ra nhiều, tiến bộ trên con đường tâm linh... Nhìn chị, không ai nghĩ là chị làm được những điều đó. Nhưng chị có một niềm cương quyết vô biên, muốn làm cái gì là phải làm được. Tôi nghĩ chị ít có thì giờ cho những suy nghĩ tiêu cực, ở chị là một sự tích cực toàn vẹn, hết lòng, nhờ vậy chị đạt được những gì chị muốn.
Còn đây là sư cô Phổ Tâm và chị Thư, lúc nào cũng kiên trì và nhẫn nại, dù rất âm thầm và ít lời. Không buổi nào hai người vắng mặt dù việc di chuyển thật là khó khăn, sư cô thì phải đi xe buýt 2,3 chuyến để đến chỗ họp, chị Thư thì phải nhờ người này người kia chở. Thật ra thì những người trong nhóm đều là “senior citizens”, di chuyển khó khăn lắm, vậy mà ai nấy đều tinh tấn vô cùng.
Anh Kiệm thì bệnh hoạn nên chậm chạp yếu ớt, cũng vậy, phải nhờ con chở đi tập. Nhưng anh không bỏ bữa nào. Anh Quỳnh thì đọc và nhớ sách nhiều, luôn có những câu chuyện hào hứng để kể.
Nhưng người mà tôi phải học cái tốt nhiều nhất là chị Chương. Phải nói chị là một bồ tát với cái tâm nhân hậu. Chị và anh Quỳnh là “tài xế” của nhiều người trong nhóm, dù tuổi anh chị cũng đã cao. Nhà dù xa đến đâu, hễ hỏi tới là người ta được chị đến chở đi. Nhiều khi chính chị là người đưa ra đề nghị để “được” chở họ đi. Chị là như vậy, luôn tìm cách giúp đỡ người khác khi biết họ có chuyện khó khăn. Anh Kiệm khó nghe, không nghe được đĩa hướng dẫn thiền do chúng tôi phát ra để ngồi thiền chung, chị tình nguyện làm thêm đĩa cho vào máy riêng, gắn ear phone để anh nghe cho rõ. Tất cả đều do chị cung cấp. Chị đem đến những bữa ăn chay ngon miệng cho cả nhóm thưởng thức sau khi ngồi thiền. Còn nữa, chị dọn dẹp rửa chén đàng hoàng sau bữa ăn, trong khi mọi người ngồi quây quần nói chuyện và ăn tráng miệng. Tôi là người “khoái” nhất vụ này, vì các buổi họp là ở nhà tôi. Không còn gì sướng bằng sau một buổi hội họp mà nhà sạch bong, không phải tự dọn dẹp.
Mọi người có thể hỏi: nhóm này sao toàn những “hiền nhân” không vậy, đúng không đây? Hỏi như vậy thì câu trả lời sẽ là không. Chúng tôi chưa là “hiền nhân”, và đường tu thì còn diệu vợi, xa vời lắm. Nhưng chúng tôi muốn chỉ nhìn cái hay của nhau để học hỏi và bắt chước. Làm như vậy thì chắc tâm hồn sẽ thoải mái vui sướng hơn là chỉ tìm lỗi của nhau. Phải không bạn?
Trân Hương