Áp-phích quảng cáo chủ đề "Gái giải sầu" tại Liên hoan truyện tranh lần thứ 41 Angoulème
DRMột cuộc triển lãm truyện tranh của các tác giả Hàn Quốc trong khuôn khổ Liên hoan Truyện tranh Quốc tế Angouleme tại Pháp – kết thúc vào hôm nay 02/02/2014 - đã bị Nhật Bản cực lực đả kích. Lý do là vì đây là một cuộc triển lãm với đề tài « Gái giải sầu » thời Đệ nhị Thế chiến, nói về những phụ nữ Hàn Quốc và châu Á bị ép buộc làm gái mãi dâm cho quân đội Nhật Bản.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, Đại sứ Nhật Bản tại Paris, bà Yoichi Suzuki đã tỏ ý « hết sức lấy làm tiếc là cuộc triển lãm đó đã diễn ra », đồng thời phê phán điều được bà gọi là « cái nhìn sai lạc », có tác dụng làm cho quan hệ Nhật-Hàn thêm phức tạp.
Trả lời hãng AFP, ông Franck Bondoux, giám đốc điều hành của Liên hoan Truyện tranh Angouleme tuy nhiên đã khẳng định rằng phía Nhật Bản chưa bao giờ yêu cầu Liên hoan hủy bỏ cuộc triển lãm mang tên « Những đóa hoa không hề tàn phai », cho dù kế hoạch này đã được dự trù từ rất sớm.
Ông Bondoux xác định là về phía ban tổ chức, ưu tiên số một là luôn tính chất khách quan : « Đề tài này là do chính phủ Hàn Quốc đề xuất, nhưng các nghệ sĩ được hoàn toàn tự do và độc lập khi xử lý chủ đề này. Đại diện Liên hoan Angouleme xác định : « Chúng tôi không đứng về phía nào và không chấp nhận các mưu toan lũng đoạn đến từ cả hai bên ». Trong cuộc triển lãm của các tác giả Hàn Quốc, theo ông Bondoux, Ban tổ chức chỉ chấp nhận các công trình sáng tạo của các giả và từ chối mọi thứ tài liệu khác.
Theo hầu hết các sử gia, có khoảng 200.000 phụ nữ - chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines - đã bị buộc phải làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong Đệ nhị Thế chiến. Cho đến nay, vấn đề của những phụ nữ này và tội ác của quân đội Nhật hoàng tiếp tục đè nặng lên bang giao giữa Nhật Bản và các nước láng giềng.
Vào năm 1993, Tokyo đã chính thức xin lỗi về sự đau khổ mà các nạn nhân phải chịu đựng. Nhưng kể từ đó đến nay, một số lãnh đạo chính trị cấp cao đã đổi ý, và tạo ra cảm giác - đặc biệt là tại Seoul – rằng Nhật Bản không thực sự hối hận vì những hành động quá khứ của mình.
Theo RFI