Phỏng Vấn Nhà Soạn Nhạc Phan Quang Phục (kỳ 1) Nhà soạn nhạc Phan Quang Phục
Trang phục của Thị Kính lúc là Tiểu Kính Tâm ở chùa trong “Câu Chuyện Bà Thị Kính”
Trang phục của nhân vật Lý Trưởng trong “Câu Chuyện Bà Thị Kính”
Trang phục của nhóm bạn gái của Thị Mầu trong “Câu Chuyện Bà Thị Kính”
Trang phục của Sùng Bà trong “Câu Chuyện Bà Thị Kính”
Thưa quý độc giả, suốt 2 năm qua, trên nhật báo Viễn Đông đã phổ biến những bài viết của tác giả Anvi Hoàng, là hiền thê của nhà soạn nhạc, giáo sư, tiến sĩ P.Q. Phan (Phan Quang Phục), về những diễn biến của vở opera mang tên “Câu Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính), dài 135 phút, là vở opera thứ nhì sau vở “Lorenzo de' Medici” của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục). Tác phẩm này sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs School of Music tại trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014. Đây là vở opera theo phong cách “đại nhạc kịch” (grand opera) với dàn nhạc lớn, dàn hợp xướng và 15 vai diễn, toàn bộ phần lời hát bằng tiếng Anh, và có hai bài hợp xướng được hát bằng tiếng Việt. Nhân chuyến viếng thăm của ông bà đến miền Nam California mùa lễ hội cuối năm 2013 vừa qua, phóng viên Viễn Đông đã có buổi phỏng vấn nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) để tìm hiểu thêm về vở opera “Câu chuyện bà Thị Kính” và những chia sẻ của ông về âm nhạc. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả!
Viễn Đông: Thưa Giáo sư- nhạc sĩ P.Q. Phan (Phan Quang Phục), ông hãy mô tả cho độc giả nhật báo Viễn Đông hiểu rõ hơn về sự gắn bó đặc biệt của ông với âm nhạc cổ điển đương đại?
Giáo sư- nhạc sĩ P.Q. Phan: Với tôi, vì là người sáng tác thuộc thể loại cổ điển hiện đại, thì sự gắn bó với âm nhạc cổ điển hiện đại là bình thường thôi. Tôi đã viết nhạc cổ điển hiện đại cũng đã hơn 30 năm rồi, cho nên lúc nào tôi cũng suy nghĩ về nó, khi âm nhạc mới trên thế giới vừa ra, thì mình phải biết liền.
Cá nhân tôi không theo khuynh hướng sáng tác nhạc giải trí phổ thông, đây không phải nhiệm vụ của tôi. Riêng trong ngành nhạc cổ điển, mà chúng ta quen gọi là âm nhạc Hàn Lâm, thì người soạn nhạc lúc nào cũng phải đem sự sáng tạo đặt lên hàng đầu cả. Lúc nào cũng phải mới, điều mới đó không phải chỉ trong phạm vi cá nhân, không phải trong phạm vi cộng đồng, mà là phạm vi quốc gia, kể cả ở phạm vi quốc tế. Vì nếu mình chỉ làm những gì mới chỉ trong cộng đồng mình không, thì những điều đó không đủ. Nếu mình chỉ làm những gì mới chỉ trong nước mình thôi, nó cũng không đủ. Tại vì nó có tính chất quốc gia quá nhiều. Những điều mới mà cho nhân loại thì điều đó mới là mới.
Đối với người sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện đại, một chuyện khó nhất là mình làm nhạc như thế nào để cho người nghe trong cộng đồng hiểu được, nhưng mà cộng đồng trên thế giới cũng phải khâm phục. Đó là những điều rất khó, muốn làm vậy, lúc nào mình cũng phải hiểu sâu, hiểu rộng chính xác về “concept” và kỹ thuật. Những cái đó cộng lại thì người soạn nhạc sẽ gắn bó chặt chẽ vào ngành âm nhạc hiện đại trên thế giới.
Viễn Đông: Ông đã “đến” với âm nhạc dân tộc Việt Nam như thế nào, mặc dầu ông được đào tạo trong các trường Âu Mỹ?
Giáo sư- nhạc sĩ P.Q. Phan: Câu hỏi rất hay, vì thường những người soạn nhạc, khi đi qua khía cạnh này, họ sẽ mất khía cạnh kia. Như tôi chuyên sâu về âm nhạc Hàn Lâm, thì phần âm nhạc phổ thông tôi lại mất nó, không dính dáng gì đến nó cả. Rất nhiều người khi làm âm nhạc hiện đại, thì sẽ không biết âm nhạc cổ truyền. Trong giới Tây Phương, nếu muốn sáng tác âm nhạc cổ điển hiện đại, người đó phải hiểu âm nhạc và nghệ thuật cổ truyền của dân tộc họ thật sâu sắc. Đó phải là âm nhạc cổ truyền hàn lâm, chứ không chỉ là âm nhạc cổ truyền dân gian.
Tôi hiểu về âm nhạc cổ truyền Việt Nam rất sâu, vì tôi đã từng sinh sống và lớn lên tại Việt Nam. Thật ra tôi sống bên đây lâu hơn bên Việt Nam, nhưng từ nhỏ khi còn tại Việt Nam, tôi đã có một căn bản rất kỹ lưỡng về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, vừa là âm nhạc cổ điển Việt Nam, vừa là âm nhạc dân gian Việt Nam. Không phải ai là người Việt thì cũng sẽ hiểu biết về nhạc cổ truyền Việt Nam hoặc người Hoa Kỳ thì biết rõ về nhạc Hoa Kỳ.
Trước nhất mình phải có lòng yêu quý, phải tôn trọng âm nhạc dân gian và âm nhạc cổ điển của dân tộc mình, thì lúc đó mình mới hiểu được nó như thế nào. Khi tôi còn nhỏ, dịp Tết về quê chơi, tôi thường được nghe Bài Chòi, đây là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam, giờ nghe nhạc Rap thấy cũng giống như nhạc Bài Chòi của ta, mà Bài Chòi thì có đã mấy trăm năm nay rồi. Tôi cũng nghe được Hát Bội. Khi qua bên đây, tôi học về âm nhạc hệ thống Tây Phương, khi đó tôi muốn tìm tòi xem thử Việt Nam mình có hệ thống âm nhạc nào sâu sắc như hệ thống âm nhạc Tây Phương không? Nên tôi đã học thêm bằng master thứ 2 về “Âm Nhạc Dân Chủng Học”. Tôi học ngành này không phải để trình diễn mà học về cách để suy luận, suy nghĩ và học về lối triết lý của âm nhạc dân gian. Luận án của tôi chọn là về Hát Chèo, về văn chương của Hát Chèo người ta viết như thế nào, tại sao người ta làm như vậy.
Đến bây giờ tôi vẫn còn viết nhạc phối hợp giữa tính chất châu Âu và châu Á. Về châu Á thì chủ yếu là Việt Nam, vì nhạc Trung Hoa có nhiều người làm rồi, tôi không muốn làm nữa. Hoặc là nhạc Nam Hàn, nhạc Nhật Bổn, thì cũng đã có người làm rồi, tôi không cần làm.
Để hiểu sâu về điểm đặc thù của âm nhạc Việt Nam không phải là dễ. Nhưng nếu mình càng tìm, thì thấy được nhiều điều rất hay. Ví dụ ngoài Hát Chèo, mình còn có Chầu Văn. Hát Chèo và Chầu Văn là 2 thể nhạc đối với tôi quan trọng nhất trong văn hóa âm nhạc Việt Nam của mình. Riêng với âm nhạc Chầu Văn, tôi cho rằng nó có tính chất khoa học nghệ thuật cao hơn những thể loại âm nhạc khác.
Theo tôi âm nhạc Cải Lương có tính chất khuôn khổ, cho nên mới có 16 câu vọng cổ. Nó phụ thuộc vào giọng của người hát nhiều hơn là cơ cấu của âm nhạc. Còn Hát Bội thì gần như 100 phần trăm thuộc về âm nhạc giữa Mông Cổ và Trung Hoa. Cho nên những tuồng tích Hát Bội xưa không hề có câu chuyện Việt Nam nào cả, chỉ sau này người ta sáng tác thêm tuồng tích Việt Nam thôi. Nghệ thuật Hát Chèo rất hay, nhưng nó cũng mang tính chất bài bản. Bài bản đó một phần từ Chầu Văn, một phần từ Hát Quan Họ, một phần từ Ca Huế cộng lại thành Hát Chèo.
Còn Chầu Văn, thì chỉ có một bài hát nó đi từ đầu đến cuối khoảng 40 phút, có khi cả hai tiếng đồng hồ. Nhưng cơ cấu và cấu trúc của nó thì lúc nào cũng phát triển. Tôi không hiểu người nghệ nhân có hiểu về mặt khoa học lúc họ hát hay không? Nhưng tôi nghiên cứu và nhận thấy rằng tính khoa học trong hát Chầu Văn rất cao.
Theo tôi bước tiến của âm nhạc Châu Âu cao hơn rất nhiều nước, tiến hơn cả Trung Hoa rất xa, dù người Trung Hoa nói âm nhạc của họ có lịch sử 5000 năm, nhưng nhạc của họ 5000 năm trước và bây giờ giống y chang, không thay đổi gì cả. Còn nếu xét về lịch sử âm nhạc Hàn Lâm Tây Phương, thì chỉ mới có 1000 năm thôi. Nhưng nó đã thay đổi một trời một vực. Tại sao vậy? Vì nó có tính chất khoa học cao. Và Chầu Văn của Việt Nam cũng có tính khoa học cao, như nhạc Hàn Lâm Tây Phương.
Nghe Chầu Văn phút đầu tiên và phút cuối cùng, nó khác nhau hoàn toàn. Nó hay như vậy, và những điều mà nó thay đổi như vậy, không thể nào do ngẫu hứng được.
Tại sao âm nhạc phổ thông của Việt Nam và một số nước khác không thay đổi gì cả dù 50 năm hay cả trăm năm? Khi nghe tôi nói điều này, có thể giới sáng tác âm nhạc phổ thông Việt Nam không hài lòng. Theo tôi thì vì nó không có tính chất khoa học, mà chỉ có tính chất cảm hứng thôi. Mà cảm hứng thì người của thế hệ này với thế hệ khác cảm hứng cũng như vậy thôi. Có thể cảm hứng mỗi thời đại sẽ có thay đổi, nhưng cảm hứng đều giống nhau. Ví dụ về cảm hứng trong tình yêu, có một thời người ta nghiêng về tình yêu tinh thần, còn thế hệ mới thì đề cao tình yêu thể xác, nhưng cũng là về tình yêu thôi.
Còn vấn đề khoa học, nếu muốn có cái B, thì phải có cái A, muốn có cái C phải có cái Bà Vì vậy, muốn làm âm nhạc cổ điển hiện đại cho thật giỏi, thế giới phải nể, điều quan trọng nhất không phải là cảm hứng, mà phải là khoa học.
Viễn Đông: Âm nhạc dân tộc Việt Nam đã “đánh thức” ông như thế nào để có sự ra đời của vở opera “Câu chuyện bà Thị Kính”?
Giáo sư- nhạc sĩ P.Q. Phan: Ngay từ lúc tôi còn nhỏ, tôi đã đam mê âm nhạc cổ truyền Việt Nam rồi, nhưng khi đó chưa sâu sắc. Đến khi tôi thực hiện luận văn về Hát Chèo, tôi nghiên cứu và hiểu về Hát Chèo sâu sắc hơn. Đặc biệt là vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”, khi càng hiểu nhiều, tôi càng kính nể đến độ là không dám sửa nó chút nào cả, vì nó quá hoàn hảo.
Sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ rằng mình có đủ khả năng để đưa câu chuyện này vào tầm mức quốc tế hay không? Tôi chờ đợi cũng khoảng 20 năm, vì đối với tôi, nếu mình làm không hay bằng vở chèo cổ, thì không chỉ bản thân mình mắc cỡ, mà mình làm mắc cỡ tiền nhân, làm xấu hổ cho vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính.
Sau 20 năm, với rất nhiều tìm tòi nghiên cứu và chờ đợi, tôi mới thấy rằng giờ mình đã đủ sức thực hiện tác phẩm này. Tôi không viết một vở opera Việt Nam, mà tôi viết vở opera dùng tựa đề Việt Nam, dùng nền tảng văn hóa Việt, để giới thiệu tác phẩm đến với quốc tế, chứ không phải là giới thiệu ngược cho cộng đồng của mình, cho văn hóa của mình. Vì vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính đã quá hoàn hảo rồi. Nếu như tôi làm kiểu opera Việt, có khi giá trị còn thấp hơn nữa, nhiều khi đó là công việc “chở củi về rừng”, mà có khi đó là củi mục.
Khi sáng tác vở opera “Câu Chuyện Bà Thị Kính”, tôi không đi theo thể chất bề ngoài âm nhạc Việt Nam. Vì thể chất bề ngoài có phần hay của nó, nhưng nó rất cạn, nó không đậm đà. Thể chất âm nhạc Việt Nam trong tác phẩm chỉ có đoạn đầu thôi. Càng đi sâu vào tác phẩm, nó không còn vẻ bề ngoài Việt Nam, mà chỉ thể hiện bề trong qua vấn đề triết lý, mỹ thuật và “concept”... Tôi đi theo hướng này, thì sau này, khán giả quốc tế sẽ nghiên cứu thấy được chiều sâu của tác phẩm.
Còn những điều thể hiện bề ngoài, thì người ta nghe thích ngay lập tức, nhưng mà lần thứ hai người ta nghe thấy có vẻ như nhàm, lần thứ ba thấy chán, lần thứ tư, sẽ nói thôi khỏi cần nghe. Đây là những điều mà những người sáng tác người Mỹ gốc Hoa bị rơi vào vòng cạm bẫy. Người ta làm vậy, rất dễ bán băng nhạc mau, nhưng nếu lúc nào cũng nuôi khán giả như vậy, họ sẽ xem thường văn hóa của mình. Cho nên mình muốn giới thiệu văn hóa mình cho khán giả quốc tế, thì mình phải giới thiệu một cách thật sâu sắc. Mình phải có lòng tự tôn, tự trọng của mình, thì họ mới nể mình được.
Lối viết nhạc của tôi cũng vậy, vẻ bề ngoài không có chất Việt Nam nhiều lắm, nhưng càng sâu bao nhiêu, thì nó rất là nhiều, mà nhiều nhất trong đó chính là yếu tố khoa học của nó. Tôi áp dụng vấn đề khoa học trong Hát Chầu Văn, vấn đề mỹ thuật, vấn đề tâm lý... cộng lại nhiều thứ lắm, thì âm nhạc mới vững được.
Viễn Đông : Âm nhạc Phật giáo Việt Nam với lời kinh, nhịp mõ, các bài tán tụng... có ảnh hưởng gì đến quá trình sáng tạo vở opera “Câu Chuyện Bà Thị Kính” của ông không?
Giáo sư- nhạc sĩ P.Q. Phan: Trong tác phẩm“Câu Chuyện Bà Thị Kính” thì không có đâu. Âm nhạc Phật giáo Việt Nam được thể hiện một cách rất đơn giản. Ví dụ như dùng mõ, dùng âm thanh đơn điệu hoặc là giai điệu gần như là tụng. Nó chỉ đơn giản vậy thôi.
Nhưng bề sâu của nó thì đi về hướng giống như là trầm tính. Khi nghe Thị Kính hát lúc cô còn là người trần tục, lời hát sẽ xúc động nhiều hơn. Lúc cô trên con đường đi đến việc tu thành Phật, giai điệu hát của cô có tính chất trầm tính và trưởng thành, hoàn thiện hơn, cũng sẽ xúc động, nhưng mà không phải xúc động kiểu con người trần tục, mà là tiến hóa từ từ, nó có tính chất thăng hoa trong đó. Vì nguyên tác phẩm tôi dựa vào chủ nghĩa thăng hoa. Trong 2 tiếng đồng hồ, nó giống như mình nhìn hoa hồng, hoa sen, nụ hoa rất đơn giản, nhưng nó từ từ nở ra, từ cái đẹp rất đơn giản, thành một vẻ đẹp rất phức tạp. Giai điệu hoặc hòa âm, cấu kết hoặc mỹ thuật... trong tác phẩm, tất cả cộng lại, thì lời hát của Thị Kính, hoặc bài nhạc, sẽ trở thành phức tạp.
Một điều tôi rất hãnh diện qua tác phẩm này, là càng về sau, từ ẩn ý đến bề ngoài của tác phẩm, cả hai đều phức tạp cả. Chuyện này rất khó làm. Vì mỗi lần người ta làm, một là tập trung vào bề ngoài, hoặc bề trong. Còn tôi tập trung rất nhiều để nghiên cứu vừa bề ngoài, vừa bề trong của tác phẩm sau cho thật sâu đậm. Tôi làm như vậy để người không hiểu nhạc nhiều, thường phụ thuộc vào bề ngoài, họ cũng rất thích nó, và những người chuyên môn về âm nhạc cũng thích nó, khi họ nghiên cứu bề trong tác phẩm. Nếu mình không phản ánh tác phẩm sâu đậm thì giống như mình bôi bết nó đi. Nên tôi đã phải chờ đến 20 năm, khi tôi biết tôi làm hơn gấp mấy lần, thì tôi mới làm.
Về âm nhạc Phật Giáo Việt Nam, theo tôi nó không có hệ thống nào cả, chắc chắn sẽ có người phản đối ý kiến này của tôi. Âm nhạc Phật Giáo Việt Nam chỉ ngẫu nhiên thôi, bên Trung Hoa, Đài Loan thế nào tôi không biết, nhưng âm nhạc Phật Giáo của Việt Nam không ngang hàng với âm nhạc về tôn giáo của Thiên Chúa Giáo đâu. Bên âm nhạc Thiên Chúa Giáo, có hệ thống khoa học đàng hoàng, không phải lúc nào đổi thì đổi. Bài bản phải hát đúng cho trường hợp như thế nào. Bên Việt Nam, thì từ ngẫu nhiên, có khi cũng có cái rất hay.
Trong tác phẩm mới mà tôi đang viết, thể loại “Requiem” có sử dụng nhiều âm nhạc Phật Giáo Việt Nam. Tôi dùng kinh Phật Việt Nam, tiếng Việt, nên tôi phải hiểu sâu về A Di Đà Phật như thế nào, mình không phải hiểu về đường lối tín ngưỡng, mà mình hiểu về đường lối xét lý. Tôi đã về Việt Nam 2 tháng, đến chùa để dự những hôm người ta tụng kinh, để hấp thụ được môi trường âm thanh và không gian và môi trường mỹ thuật của nó. Từ đó, tôi sáng chế ra một âm nhạc Phật Giáo của mình có đường lối đàng hoàng. Tôi tin nhiều vào vấn đề sáng chế mới, tôi không tin vào việc đem chuyện cũ ra làm mới.
Requiem là một trong những thể nhạc, đứng hạng 3 sau Opera và Mask trong thế giới âm nhạc Tây Phương. Thể loại Requiem có thể từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Do tôi viết bằng tiếng Việt hoàn toàn, mà người hát là người bản xứ, nên tôi làm khoảng từ 30- 45 phút, vì thời gian tập hát của họ thật ngắn, nhưng thời gian tập nói tiếng Việt thì rất dài. Tôi hy vọng sau này, mình đủ người Việt Nam có năng lực âm nhạc cao, có thể mình diễn được tác phẩm này. Tôi mới bắt tay vào sáng tác thể loại này từ tháng 9 năm 2013 và đã thực hiện được hơn 60 phần trăm. Năm 2015 sẽ trình diễn.
Khi nói về Requiem, sẽ có nhiều người hiểu lầm. Đối với Tây Phương, Requiem là một tác phẩm ca tụng, hoặc để tưởng nhớ một người của quá khứ, hoặc quốc gia quá khứ. Nhiều khi người Việt Nam tưởng rằng nó giống như cầu siêu. Nhưng không phải là cầu siêu, nó khác nhau hoàn toàn. Cầu siêu thì chỉ tụng thôi, giọng lên giọng xuống thì tưởng là âm nhạc, nhưng không phải âm nhạc. Requiem có bài bản đàng hoàng, mới vào tụng bài gì, giữa buổi tụng bài gì, cuối buổi tụng bài gì.
Băng Huyền/ Viễn Đông
(Còn tiếp)
Sửa bởi người viết 03/02/2014 lúc 06:39:41(UTC)
| Lý do: Chưa rõ