Một em nhỏ dự thánh lễ của Giáo Hòang trước quảng trường lớn tại Vatican ngàt 1/2/2014
REUTERS/Tony GentileNgày 05/02 các mạng truyền thông vào báo chí ở Ý đã đăng tải rộng rãi về bản báo cáo của Ủy Ban về quyền trẻ em ở Liên Hiệp Quốc theo đó Tòa thánh Vatican đã bị cáo buộc vi phạm Công ước về quyền trẻ em vì đã không quyết tâm giải quyết tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong hàng giáo sĩ.
Thậm chí bản báo cáo còn tố cáo rằng chính hàng giáo phẩm đã có những động thái nhằm che đậy hay không chịu tố cáo những nghi can về lạm dụng tình dục trẻ em với nhà chức trách của những nước sở tại.
Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng gởi về bài tường trình:
Phản ứng trước nhất của Tòa thánh là “ngạc nhiên” về những cáo buộc của Liên Hiệp Quốc. Tông thần Tòa Thánh (Nonce apostolique) Silvano Tomasi tuyên bố trên đài phát thanh Vatican rằng “các đánh giá tiêu cực của Liên Hiệp Quốc có thể là do bản báo cáo đã được sửa soạn trước khi có cuộc gặp gỡ giữa Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và phái đoàn của Tòa Thánh” và “cáo buộc” nội dung của bản báo cáo có màu sắc “ý thức hệ”.
Được biết là chính Đức Ông Silvano Tomasi là người mà ngày 16/01 vừa qua đã đệ trình lên Ủy Ban Bảo vệ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bản báo cáo của Vatican về quá trình áp dụng “Công ước bảo vệ quyền trẻ em” trong đó Tòa thánh bảo đảm rằng Giáo hội Công Giáo sẽ là hình tượng gương mẫu trong chiến dịch bài trừ tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ em. Nhưng có thể là bản báo cáo của Tòa Thánh đã không đáp ứng được hết những yêu cầu của Liên Hiệp Quốc.
Thậm chí Tòa thánh Vatican đã cáo buộc ngược lại Liên Hiệp Quốc là muốn can thiệp vào hoạt động giáo lý của Nhà thờ về nhân phẩm và về tự do tôn giáo, bởi vì trong bản báo cáo Ủy Ban đã đề nghị “Tòa Thánh nên thay đổi giáo lý đối với các vấn đề như phá thai, ngừa thai, giới tính, giá trị gia đình”.
Trước mắt Tòa Thánh Vatican “ghi nhận” các nhận xét của Ủy ban và Tòa Thánh sẽ chỉ chính thức phúc đáp lại bản báo cáo nói trên sau khi đã “nghiên cứu và kiểm tra cẩn thận” trong tinh thần tôn trọng Công ước tất cả những phê phán của Liên Hiệp Quốc.
Dù rằng các tổ chức xã hội hay đảng phái chính trị ở Ý đã không trực tiếp có phản ứng về bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, nhưng tất cả các mạng truyền thông báo chí, trong đó có cả một vài cơ quan ngôn luận của đảng chính trị như tờ “l’Unità” của đảng Dân Chủ đã rầm rộ đăng tải tin về bản báo cáo cho thấy là dư luận cũng rất quan tâm đến vấn đề nhức nhối này của Tòa Thánh.
Vấn đề là muốn đem ra ánh sáng các vụ việc lạm dụng tính dục trẻ em thì các tòa án dân sự cần phải xin quyền “thẩm tra quốc tế” (rogatoires internationales) đối với Vatican để có thể có được các hồ sơ của Vatican, bởi vì Vatican là một “quốc gia độc lập”. Nhưng theo các tin tức thì cho đến nay, tất cả các yêu cầu “thẩm tra quốc tế” đều không được giải đáp thỏa đáng.
Theo một số ý kiến của giới am tường về tình hình của Vatican, thì rất có thể chính bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc là một yếu tố có thể tác động tích cực đối với Đức Giáo Hoàng Francesco, người đang được công luận xem như là một “Gorbaciov” của Tòa Thánh.
Người ta còn nhớ cách đây khoảng hai tháng, chính Đức Giáo Hoàng Francesco đã có buổi gặp gỡ với 120 bề trên của các dòng tu và trong dịp đó Đức Giáo Hoàng Francesco có nhắc lại những quyết định tích cực Tòa thánh trước đây về tệ nạn lạm dụng tính dục trẻ em và khuyến khích hàng giáo phẩm nên cố gắng có can đảm chấp nhận mọi thử thách.
Biết đâu chừng chính bản báo cáo hôm qua của Liên Hiệp Quốc sẽ giúp Đức Giáo Hoàng Francesco có thêm “can đảm” để chấp nhận thử thách giải quyết tận gốc rễ tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong hàng giáo phẩm.
Theo RFI