Củ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach (phải) và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tiếp ngọn đuốc Thế vận đến Sotchi ngày 6/2/2014.
REUTERS/Shamil Zhumatov Từ Sotchi, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi mang tính biểu tượng tinh thần Thế vận : Thế giới vùng lên chống kỳ thị « người đồng tính ». Trong một đợt phản công tương tự, 200 nhà văn nổi tiếng công bố thư ngỏ lên án các đạo luật phân biệt đối xử của nhà nước Nga.
Hôm nay, 06/02/2014, nhân hội nghị của Ủy hội Thế vận quốc tế tại Sotchi, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi cả thế giới cùng nắm tay nhau « bài trừ tệ nạn phân biệt đối xử với những người đồng tính luyến ái". Tệ nạn này, theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đi ngược lại Hiến chương Thế Vận hội và không thể tồn tại trong thế kỷ 21 này.
Ông Ban Ki Moon nhấn mạnh cần phải chống lại tình trạng « câu lưu , tù đày, phân biệt đối xử với những người đồng tính, nam cũng như nữ, lưỡng tính và chuyển giới ». Theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc , nhiều vận động viên tham dự Thế vận hội Sochi, khai mạc vào ngày mai 07/02/2014, đồng tính hay không cũng đều lên án các định kiến lạc hậu và kỳ thị này.
Lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc được đưa ra từ Sotchi mang ý nghĩa biểu tượng. Đạo luật do tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành trước Thế Vận hội mùa Đông, quy định các hình phạt nặng, từ phạt vạ đến án tù, những ai « tuyên truyền đồng giới tính » trước mặt trẻ em. Đạo luật này bị các tổ chức nhân quyền lên án mạnh mẽ, tố cáo chính sách trấn áp thành phần thiểu số này ở nước Nga.
Cũng trong ngày hôm nay, hơn 200 nhà văn nổi tiếng trên thế giới như Salman Rushdi, Margaret Atwood, Jonathan Franzen đã ký một bức thư ngỏ phổ biến trên báo chí Anh tố cáo đạo luật kỳ thị của Nga « bóp nghẹt » tinh thần sáng tạo và đặt giới văn nghệ sĩ trước nguy cơ bị tù giam.
Theo RFI