Tết miền Bắc đặc biệt được tô đẹp thêm bởi những cánh hoa đào. AFPMùa xuân vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ sáng tác, vì thế, nhạc xuân của Việt Nam vô cùng đa dạng, với những sắc thái khác nhau và đặc biệt mỗi một vùng miền, nhạc xuân lại gợi một chút riêng biệt gắn bó với đặc trưng đón Tết của vùng đất quê mình.
Xuân miền BắcNgoài những phong tục truyền thống giống với mọi miền đất nước như chúc Tết, mừng tuổi, xông đất…trước tiên, xin được cùng quý vị dừng chân ở mảnh đất ngàn năm văn hiến kinh Bắc để cùng nhìn lại những đặc trưng đón Tết của người dân nơi này.
Có lẽ không nơi nào mà thiên nhiên lại ưu ái như nới đây, có đủ xuân hạ thu đông và người miền Bắc vẫn luôn tự hào được đón Tết trong một chút se lạnh và mưa phùn. Đặc trưng nhất của Tết người miền Bắc là sắc thắm đỏ của hoa đào. Cái đẹp của đào là của trời ban, bởi cả năm, đào im lìm hiền lành chịu đựng, nhưng đúng khi xuân sang thì bừng nở… vẻ đẹp mềm mại, mong manh của những cánh hoa đỏ hồng đối lập với sự khẳng khiu, sù sì của thân cây khô khốc đã là biểu tượng cho mùa xuân tự bao đời của người dân phương Bắc.
Bên cạnh đó, bánh chưng của người miền Bắc cũng là sự khác biệt. Bánh có hình vuông, tượng trưng cho đất mẹ màu mỡ, sung túc, bánh thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở, biếu tặng nhau bánh chưng, bao giờ người Bắc cũng tặng theo cặp chứ không tặng riêng lẻ một cái. Và cũng tại bởi tiết trời lạnh, nên mâm cơm đầu năm, người ngoài Bắc thường có món thịt đông, giò xào và mâm ngũ quả cúng Tết của người miền Bắc cũng nhỏ gọn và đơn giản hơn so với người trong Nam.
Với gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, Việt Nam được ví như đất nước của lễ hội. Ngoài ý nghĩa tâm linh, hướng về cội nguồn, lễ hội còn là dịp để người Việt gắn bó với nhau hơn thông qua các hoạt động cộng đồng. Theo các nhà nghiên cứu, Bắc bộ là vùng có nhiều lễ hội và hình thức thể hiện cũng phong phú, đa dạng hơn cả. Tại đây hầu như làng nào, xã nào cũng có lễ hội. Trong đó có nhiều lễ hội lớn như Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, hội đền Cổ Loa, hội Lim... đều rơi vào mùa xuân.
Xuân miền TrungTạm rời miền Bắc để cùng đến với người dân miền Trung vào dịp Tết. Những món bánh đặc trưng của người dân địa phương là bánh tét, bánh tổ, bánh rò. Bánh tét rất đặc trưng bởi một đòn bánh tét tròn trịa, đầy đặn phản án khát vọng về một cuộc sống no ấm, đủ đầy của người dân bản xứ khi xuân sang, năm mới đến. Giống với mai vàng của miền Nam, người miền Trung có thêm hoa cúc vạn thọ.
“ Tết đến với người miền Trung bắt đầu đến kể từ ngày cúng ông công ông táo. Mặc dù, lễ vật thường đơn giản với chỉ một đĩa xôi, miếng thịt heo luộc và một ít trái cây và đặc biệt, họ kiêng cúng cá chép vì coi con vật này sẽ hóa rồng...và rồng là tượng trưng cho vua chúa
”Có lẽ Tết đến với người miền Trung bắt đầu đến kể từ ngày cúng ông công ông táo. Mặc dù, lễ vật thường đơn giản với chỉ một đĩa xôi, miếng thịt heo luộc và một ít trái cây và đặc biệt, họ kiêng cúng cá chép vì coi con vật này sẽ hóa rồng khi vượt ải vũ môn và rồng là tượng trưng cho vua chúa, nên không ai dám đụng chạm tới.
Tết miền Nam hoa mai vàng tràn ngập chợ hoa Nguyễn Huệ. AFPTrong ba ngày Tết, người dân nơi đây kiêng mặc quần áo màu trắng hoặc đen, họ thường chọn cho mình những trang phục sặc sỡ để mong một năm mới phú quý, an bình.
Đêm giao thừa, giống với khắp mọi miền, người miền Trung tin rằng, thời khắc này là lúc những xui xẻo của năm cũ sẽ qua đi và đón chào một năm mới tràn đầy may mắn. Tuy vậy, mâm cúng của người dân nơi
đây thường đơn giản với ít bánh trái, mứt và xôi chè… đó là những vật phẩm mà họ sẽ thưởng thức trong sáng mồng một bởi quan niệm đầu năm nên đón nhận những điều thanh sạch, ngọt ngào.
Bởi miền Trung quanh năm bão lũ, hạn hán, vì thế mà người dân quê không quá câu nệ hình thức mâm ngũ quả và cũng bởi giao thoa giữa 2 miền Nam – Bắc nên chủ yếu người miền Trung có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên.
Tuy vậy, cỗ Tết của người miền Trung lại khá cầu kỳ với thượng cầm là các loại gia cầm biết bay như chim gà vịt, hạ thú như heo bò và thủy tộc như tôm cua cá… ngoài ra, mâm cơm cúng tiên tổ còn có dưa món, giò lụa Huế, gà bóp rau răm…
Xuân miền NamTạm rời miền Trung để đến với mảnh đất cuối cùng của hình chữ S, miền Nam ấm áp.
Nhắc đến nắng xuân phương Nam thì không thể không nhắc tới mai vàng khoe sắc. Năm cánh mai vàng tượng trưng cho hình ảnh của 5 vị thần may mắn, ngũ phúc (phước, lộc, tho, khang, ninh). Mai vàng rực rỡ trong nắng còn gắn với truyền thuyết của của một cô gái xinh đẹp đã hi sinh để mang đến sự yên bình cho gia đình, làng xóm và cũng là để răn đe, diệt trừ quỷ dữ.
Nếu người miền Bắc đón Tết tinh tế, người miền Trung đón Tết cầu kỳ thì người miền Nam lại nhẹ nhàng, giản dị. Nét độc đáo của Nam Bộ mỗi dịp Tết là những hội hoa xuân, ở đó, hội tụ vô vàn những loại hoa khoe sắc.
Mâm ngũ quả được người miền Nam hết sức chú trọng với mãng cầu, dừa, sung, đu đủ và xoài.
Mâm cỗ Tết của người miền Nam thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng, hầu như nhà nào cũng có 3 món cơ bản là bánh tét, bánh tráng và nồi thịt kho tàu… Bánh tét được xem là biểu trưng cho sức sống, sự trường tồn, sự hùng mạnh. Nếu ngoài Bắc là canh măng, canh bóng thì trong Nam lại là canh khổ qua nhồi thịt.
Bên cạnh đó, người dân Nam bộ cũng đặc biệt chăm chút cho bàn tiệc ngày xuân, nó chứa đựng trọn vẹn vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng trong từng món ăn bên mâm cơm sum vầy gia đình.
Theo RFA