VRNs (11.02.2014) – Texas, USA - “Cây tre thẳng đứng, thân rỗng, có thể nằm rạp xuống tránh gió, nhưng cũng có thể vùng trỗi dậy rất nhanh”. Ông võ sư Vovinam (Việt Võ Đạo) đã đưa ra hình ảnh như thế để nói về con người Việt Nam, triết lý Việt Nam với chúng tôi.
Vovinam do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1936 nhưng đến 1938 mới đem ra công khai. Người sáng lập nhận thấy giới trẻ Việt Nam thời Pháp thuộc rơi vào hoàn cảnh người có sức mạnh thì ít hiểu biết, người có ít nhiều tri thức thì thể lý lại yếu nhược. Ngay những thời trước đó, các triều đại Đinh – Lê – Lý- Trần – Nguyễn cũng vậy, nên mới có quan văn chuyên dùng mưu lược, quan võ chuyên điều binh khiển tướng. Thế mới có chuyện quan văn chê quan võ dốt, quan võ bảo quan văn quân ăn không ngồi rồi làm rối chuyện quốc gia.
Ngài Nguyễn Lộc đã lập ra môn võ và cố gắng đưa nó vào học đường, để tương lai Việt Nam mình có những tráng sĩ văn võ song toàn. Nên ngay từ đầu Vovinam không dạy trong các võ đường [lò võ] ở thôn làng, mà được dạy ngay trong các trường học, ngay của người Pháp điều hành. Lớp dạy Vovinam công khai đầu tiên được khai giảng vào mùa Xuân năm 1940 tại trường Sư Phạm (École Normal) đường Cửa Bắc, Hà Nội.
Lão võ sư 70 tuổi, người đang sống ở Texas nói với chúng tôi: Năm xưa, thời Pháp thuộc, người Việt Nam trong trường ấy cũng hay bị lấn lướt, bị ép và bị coi thường. Trong một dịp tổ chức lễ của trường, các sinh viên Pháp, Việt, Miên, Lào cùng được giao trách nhiệm. Những sinh viên người Pháp đã muốn phô trương văn hóa của mình và xem thường văn hóa các nước thuộc địa. Các môn sinh Vovinam đã không im lặng như trước đây nữa, và đã yêu cầu các sinh viên Pháp phải rút lại nhiều vần phô trương, để cho người Miên, Lào và Việt có cơ hội đóng góp bằng văn hóa của mình. Các sinh viên Pháp không dễ dàng chấp thuận. Một cuộc ẩu đả đã xảy ra giữa các sinh viên lực lưỡng của Pháp và các sinh viên Việt Nam nhỏ thó. Kết cục các sinh viên Việt Nam có thể làm được điều mình muốn, còn các sinh viên Pháp thì bảo nhau không còn cơ hội ăn hiếp người An Nam nữa rồi. Sau đó, không chỉ sinh viên, mà cả học sinh trung học Việt Nam đua nhau xin cho nhà trường mình dạy võ Vovinam.
Vị võ sư nói với chúng tôi, Vovinam có hai phận hòa vào nhau là Việt võ thuật và Việt võ đạo. Võ thuật thì các chiêu thức thế nào, nhiều người đã có cơ hội thưởng ngoạn qua các cuộc biểu diễn, còn võ đạo thì ít thấy hơn, hay đúng hơn, chỉ những người bên trọng (đồng môn) mới biết. Tâm của Việt võ đạo, theo lão võ sư đang sống ở bang Texas, Hoa Kỳ là Sống cho người và để người sống. Hoàn toàn vì tha nhân, hoàn toàn vì cộng đồng.
Tại sao sư tổ Nguyễn Lộc không đặt tên cho môn võ mình bằng tên làng mình sinh ra hay một tên nào khác mà chọn tên Việt Nam làm tên võ phái? Vị võ sư tiếp chúng tôi cho rằng, sư tổ Nguyễn Lộc không muốn phô trương thân thế, mà chỉ muốn rạng danh Việt Nam. Võ phái không phải của ngài, mà là của dân tộc Việt Nam.
Vovinam có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có Ba Lan, Bỉ, Cambodia, Đan Mạch, Đức, Hoa Kỳ, Maroc, Na Uy, Nga, Pháp, Romania, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Singapore, Uzbekistan, Thái Lan, Ý, Úc, Ấn Độ, Iran, Tây Ban Nha …
Lược sử võ phái Vovinam cho biết
Từ 1960, sau khi sư tổ Nguyễn Lộc qua đời, võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Chưởng môn của Vovinam và chịu trách nhiệm phát triển và quảng bá rộng rãi Vovinam ra toàn thế giới.
Ở Pháp, giáo sư Phan Hoàng có công gầy dựng nền móng phát triển Vovinam ở Âu châu kể từ thập niên 1970.
Ở miền Nam Việt Nam kể từ năm 1966, Vovinam được đưa vào giảng dạy ở một số trường công lập thuộc nền Giáo dục Việt Nam Cộng hòa, từ dân sự đến quân sự và hành chánh.
Sau 1975, nhiều võ sư Vovinam phải đi tị nạn cộng sản khắp thế giới đã trực tiếp mở rộng võ phái Việt Nam. Tháng 9 năm 2008, thành lập Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF), tại Sài Gòn. Tháng 2 năm 2009, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Châu Á (AVF) diễn ra tại Tehran.
Ngày 31 tháng 3 năm 2010, Chưởng môn Lê Sáng ký quyết định thành lập Hội Đồng Võ Sư Chưởng Quản Môn Phái. Người đứng đầu hội đồng này được gọi dưới danh hiệu là Chánh Chưởng Quản và là người đứng đầu môn phái. Như vậy, danh xưng Chưởng Môn trong võ phái sẽ không còn dùng lai nữa. Theo đó, võ sư Nguyễn Văn Chiếu được bổ nhiệm làm Chánh Chưởng Quản môn phái.
Ngày 27 tháng 9 năm 2010 (nhằm ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần), võ sư Chưởng Môn Lê Sáng qua đời.
Ngày 16 tháng 10 năm 2010, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam châu Âu (EVVF) diễn ra tại Paris. Ngày 28 tháng 12 năm 2010, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á (SEAVF) diễn ra tại Campuchia. Năm 2011, Vovinam lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 26 tổ chức tại Indonesia. Năm 2013, Vovinam lần thứ hai được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 27 tổ chức tại Myanmar.
Hiện nay tinh thần Việt võ đạo vẫn được duy trì rất tốt ở các vị đồng môn khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tại cố hương, Việt Nam, Vovinam
đang được nhà cầm quyền cộng sản sử dụng như một công cụ của chế độ. Nhà cầm quyền Việt Nam đã thành công đưa Vovinam trở thành môn thể thao trong các kỳ SEA Games. Kết quả này dẫn tới sẽ có nhiều thanh niên lao vào tập luyện Vovinam hơn nữa, nhưng cũng có nguy cơ biến Vovinam thành một phương tiện để “đoạt giải” để “trèo lên cao” của cá nhân, mà dễ dàng quên đi cá nhân phải nổ lực sống vì cộng đồng.
Lão võ sư ở Texas nói với chúng tôi, nếu Vovinam được dạy nhiều hơn ở Việt Nam và tại các nơi có người Việt tị nạn, thì tinh thần Việt Nam không mất được. Ông cho rằng kể cả những người da trắng da đen tập luyện Vovinam, họ cũng mang trong tim mình hồn Việt Nam. Ông cho biết khi đến Tehran, chỉ biết ông là võ sư Vovinam thì các võ sư và môn sinh đồng môn tại đó đã đón tiếp và lo cho mọi công việc của ông tại đó thu hoạch được kết quả tốt nhất. Riêng ông đã đón nhận một võ sinh Vovinam hoàng đai từ Đức sang nhà ông ở, nuôi và chăm sóc như con trong suốt một tháng để võ sinh này hoàn thành một nghiên cứu cho chương trình đại học.
Vị võ sư này nói với chúng tôi, Vovinam không có chủ trương làm chính trị, mà chỉ có chủ trương đào tạo giới trẻ Việt Nam văn võ song toàn, rồi với tầm vóc trí tuệ và sức lực đó, họ có thể làm chính trị với tính cách cá nhân công dân, và nếu họ đi đúng theo tinh thần Vovinam là Sống cho người và cho người sống thì anh em Vovinam tứ hải giai huynh đệ sẽ ủng hộ và góp sức cho người ấy.
Vị võ sư nhắc lại cây tre. Cây tre là biểu tượng của người Việt Nam. Cây tre có bụi, có cụm, không bao giờ cây tre sống mà lưng lững một mình. Suốt ngàn năm giặc Phương Bắc không thể Hán hóa được Việt Nam là có công của lũy tre làng, của sự cấu kết tự thân và thâm sâu của cộng đồng.
PV. VRNs