Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết nhiều tác phẩm về miền Nam thời chiếnNhà văn Nguyễn Quang Sáng, cây bút hàng đầu thuộc dòng văn học cách mạng Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 82.
Con trai ông, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, thông báo tin này trên trang Facebook cá nhân vào chiều ngày 13/2.
“Chúc ba vui vẻ nơi ấy! Má và các con yêu ba! Cám ơn thượng đế cho con được là con của ba,” ông Dũng viết.
Sinh năm 1932 tại tỉnh An Giang, ông Nguyễn Quang Sáng tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam.
Sau 1954, ông tập kết ra Hà Nội, bắt đầu viết văn, làm biên tập cho tuần báo Văn nghệ của Hội nhà văn.
Trong thập niên 1960, ông hoạt động ở chiến trường miền Nam trong tư cách làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng, trước khi ra lại Hà Nội năm 1972.
Truyện ngắn được xem là nổi tiếng nhất của ông, Chiếc lược ngà, được viết năm 1966 khi tác giả hành quân từ Bắc vào Nam.
Ông kể: “Năm 1966, tôi từ miền Bắc trở về miền Nam. Vùng Đồng Tháp Mười mênh mông nước trắng.”
“Tôi đi ghe vào sâu trong rừng và sống ở một nhà sàn treo trên ngọn cây.Lúc đó, đoàn giao liên dẫn đường toàn là nữ.”
“Tôi rất có ấn tượng với câu chuyện của một cô gái giao liên có chiếc lược ngà trắng. Sau khi nghe cô kể chuyện, tôi ngồi viết một ngày, một đêm là hoàn thành tác phẩm này.”
Sau 1975, ông là lãnh đạo đầu tiên và liên tục suốt ba nhiệm kỳ ở Hội Nhà văn TP. HCM.
Tại Đại hội nhà văn toàn quốc khóa IV, ông được giới nhà văn bỏ phiếu cao nhất, được giới thiệu để bầu làm Tổng thư ký.
Nhưng ông từ chối, sau đó giữ chức Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, còn nhà văn Vũ Tú Nam được bầu làm Tổng thư ký.
Cùng với Đoàn Giỏi, Anh Đức, ông Nguyễn Quang Sáng được xem là nhà văn hàng đầu của miền Nam trong dòng văn học kháng chiến.
Để ghi công trạng của ông, Đảng Cộng sản trao tặng ông giải thưởng cao nhất về văn học nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh, năm 2000.
Theo BBC