Những kinh sư và người Pharisiêu tự cho mình là những người nhân đức, vì họ tuân giữ chặt chẽ những lề luật đã qui định. Có lần Chúa Giêsu đã khiển trách họ: "Các ông nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín". Họ câu nệ về hình thức lề luật mà quên đi lương tri của con người. Trước khi giải thích về việc thực hành Lề Luật, Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn đệ: "Nếu anh em không ăn ở hơn các kinh sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời".
Phải ăn ở hơn các kinh sư và người Pharisiêu ở những điểm nào? Phải thêm, bớt, hủy bỏ những lề luật nào trong số những lề luật mà các kinh sư và người Pharisiêu giảng dạy? hay Chúa Giêsu sẽ đưa ra những lề luật mới nhẹ nhàng hơn?
Trước hết, Chúa Giêsu xác định: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn", và Ngài khẳng định thêm: "Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành". Cuối cùng Ngài cảnh cáo: "Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời."
Cụ thể, Chúa Giêsu đưa ra mấy trường hợp kiện toàn Lề luật sau đây:
Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Chúa Giêsu lại dạy thêm rằng: ai giận anh em, mắng nhiếc anh em là đồ ngốc, chửi anh em là quân phản đạo, đều phải bị đưa ra tòa, bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng, bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Môn đệ của Chúa Giêsu phải là những người chủ động đi làm hòa với anh em nếu có bất hòa giận ghét. Nếu cả hai nuôi mãi hận thù, sẽ không thể có hòa thuận, hòa bình.
Một bà bán xôi nọ là người Công giáo. Sáng nào, trước khi gánh xôi đi bán, bà cũng ra giếng trước nhà giặt một thau quần áo rồi phơi lên dây ở gần đó. Một bà hàng xóm ngoại giáo ở cạnh nhà. Sáng nào cũng đem quần áo giặt nhờ giếng nước của bà bán xôi. Một hôm, bà hàng xóm sau khi giặt xong, bà nhìn lên thấy dây phơi đã đầy kín quần áo. Tưởng bà bán xôi đã đi bán hàng, bà dùa hết quần áo của bà bán xôi sang một bên, rồi phơi quần áo của bà lên.
Bất ngờ, bà bán xôi từ trong nhà đi ra, thấy thế liền chửi mắng bà kia thậm tệ. Bà hàng xóm cũng không vừa. Hai bên đấu khẩu với nhau bằng những lời lẽ chẳng tốt đẹp gì. Bà bán xôi tức quá, xông đến giật tất cả quần áo của bà hàng xóm xuống rồi xé ra. Bà con lối xóm thấy thế chạy đến can ngăn.
Ít ngày sau đó, khi tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật, bà nghe cha chủ tế đọc đoạn Tin Mừng: "Nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình". Bà bán xôi cảm thấy hối hận về hành vi của mình mấy hôm trước. Bà liền ra khỏi nhà thờ, đi một mạch tới chợ, mua một số quần áo đưa đến cho bà hàng xóm và xin lỗi:
- Chị à! Tôi thật lòng xin lỗi chị. Mấy hôm trước, tôi quá nóng nên đã quá lời và đã xé quần áo của các cháu. Xin chị bỏ qua cho tôi và nhận số quần áo này cho các cháu mặc tạm.
Trước cử chỉ ấy, bà hàng xóm đứng sững người ra. Bà cảm động muốn khóc, không dám nhận số quần áo đó. Nài ép mãi, bà hàng xóm mới chịu nhận. Cả hai ôm nhau khóc! Từ bấy giờ trở đi, hai gia đình trở nên thân thiết, có gì cũng chia sẽ cho nhau. Tình nghĩa xóm làng trở nên thắm thiết. Sống hòa thuận với nhau, yêu thương nhau là món nợ chúng ta mắc phải đối với anh em.
Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình; nhưng Chúa Giêsu lại bảo: "Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi"; hay Luật còn dạy rằng: "Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị"; nhưng Ngài lại bảo: "Ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình."Lương tâm trong sạch, đầy bác ái yêu thương, thủy chung thì không thể có hành động ly dị, thù hằn ganh ghét. Lòng dạ thế nào thì hành động thế ấy. Lòng có đầy, miệng mới nói ra. Chúa đã lên án những người sống giả hình, thiếu trung thực: " Cây tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây".
Hai tu sĩ đang đi trên một con đường lầy lội. Thình lình, họ thấy một cô gái xinh đẹp lại ăn mặc 'thiếu vải' bị một con bò cạp chích vào chân đang ngồi khóc. Lúc ấy, trời lại đang kéo mây đen u ám, sắp chuyển mưa to. Một thầy nói:
- Đi mau thôi! Trời sắp đổ mưa lớn.
Nhưng thầy kia dừng lại, đến cõng cô gái chạy đến trạm xá gần đó. Sau đó, hai thầy tiếp tục đi. Đi được một quãng đường, thầy lúc nãy giục đi mau, cảm thấy ấm ức, hỏi:
- Anh không biết chúng ta là tu sĩ, anh làm thế không sợ người ta đồn thổi sao?
Thầy cõng cô gái trả lời:
- Tôi đã để cô gái ấy ở trạm xá rồi, sao anh còn mang cô ấy theo?
Có Chúa biết! Người ta nhìn bề ngoài, còn Chúa nhìn trong tâm hồn! Ýthức, lương tâm, lương tri con người cũng phần nào đóng góp vào hành vi tốt xấu của mình. Những gì liên quan đến hành động xấu cũng phải bị lên án.
Luật dạy rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa; nhưng Chúa Giêsu lại bảo: " Đừng thề chi cả... Nhưng hễ 'có' thì phải nói 'có', 'không' thì phải nói 'không'. Thêm thắt điều gì là điều ác quỷ". Một sự bất tín, vạn sự chẳng tin. Chỉ những người không trung thực, không đáng tin cậy, gian dối mới mượn nhân vật này, danh xưng kia để làm bảo chứng. Có thì nói có, không thì nói không, như thế là trung thực; Có nói không, không nói có, như thế là gian dối, bịa đặt.
Vợ thầy Tăng Tử đi chợ. Con khóc, đòi đi theo. Mẹ bảo:
- Con ở nhà, rồi mẹ về, mẹ sẽ làm thịt lợn cho con ăn.
Lúc vợ về, thầy Tăng Tử đi bắt lợn làm thịt. Thấy thế, vợ nói:
- Tôi chỉ nói đùa với nó thôi mà!
Thầy Tăng Tử bảo:
- Nói đùa là thế nào? Đừng khinh trẻ thơ là không biết gì. Cha mẹ làm gì, chúng thường hay bắt chước. Nay mình nói dối nó, chẳng là mình dạy nó nói dối ư!
Tăng Tử nói xong, làm thịt lợn cho con ăn.
Lục Chí có câu rằng: "Nếu mình không hết lòng thành mà mong người ta hết lòng thành, chắc người ta chán mà không theo mình nữa. Nay mình không có lòng thành, mà bảo lần sau rồi có lòng thành, chắc người ta ngờ vực mà không tin được nữa". Thề thốt để làm chứng gian, để biện minh cho những điều sai trái là điêu ngoa. Trung thực, thành thật là điều Chúa muốn. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ!
Tội và nhân đức, điều tốt và điều xấu bắt nguồn từ đâu? Lòng đạo đức hệ tại tâm hồn, không hệ tại hiện tượng. Ý thức, lương tâm, lương tri dẫn đến hành dộng. Lương tâm bất chính, độc ác sẽ dẫn đến hành động tội lỗi. Lương tâm công chính sẽ hướng dẫn đến hành động liêm chính. Không phải chỉ dựa vào hành động xấu để lên án, kết tội mà còn phải dựa vào lương tâm tốt xấu, tà tâm hay thiện tâm để kết tội. Không nên nhìn hiện tượng để đánh giá bản chất. Không nên chỉ nhìn bề ngoài: lời nói, việc làm mà lên án, còn phải nhìn vào tận thâm sâu của tâm hồn là những suy nghĩ, ý định, ước muốn.
Lương tâm trong sạch, đầy bác ái yêu thương thì không thể có hành động thù hằn, ganh ghét. Lòng dạ thế nào thì hành động thế ấy như lời Chúa đã nói: "Cây tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây. Loài rắn độc kia, xấu như các người, thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Tôi nói cho các ngươi hay: đến ngày Phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh bị kết án."
Chúa không xóa bỏ lề luật nhưng cải thiện lề luật, đưa ra những tiêu chuẩn để kết án cao hơn, đó là những tiêu chuẩn về lương tâm, về lòng đạo đức. Sách Huấn Ca dạy rằng: "Việc tuân giữ các giới răn là tùy ở ngươi. Người đặt trước mặt ngươi nước và lửa, ngươi muốn cái gì thì giơ tay trên đó. Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào thì được thứ ấy. Bởi chưng Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng. Ngài nhìn thấy mọi loài. Ngài nhìn đến những kẻ kính sợ Ngài, và thấu suốt mọi hành động của con người. Ngài không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác, cũng không cho phép ai phạm tội.Chúa không phá bỏ luật, nhưng kiện toàn và nâng cao. Người xưa dạy căn cứ vào hành động để lên án, Chúa dựa vào lương tâm, lương tri của con gười để kết tội.
Thiên Chúa tốt lành. Ngài không đem sự dữ, điều xấu đến cho con người, nhưng chọn điều này hay điều kia là tùy con người. Thiên Chúa không ép buộc chúng ta phải làm thế này, phải làm thế kia. Chọn lựa điều này hay điều kia là tùy thuộc vào tự do của con người. Ngài khuyên và nhắc nhở chúng ta sống công bình, nhân hậu và thành tín.
LM. Trịnh Ngọc Danh