Xứ người, “miền đất tạm dung” của chúng ta trong nhiều thập kỷ qua, có lẽ sẽ dần dần trở thành nơi định cư vĩnh viễn của nhiều người, khi quê hương vẫn còn trong tay của nhóm tư bản đỏ, của bè lũ cộng sản và nhất là khi Saigon, EM đã bị đổi tên.
Hoài niệm về những ngày đã từng sống ở quê nhà còn chăng chỉ là những kỷ niệm, những kỷ niệm đã giữ mãi trong lòng, theo ta trong những thăng trầm của đời sống.
Nhìn lại quê cũ, là nỗi buồn sâu kín như lời thơ của nhà thơ Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc Lâu, và thi bá Vũ Hoàng Chương đã dịch như sau:
“Gần xa chiều xuống đâu quê quán?”
“Đừng dục cơn sầu nữa sóng ơi”
Xin mời quý độc giả của Thời Báo và quý thính giả của Thời Báo Radio, tham dự những cuộc hội thoại với chủ đề “buồn vui đời tỵ nạn”, nơi mà quý vị có thể kể cho mọi người nghe về những vui buồn trong cuộc sống xứ người, những kỷ niệm khi còn ở quê nhà, về một cuộc tình thời trẻ v.v… Chúng tôi cũng sẽ phát thanh một bài hát của quý vị hay giọng ngâm nếu nhận được bài hát qua CD hay qua internet. Cuộc hội thoại sẽ được phát thanh trên Thời Báo Radio, đăng với hình ảnh trên tuần báo Thời Báo và đăng trên Thời Báo Website.
Quý vị không cần đến văn phòng Thời Báo. Chúng tôi sẽ phỏng vấn quý vị qua điện thoại. Khi đã nhận lời tham dự, chúng tôi sẽ giúp quý vị chọn chủ đề và sẽ gửi các câu hỏi đến trước, để quý vị chuẩn bị. Một người có thể tham dự nhiều cuộc hội thoại với các chủ đề khác nhau,và ở các thời điểm khác nhau, không cùng một lúc.
Xin quý vị liên lạc với chúng tôi qua email
nguyen.suzy@gmail.com hay qua điện thoại 416-925-5746.
TH (Tuấn Hoàng): Trong cuộc hội thoại “Buồn Vui Đời Tỵ Nạn” kỳ này, chúng tôi có hân hạnh nói chuyện với ca sĩ Thành Tín, một ca sĩ cũng là một nhân vật đã từng hoạt động hăng say trong cộng đồng người Việt ở Toronto. Thay mặt cho quý thính giả và độc giả của Thời Báo, xin thân chào anh Thành Tín.
TT (ca sĩ Thành Tín): Xin thân chào anh Tuấn Hoàng và xin kính chào quý thính giả và độc giả của Thời Báo Radio.
TH: Chúng tôi xin lược qua tiểu sử của ca sĩ Thành Tín. Niềm đam mê lớn nhất của Thành Tín là âm nhạc, đã hát cho trường từ khi anh còn là học sinh tiểu học. Khi còn là học sinh trung học, anh đã theo các phái đoàn văn nghệ, đi hát giúp vui cho các chiến sĩ tiền đồn. Anh gia nhập binh chủng không quân sau đó và tiếp tục hoạt động văn nghệ quân đội, cho đến ngày mất nước. Năm 1985, anh vượt biển tìm tự do đến Nam Dương, và sau đó đến định cư ở Toronto. Tại Toronto, anh tiếp tục hăng say trong các hoạt động văn nghệ cộng đồng cũng như cộng tác với một số vũ trường ở Toronto.
Anh Thành Tín có thể cho quý độc giả của Thời Báo biết thêm về những hoạt động văn nghệ của anh khi còn đi học?
TT: Thưa anh Tuấn Hoàng, thì do sự đam mê về văn nghệ ngay từ nhỏ, mà một lần có một cuộc văn nghệ liên trường, tôi khi đó còn nhỏ lắm so với những học sinh dự thi khác, nhưng đã may mắn đoạt giải nhất, đại diện cho liên trường.
TH: Thưa anh, anh đi hát cho các chương trình hát tiền đồn từ bao giờ?
TT: Thưa anh Tuấn Hoàng, khi tôi còn là học sinh trung học, tôi chưa phải đi lính, nhưng cũng đã hăng hái tham gia các chương trình hát cho các anh em chiến sĩ ở các tiền đồn. Tôi tham dự hầu hết các chương trình đi hát tiền đồn mà tôi có thể tham dự. Và nhờ vào các cuộc tham gia đó, mà trong một chương trình văn nghệ ở biệt khu thủ đô, tôi đã được nhạc sĩ Anh Việt Thu giúp đỡ nhiều về ca hát.
TH: Thưa anh, trong những lần đi hát tiền đồn như thế, anh có quen biết với những ca nhạc sĩ khác, cũng hay đi hát tiền đồn?
TT: Thưa anh, trong thời gian đi hát tiền đồn, tuy tôi là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất, tôi cũng có dịp nói chuyện và được sự ưu ái quý mến của những anh chị em nghệ sĩ đã thành danh như chị Ngọc Đan Thanh, Phương Dung, Nhật Trường, Giáng Thu, Mạnh Quỳnh hồi xưa của lò nhạc Lê Minh Bằng.
TH: Anh có những kỷ niệm đặc biệt nào với những anh chị em nghệ sĩ này?
TT: Thưa anh, trong thời gian đi hát tiền đồn, tôi cũng đã có nhiều kỷ niệm với các anh chị em nghệ sĩ, mà đặc biệt là ca sĩ kiêm nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh. Anh Nhật Trường thấy tôi có năng khiếu, nên đã nhiều lần mời tôi về nhà chơi, ở đường Dương Công Trừng, Thị Nghè. Qua anh Nhật Trường, tôi đã hát ở câu lạc bộ Mây Bốn Phương. Cũng trong thời gian này, tôi cũng hát trên các đài phát thanh Quân Đội và Pháp Á.
TH: Thưa anh, anh có thể kể lại cho quý thính giả và độc giả những sinh hoạt văn nghệ của anh, trong thời gian anh ở trại tỵ nạn bên Nam Dương.
TT: Thưa anh Tuấn Hoàng, tôi vượt biển tỵ nạn, đến Nam Dương vào năm 1985. Nơi mà tôi đặt chân lên miền đất tự do là đảo Ku Ku, trước khi vào đảo Ga Lăng. Trong thời gian ở trại Ku Ku, tôi cũng tham dự vào các chương trình văn nghệ dã chiến trên đảo. Tôi nhớ bài hát đầu tiên tôi hát ở đảo Ku Ku là “Huyền Thoại Chiều Mưa” của Nguyễn Vũ.
Tôi cũng muốn nói thêm một chút về các cuộc trình diễn này. Nói là những chương trình văn nghệ dã chiến, là vì chúng tôi không có các dụng cụ trình diễn. Chỉ có một tây ban cầm cũ, của một người tỵ nạn đi trước để lại. Những người đánh đàn đều là những người đàn tài tử, nhưng các nhạc sĩ tài tử này lại đàn rất hay. Cái khổ hơn nữa là các ca sĩ hát lại không có micro… mà phải dùng một cái ‘haut parleur’, cái loa cầm tay quá nặng, vừa cầm vừa hát… thế mà các khán giả chẳng có ai phiền hà gì cả..
TH: Anh Thành Tín có thể kể cho quý thính giả và độc giả về những hoạt động văn nghệ của anh khi đến Canada?
TT: Thưa anh Tuấn Hoàng, những ngày đầu đến định cư ở Toronto, tôi đã tham gia ngay các hoạt động của các hội đoàn như hội cựu quân nhân QLVNCH, hội cao niên Toronto, hội phụ nữ. Những năm đó, số đồng bào ta cư ngụ trong vùng thủ phủ Toronto cũng không có nhiều, cho nên số hội viên của các hội đoàn cũng thưa thớt… Như số thành viên của hội cựu quân nhân lúc bấy giờ chỉ có 7 người.
Trong thời gian những năm đầu, tôi cũng đi hát cho phòng trà Queen Bee ở Toronto cho đến khi phòng trà này đóng cửa.
Ngoài ra, tôi cũng tham gia những hoạt động văn nghệ khác ở ngoài Toronto, như qua Mỹ hát ở các thành phố Syracuse, Portland, Detroit, Phialadelphia rồi ở tiểu bang Ohio. Đặc biệt là tôi đã hát nhiều năm cho các chương trình văn nghệ cứu trợ các thương phế binh VNCH ở thành phố Philadelphia.
Mới đây, vào năm 2011, vì có những kinh nghiệm tổ chức các show nhạc, tôi cũng được Thời Báo mời tổ chức chương trình văn nghệ Summer Festival tại quảng trường Mel Lastman.
TH: Thưa anh, hiện nay anh còn tiếp tục đi show?
TT: Thưa anh Tuấn Hoàng, tôi hiện đã về hưu, nhưng dòng máu văn nghệ vẫn chảy trong huyết quản, nên vẫn đi hát cho các chương trình văn nghệ cộng đồng. Ngoài ra, tôi cũng làm thêm nghể MC cho các party văn nghệ, các chương trình kỷ niệm hấp hôn 10 năm, 20 năm, 30 năm v.v…
TH: Anh Thành Tín nghĩ sao về tương lai về nền ca nhạc ở hải ngoại?
TT: Theo nhận xét của Thành Tín, qua những kinh nghiệm trình diễn văn nghệ, những bài hát được trình diễn cũng như được yêu cầu nhiều nhất, vẫn là những bài hát đã phát hành ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ngoài ra, cũng có những nỗ lực của các nhạc sĩ khác trong việc sáng tác thêm các bản nhạc có giá trị ở hải ngoại như nhạc sĩ Từ Công Phụng, nhạc sĩ Đức Huy, nhạc sĩ Anh Bằng.
TH: Thưa anh, anh có những hoài bão gì cho những hoạt động văn nghệ trong tương lai?
TT: Thưa anh Tuấn Hoàng, tôi có một hoài bão như hoài bão chung của những người Việt hải ngoại, là mong con cháu của chúng ta ở những thế hệ sau, lớn lên ở hải ngoại, vẫn có thể hát được nhạc Việt. Chính vì thế mà tôi muốn mở những lớp huấn luyện nhạc lý, cho những người lớn, cũng như những người trẻ. Hiện nay những ngày cuối tuần, tôi vẫn có những sinh hoạt văn nghệ với những ca sĩ trẻ, sẵn sàng trợ giúp những ca sĩ này trong việc trình diễn, với những kinh nghiệm nhạc lý mà tôi đã học trong lớp nhạc Lê Minh Bằng trước đây.
TH: Xin cám ơn anh Thành Tín đã bỏ thì giờ đến tâm sự với quý độc giả và thính giả Thời Báo về những kỷ niệm một thời đi hát tiền đồn của anh. Trước khi tạm biệt, xin mời quý thính giả cùng lắng nghe bải Định Mệnh của Lam Phương, qua tiếng hát của ca sĩ Thành Tín.
Theo lời anh, thì lý do anh chọn bài hát Định Mệnh trong cuộc hội thoại, vì theo anh, cuộc đời của chúng ta hình như đều có những sự an bài.
Nguyễn Tuấn Hoàng