NGÓN TAY BẬT (Trigger finger)Bàn tay người phụ nữ thon muốt, từng ngón dài, làm mê mẩn bao văn nhân, thi sĩ. (Đâu như bàn tay đàn ông, ô dề, phàm phu tục tử!). “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Trời xanh có ganh chăng, nên bắt bàn tay phụ nữ chịu nhiều tai hoạ, trong đó có bệnh ngón tay bật.
Sao lại gọi bệnh ngón tay bật? Ngón tay bật (trigger finger) là bệnh khiến ngón tay ta bật như cò súng. (Súng thì không hiếm ở Mỹ, sử dụng khắp nơi, đem cả vào trường học, bắn thày cô, bạn bè, thế mới đáng buồn).
Ngón tay cử động khó khăn, muốn cong ngón tay lại, ngón tay như bị kẹt, muốn duỗi ngón tay ra, cũng chẳng dễ. Cố sức duỗi thẳng ngón tay xem có được không, thì thình lình, ngón tay bật ra, đến tách cái, khiến khớp xa (distal interphalangeal joint) của ngón tay thấy đau. Khi sờ thử chỗ gốc ngón tay, nơi khớp bàn tay và ngón tay (metacarpo-phalangeal joint), thấy chỗ này nổi cục, ấn vào thì đau.
Đấy là bệnh ngón tay bật. (Mỹ họ thực tế, một số bệnh xảy ra giống cái gì, họ đặt luôn tên bệnh theo cái đó, cho tiện việc sổ sách, nôm na và dễ hiểu. Tên chính thức của bệnh ngón tay bật, “Stenosing tenosynovitis of the flexor tendons”, ôi, lôi thôi, dài dòng).
Nguyên nhân và triệu chứngMọi cử động trong thân thể chúng ta không khác gì sự chuyển vận của một bộ máy cơ khí, có điều uyển chuyển hơn nhiều. Thần kinh (nerve) điều khiển bắp thịt (muscle), bắp thịt chuyển động, rồi truyền những chuyển động này qua các sợi dây gân (tendon), tức đầu của những bắp thịt. Các sợi dây gân mới kéo những khớp xương, khiến khớp xương chuyển động theo. Mọi việc xảy ra nhanh chóng và nhuần nhuyễn, nhờ thế chúng ta đi đứng và cử động uyển chuyển.
Trong các ngón tay ta cũng vậy. Có những sợi dây gân co (flexor tendons), chạy dọc theo lòng các ngón tay để giúp ta cong các ngón tay lại, và những dây gân duỗi (extensor tendons) chạy dọc theo lưng các ngón tay giúp ta duỗi thẳng ngón tay ra. Đặc biệt những dây gân co của mỗi ngón tay (có bổn phận giúp ta cong ngón tay lại) phải chạy qua một đường hầm (tunnel), còn gọi là màng bao gân (tendon sheath), trong có những hệ thống ròng rọc (pulleys). Các ròng rọc này mang nhiệm vụ giữ chắc những dây gân co sát vào ngón tay, khiến chúng không bị lỏng lẻo. Mọi chuyện êm xuôi không sao, những sợi dây gân co cứ việc chạy trong các đường hầm qua những hệ thống ròng rọc của chúng thoải mái, ta co duỗi ngón tay tùy ý, và đã không có chuyện để nói. Song khi vì một lý do nào đó, như sử dụng nhiều quá, dây gân co ngón tay bị sưng lên, cồng kềnh, khó chạy qua những ròng rọc, lúc ấy, bệnh ngón tay bật xảy ra. Ngón tay ta bật, bật.
Bệnh nhẹ hay nặng tùy mức độ gân sưng ít hay nhiều. Nhẹ nhất, gân co ngón tay sưng ít thôi, vướng vào các ròng rọc không nhiều, ta vẫn co duỗi ngón tay được như thường, tuy không thực sự thấy thoải mái, và ngón tay trông hơi mập mập. Ngược lại, khi gân co ngón tay sưng nhiều quá, to bự lên thành một cục (nodule), ngón tay ta sẽ kẹt cứng luôn, không duỗi ra được. Giữa hai thái cực này, tức lúc gân co có sưng song sưng vừa phải, nhẹ không còn nhẹ, mà nặng cũng chưa hẳn nặng, ngón tay bật, bật khi ta cố duỗi nó, tạo cảm giác đau ở gốc ngón tay, truyền dọc lên ngón tay. Sờ chỗ gốc ngón tay, nơi khớp bàn tay và ngón tay (metacarpo-phalangeal joint), thấy chỗ này nổi lên một cục sưng và đau.
Sao lại có căn bệnh quái ác này, khiến nhiều người mất vui? Bệnh sưng các dây gân hay xảy ra ở những phụ nữ đứng tuổi, có khi gây do bệnh tiểu đường, hoặc bệnh thấp khớp rheumatoid (rheumatoid arthritis), ... Không cứ gì các ngón tay, bệnh sưng các dây gân có thể xuất hiện tại tất cả mọi khớp trong cơ thể, song khi bệnh ở những khớp khác, nó ít gây triệu chứng. Khi bệnh sưng gân đến thăm khớp ngón tay, nó tạo chứng ngón tay bật, chỉ vì những dây gân co ngón chạy trong các đường hầm qua những hệ thống ròng rọc, và khi gân sưng, nó vướng vào những ròng rọc này.
Chữa trịCó hai cách chữa bệnh ngón tay bật: một là giúp cho dây gân co ngón tay giảm sưng, hai là cắt bỏ ròng rọc ràng buộc nó, khiến nó dù sưng, vẫn chạy đi chạy lại được không bị vướng.
Nếu ngón tay mới dở chứng đau và bật trong vòng 3 tháng trở lại, ta có thể chữa bằng cách bất động ngón tay trong 4-6 tuần (cột ngón tay đau vào ngón tay lành bên cạnh, hoặc dùng dụng cụ đặc biệt để bất động ngón). Chườm đá vào chỗ đau mỗi 4-6 tiếng giúp ta bớt đau.
Chữa như vậy không bớt, hoặc trong những trường hợp nặng ngay từ đầu, ngón tay co vào không duỗi ra được, ta chích thuốc có chất steroid vào màng bao gân (tendon sheath) bọc quanh gân co (tức đường hầm trong đó gân co ngón tay chạy đi chạy lại). Khi chích thuốc steroid như vậy, bác sĩ cẩn thận, chỉ chích thuốc đúng vào bao gân, tránh chích nhầm trúng gân co, vì thuốc steroid có thể làm dây gân yếu đi và đứt.
Sau khi chích thuốc 6 tuần, vẫn không ăn thua, ngón tay vẫn bật, và gốc ngón tay còn đau, chúng ta có thể chích lại lần nữa. Sau lần chích thứ hai, nếu vẫn không hiệu quả, cách giải quyết tốt lúc này là giải phẫu. Giải phẫu xẻ đôi cái ròng rọc khiến dây gân khỏi bị vướng khi chạy qua nó (division of the pulley). Đây là cách chữa mang lại kết quả đến 97%, và có thể làm với gây tê tại chỗ (local anesthesia).
Tóm lại, cũng như sự trị liệu các bệnh khác, cách chữa bệnh ngón tay bật tùy tình trạng nặng nhẹ của bệnh. Trong y khoa, việc định bệnh đúng và chữa trúng thời điểm bao giờ cũng quan trọng.
Bác sĩ NGUYỄN KHẮC ĐOAN, NGUYỄN VĂN ĐỨC