VRNs (18.02.2014) – Sài Gòn - Cha Giuse Cao Đình Trị, nguyên giám tỉnh bốn nhiệm kỳ của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã được Chúa gọi về. Tôi không có hân hạnh quen biết ngài, nhưng được làm việc với các linh mục học trò của ngài trong nhiều năm liền, tôi cũng được nghe biết ít nhiều về ngài. Sự ra đi của ngài để lại trong nhà Dòng, trong môn sinh của ngài nhiều đau thương và nuối tiếc lớn lao.
http://www.chuacuuthe.com/images2013/140217001.jpgCha Giuse quê ở tỉnh Hưng Yên, Bắc Phần Việt Nam. Cha vào Dòng Chúa Cứu Thế năm 13 tuổi, và đã tiếp tục tu học trong nhà Dòng sau ngày di cư vào Nam năm 1954. Sau khi thụ phong Linh mục năm 1965, Cha đã đảm nhiệm nhiều sứ vụ quan trọng trong Nhà Dòng, từ phó xứ, Bề Trên Chánh Xứ, cho đến Phó Giám Tỉnh và Giám Tỉnh của tỉnh Dòng Việt Nam.
Theo thông báo của Văn Phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Cha Giuse đã từng nói “Tôi rất vui mừng được làm con Thánh Anphong trong DCCT, một Dòng biết tôn trọng những tài năng và chọn lựa riêng của mỗi người trong việc làm tông đồ. Tôi rất biết ơn những người đào tạo, vì đã tạo nên tinh thần sống và làm việc trong đời tu sĩ của tôi.”
Người con ấy của Thánh Anphong đã ra đi. Khi một linh mục ra đi, thì ít nhiều trong lòng Hội Thánh và trong lòng cộng đoàn vẫn có một khoảng trống không dễ bù đắp. Sự hiện diện của Cha Giuse có ý nghĩa lớn lao trong cộng đoàn và trong cộng đồng dân Chúa.
Cha là một chứng nhân tích cực của lịch sử. Chúng ta nói ngài là chứng nhân tích cực là bởi vì ngài không chỉ chứng kiến những cảnh vật đổi sao dời như bao con người khác, nhưng ngài đã nỗ lực góp phần thay đổi những bất lợi để đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Dĩ nhiên trong một xã hội mà mọi giá trị và chuẩn mực đều bị đạp đổ để thay vào đó là một thứ lý thuyết ngoại lai và lỗi thời, thì có những người vì thời cuộc và vì những lý do khó hiểu đã phải chấp nhận đi con đường khác với Cha Giuse. Đành rằng mỗi người có tự do và hoàn toàn có quyền chọn lựa con đường đi cho riêng mình, và đành rằng có người không biết con đường nào tốt hơn, thẳng hơn và trực tiếp hơn con đường nào, nhưng một cách tự nhiên và bằng lý trí, người ta có thể giả định một khả năng khá lớn sự đúng đắn chính xác theo các chuẩn mực dựa trên lương tri, lẽ phải và khả năng thiên phú.
Đối với người Kitô hữu là những người chọn Đức Kitô làm lý tưởng sống và kim chỉ nam cho cuộc đời mình, thì tiêu chí rõ ràng nhất để phân định chính là Tin Mừng và việc quảng diễn Tin Mừng trong Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh.
Bài viết này không nhằm đề cao Cha Giuse, vì ngài chỉ cần Đức Kitô, và thật sự lúc này đây chỉ có Đức Kitô là thật sự có ý nghĩa cho ngài mà thôi. Bài viết này càng không nhằm phê phán bất cứ ai, cho dù chọn lựa của họ xa lạ với niềm tin Công giáo và lối sống của đa số người Công giáo.
Tuy nhiên, trước những biến cố chung trong xã hội cũng như biến động riêng trong cuộc đời mà người ta chứng kiến hay gặp phải đây đó, thì sẽ rất bình thường nếu chúng ta dừng lại suy tư. Cuộc đời quả là sự lựa chọn không dễ dàng, không dễ chọn và không dễ sống theo điều mình chọn.
Đức Kitô không đòi buộc môn đệ Người phải chọn lựa một quan điểm chính trị hiểu theo nghĩa vị thế trần gian, nhưng Người đòi họ phải rõ ràng dứt khoát. Người nói: “Của Caesar phải trả cho Caesar, của Thiên Chúa phải trả cho Thiên Chúa” (Mt. 22,21). Đồng thời Người cũng muốn môn đệ Người dấn thân trọn vẹn: “Ai tra tay cầm cày mà còn ngoái lại phía sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc. 9,62).
Mới đây tôi tình cờ được biết một ông linh mục quốc doanh lặp lại lời Đức Giáo hoàng danh dự Benedict XVI: “Người Công giáo tốt phải là người công dân tốt”. Trước đây người thế gian (hùng) trong xã hội này cũng đã lặp lại lời ấy. Nhưng rõ ràng những người lặp lại như cái máy ấy hoàn toàn không hiểu ý Đức Benedict XVI.
Tốt là gì, hiểu theo nghĩa nào, người Công giáo tốt là thế nào, người công dân tốt hiểu theo nghĩa chung là thế nào và người công dân tốt hiểu theo nghĩa ở Việt nam bây giờ có theo chuẩn mực không vân vân… tất cả còn cần phải bàn sâu hơn. Có dịp chúng ta sẽ phân tích điều này dựa trên Học thuyết Xã Hội của Hội Thánh Công giáo.
Riêng ở đây, tôi muốn nhấn mạnh: người Công giáo tốt hiểu theo Học thuyết Xã Hội Công Giáo là người sống các nguyên tắc và các giá trị một cách rõ ràng và dứt khoát. Những nguyên tắc và giá trị ấy là gì? Xin thưa: các giá trị sự thật, tình yêu, tự do, công lý và các nguyên tắc nhân vị, liên đới, công ích, bổ trợ. Một người Công giáo tốt phải sống trọn vẹn các nguyên tắc và giá trị ấy, và như thế họ không thể nào là công dân tốt của xã hội này được.
Xin đan cử một ví dụ duy nhất: người công dân tốt trong xã hội này phải có hai con trở xuống, và như thế nếu có thai đứa thứ ba thì phải phá thai. Đối với người Công giáo, phá thai là tội ác, bị vạ tuyệt thông, vi phạm giá trị tình yêu, tự do, công lý, vi phạm nguyên tắc nhân vị, liên đới… Như vậy, họ không thể nào là người Công giáo tốt.
Chúng ta có thể cho một ngàn ví dụ ngay tức khắc để chứng minh lối lặp lại của những con két trong đàn két là hoàn toàn không đúng, nói thẳng ra là sai lầm và có ác ý. Làm sao để người Công giáo không nghe theo lối diễn giải sai lạc ấy và vấn đề nhức nhối mà không một người có lương tâm nào không thấy băn khoăn, thao thức.
Cha Giuse trong cuộc đời mình đã thể hiện việc sống đời sống tốt theo quan điểm của Hội Thánh và ngài thúc đẩy con cái mình trong Hội Thánh sống tốt đẹp như thế. Ngài đề cao những giá trị và thực hành những giá trị đó theo tinh thần Tin Mừng.
Cha Giuse đã ra đi, và dĩ nhiên những con người đi theo con đường khác Cha, khác với ý định của Hội Thánh, rồi cũng sẽ lần lượt theo Cha. Chúng ta không phán xét bất kỳ ai, nhưng việc dừng lại suy ngắm về lẽ đời, về những nguyên tắc và giá trị muôn thuở, vẫn góp phần làm cho chính chúng ta chọn lựa tiếp hay chọn lựa lại một thế đứng, một dáng đi, và xa hơn, một con đường.
Cá nhân ta không là gì trong xã hội. Nhưng mầu nhiệm hiệp thông và nguyên tắc liên đới cho ta liên kết với mọi người và với vũ trụ mà Thiên Chúa tạo thành. Chính sự hiệp thông và liên đới ấy đòi ta có trách nhiệm với sự chọn lựa của mình.
Biết ơn một vị linh mục có công với một Tỉnh Dòng lớn ở Việt nam, biết ơn ngài người đã có ít nhiều tác động trên cuộc đời chúng ta, biết ơn người đã đến trần gian ày để làm chứng tá cho một Tình Yêu và chỉ cho chúng ta con đường thích hợp, chúng ta đồng thời cũng biết ơn những môn sinh của ngài là những người truyền cho chúng ta lửa yêu mến nồng nàn dành cho Hội Thánh Chúa Kitô trên quê hương mình.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs