Thông tin cho biết nghiều người Việt Nam đăng ký đi du lịch nước ngoài, và khi đến tại một số nước họ bỏ trốn ở lại tại những nơi đó. Tình hình đó dẫn đến các nước sở tại tỏ ra khó khăn hơn trong việc cấp thị thực nhập cảnh cho du khách Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi với báo Tuổi Trẻ, được đăng tải hôm 16/2, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết khách du lịch Việt đến một số quốc gia ở Châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Hongkong, Nhật Bản trốn ở lại tìm việc làm hoặc tìm đường sang nước thứ ba có xu hướng gia tăng. Đây được cho là nguyên nhân dẫn đến việc du khách từ VN xin visa du lịch nước ngoài ngày càng khó khăn. Mặc dù Tổng cục Du lịch VN có biện pháp xử lý nặng, rút giấy phép những công ty có du khách bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài nhưng hiện tượng du khách Việt trốn lại vẫn không thuyên giảm.
Vụ việc mới nhất được ghi nhận xảy ra ở Israel hồi đầu tháng 12 năm ngoái. Thông tin từ Đại sứ quán VN ở Israel cho biết có ba đoàn khách với 21 người bỏ trốn, trong đó 4 du khách đã bị phía Israel bắt được và trục xuất về VN. Trả lời câu hỏi của đài RFA có phải hiện tượng du khách Việt bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài ở mức độ đáng lo ngại, ông Thiên Phong, một hướng dẫn viên du lịch, cho biết quan điểm cá nhân của mình:
“Thật ra thì cũng phản ánh một phần nào thôi chứ không phải đúng sự thật. Bởi vì có những trường hợp trốn như trường hợp ở Israel và đương nhiên có một số trường hợp trốn ở Hàn Quốc và đa phần hình như là người ở miền ngoài nhiều hơn ở trong nam. Các tour đi Châu Âu hay Mỹ thì không có tình trạng trốn. Trốn vì có đường dây đưa họ qua đó để lao động”.
Lao động VN ở Hàn Quốc, ảnh minh họa. AFP photoHàn Quốc, quốc gia có nhiều công nhân người Việt ở lại bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động cũng là nơi nhiều du khách Việt chọn trốn lại. Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch VN năm 2012, có khoảng 120 ngàn du khách Việt đến Hàn Quốc trong một năm. Tuy nhiên, số liệu người trốn lại quốc gia công nghiệp phát triển ở Đông Á này là bao nhiêu thì không được công bố. Anh Chín, 1 người Việt trốn lại Hàn Quốc 10 năm sau khi mãn hạn hợp đồng lao động, cho biết trong mấy năm gần đây có nhiều người Việt trốn lại bằng cách đi du lịch. Anh Chín nói:
“Có nhiều, đa số đi du lịch qua rồi trốn luôn. Trốn bằng cách nào thì do có bạn bè hay thân nhân, anh em ở đó rồi. Lúc có visa thì điện thoại trước cho người ở bên đó, báo ngày đến thì ra phi trường đón rồi trốn luôn. Đa số người Việt mình đi đến một nước nào giàu hơn VN mà có thân nhân thì Chín nghĩ họ sẽ trốn lại”.
Với thân phận một người trốn lại Hàn Quốc trong một thập niên, sinh sống và làm việc trong điều kiện bất hợp pháp, anh Chín cho biết nhiều người Việt chọn cách trốn lại vì dù hoàn cảnh sống có khó khăn đến mức nào chăng nữa thì đồng tiền họ cực khổ mang về trong một tháng cũng gấp 10 lần đồng lương trung bình mà họ có thể kiếm được ở VN. Cuộc sống dù lay lắt, bấp bên, không ngày mai, không tương lai, không biết ngày nào bị bắt, bị trục xuất về VN nhưng họ vẫn cố sống ngày nào hay ngày đó, cố gắng làm bất cứ công việc nào mà họ tìm được. Anh Chín nói thêm:
“Khi đã sống quen bên Hàn Quốc thì chuyện đi đứng hay chuyện bắt bớ, cực khổ thì không còn ngại nữa mà người ta chỉ ngại về VN sẽ làm gì. Với đồng tiền dành dụm ít ỏi, làm thì sợ thua lỗ, bị hết tiền. Còn đi làm công nhân thì lương có một triệu mấy, hai triệu”.
Vì lý do kinh tế?Có phải chỉ thành phần người lao động ở VN tìm cách trốn lại nước ngoài qua các kênh xuất khẩu lao động hay qua kênh đi du lịch? Theo thông tin từ các công ty du lịch trong nước, trong số 21 người bỏ trốn lại Israel có chức vụ tổng giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng kinh doanh của các công ty. Vì sao những thành phần được cho là thành đạt, có thu nhập ổn định lại cũng tìm cách đi ra nước ngoài? Trả lời báo chí trong nước, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc kinh doanh công ty du lịch Trans Viet Travel, cho rằng nền kinh tế của VN đối mặt với nhiều khó khăn nên một trong những nguyên nhân bỏ trốn của người người giàu có là đi để trốn nợ.
Không thuộc thành phần bỏ trốn, anh Quang, một người thành đạt và có cuộc sống tốt ở Sài Gòn lại quyết định chọn Hoa Kỳ để định cư sau chuyến du lịch đầu tiên của mình đến nơi đây. Anh Quang cho biết anh chắc chắn hài lòng với cuộc sống mới ở một đất nước phát triển vào bậc nhất nhì trên thế giới, điều kiện môi trường sống rất tốt và phù hợp với những người năng động như anh. Anh Quang chia sẻ:
“Đa số những người bạn của Quang đều rất thành đạt và có điều kiện về kinh tế ở VN thì họ cũng suy nghĩ sẽ mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ. Và họ cho con cái qua đây đi học vì nền giáo dục ở Mỹ thì không có nơi nào sánh bằng được. Và đặc biệt sự tự do ở Mỹ càng thôi thúc người ta tìm đến đây hơn. Với cá nhân Quang và bạn bè của Quang thì rất thích qua bên này, đang tìm cơ hội qua đây để phát triển”.
Tác động của Công văn số 17 của Tổng cục Du lịch VN và Nghị Định 95 của Chính phủ vừa ban hành trong nổ lực của Nhà nước nhằm ngăn chặn tình trạng người Việt bỏ trốn lại nước ngoài qua kênh du lịch hay kênh xuất khẩu lao động vẫn còn chưa đánh giá được nhưng qua các thông tin trong bài phóng sự này thì nguyên nhân sâu sa ngày càng có nhiều người Việt tìm cách ở lại các quốc gia bên ngoài cố quốc dù bằng bất cứ hình thức hợp pháp hay không hợp pháp là minh chứng cho thấy đối với những thành phần phải bỏ trốn quê nhà VN hiện tại không còn là miền đất lành cho họ nữa.
Theo RFA