Có một câu hát như thế này: Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai? Vậy kẻ thù ta là ai?
Tống Tựu là quan tri huyện ở một vùng giáp ranh giới thuộc nước Lương với nước Sở. Người đình trưởng nước
Lương, tức người coi sóc cái quán hành khách qua lại ở trọ cùng người đình trưởng ở biên thùy nước Sở, cả hai cùng
trồng dưa. Người bên nước Lương chăm làm và tưới tiêu luôn, nên dưa mọc tốt. Người bên nước Sở làm biếng lại ít
tưới, nên dưa mọc xấu.
Quan tri huyện bên nước Sở thấy dưa bên nước Lương tốt, bên mình xấu, sinh ghen tức và lấy làm tức giận lắm.
Người đình trưởng bên nước Sở thấy dưa bên Lương tốt hơn dưa bên mình cũng sinh ra ghen ghét, đêm đêm cứ lẻn
sang cào bới dưa của bên Lương, đến nỗi dưa bên ấy phải héo chết đi mất một ít.
Sau người đình trưởng nước Lương biết, nói với người trưởng lại, tức người cai quản việc quan trong huyện, tỏ ý cũng
muốn lẻn sang cào bới dưa bên Sở. Người trưởng lại bên nước Lương đem việc ấy tâu với Tống Tựu. Tống Tựu bảo:
- Ôi! Sao lại thế! Như thế chỉ là cách gây oán, chuốc vạ thôi. Này ta bảo ngươi chớ sang cào dưa của người ta, cứ
đêm đêm lẻn sang tưới dưa của người ta mà đừng để cho người ta biết.
Người đình trưởng cứ theo thế mà làm. Sau dưa bên Sở mỗi ngày một tốt. Người đình trưởng nước Sở lấy làm lạ, dò
xét mãi mới hay người đình trưởng nước Lương làm giúp. Quan huyện nước Sở biết rõ việc ấy, lấy làm vui lòng, tâu
lên vua Sở.
Nghe biết chuyện, vua Sở tỏ vẻ buồn và hổ thẹn, nghĩ rằng: Ngoài cái tội đi cào dưa của người ta, chắc còn nhiều
chuyện đáng tội khác đối với người ta nữa. Vua liền lấy nhiều của cải đem sang tạ tội vua nước Lương và xin giao hòa
với nhau. Vua nước Lương cũng tin lòng. Do đó, hai nước sống giao hảo với nhau được lâu.
Lại một chuyện khác:
Lưu Ngưng Chi đang đi giày. Có người đến nhận là giày của mình. Lưu Ngưng Chi đưa ngay. Sau đó, người ấy tìm
thấy giày, đem giày trả lại cho Lưu Ngưng Chi. Lưu Ngưng Chi nhất định không nhận lại nữa.
Cũng có một người tên là Thẩm Lân Sĩ . Ông đang đi giày. Có một người láng giềng đến nhận là giày của mình. Ông
cười hỏi: " Giày của bác đây ư?" Rồi ông cởi giày đưa ngay. Sau, người láng giềng tìm thấy giày, đem giày trả lại. Ông
nói: "Không phải giày của bác à?" Ông cười và nhận lại.
Người lấy giày của Lưu Ngưng Chi và của Thẩm Lân Sĩ tuy khác nhau, nhưng cả hai đều hàm hồ gây bất hòa; họ đã
biến mình thành kẻ thù của người khác. Nhưng khi nhận ra không phải giày của mình, họ đã biết mình lầm, biết mình
có lỗi, nên đã đem giày trả lại. Còn hai người mất giày thì sao? Người ta mang giày trả lại, Lưu Ngưng Chi không nhận,
thế là ông đã tạo thêm mối hận thù giữa hai người. Ngược lại, Thẩm Lân Sĩ không những đã vui vẻ nhận lại giày của
mình mà ông còn tha thứ cho sự nhầm lẫn của người làng giếng. Ông đã tạo được hòa khí giữa hai người .
Nước Lương không phải là kẻ thù của nước Sở; nhưng vì ghen tức mà nước Sở đã biến nước Lương thành kẻ thù và
tìm cách làm hại. Nước Lương đã "chuyển bại nhi vi công, nhân họa nhi vi phúc " tức xoay cái bại mà làm nên công,
nhân cái họa mà làm nên phúc, nên hai nước mới có mối giao hảo lâu đời.
Cain giết em mình là Aben, không phải em mình là kẻ thù mà vì ghen tức với em mà Cain đã biến em mình thành kẻ
thù. Như thế, kẻ thù ta là ai? Kẻ thù ta không phải là tha nhân, nhưng kẻ thù của nhau là chính lòng dạ của chúng ta, là
tham lam, ghen ghét, oán giận. Chính ác tâm, tà tâm của con ngưòi đã biến mình thành kẻ thù của nhau.
Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải đối xử thế nào với kẻ thù nơi tha nhân và kẻ thù nơi chính chúng ta?
Nếu nước Lương cũng tìm cách trả thù nước Sở, Thẩm Lân Sĩ cũng không tha thứ, không vui vẻ nhận lại giày của
mình, thì cả hai trường hợp đã áp dụng luật: Mắt đền mắt, răng đền răng. Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù" và như thế,
oán thù tiếp nối oán thù! Nhưng họ đã thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu: "Đừng chống cự người ác. Hãy yêu kẻ thù và
cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em". Họ đã bị vả má này và đã đưa luôn má bên kia cho người ta vả, bị kiện
lấy áo trong, họ đã để cho người kiện mình lấy luôn cả áo ngoài, bị ép đi một dặm, họ đã đi với người ta hai dặm. Họ
đã không trả thù, nhưng đã yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình, đã 'dĩ đức báo oán'.
Những thái độ, hành động ấy xem ra nhu nhược, thua thiệt với con mắt người đời, nhưng đó lại là những việc làm đòi
hỏi chúng ta phải chủ động hy sinh, yêu thương bao dung, quả cảm, và đó cũng là những phẩm chất mà con cái Thiên
Chúa phải thi hành, vì như thế, "anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời".
Ngài là Đấng yêu thương hết mọi người bất kể tốt xấu, Đấng công bằng ban phát đồng đều cho mọi người ân huệ của
Ngài. Nếu chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình, đó là chuyện bình thường ai cũng làm được; nhưng là con cái Thiên
Chúa, chúng ta cũng phải trở nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện như lời Thiên Chúa đã phán
với Môsê: "Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh"( Lv. 19:2);
phải học yêu thương theo lòng quảng đại của Thiên Chúa, sẵn sàng tha thứ, không đòi trả thù, không oán hận chống lại
người khác.
Kẻ thù mà Chúa muốn nói đến là những người lận cận chung quanh chúng ta, những người mà chúng ta cảm thấy khó
tha thứ, những người gây cho chúng ta thua thiệt,bất công, khó chịu, sợ hãi, giận dữ. Kẻ thù của chúng ta không phải là
những người thù ghét chúng ta mà là những người chúng ta thù ghét do chính nội tâm chúng ta.
Có một thứ kẻ thù chúng ta cần triệt hạ, không được bao che dung túng, đó là kẻ thù nội tâm chúng ta, là tham lam, ích
kỷ, hận thù, ghen ghét. Phải giết kẻ thù làm lộ ra những điều xấu xa trái nghịch với ý muốn của Thiên Chúa bên trong
chúng ta để chúng ta trở nên Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự như lời thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Côrintô: "Nào anh
em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và của Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai
phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy
chính là anh em"( 1 Cr, 3:16-17). Bao lâu kẻ thù nội tâm chúng ta còn lấn lướt, còn có ưu thế; bấy lâu chúng ta còn
biến mình thành kẻ thù của người khác, và như thế chưa xứng đáng là Đền Thờ của Thiên Chúa.
Và để hóa giải kẻ thù tha nhân thì phải tha thứ, bao dung, nhường nhịn, chịu thiệt thòi để tạo hòa khí, hòa thuận, yêu
thương. Hành động được như thế không phải là nhu nhược, thụ động, nhưng là dũng cảm, tích cực, chủ động trong
tình yêu thương. Theo lời Chúa dạy, chúng ta không được phép giữ trong lòng mình sự thù hận về bất cứ điều gì.
Chúng ta có hai kẻ thù: một kẻ thù phải tận diệt và một kẻ thù phải yêu thương. Kẻ thù mà chúng ta phải tận diệt là ích
kỷ, thù hận, tham lam, giận hờn, ghen ghét, thiếu bao dung bác ái, yêu thương.. kẻ thù ấy là kẻ thù nội tâm chúng ta, và
một kẻ thù chúng ta phải yêu thương, cầu nguyện cho họ, đó là tha nhân, là những người gây bất hòa, bất công, gây
thù oán cho chúng ta.
"Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con" là lời cầu nguyện chúng ta vẫn cầu xin. Nợ mà
chúng ta xin Chúa tha là nợ yêu thương của chúng ta đối với Thiên Chúa và anh em, và nợ mà tha nhân cần chúng ta
xóa bỏ là nợ yêu thương của họ đối với chúng ta: "Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái" (
Rm. 13:8).
Nguồn ơn thương xót của Thiên Chúa không vào được lòng chúng ta nếu chúng ta không tha thứ cho những người có
lỗi với chúng ta. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, phải có lòng
nhân từ như Cha chúng ta là Đấng nhân từ, và hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Thiên
Chúa đòi hỏi chúng ta phải hiệp thông sống động và hết lòng với sự thánh thiện, lòng thương xót và yêu thương của
Ngài.
Chúa Giêsu dạy: hãy tha thứ và cầu nguyện cho kẻ thù. Cầu nguyện giúp chúng ta biết tha thứ và biến đổi chúng ta nên
giống Chúa. Tha thứ giúp tâm hồn chúng ta sống hòa nhịp với lòng thương xót của Thiên Chúa. Tha thứ minh chứng
tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Tha thứ là điều kiện căn bản để có sự giao hòa giữa Thiên Chúa và con người và giữa con
người với con người.
LM. Trịnh Ngọc Danh