VRNs (22.02.2014) – Boston - Trong Kinh Hãy Nhớ, chúng ta vẫn thường đọc: “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ
rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà
Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời…”
Có thật không đấy ?
Khi viết những dòng chữ này, tôi biết mình đang đi vào bẫy mìn… tín ngưỡng. Rất dễ bị kết án lộng ngôn loạn trí, đặc
biệt là từ một người bạn của tôi, cổ điển như một cây phong cầm cũ trong Nhà Thờ họ lẻ, thường xuyên sưu tầm phép
lạ bất kể lớn hay nhỏ, dù đáng tin hay chăng ? Tuy bụng chứa một bầu phép lạ vỗ bồm bộp, nhưng hễ có chầu nhậu
nào bao giờ anh cũng có mặt đúng giờ, chăm chỉ không khác chu toàn giới răn thứ tư của Hội Thánh: “Giữ ngày Chúa
Nhật”. Thời đại “A-còng” này mà truyền giáo cho giới trẻ chỉ bằng toàn phép lạ thì tôi xin… “bó-tay-chấm-com”. Tôn
Giáo xây dựng trên phép lạ được lớp trẻ đón nhận cũng giống loại truyện võ lâm kiếm hiệp Kim Dung. Thượng Đế duy
nhất chỉ có một, nhưng hiện hữu trùng lớp vô lượng các tôn giáo khác nhau, tăng phái nào cũng bầy tỏ biết bao phép lạ
nhãn tiền, Thánh Mẫu hiển linh… Biết tìm đâu chánh đạo nương náu tâm linh ?
Thành thật tâm sự, tôi chỉ muốn làm một người bình thường, không muốn ngông nghêng chơi nổi lựa đề tài nhạy cảm
lấy tiếng ngu. Thực tế đời thường chứng thật cho thấy kẻ xin thì nhiều nhưng ngửa tay đón nhận quá ít. Nếu bạn kể
một trường hợp ai đó cầu xin được nhận lời, tôi có thể trương ra hàng trăm người nhăn nhó khốn khó trở về tay không.
Thời Đức Quốc Xã, hàng triệu người Do Thái trần như nhộng tiến vào phòng hơi ngạt, miệng hát Thánh Vịnh: “Chúa
chăn nuôi tôi, tôi chẳng sợ gì… Ngài dẫn tôi qua những cánh đồng xanh… Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo
mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi…” Họ cầu nguyện Thượng Đế để được cứu sống, đáp trả lời nguyện cầu rất tha thiết
trước giờ tử sinh: tất cả những người đó đã đi vào cõi chết không bao giờ trở lại.
Ngày những công dân Việt yêu nước đấu tranh cho tự do dân chủ bị kết án ngồi tù, biết bao ngọn nến được thắp lên,
nào ai đếm hết những giọt nước mắt tuôn tràn trong lời kinh tiếng hát vang thức tỉnh hồn thiêng sông núi, hiện nay họ
đang ở đâu ? Đã về chưa ? Tôi không bao giờ quên được họ. Lưỡi lê – nòng súng mạnh hơn những lời cầu nguyện:
quê hương tôi vẫn còn đang quằn quại dưới ách ngoại xâm kềm kẹp rất êm dịu từ từ nuốt trửng của người anh em 16
chữ vàng.
Bảo hiểm an toàn, giàu có no ấm của ma đạo xem ra hiển linh và hiệu quả hơn… chính đạo !?! Chú tôi đi học tập cải
tạo, bị khám thấy có tràng hạt dấu trong chỗ nằm, quản giáo tống chú vào biệt giam cắt khẩu phần. Sau một tuần, chú
còn bị đem ra đấu tố, bắt diễn lại hoạt cảnh Ngôn Sứ Êlia và các giáo sĩ thần Baal trên núi Carmelô để làm gương.
Chú tôi và một vài trại viên “học tập tốt” dàn thành hai hàng đối mặt nhau trước toàn trại. Phía bên kia kêu cầu danh Bác
và Đảng: thức ăn ngon liền được mang đến. Chú tôi cổ đeo tràng hạt, cũng kêu cầu nhưng không thần thánh nào đáp
lại, nằm bẹp xó nhà bụng o o đầy bọt khí réo gọi trong cơn đói khốn cùng.
Trong xã hội Cộng Sản vô thần, rõ ràng có Đức Tin là một thiệt thòi rất lớn. Tôi có hai người bạn có đạo cùng thi vào
Đại Học, một khai trong lý lịch: vô thần, một khai: Công Giáo. Chị “vô thần” trúng tuyển, trước đây thuộc một Dòng nữ,
sau 1975 bố mẹ mang bàn thờ Đức Mẹ ra đầu ngõ đập biểu diễn, được cất nhắc vào Đoàn, Đảng, gia đình phú quý
hiển vang, hiện tại là Hiệu Trưởng trường cấp II Phổ Thông Cơ Sở, anh ruột là Chủ Tịch một quận lớn thuộc Sàigòn,
bố làm Chủ Tịch phường nay đã hạ cánh an toàn. Anh bạn Công Giáo của tôi dù học giỏi vẫn rớt, cuộc đời từ đó đi
xuống không có điểm dừng, vợ con ly tán. Thượng Đế vẫn… im lặng không can thiệp !
Vài bậc đạo đức cắt nghĩa: “Xin không được là vì xin không thích hợp, không đúng lúc, không tha thiết đủ độ, Chúa có
lý do để không nhận lời, phải khiêm tốn khi xin, cần bền đỗ như bà góa trong Kinh Thánh… cứ đứng gõ và gõ mãi cho
đến khi chủ nhà bực tức phải cho để bà đi khuất mắt… đôi khi phải mất nhiều năm, nhiều thế hệ thay nhau, nối tiếp
nhau gõ cửa…”
Hóa ra không chỉ đơn thuần “cứ xin thì sẽ được” mà còn phải có điều kiện.
Tôi chẳng hiểu thế nào là đúng, là sai, là tha thiết, bền đỗ cho đủ… Đói xin cơm ăn, nguy hiểm mạng sống xin được
cứu thoát… Xu thế nhu cầu, phản xạ tự nhiên con người đòi hỏi như thế, sao lại bảo là xin không đúng loại, không
đúng mức ? Thời còn chiến tranh, nhiều anh lính cầu nguyện trước khi lao vùng lửa đạn… Khi vượt biên, nhiều phụ nữ
Việt bị đám hải tặc Thái hãm hiếp, cổ họ đeo tràng hạt, miệng run rẩy cầu kinh: họ vẫn bị làm nhục ! Có lời cầu nào tha
thiết bằng tiếng kêu họ lúc này ? Mệt quá Chúa ơi ! Con đang đói, con đang bị hại… biết khi nào thì đúng lúc, lý do gì
để được Chúa nhận lời ?
Bạn thân mến,
Có một ai đó nói rằng: “Bất cứ một lực nào ép xuống, tung vào một đối tuợng, một điểm, lập tức sẽ tạo ra một lực
phản chiều tương tự”. Tôi thích hình ảnh dễ hiễu hơn: nếu ta ném trái banh tennis vào tuờng, nó sẽ dội lại. Ném quá
mạnh có khi nó đập vào mặt người ném, tránh không kịp. Đã một thời tôi có những trăn trở duy lý như vừa viết ở trên,
chính những suy nghĩ ấy dội ngược lại, đã tạo cho đời tôi những gập ghềnh bất an. Tôi đã ngã xuống, dại khờ lạc lối,
đã mất Đức Tin…
Cho đến ngày một biến cố xảy đến trong đời tôi:
Tháng 10 năm 2003, cả gia đình tôi đi hành hương Lộ Đức ( Lourdes ) với mục đích để cầu nguyện cho đứa con trai
bị bệnh. Lộ Đức là một vùng quê nghèo, bé nhỏ thuộc tỉnh Hautes-Pyrénées miền Tây-Nam nước Pháp, sát ranh giới
phía Bắc Tây Ban Nha. Tôi đáp xe tốc hành TGV ( Train à Grande Vitesse ) từ Paris đến Lộ Đức. Chiếc xe lửa dài dẫn
tôi rời bỏ thủ đô ồn ào náo nhiệt, len lỏi từ những hẻm núi, thung lũng thăm thẳm đến những đồng bằng miền quê thanh
bình. Suốt đoạn đường dài hơn 800 cây số, thời gian 6 giờ, tôi luôn ghé mắt nhìn qua khung cửa sổ để thấy những
cánh đồng nho trải dài không bờ bến, nông dân hiền lành, đàn bò gặm cỏ thung lũng đồng xanh…
Tâm hồn tôi hân hoan vì biết mình đang tìm về chốn xưa Mẹ đã hiện ra 18 lần với Bernadette, cô bé 14 tuổi chăn
chiên, chưa bao giờ đến trường, gia đình nghèo gồm 6 người tạm trú ở một nơi trước kia làm nhà tù. Lộ Đức thanh
bình thánh thiện, tôi hạnh phúc cầu nguyện mỗi đêm cho đến khi không còn bóng người đến cầu nguyện, tâm tư mê
mẩn phiêu linh ngắm nhìn Mẹ từ hang đá Massabiell môi lay động dịu dàng xác định Tín Điều Vatican II: “QUE SOY
ERA IMMACULADA COUNCEPTIOU” ( “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội” ). Tôi tin Đức Mẹ đã hiện ra ở chốn này
khi hàng đêm đi theo đoàn rước kiệu kính Mẹ với hàng ngàn chiếc xe lăn không biết từ đâu kéo đến. Phải về tận đây
mới cảm nhận hết tấm lòng con người đối với Mẹ. Phải về đây mới hiểu tình yêu của mẹ đối với nhân loại.
Khi trở lại Paris rồi đến Brussels ( Bỉ ), đứa con tôi vẫn không thuyên giảm, nhưng vào lúc chiều tối trước khi trở lại Hoa
Kỳ sáng hôm sau, đứa bé đột ngột biến chứng chưa từng có: mắt trợn ngược, co giật liên hồi, sau đó tim ngừng đập.
Lần đầu tiên trực tiếp đối diện với thần chết tôi thấy mình quá nhỏ bé và bất lực, tất cả chỉ là không: danh vọng, tài sản,
bằng cấp… Một con số không rất to tôi chưa bao giờ chạm mặt. Ngồi trong xe cứu thương với đứa con chắc mẩm đã
chết tôi xin nguyện đổi tất cả mọi thứ đang có để con tôi được sống. Sau ba ngày sống trong lo lắng, cuối cùng khi bác
sĩ loan báo cháu đã được cứu sống cũng là lúc tôi trở thành một con người mới, Đức Tin của tôi phục hồi toàn diện.
Trở lại Boston, trước ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, người Mẹ tha thiết mến yêu, tôi dâng lời nguyện duy nhất: “Mong
ước sau cuộc sống này sẽ gặp lại Chúa Giêsu và Mẹ Maria, sẵn lòng chịu bất cứ điều gì”.
Bạn biết không: lời cầu nguyện của tôi đã được nhận lời.
Làm sao biết được ? Trong đời tôi luôn xảy ra những việc trái ngược điều mình mong ước. Mong nắng nhận mưa,
mong về đúng giờ lại gặp kẹt xe… triền miên thất nghiệp, các hãng tôi đã làm đều thay phiên nhau đóng cửa dù lịch sử
đã có hàng trăm năm trước. Đang làm văn phòng ký quyết định các bản vẽ, đến bây giờ job assembler cũng không
vững, lúc nào cũng chỉ tạm thời.
Hãng hiện nay tôi đang làm khi ký nhận mướn, người phỏng vấn bảo: “Anh bảo ba hãng trước nơi anh làm đều đã đóng
cửa, nay tôi mướn anh xem hãng này có như vậy hay không…”
Quả nhiên, hãng này cũng đang chuẩn bị bán lại cho người khác. Họ may mắn có được người như tôi, nhiều kinh
nghiệm lau chùi dọn dẹp trước khi… sang tay cho chủ mới.
Anh tôi từ ngày đến Mỹ không đi học, cười bảo: “Chú đi học bằng cấp nhiều mà bây giờ lương còn kém tôi !” Tôi
không buồn vì cuộc đời tôi đã có định hướng Đức Tin.
Một lần ông chủ hãng gọi tôi đến bảo hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của tôi ở trong hãng. Tôi cảm tạ ơn Chúa. Người
con trai của ông chủ đứng gần đó thấy lạ hỏi: “Tại sao lại cảm ơn Chúa ?” – “Tôi cũng không biết nữa, có thể là nếu ở
lại thêm sẽ có tai nạn xảy đến cho tôi chăng ?!?”
Lời cầu nguyện bây giờ của tôi chỉ còn là tạ ơn Chúa và Mẹ Maria trong tất cả các biến cố xẩy đến. Dù bệnh tật hay thất
nghiệp hay điều gì chăng nữa tôi đều tạ ơn vì xác quyết rằng đó là những gì tốt đẹp nhất các Ngài lựa chọn phù hợp
với khả năng chịu đựng của tôi.
Em gái tôi rất tin ở Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và thường hay xin được ơn như ý nhắc tôi đến xin việc với Đức Mẹ. Tôi chỉ
cười thầm vì nghĩ rằng: mình vẫn hay hát Thánh Vịnh: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng còn thiếu thốn gì…” nay lại xin
điều này thứ nọ hóa ra chỉ hát chơi cho vui sao ? Nếu người ta biết cách dùng trí khôn để khéo léo trong lời xin, thì
những trẻ câm không thể nói, thiểu năng, mất trí… biết đường nào mà xin nhỉ ? Tôi nghĩ với những người khuyết tật dù
không biết xin điều gì, Thiên Chúa và Đức Mẹ sẽ thu xếp ban cho mọi thứ cần thiết mà cả trí khôn loài người cộng lại
cũng không xin được.
Tôi có cảm nghiệm điều Chúa và Đức Mẹ đáp trả lời cầu xin rất khác với những gì ta mong được đón nhận. Con người
giống như một đứa trẻ chỉ biết hài lòng với viên kẹo tầm thường mà vứt đi hạt kim cương rất quý báu. Đối với thế gian,
hàng triệu người Do Thái hát Thánh Vịnh đi vào cõi chết nhưng có biết đâu với sự Phục Sinh của Đức Giêsu, sự chết
chính là cánh cửa tuyệt hảo để bước vào cõi trường sinh.
Nếu như bạn đau khổ vẫn chưa hài lòng với câu hỏi: “Tại sao tôi xin mà không được ?”, tôi không biết trả lời ra sao
ngoài việc mời bạn nhìn lên Thánh Giá và hỏi: Tại sao một Thượng Đế quyền năng tốt lành như thế mà lại phải chết
trong đau khổ ? Tại sao chính Đấng đã phán “Hãy xin thì sẽ được” đã phải thốt lên trong tuyệt vọng: “Cha ơi ! Sau nỡ
bỏ con ?”
Bạn mến, nếu muốn giọt nước mắt bạn không bị khô đi, hãy đặt nó vào biển cả. Nếu muốn bớt đi sự đau khổ, hãy nhìn
lên Thánh Giá và tạ ơn: “Sao Ngài lại chịu đau khổ thay cho con ?”
NGƯỜI TÔI TỚ VÔ DỤNG, Boston