Ai dám chê Dal LaMagna suy nghĩ vụn vặt? Lúc nhỏ ông muốn trở thành Giáo hoàng và triệu phú đó chứ. Sau nhiều thất bại liên tiếp, từ một ý tưởng nhỏ, LaMagna (phát âm đồng âm với “món lasagna”) đã xây dựng thành công Tweezerman, một nhà sản xuất dụng cụ làm đẹp với 50 triệu Mỹ kim doanh thu hằng năm. LaMagna, 67 tuổi, hiện vẫn là tổng giám điều hành của IceStone, công ty làm mặt bàn bếp bằng thủy tinh tái chế và xi măng.
Ông kể:
Tôi lớn lên ở Queens, NY, trong một gia đình có năm đứa con. Cha tôi là lính cứu hỏa và công nhân bốc giỡ hàng, ông phải làm hai hoặc ba job để lo cho chúng tôi.
Tôi không bao giờ muốn trở thành một người sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, được trả tiền theo giờ mà muốn tạo ra một sự khác biệt trên thế giới, và tôi nghĩ là một triệu phú sẽ cho phép tôi làm điều đó. Vì vậy, tôi ghi danh vào khoa quản trị kinh doanh của các trường đại học Harvard, Columbia, và Stanford và đã được Harvard và Columbia nhận. Tôi chọn Harvard vì trường này có thể mở rộng tầm nhìn của tôi về mọi thứ.
Trong những năm học đại học và cao học Quản trị Kinh doanh, tôi đã bắt đầu làm ăn nhưng chẳng đâu ra đâu. Khi tôi tốt nghiệp Đại học Harvard vào năm 1971, tôi muốn trở thành một nhà sản xuất phim ảnh hưởng đến xã hội. Vì vậy, tôi đã dành 10 năm cho một cuốn phim và dừng chân tại bãi biển Venice, California.
Năm 1979, tôi mở một tiệm kem ở đó. Một ngày, tôi được tắm nắng với hai chị em nhà nọ trên tầng thượng của tòa chúng cư ở cạnh tiệm kem của tôi. Một cô có bạn trai kề cận, tôi chỉ có chọn lựa là đeo theo cô còn lại. Chúng tôi tắm nắng cùng nhau trên sàn gỗ đỏ. Khi về nhà, mông tôi ghim đầy mảnh gỗ vụn. Gỗ đỏ có thể làm nhiễm trùng nên tôi phải đến một nhà thuốc mua cây nhíp đầu nhọn để gắp ra, nhưng không sao tìm được. Điều đó làm tôi nảy ra ý tưởng bán nhíp.
Lúc đó tôi 32 tuổi, ôm món nợ $150,000 sau những lần làm ăn thất bại liên miên. Vì vậy, tôi chuyển về New York và tìm được công việc với tiền lương tối thiểu ở một công ty điện tử. Ở đó tôi thấy mọi người trên dây chuyền lắp ráp gắp các diode với nhíp mũi nhọn. Điều tôi đang nghĩ tới! Thế là tôi quyết định xông vào thị trường nhíp cho kỹ nghệ điện tử như nhíp tách cho các cửa tiệm bán hardware và tiệm bán đồ sửa ống nước.
Tôi bắt đầu với $500. Cha tôi, lúc đó đã nghỉ hưu, quyết định đầu tư vào ý tưởng của tôi. Trong vài năm sau đó cha tôi cho tôi mượn $180,000, và tôi trả ông mức lời 12%. Một thời gian sau tôi chuyển một nửa số tiền ông cho tôi mượn thành cổ phiếu. Khi tôi bán công ty, cổ phiếu của ông trị giá 1 triệu đô, làm tôi thực sự hạnh phúc.
Khi ấy tôi tìm ra khoảng 20 nhà sản xuất nhíp ở châu Âu. Tôi chọn hãng Dumont ở Thụy Sĩ, chuyên làm nhíp cho các bác sĩ, và thuyết phục họ bán hàng cho tôi.
Tôi bán hàng cho các tiệm bán đồ sửa ống nước với giá 10 đồng một cây. Cũng có người mua lai rai nhưng như vậy tôi khó thể kiếm sống. Một hôm bạn gái cũ của anh trai tôi làm việc trong một thẩm mỹ viện gợi ý: “Nếu có thể làm loại nhíp đầu không nhọn và không bén như vậy, có thể bán cho các khách hàng của tôi”.
Vì vậy, tôi tìm một số nhíp kim cương, cho vào trong hộp dạng ống tube, rồi cứ thứ Bảy là đi một vòng các thẩm mỹ viện ở Long Island bán hàng. Mỗi ngày tôi bán được $150, lúc đó là thành công lắm rồi. Không có chi phí. Một cây nhíp vốn $4, bán với giá $10, luôn luôn có lời.
Năm đầu tiên, công ty kiếm được 80,000 đô. Năm thứ hai, $180,000; năm thứ ba, $350,000. Sau đó doanh thu hằng năm đều đặn tăng 20%.
Năm 1982, tôi bán được loại nhíp Precision Eyebrow Tweezers cho các thẩm mỹ viện và nghĩ rằng tôi nên đặt tên lại cho công ty bóng bẩy hơn chớ Dal LaMagna Grooming nghe chưa tạo ấn tượng liền. Cho đến một hôm, khi tôi bước vào một thẩm mỹ viện, có một người nào đó hét lên, “Tweezerman tới rồi!”. Tôi ngay lập tức đổi tên thành Tweezerman và bắt đầu thuê đại diện bán hàng. Năm 1984, doanh thu Tweezerman được gần 1 triệu đô mỗi năm nhưng chúng tôi vẫn còn gặp khó khăn về tiền vốn.
Khi ấy các công ty thẻ tín dụng thi nhau gửi thẻ cho chúng tôi, có lúc tôi có tới 45 thẻ. Tôi đã từng rút tiền của thẻ tín dụng để trả lương và trả các hóa đơn nên mang món nợ 180.000 đô với lãi suất là 12% đến 16%. Khoảng năm 1986, tôi đến Ngân hàng Chase Manhattan, và họ cho tôi mượn $180,000 để trả dứt nợ thẻ tín dụng. Tại sao họ lại cho tôi vay? Có những lúc bán hàng được $80,000 – $90,000 vào cuối tuần ở các triển lãm thương mại, tôi luôn luôn gửi nó vào ngân hàng. Tôi không bao giờ giữ tiền mặt và không bao giờ nói dối về bất cứ điều gì. Vì vậy, các nhân viên ngân hàng cho biết, “Ông đang có thẩm quyền nhưng trung thực. Hầu hết mọi người sẽ bỏ túi số tiền mặt đó”.
Thách thức đối với tôi là phải kiên nhẫn. Tôi đã phải kiên trì chỉ bán nhíp trước khi mở rộng ra các dụng cụ làm đẹp khác. Nhiều năm trôi qua, chúng tôi có thêm các sản phẩm đồ kẹp lông mi, lược chải lông mi, kéo cắt tóc,… – bất kỳ dụng cụ chải chuốt nào bạn có thể nghĩ đến với phẩm chất và giá cả như chúng tôi.
Năm 2004 doanh số của chúng tôi là 32 triệu đô. Tôi phản đối cuộc chiến ở Iraq, tài trợ cho việc làm phim phản chiến, và bắt đầu hoạt động chính trị. Tôi thấy Tweezerman không còn quan trọng với phần còn lại của cuộc đời tôi. Tôi bắt đầu tiếp cận những người quan tâm đến việc mua Tweezerman, với bốn điều kiện: không cho bất cứ ai nghỉ việc, không dời công ty đi chỗ khác (sẽ làm cho nhiều người bị mất việc), phải tiếp tục thực hành trách nhiệm của người chủ tư bản, như ít nhất phải trả cho một người một mức lương đủ sống và giá mua phải ít nhất 40 triệu đô.
Zwilling J.A. Henckels đã đồng ý và ra giá $57 triệu. Vì vậy, tôi bán công ty cho họ, và ở lại trong hội đồng quản trị của Tweezerman cho đến năm 2013.
Khi tôi bán Tweezerman, tôi bắt đầu đầu tư vào các doanh nghiệp sẽ có tác động trên thế giới. Tôi đưa 50.000 đô cho IceStone, một công ty làm mặt bàn bếp –countertop, bằng thủy tinh tái chế và xi măng. Trong vài năm qua, tôi rót thêm tiền vào, và tôi bây giờ chủ tịch của IceStone, Tổng giám đốc điều hành.
Phải trải qua rất nhiều thất bại để có được thành công. Tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành triệu phú nếu bạn đặt hết tâm trí của mình vào đó. Phải tập trung, kiên trì, và hợp tác nữa. Bạn sẽ có được nhiều thứ hơn qua việc cộng tác với mọi người thay vì cạnh tranh với họ. Nếu bạn kinh doanh chỉ để kiếm tiền, bạn sẽ sống một cuộc sống rỗng tuếch.
Lời khuyên của Dal LaMagnaKhông sợ thất bại. Sợ thành công – bởi vì khi thành công, bạn sẽ sống trong giấc mơ của mình.
Trao quyền cho nhân viên. Tôi mở một chương trình sở hữu cổ phiếu cho nhân viên. Sau khi cơn bão Sandy ập tới, máy móc thiết bị ở IceStone ngập nước, nhân viên của tôi sửa chữa tất cả mọi thứ thay vì thay thế. Chúng tôi tiết kiệm được 4 triệu đô.
Đầu tư vào những gì quan trọng đối với nhân viên. Tôi đã nói với người, “Bất cứ điều gì bạn thấy rằng công ty không cần, tôi sẽ dành cho việc chăm sóc sức khỏe”. Mọi người đã bỏ khoản điện thoại di động công ty trả cho họ, và bây giờ tất cả mọi người có bảo hiểm y tế tương ứng với mức lương, khoảng từ $40 một tháng cho công nhân nhà máy đến $140 một tháng cho các nhà quản lý.
Hoành An
Theo Fortune số ra ngày 13/01/2014