“Lăng kính soi kim cổ”, lăng kính soi thời đại bạo hành và đa sự là việc bình thường. Lần này lăng kính soi chuyện xưa, một chuyện tình đẹp có thực xảy ra vào thời Lê Mạt: Một công chứa yêu một vị linh mục ngoại quốc mà ngày trước dân ta quen gọi là cố đạo. Đây là câu chuyện thực do J.P.Thạnh thuật lại theo Lịch sử truyền giáo của L.m Nguyễn Hồng. Tình yêu ở đây thực oái oăm, nhiều đam mê, lắm sầu hận, nhưng kết thúc thực đẹp vì tình yêu cá nhân được thăng hoa thành tình yêu tôn giáo thiêng liêng.
“Năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lên làm vua, lấy niên hiệu là Minh Đức. Nhiều vị cận thần nhà Lê không chịu khuất phục họ Mạc nên tuẫn tiết. Có một số người đã chạy ra ngoại quốc, dù ở lại trong nước nhà Mạc có lưu dụng nhưng họ không chịu phục tùng.
Trong số những người chạy sang Ai Lao có Nguyễn Kim, làm quan Hữu vệ điện triều tướng quân đã tìm được người con cuối cùng của vua Chiêu Tôn, tên là Duy Ninh tôn lên làm vua, lấy niên hiệu là Trang Tôn (năm 1532).
Khi Nguyễn Kim chết, tất cả binh quyền đều vào tay con rể là Trịnh Kiểm. Kiểm đã đem binh về đất Thanh Hóa lập hành điện ở đồn Vạn Lại thuộc An Trường (huyện Thụy Nguyên) để tạm dùng nơi đây làm kinh đô, rồi sửa soạn đánh nhà Mạc.
Nước Việt lúc đó bị chia đôi; từ Thanh Hóa trở vào thuộc vua Lê, tức Nam triều, còn từ Sơn Nam (Ninh Bình, Nam Định…) trở ra thuộc họ Mạc, và gọi là Bắc triều. Đến khi Lê Trang Tôn tạ thế, không có con nối ngôi, nên Trịnh Kiểm mới lập Duy Bang, là cháu Lê Trừ (anh vua Thái Tổ) lên làm vua, tức vua Lê Anh Tôn. Vua Anh Tôn ở ngôi được 16 năm (1557-1573). Thời kỳ này ở ngôi Anh Tôn không những phải chiến đấu với Mạc, mà còn phải đối phó vợi sự chuyên quyền của Trịnh nữa. Vì vậy Anh Tôn muốn liên lạc với người Bồ Đào Nha, vì lúc này họ đang làm bá chủ ở vùng Viễn Đông, và Anh Tôn hy vọng họ giúp đỡ binh bị để dẹp nhà Mạc, và thoát quyền họ Trịnh.
Bỗng một hôm có một chiếc tàu Hòa Lan bị hải tuần của ta bắt, những thủy thủ cùng hành khách trên tàu đều bị giải về Kinh đô. Có một người lái buôn trong nhóm người này đã đưa trình một bức thư của một giáo sĩ dòng Francisco gửi cho vua Giao Chỉ. Kèm với bức thư có một bức ảnh về “Cuộc phán xét chung của ngày tận thế sẽ đến”. Vua Anh Tôn xem thư xong, cho mời vị giáo sĩ cùng mấy người đi theo đến Việt Nam. Nhưng vị tu sĩ này cho biết lúc này không thể tới Việt Nam được.
Sau đó, vua Anh Tôn cho người sang tận Ma Cao xin giám mục ở Ma Cao cho giáo sĩ tới Việt Nam. Nhưng vị giám mục dòng Tên ở đó đã phúc thư là họ chưa đủ tu sĩ để phái đi được.
Lúc này, phía Bắc phải chống đỡ họ Mạc, còn ở phía Nam nhà Lê áp dụng chính sách thân thiện giao hảo với Chiêm Thành. Và trong hoàn cảnh này vua Anh Tôn đã kết hôn với một Công chúa Chiêm Thành, thuộc dòng thừa kế chính thống. Bà đã sinh được một Công chúa tên là Chèm vào lúc người anh, vua nước Chiêm Thành, tạ thế lại không có con nối nghiệp, nên Công chúa được hưởng tước đó, vì thế người ta vẫn gọi bà là Bà Chúa Chèm. Có người cũng gọi là Bà Chúa Chè, là để ghi nhớ công ơn bà đã khai thác và mở mang việc trồng chè ở vùng Thanh Hóa. Còn tên Mai Hoa thì chữ Hoa có lẽ là tên của bà, còn Mai là lối phiên âm tên Thánh bổn mạng Maria của bà cho đẹp với chữ Hoa thôi, vì sau này bà chúa Chèm đi đạo mới có tên Mai Hoa (theo tác giả cố đạo Ordonez de Cevallos còn gọi tên bà là Flora). Và Cevallos cho biết thì khi ông tới An Trường gặp công chúa Mai Hoa và người em nhỏ tuổi của công chúa là vua Thế Tôn.
Như trên đã nói, vị hoàng tử em ruột của bà Thái phi là vua Chiêm Thành từ trần, không có con kế tự, nên Công chúa Mai Hoa (bà chúa Chèm) đã được thừa hưởng mọi đặc quyền của người cậu với tước hiệu là “Công chúa Chiêm Thành”, vì vậy sau này dân ở An Trường mới gọi bà là Bà Chúa Chiêm.
Vào cuối năm 1572, phải bỏ hoàng cung vì họ Trịnh áp đảo quá độ, vua Anh Tôn cùng bốn hoàng tử và công chúa Mai Hoa vào tới Nghệ An thì Trịnh Tùng bắt được giết đi cùng với ba hoàng tử, chỉ còn lại có công chúa Mai Hoa và hoàng tử thứ năm nhỏ tuổi nhất là Duy Đán, đặt lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Thế Tôn.
Thế Tôn lên ngôi vua năm 1573, khi đó mới bảy tuổi còn nhỏ nên bà Thái hậu phải nắm quyền phụ chính. Nhưng ngặt cái bà Thái hậu lại gốc ngoại quốc, nên phải giao quyền cho con gái làm phụ chính. Theo cố Cevallos (chữ cố tức là linh mục, mà thời trước dân ta gọi các linh mục người ngoại quốc là cố Tây), Công chúa Mai Hoa có một tâm hồn đạo đức, từ bi, bác ái vô biên, bà muốn chấn hưng tôn giáo, và chỉnh đốn kỷ luật nhà Phật, lập nhà thương giúp người nghèo chữa bệnh. Bà cũng tiếp tục chính sách của vua cha, và cho các giáo sĩ dòng Tên vào truyền đạo tại xứ ta. Bà cũng như vua Anh Tôn, phái người sang Ấn Độ để mời các giáo sĩ tới Việt Nam, nhưng vị Giám mục tại Goa đã trả lời là việc truyền giáo ở Đông Dương thuộc quyền các tu sĩ Ma Cao để liên lạc với các tu sĩ tại đây, và lần này có hai giáo sĩ, Alfonsa de Costa và Joao Gonsalvez de Sa, tuy đã 50-60 tuổi cũng bằng lòng theo chân sứ giả vào đất Thanh Hóa để giảng đạo. Khi hai cố trên tới Thanh Hóa đã được công chúa Mai Hoa tiếp đón rất nồng hậu và dành nhiều cảm tình, đặc biệt cấp nhà cho ở riêng.
Đến cuối năm 1590, có một chiếc tàu của cố Pedro Ordonez de Cevallos gặp trận bão, phải dạt vào bờ biển xứ bắc. Cố Cevallos và mấy người bạn được đưa về Kinh đô vua Lê ở An Trường. Và câu chuyện giữa công chúa Chèm với cố Tây được diễn ra như sau:
Pedro Ordonez de Cevallos sinh tại Jean, miền Andalouise, Tây Ban Nha, khi bé đã có óc mạo hiểm. Lớn lên đi tu và khi làm linh mục đã qua nhiều nước Tây phương rồi qua đất Thánh và những vùng Phi Châu như Guinea, Congo rồi vòng sang Tân thế giới. Khi bị nhập ngũ được mang hàm trung úy. Trong một chuyến đưa xác Đức Giám mục thành Chili về Tây Ban Nha, qua CuBa thì tàu bị đắm. Được thoát nạn, Cevallos qua Mễ Tây Cơ để lấy tàu trở lại Nouvelle Grenade, nhưng giữa đường lại gặp trận bão, tàu lại dạt tới tận khu Aceania và qua nhiều gian truân, Cevallos đã qua Trung Hoa, Áo môn (1-5-1590), rồi tới Nhật Bản. Đến khi rời Nhật Bản để trở về Quảng Đông, giữa đường lại gặp bão, thuyền đã bị trôi dạt vào bờ biển xứ Bắc, chỗ cửa Bạng ngày nay.
Khi Cevallos bị bắt, được đưa tới quan sở tại trình diện, Cevallos không chịu lạy như các bạn đồng thuyền, mà ông chỉ bỏ mũ ra chào mà thôi. Các quan thấy vậy tưởng Cevallos là một vị hoàng tử, nên dẫn đến Kinh đô để trình vua Lê. Kinh đô vua Lê lúc đó chiếm cả một vùng An Trường, Lam Sơn, Văn Lái và Phúc Lập nằm bên tả ngạn sông Chu của tỉnh Thanh Hóa.
Đúng vào dịp lễ Giáng sinh 24-12-1590, cố Cevallos được vua Lê cho vào yến kiến . Gặp vua Lê, cố chỉ bái gối trái để kính chào. Vua Lê thấy thế không giận và còn niềm nở hỏi han thân tình.
Ngày hôm sau, vua Lê sai dọn tiệc mời cố Cevallos, ban quà cho cố và các bạn đồng hành. Nhân dịp này cố Cevallos đã nói về sự tích Chúa Jesu Giáng sinh là đấng cứu thế, cùng bà Maria là mẹ của Jesu. Nhà vua nghe vậy nên giới thiệu cố gặp bà chúa Chèm, vì bà cũng thích nghe kể sự tích tôn gio.
Nhà vua nói Công chúa là bà chị của vua và nhà vua yêu kính như mẹ. Vậy khi gặp Công chúa cố đừng làm điều gì phật lòng bà.
Ngy 28-12-1590, Công chúa cho mời Cevallos tới và bà tiếp cố tại phòng khách với nghi lễ trang trọng. Công chúa phải dùng người thông ngôn để nói chuyện với Cevallos. Cố Cevallos đã tỏ ra lịch thiệp và trả lời những điều mà Công chúa hỏi, rồi ra hiệu cho người Bồ Đào Nha thông ngôn lui ra, và mời một người Trung Hoa làm thông ngôn vào. Công chúa hỏi về nguyên quán của cố, và sau đó Công chúa hỏi cặn kẽ:
- Thầy đã có vợ chưa?
Cevallos nghiêm nét mặt trả lời:
- Tôi làm linh mục (cố) nên theo luật tôn giáo không bao giờ lấy vợ.
Công chúa nghe vậy tỏ nét mặt buồn và nói:
- Thật là một luật ác nghiệt.
Nói xong, Công chúa ra hiệu mời cố đạo vào phòng riêng với bà. Bà nói:
- Bây giờ, không còn nghi lễ phiền phức như ở phòng khách nữa. Thầy thực tình cho tôi biết cảm tưởng của thầy đến đây như thế nào?
Cố Cevallos đáp:
- Được gặp Công chúa, tôi rất mừng và vui nên quên tất cả những ngày gian nan khổ cực trong hải trình.
Và Công chúa còn hỏi những chuyện đi biển của cố và đồng bạn. Công chúa cũng cám ơn cố đã tặng nhiều vật quý giá. Khi cáo biệt, Công chúa còn dặn cố mỗi ngày cố dành thời giờ đến thăm Công chúa tại biệt cung.
Giữ đúng lời hứa, mỗi chiều chiều cố Cevallos đến thăm Công chúa và giảng những sự tích về Thiên chúa cho bà nghe. Trong lúc cố và Công chúa nói chuyện thì nhà vua vào và nhà vua cho biết đêm qua vua và chị (Công chúa) thức cả đêm để bàn với nhau về chuyện tôn giáo. Vì vậy, cố Cevallos đã lấy ảnh tượng ra tặng cho Công chúa và các cung nữ trong triều. Công chúa lấy ảnh tượng treo lên lập một bàn thờ và gọi các cung nữ tới bái lạy.
Nhân dịp này cố cũng xin cho gặp hai giáo sĩ Bồ Đào Nha để bàn việc truyền giáo tại đây. Vì từ khi tới đây cả ba giáo sĩ chưa ai được hành lễ ngày nào vì không có bàn thờ, nhà thờ riêng. Đến ngàyy 13-1-1591 cố Cevallos làm đơn xin cất một nhà nguyện nhỏ, và nhờ Công chúa đệ đơn lên đức vua. Vua chấp nhận đóng triện ngay.
Từ ngày gặp giáo sĩ Cevallos, Công chúa rất vui mừng và tỏ ra quý mến giáo sĩ. Lúc này thì cả hai không dùng thông ngôn nữa vì cũng tạm hiểu những câu hỏi của nhau. Ðến đây Công chúa nói là mong các giáo sĩ đừng về cố hương nữa và ở lại đây kết bạn rồi truyền đạo. Nhưng Cevallos trả lời, riêng ông không thể được vì ông là linh mục. Nghe vậy, Công chúa không nói thêm nữa mà chỉ đưa ra ý kiến thôi, còn tùy thầy nghĩ sao thì nghĩ.
Ngày hôm sau, trong cuộc nói chuyện giữa Công chúa, nhà vua và cố Cevallos, nhà vua nói:
- Nhà vua rất quý mến những người Y Pha Nho, và chỉ muốn làm bà con gia đình với người Y Pha Nho.
Đến ngày 2-2 là ngày khánh thành nhà nguyện Đức Bà dâng con. Công chúa Chèm lại nhân dịp này lại ngỏ ý với cố Cevallos một lần nữa. Công chúa nói:
- Thực tình tôi ngỏ ý cùng thầy, là tôi rất quý mến thầy ngay khi được gặp thầy, vì thầy tỏ ra lịch thiệp, thông minh. Vậy tôi muốn kết hôn với thầy.
Nhưng cố Cevallos đưa ra những lý lẽ để từ chối. Còn Công chúa thì quá thương Cevallos nên nói thẳng:
- Tôi đã nhất định chọn thầy làm chồng tôi.
Đến đây, cố Cevallos không biết trả lời sao, nên ông đem chuyện này về bàn với hai vị giáo sĩ của bạn ông, để tìm xem có cách nào giải quyết việc trên không. Khi Cevallos đem chuyện trên nói ra đầu đuôi với hai giáo sĩ và các bạn ngoài đời. Mấy người không phải là tu sĩ thì khuyên Cevallos nên lợi dụng dịp này chấp nhận để các giáo sĩ khác có hoàn cảnh truyền đạo. Nhưng cố Cevallos và hai giáo sĩ kia thì không đồng ý. Và họ đã bàn cách hoãn binh bằng cách trả lời Công chúa là đem việc này về trình xin phép Giáo hoàng ở La Mã đã. Còn bây giờ thì Công chúa nên nhập đạo trước rồi khi thông hiểu luật đạo Công chúa sẽ nghĩ lại.
Đến ngày hôm lễ Thánh Blaise, cố Cevallos, lại vào gặp công chúa. Sau lời chào hỏi, Công chúa tỏ nét mặt buồn và nói:
- Ý định hôm trước tôi thưa với thầy, thầy đã nghĩ kỹ chưa, thầy có ưng làm chồng tôi không, còn tôi thì vẫn yêu thầy. Nhưng nếu thầy thấy luật Chúa đã dạy giáo sĩ không được lấy vợ thì thôi, và ta không nên cưỡng luật Chúa.
Cố Cevallos nghe Công chúa nọi vậy mừng trong bụng và nói:
- Công chúa nói đúng ý nghĩ của tôi. Vì tôi đã khấn luật linh mục sống độc thân. Và tôi rất cám ơn lòng tốt công chúa đã dành cho tôi.
Công chúa lại tiếp:
- Vậy thầy không thể kết bạn đời với tôi, nhưng tôi vẫn kết bạn đạo với thầy và tôi xin nhập đạo để cùng phụng thờ Chúa như thầy. Vậy từ nay ta chỉ nói chuyện đạo thôi.
Cố Cevallos đáp:
- Tôi cũng chỉ cầu mong Chúa soi sáng cho tôi, và mong Công chúa trở lại đạo.
Ngày 22 tháng 2 là lễ Thánh Mathius bỗng dưng Công chúa lại nhắc chuyện cũ và lần này thì bà cương quyết hơn. Công chúa nói:
- Tôi quá yêu thầy, nhưng không phải là luật Chúa ngăn cản, mà tại hai giáo sĩ ngăn cản thầy.
Nói xong Công chúa quay mặt sang hai giáo sĩ cùng có mặt với cố Cevallos, và Công chúa nói với nét mặt giận dữ:
- Từ xưa tới nay ta chưa hề làm điều gì ác với ai, và nay ta cũng muốn giữ như vậy. Bây giờ các thầy về bàn tính lại với nhau xem sao.
Sau khi các giáo sĩ trở về dùng cơm xong, cố Cevallos trở lại gặp Công chúa và nói:
- Bởi tôi là linh mục, nên phải giữ đúng luật giáo hội.
Công chúa nghe vậy, nước mắt đầm đìa và lặng im. Còn cố Cevallos thì chỉ biết tự nhủ lòng mình và cầu xin Thiên Chúa soi sáng cho cố được vững lòng giữ luật Chúa trọn đời.
Cuối cùng Công chúa như động tâm và chỉ thở dài, quỳ xuống khấn nguyện.
Cố Cevallos thấy vậy rất mừng, và cám ơn Công chúa đã cứu linh hồn các giáo sĩ. Và dịp này cố Cevallos cũng xin để giáo sĩ Alfonso de Costa hằng ngày đến giảng đạo cho Công chúa, còn giáo sĩ Joao Gonzalves de Sa thì giảng đạo cho phi tần, nữ hầu.
Giữa lúc này thì bên ngoài chiến cuộc giữa Lê Mạc sắp khơi mào. Và đây cũng là cuộc chiến lớn nhất giữa hai bên một mất một còn vào năm 1591-1592. Lúc đó thì Trịnh Tùng đóng quân tại bản doanh ở thành Tây Giai, và cần đem vua Lê ra mặt trận để khích lệ tinh thần quân sĩ là chiến đấu có chính nghĩa và bà Thái hậu cùng đi theo Thế Tôn, còn hai giáo sĩ Bồ Đào Nha và những thủy thủ Y Pha Nho cũng đồng ý tháp tùng vua ra mặt trận, duy chỉ có cố Cevallos ở lại An Trường thôi. Rồi ngày đầu tháng 5 năm 1591, hai giáo sĩ đã gởi cho cố Cevallos một bức thư báo tin: Ông và những giáo sĩ Bồ Đào Nha và tất cả những người Tây Ban Nha đều bị lên án phát lưu và tịch biên tài sản. Nghe tin vậy, Cevallos vội báo tin cho Công chúa biết. Công chúa thở dài rằng:
- Thiên chúa không muốn như vậy đâu, nhưng án này thật khó cứu vãn, tôi thấy vậy buồn muốn chết được.
Nói dứt lời Công chúa ôm mặt khóc nức nở, và cố Cevallos xin cáo lui.
Như thường lệ, ngày hôm sau cố Cevallos lại đến giảng dạo cho Công chúa. Và lần này Công chúa tỏ ra nét mặt buồn rầu và nói:
- Linh cảm tôi thấy thầy sắp xa tôi. Vậy thầy hãy cho phép tôi vào đạo ngay đi.
Cố Cevallos hỏi Công chúa tại sao bà là chị của vua mà sao không có quyền bác bỏ bản án bắt giam các giáo sĩ. Công chúa cho biết là có những luật mà không ai có thể can thiệp được.
Và sự thật thì luật ấy do bàn tay của chúa Trịnh chuyên quyền, vì Trịnh Tráng lúc đó rất lo sợ những người Tây phương sẽ giúp nhà Lê loại trừ nhà Trịnh ra khỏi triều đình, vì vậy đã bảo các quan ra bản án “Cevallos” đã vô lễ với các quan trong triều”.
Còn Cevallos thì hỏi Công chúa bây giờ có tin đạo không.
- Tôi tin chân lý của Chúa và xin giữ đạo. Và xin thầy hãy rửa tội cho tôi ngay, nếu để chậm sẽ khó khăn.
Cố Cevallos đặt cho Công chúa tên bổn mạng là Maria, và lễ rửa tội hoàn tất, cố Cevallos lại hỏi:
- Từ giờ trở đi tôi và Công chúa là họ hàng thiêng liêng cùng một đạo.
Đến sáng ngày hôm sau thì có 8 bà khác ở trong cung cũng xin rửa tội. Buổi chiều cũng có thêm 8 bà nữa xin nhập đạo. Đến cuối tháng 5 thì cố Cevallos đã rửa tội được tất cả 72 phụ nữ và 5 đàn ông.
Đến ngày 15-6-1591, Công chúa Maria Mai Hoa xin vua cấp cho một ngôi đình nhỏ để làm tu viện và cấp một khoản tiền hằng năm để tu viện có phương tiện làm nhà thương, nhà tế bần do Công chúa lập ra nay mai.
Vua chấp thuận cấp đất, cấp tiền để làm việc xã hội. Khu đất này thuộc sản nghiệp hoàng gia ở bên kia con sông Chu, và khu này được gọi là một làng đạo sống riêng.
Cố Cevallos cấp tốc tổ chức tu viện, và cho phép treo những ảnh tượng về sự tích Thiên Chúa đã làm “phép lạ” khi xưa. Ngày 26-7-1591, lễ khánh thành tu viện và được đặt tên là Dòng Đức bà vô nhiễm. Cố Cevallos cử Thánh lễ đầu tiên ở đây, và chấp nhận 51 nữ tu mặc áo dòng. Ít lâu sau có thêm nhiều người gia nhập đạo, chịu phép rửa tội.
Đến ngày 15-8-1591, Cevallos tới nhà các giáo sĩ Bồ Đào Nha ở ngoài thành, thì khoảng quá trưa một viên lãnh binh đã dẫn 30 tên lính cầm giáo mác tới. Viên lãnh binh cáo lỗi các tu sĩ và truyền lệnh cho binh sĩ cởi hết áo của mấy giáo sĩ ra, và đưa áo trắng thường dân cho mặc. Sau đó các giáo sĩ bị trói tay, và mang gông, xích sắt ở chân. Đến ngày hôm sau thì họ đưa Cevallos ra cửa Bạng rồi giải xuống tàu của Bồ Đào Nha đang đậu tại cửa biển trục xuất họ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
J.P.Thạnh
Theo “Lịch sử truyền giáo của LM Nguyễn Hồng