Người ta thường than: Đời là bể khổ! Khổ vì những nỗi bận tâm về cái ăn cái mặc, khổ vì những mối lo lắng ốm đau
bệnh tật. Người nghèo khóc vì túng thiếu, khổ cực đã đành; người giàu cũng khóc vì những chuyện bất ưng xảy đến.
Sinh bệnh lão tử là những đoạn đường ai cũng phải một lần đi qua. Đoạn đường nào cũng có những nỗi khổ, những lo
toan. Lo từ lúc sớm mai mở mắt cho đến lúc đêm về vẫn chưa yên. Sự lo lắng chi phối suốt cả cuộc sống của mỗi
người. Lo đến mất ăn mất ngủ! Đó là số phận của con người.
Nhưng Chúa Giêsu lại đưa ra cho chúng ta một triết lý sống lạc quan hơn, bớt lo toan hơn, có ý nghĩa hơn. Triết lý
sống ấy như thế này: "Anh em đừng lo lắng về ngày mai: Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày
ấy". Như thế, Chúa không phủ nhận cái khổ mà con người phải trải qua hằng ngày, đó là số phận của con người.
Nhưng điểm tích cực mà Chúa muốn nói đến là: đừng lo lắng về ngày mai: Ngày mai cứ để ngày mai lo".
Nhưng để thực hiện được tinh thần lạc quan ấy, chúng ta phải có triết lý sống như thế nào?
Trước hết chúng ta phải xác định Thiên Chúa là Đấng nào và chúng ta là ai?
Tất cả những người tin vào Thiên Chúa đều là con cái của một người Cha Duy Nhất trên trời, một người Cha đầy lòng
thương xót, luôn quan phòng, yêu thương chăm sóc con cái mình.
Để chứng minh về sự chăm sóc yêu thương của Người Cha, Chúa Giêsu đã so sánh:"Hãy xem chim trời: chúng không
gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý hơn chúng
sao?.. Hãy ngắm xem hoa huệ mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy
bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bực, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu
hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em.
Ôi những kẻ kém tin! "
Chim trời, hoa cỏ ngoài đồng là những tạo vật vô tri do bàn tay Thiên Chúa tạo nên mà Ngài còn chăm sóc như thế
huống hồ chúng ta là con cái của Ngài. Chắc chắn Ngài sẽ chăm sóc quan tâm lo lắng yêu thương chúng ta đặc biệt
hơn. Thế mà chúng ta lại không nhận ra điều đó, lại tự phụ cậy vào sức riêng của mình. Quả đúng như lời Chúa Giêsu
đã khiển trách: Ôi những kẻ kém tin!
Chúa Giêsu còn so sánh thêm: nếu những người tin vào Thiên Chúa, là con cái của Ngài mà cũng lo lắng đến cái ăn
cái mặc như dân ngoại vẫn làm thì chúng ta nào có khác gì với họ, nghĩa là chúng ta cũng chối từ vai trò làm Cha của
Thiên Chúa đối với con cái của Ngài. Chúng ta tin nhưng chưa thực sự phó thác vào sự quan phòng của Cha chúng ta,
Vì " Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó." Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta trở nên như trẻ
nhỏ để vào Nước Trời. Trẻ thơ không tính toán, không lo lắng, không mưu lược, không ganh ghét.
Chúng sống hoàn toàn phó thác vào sự chăm sóc của cha mẹ. Cha mẹ là điểm tựa cho chúng trong bất cứ hoàn cảnh
nào. Là con cái của Thiên Chúa, nhưng rõ ràng là chúng ta thiếu lòng tin, chưa thực sự phó thác vào tình yêu và sự
quan phòng của Cha chúng ta ở trên trời; chúng ta không đặt hết niềm tin vào Ngài để Ngài hành động mà lại đòi hỏi
Ngài hành động theo ý chúng ta!
"Đừng lo lắng về ngày mai: Ngày mai cứ để ngày mai lo". Nói thế, không có nghĩa là chúng ta cứ buông xuôi, sống
không cần biết đến ngày mai, "ngày mai để ngày mai lo". Sống như thế là ngụy biện cho sự lười biếng. Không lo ngày
mai, nhưng phải biết lo cho ngày hôm nay. Tương lai là việc của Chúa . Hiện tại là bổn phận chúng ta phải làm theo
thánh ý Chúa. Không thể cứ ngồi đó mà "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực cần dùng"mà không cần làm
việc.
Người ta thường có khuynh hướng lo lắng tương lai, lo lắng ngày mai mà quên đi bổn phận hiện tại, bổn phận hàng
ngày. Những bận rộn lo toan cho cuộc sống, cho cái ăn cái mặc đã làm cho chúng ta sao lãng cái lo lắng chính yếu và
trước hết là: tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài. Đó là nỗi lo lắng hàng đầu chúng ta phải kiếm
tìm ngay trong giây phút hiện tại bằng sự kết hợp giữa việc làm với cầu nguyện; "còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ
thêm cho." Nỗi lo lắng cần thiết hơn cũng đã được Thầy Giêsu xác định cho chị em Mattha: Mattha, đừng lo lắng chi
nhiều, chỉ có một điều cần, em con chọn phận hơn.
Cái lâu bền vững chắc là Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài. Như trẻ thơ cậy nhờ, tin tưởng và phó thác
vào sự che chở, đùm bọc của người mẹ, chúng ta cũng phải sống những tâm tình ấy với Cha chúng ta ở trên trời. .
Nhưng đối với người sống đức tin, thì không đặt sự an tâm của cuộc sống mình vào vật chất mà vào Thiên Chúa,
Đấng muôn đời yêu thương con người, và ban ơn, chặm sóc con người. Chỉ Thiên Chúa là Đấng quyền năng đầy lòng
thương xót mới có thể đem lại cho chúng ta sự an toàn, nhưng với điều kiện là chúng ta phải tín thác, trông cậy vào sự
quan phòng của Ngài, và làm theo ý của Ngài. Đó là điều giúp chúng ta sống tín thác sâu xa trong cuộc sống và giúp
chúng ta sống không phải lo lắng bất an trong hiện tại và tương lai.
Một giải pháp cho cuộc sống lạc quan để bớt lo lắng là làm việc kết hợp với cầu nguyện trong tinh thần tin yêu và phó
thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Một ông chủ nọ may mắn mua được một con ngựa rất khỏe và khôn. Nó chạy nhanh chưa có con nào sánh bằng. Dân
làng đến chia vui với ông:
- Ông tài thật! Chưa có ai chọn mua được một con ngựa tốt như thế!
Ông chủ thản nhiên trả lời:
- Không biết may hay rủi, tôi chỉ biết cám ơn Chúa
Một ngày kia, tự nhiên con ngựa biến mất. Người ta đến chia buồn với ông. Ông bình thản nói:
- Không biết vui hay buồn, tôi chỉ biết phó thác cho Chúa.
Mấy ngày sau, con ngựa lại quay trở về, dẫn theo một bầy ngựa hoang. Dân làng lại kéo đến chúc mừng. Ông thản
nhiên trả lời:
- Chẳng biết may hay rủi, tôi chỉ biết tạ ơn Chúa.
Rồi một hôm, cậu con trai của ông leo lên ngựa cưỡi thử hết con này đến con khác. Chẳng may có một con có vẻ khó
tính, đã hất cậu xuống đất làm cậu gãy một chân. Dân làng nghe thấy thế, liền đến an ủi. Ông cũng bình tĩnh trả lời:
- Không biết phúc hay họa, tôi chỉ biết trông lên Chúa.
Một tháng sau, đất nước có chiến loạn vì giặc ngoại xâm. Vua ban lệnh tổng động viên: Tất cả thanh niên từ 18 đến 40
tuổi phải ra chiến trường. Đi nhập ngũ thì nhiều, trở về chẳng còn bao nhiêu! Chỉ riêng con ông chủ, vì bị gãy chân nên
được bình an. Dân làng lại kéo đến chia vui. Ông trả lời:
- Không biết may hay rủi, tôi chỉ biết tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa.
Cuộc sống mỗi người không ai hoàn toàn được thuận theo ý muốn. Mỗi cuộc đời đều có vui buồn, sướng khổ, may rủi,
họa phước... chen lẫn. Chẳng ai được hoàn hảo cả! Chỉ khi sống tin tưởng, phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng
của Chúa, để Ngài chăm sóc, thì dù gặp hoàn cảnh nào, cũng được Chúa biến dữ thành lành. Hãy nhớ lời thánh Phêrô
dạy: " Mọi lo âu, anh em hãy trút cả cho Chúa, vì Ngài chăm sóc anh em".
Sống tin tưởng, phó thác, trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa là chúng ta trở nên như trẻ thơ trước sự bao
bọc của cha mẹ nó. Chúa bảo: "Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?" không có nghĩa
không lo gì hết, nhưng là phải xác định cái gì cần thiết phải lo.
Đời sống vật chất và đời sống đức tin, đời sống nào quan trọng hơn? ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của con
người, ý muốn nào quan trọng hơn? kho tàng trên trời hay kho tàng trần thế, kho tàng nào quan trọng hơn? phó thác
vào tình yêu thương, vào sự quan phòng của Thiên Chúa hay phó thác vào của cải, phó thác nào đem lại cho con
người an tâm?
Đó là lý do tại sao Chúa yêu cầu chúng ta không được làm tôi hai chủ. Tiền bạc và Thiên Chúa, ông chủ nào đem lại
cho chúng ta sự an tâm đích thực! Chúng ta không thể vừa làm nhập nhằng trong việc lựa chọn ông chủ. Phải dứt
khoát: "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh
dể chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được".
Sống tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa là sống giây phút hiện tại: "Ngày mai, cứ để ngày mai lo". Chu toàn thánh ý
Chúa trong giây phút hiện tại với tinh thần tin tưởng và phó thác: " Mọi lo toan, anh em hãy trút cả cho Chúa, vì Ngài
chăm sóc anh em". Sống theo đức tin Kitô giáo là chuẩn bị trở về. Cái gì cần thiết và cái gì không cần thiết cho cuộc
sống vĩnh cửu?
Trong thời kỳ dân Thiên Chúa bị suy sụp: đền thờ Jerusalem bị cướp phá, dân chúng bị bắt đi lưu đày ở Babylon.
Trước những hiểm họa ấy, dân Ngài cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi: "Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi". Ngôn
sư Isaia đã phải lên tiếng trấn an họ và bảo đảm cho họ rằng tình thương của Thiên Chúa đối với họ còn hơn tình cảm
của người mẹ đối với con của mình: "Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình
đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu.”
Ước gì lời tâm tình ấy cũng là lời khích lệ, an ủi chúng ta trong cuộc sống hôm nay trong niềm tin tưởng, phó thác vào
tình thương và sự quan phòng của Cha chúng ta ở trên trời. Hãy trút mọi lo toan cho người Cha đầy lòng yêu thương
và nhân hậu; hãy phó mặc cho Ngài tất cả những lo toan, những khổ cực của ngày hôm nay bằng làm việc kết hợp với
cầu nguyện trong tinh thần phó thác vào tình thương và sự quan phòng của Cha chúng ta.
Lo lắng làm gì, ôi những kẻ kém tin! Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất
cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Hãy tin tưởng vào lời Chúa đã nói:"Nào người mẹ
có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên,
nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu.”
Như người con sống trong sự ấp ủ nuông chiều bao bọc của người mẹ, hãy sống với tinh thần lạc quan trong trong
tình thương, sự áp ủ và quan phòng yêu thương của Cha chúng ta trên trời. Một người mẹ, dầu sao cũng chỉ là một
con người thế gian mà còn đối xử với con của mình bằng một tình yêu kiên trì tha thiết, thì đối với Thiên Chúa Tình
Yêu, tình yêu của Ngài đối với chúng ta, những con cái của Ngài chắc chắn còn lớn lao biết bao, ngay cả khi chúng ta
sống trong tội lỗi, Ngài vẫn không ngừng yêu thương chúng ta.
LM. Trịnh Ngọc Danh