Năm 2012, tài xế taxi tại Luân Đôn được bầu chọn là những tài xế dễ thương nhất.
Reuters.Vào lúc tình hình thời sự châu Âu nóng bỏng với các diễn biến dồn dập tại Ukraina, nhật báo Pháp Le Figaro đã giúp độc giả thư giãn với một cuộc điều tra về thói xấu khác nhau của người điều khiển xe tại châu Âu. Bài báo ghi nhận trong hàng tựa điều có thể gọi là mỗi người một vẻ : « Mỗi một nước Châu Âu có thói xấu riêng khi cầm lái ».
Le Figaro mở đầu bằng một lời phủ nhận. Theo một cuộc nghiên cứu của cơ quan thăm dò dư luận Ipsos, những người chạy xe hơi của Liên Hiệp Châu Âu có thái độ « gương mẫu » trên đường đi. Đối với Le Figaro, điều này không đúng.
Đầu tiên, tác giả bài báo nhận xét : Ai lái xe ở nước ngoài đều bực tức, chê bai cách lái xe của người bản xứ. Châu Âu cũng không ra khỏi lệ này. Nghiên cứu của Ipsos, cho thấy những người lái xe ở Châu Âu đều tin chắc họ có thái độ gương mẫu, không chê trách vào đâu. Họ tự cho điểm, khiêm tốn thôi, 7,8/10, và chỉ trích gắt gao những người khác là vô trách nhiệm, hay gây chuyện, tạo ra nguy hiểm.
Nhưng thực tế, theo Le Figaro, cho thấy nhiều ngạc nhiên, ngay cả đối với người Thụy Điển, thường được đánh giá tốt nhất, có trách nhiệm… Bài báo lược qua những ‘thói hư tật xấu ở một số nước". Tại Đức, người lái xe thường không giữ khoảng cách an toàn, xe cứ bám sát nhau, không hề sợ là khi có tai nạn lại chồng chất lên nhau. Tai hại nhất là 71%, khi được hỏi, lại cho biết là họ không sợ điều đó chút nào. Người Đức cũng thường lái xe hơn 3 tiếng đồng hồ mà không nghỉ ngơi, trong lúc quy định là phải nghỉ sau 2 tiếng.
Tại Bỉ thì nguy hiểm ở chỗ, tài xế vẫn lái xe sau khi uống rượu, dù uống mấy ly cũng vẫn lái, trong lúc người Thụy Điển, chỉ uống một ly thôi là dứt khoát không cầm lái. Người điều khiển xe ở Pháp có thói hư gì nổi trội ? Hung hăng ! 88% cho là họ rất sợ bị người khác tấn công, nhưng ngược lại thì họ dễ nổi nóng, khi ấy không tiếc lời thóa mạ ai làm họ bực dọc. Người Ý thì tự nhận họ là những người lái xe tồi tệ nhất. Điều này được xác định là đúng : Không cài dây an toàn, chạy ẩu, và lại sẵn sàng xuống xe đến « giải thích » với những người khác làm họ bực tức.
Ngay cả những người lái xe gương mẫu được công nhận như Thụy Điển cũng có vấn đề. Bên cạnh việc không tôn trọng khoảng cách an toàn như người Đức, thì nguy hiểm nhất là dùng điện thoại di động : nói chuyện qua điện thoại khi lái xe là điều họ không thể bỏ đươc. 43% không chấp nhận bất kỳ một luật nào cấm họ sử dụng điện thoại khi lái xe.
Theo RFI