LOS ANGELES — Các trường học ở Hoa Kỳ đang ngày càng có khuynh hướng xét lại cách thức kỷ luật học sinh có hạnh kiểm xấu, kể cả việc tìm ra các phương thức thay thế cho những hình phạt như tạm thời đuổi học.
Lớn lên trong một khu phố với khối dân đa số gốc Tây Ban Nha nổi tiếng là nghèo khó và băng đảng có thể là một việc rất gay go. Điều đó đặc biệt đúng với em Marco Antonio Aguilar, một học sinh của trường Trung học Garfield.
“Năm học đầu của em, mọi thứ đều tệ. Em ghét trường học.”
Em Aguilar cho biết em đã có những bạn xấu, thường trốn học và có khi còn đánh nhau.
Trường đã tạm đuổi học em và suýt nữa thì em bị đưa vào một trường dành cho các học sinh có vấn đề. Nhưng em đã thức tỉnh sau khi nói chuyện với mẹ.
“Ngọn lửa được thắp sáng thêm với sự giúp đỡ của các giáo viên mà em nhận được, và biết rằng các thầy cô thực sự quan tâm đến em. Trường học đã thực sự giúp em.”
Hiệu trưởng trường Trung học Garfield, ông Jose Huerta cho biết khi ông mới đến đây bốn năm trước, tỷ lệ bỏ học ở mức trên 50 phần trăm và có tới gần 700 vụ tạm đuổi học mỗi năm. Ông nói đa số những trường họp bị tạm đuổi học là vì các vấn đề hạnh kiểm mà các giới chức nhà trường gọi là “cố ý chống đối.”
“Ta không cần phải tạm đuổi học trẻ em; nó chẳng đi đến đâu cả. Không tốn kém gì nhiều. Giải pháp rất đơn giản, ấy là liên hệ với học sinh.”
Ông nói tiếp: “Có thể là từ việc nhai kẹo cao su trong lớp cho đến việc dán kẹo cao su dưới mọi thứ.”
Ông Huerta thay đổi chính sách kỷ luật. Những em học sinh có vấn đề về cố ý chống đối không còn bị tạm đuổi học nữa. Thay vì thế, trước hết các em sẽ nói chuyện với một giáo viên, sau đó có thể mời một phụ huynh và cuối cùng là một nhóm hỗ trợ nếu cần.
Trường trung học Garfield nay có tỷ lệ tốt nghiệp là 85% và trường học đã thay đổi. Ông Huerta nói:
“Lý do chúng tôi không thấy hành vi phá rối hay này khác là bởi vì nay có sự liên hệ với các học sinh của chúng ta. Các em kính trọng chúng tôi và chúng tôi tôn trọng các em, và tôi nói với các em rằng chúng tôi yêu các em. Mỗi lần hội họp, tôi đều nhắc nhở: 'Các em hãy nhớ là tôi yêu các em và chúng tôi yêu các em' và tất cả đều hoan hô bởi vì chúng thường không được đối xử như thế.”
Các hình phạt về hạnh kiểm xấu do mỗi trường học quyết định trong học khu này. Nhưng năm ngoái, Học Khu Thống nhất Los Angeles đã cấm tạm đuổi học vì những vấn đề cố ý chống đối.
Thanh tra John Deasy nhận xét:
“Có quá nhiều vụ đuổi học tạm và quá nhiều vụ dành cho thiếu niên da đen và da màu.”
Bộ trưởng Giáo dục Arne Duncan tuyên bố:
"Tạm đuổi học hay đuổi học vĩnh viễn các học sinh vì hạnh kiểm không mang tính cách bạo động gây thiệt hại lớn cả cho học sinh lẫn cho các cộng đồng.”
Các bộ Giáo dục và Tư pháp mới đây đã kêu gọi các trường học tìm ra những giải pháp thay thế cho việc tạm đuổi học vì hạnh kiểm không mang tính cách bạo động.
Ông Dan Losen thuộc Dự án Dân quyền tại trường Đại học Tiểu bang California ở Los Angeles nói trong khi 60 phần trăm các trường trung học ở Hoa Kỳ không có tỷ lệ tạm đuổi học cao, những trường có tỷ lệ cao thường thuộc các khu phố nghèo của người da đen hay gốc Tây Ban Nha.
“Các trường học tạm đuổi nhiều em học sinh không đạt được thành tích tốt hơn. Cũng không có tỷ lệ tốt nghiệp tốt hơn.”
Chủ tịch Hội Giáo viên Thống nhất Los Angeles Warren Fletcher nói tuy không bao giờ nên là phương án đầu tiên, việc hoàn toàn bãi bỏ biện pháp tạm đuổi một học sinh cũng không phải là giải pháp cho vấn đề.
“Nếu bãi bỏ hẳn biện pháp này, nếu quyết định để một trường học không có phương án đó trong một môi trường sĩ số học sinh ngày càng cao và những cắt giảm mạnh đối với việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, thì sẽ tạo ra một môi trường giống như một nồi áp suất trong trường học. Và điều đó không tốt cho ai cả.”
Trong khi số học sinh bị tạm đuổi học trên toàn quốc dường như đang giảm bớt, nhiều nhà giáo dục cho rằng một giải pháp vĩnh viễn là kèm theo những thay đổi về hình thức kỷ luật với việc có thêm nguồn tài chính để cung cấp sự hỗ trợ cho học sinh – ngõ hầu các em có thể đạt thành quả tốt như em Aguilar, người đã dự tính lên đại học khi tốt nghiệp năm nay.
Theo VOA