Sông nước miền Nam.Courtesy of diendanbaclieu.netN.S Trần Quang Hải:
Ở trong Nam hoàn toàn là giọng hát bình dân, người Nam rất bình dân không hát những lời chải chuốt như ở miền Bắc, bởi vậy, chúng ta thấy rằng điều đặc biệt trong dân ca miền Nam có điệu hò, hò rất nhiều. Chẳng hạn, chúng ta có hò Bến Tre, hò Cần Thơ, hò Đồng Tháp. Ở Bến Tre có loại hò như sau:
Nhạc sĩ Trần Quang Hải, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam và châu ÁHò ơ… xứ nào vui cho bằng xứ Cù Lao
Hò ơ… tiếng muỗi kêu như ống sáo thổi…
Chỉ cần nghe qua câu hò là chúng ta biết người hò thuộc địa phương nào. Hò miền Nam có hò ba lý xuất xứ từ bài Ba Lý Hề của cải lương. Ngoài ra, còn có điệu ai đi hò lờ xuất hiện vào khoảng 70 năm nay:
Hò lơ hó lơ… lắng tai nghe tiếng ai hò lờ…
Ảnh minh hoạ: Cô gái Nam bộ hò trên sóng nước - Courtesyof thoangsaigon.comNgoài ra, còn có hò lô tô, hò cấy, lúc đi cấy ngoài ruộng, người con trai nhìn thấy cô con gái sau một hồi làm việc mệt mỏi thì chọc chơi cho vui, vì thế, các lời hò được ứng khẩu tùy hứng, nhạc chỉ có một giai điệu mà thôi, theo một thang âm đặc biệt trong miền Nam gọi là…. (lời hát)
Chúng ta có thể thấy rõ điều đó trong điệu ầu ơ ví dầu, nghĩa là loại ru con trong miền Nam, cũng dựa trên thang âm đó, thí dụ, ầu ơ… í ơ…gió đưa bụi chuối sau hè… anh mê vợ bé…bỏ bè con thơ… đó là đặc trưng thang âm của người miền Nam, từ đó mới đẻ ra vọng cổ mà chỉ có xuất hiện ở miền Nam mà không có ở miền Trung hay miền Bắc.
(Lý Quạ Kêu)
Ngoài ra, ở miền Nam còn có nhiều điệu lý, như lý chim quyên, lý bông lựu, lý chuồn chuồn, lý cây chanh, lý chè hương, lý con khỉ đột, lý ngựa ô, lý quạ kêu…
Thể hiện điệu hò Nam bộ trên sân khấu - Courtesy of yeutretho.comNhư vậy, giữa những câu lục bát, người ta thêm những câu í a… khiến điệu nhạc thêm tiết tấu và thay đổi từ điệu lý này sang điệu lý kia. Vì thế, chúng ta có những bài rất đặc biệt, cho thấy rằng, mỗi một vùng có một truyền thống riêng về dân ca. Khi đã có dân ca rồi, mình phải hội nhập vào, phải hiểu rõ bài hát đó dựa vào giọng nói: người Bắc không thể nào hát dân ca trong miền Nam hay được ví dụ: ra dzie là đi dzề, dấu hỏi, dấu ngã không phân biệt, còn người Nam hát nhạc người Bắc cũng khó vì nhiều khi có những chữ có “g” hay không có “g” thí dụ: “làng tôi” hay “làn tôi” người hát sai và bỏ dấu sai, rồi âm thanh, giọng hát… cũng khác; người miền Nam nói giọng trầm hơn, thanh hơn là giọng của người miền Bắc, người miền Bắc nói giọng kim nhiều hơn, còn người miền Nam là giọng thổ…. Đó là những phân biệt về lý luận âm nhạc. Riêng về vấn đề bài bản, đa số các bài dân ca của Việt Nam nói chung là dựa trên thể thơ lục bát, là một thể thơ đặc biệt của chỉ riêng Việt Nam mà chúng ta không thể thấy ở bất cứ nơi nào ở Á Châu.
(Tiếng Hò Miền Nam)
Vũ Hoàng:
Thưa quí vị, theo nhiều tài liệu về âm nhạc cho thấy dân ca Nam Bộ là tổng hòa của nhiều tính cách tạo thành những mới lạ trong giai điệu, tiết tấu cũng như trong ca từ. Khi so sánh, dân ca Tây Bắc thường có đường nét giai điệu mềm mại, tiết tấu khoan thai như hát lượn, hát xòe hoa, dân ca Tây Nguyên thường có giai điệu mạnh mẽ, dồn dập, trong khi dân ca Trung Bộ thường chậm, buồn, thiết tha, thì dân ca Nam Bộ lại mộc mạc, giàu tình cảm, chân thực và hồn hậu… giai điệu trong dân ca miền Nam gắn liền với âm điệu tiếng nói địa phương, tiết tấu rõ ràng, gẫy gọn, nhịp độ từ vừa phải đến nhanh.
Theo lời giáo sư Tô Vũ thì “âm nhạc Nam Bộ là sự kế thừa truyền thống người Việt từ cái nôi châu thổ Sông Hồng, qua chuyển giao ở một khâu trung gian là âm nhạc miền Ngũ Quảng, với trung tâm là Thừa Thiên – Huế.” Vì lẽ đó, hai loại dân ca tiêu biểu của xứ Huế là lý và hò đã phát triển mạnh mẽ và đa dạng, nổi trội trong dân ca Nam Bộ.
Lý Nam Bộ được sinh ra phần lớn từ những câu ca dao, có nhiều làn điệu, nội dung của lý thể hiện mọi khía cạnh, hiện tượng của cuộc sống, những mối quan hệ xã hội, cộng đồng hay thái độ phê phán những thói hư tật xấu trong dân gian.
Trong khi đó, theo định nghĩa, hò là một lối hát thường được hát trong quá trình lao động, nhịp điệu của điệu hò rất gần với nhịp điệu của động tác khi làm việc, thế nhưng, hò của người Nam Bộ đã biến tấu đi ít nhiều vì phần lớn mang tính chất âm nhạc tâm tình. Các điệu hò Nam Bộ nghiêng về thơ ca dân gian trữ tình, tình yêu đôi lứa là chủ đề bao trùm của hò Nam Bộ.
Và cuối cùng, khi nhắc đến dân ca Nam Bộ thì không thể không nhắc đến những lời ru. Hát ru Nam Bộ đặc biệt là ít nói đến đối tượng được ru là trẻ em mà thường nói lên tâm sự của người phụ nữ, tình cảm của người mẹ đối với con, tình mẫu tử… giai điệu dàn trải, êm ái, lời ru không phân nhịp, tốc độ chậm, mở đầu thường là những câu ơ ầu ơ, ví dầu…
(Bài Ru Con Nam Bộ)
Theo RFA