DRTrong thời gian gần đây, tốc độ Bắc Cực tan băng hết sức nhanh chóng khiến lục địa trắng với nhiều tài nguyên dưới lòng biển trở nên mảnh đất thèm muốn đối với nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn công nghiệp. Tuy nhiên, việc Bắc Cực tan băng nhanh chóng cũng mở ra một cơ hội chưa từng có cho sự phát triển của nhiều loại vi trùng nguy hiểm cho tính mạng của các loài động vật biển và có thể cho cả con người.
Biến đổi khí hậu tạo ra một cơ hội chưa từng có để các nhân tố gây bệnh có thể di chuyển đến các môi trường mới và gây bệnh. Đây là nhận định của nhà ký sinh trùng học Michael Grigg tại hội nghị thường niên của Tổ chức vì tiến bộ khoa học Hoa Kỳ (AAAS), họp tại Chicago, từ ngày 13 đến 17/02/2014.
Hải cẩu xám bị chết do ký sinh trùng
Theo ông Michael Grigg, băng là một « hàng rào sinh thái khổng lồ » đối với các nhân tố gây bệnh, với nhiệt độ tăng lên tại Bắc Cực, các vi trùng có thể sống sót, tấn công các vật chủ nào không có được một hệ miễn dịch tương thích để chống chọi với các loại vi trùng mới, khiến chúng mắc bệnh. Một số nghiên cứu ghi nhận vào năm 2012, tại vùng biển Bắc Cực phía Bắc Đại Tây Dương, phát triển một nhân tố gây bệnh mới làm chết 406 con hải cẩu xám. Theo nhà vi trùng học nói trên, đây là ví dụ đầu tiên về một loại vi trùng di chuyển từ cực Bắc xuống phía Nam. Cho đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy vi trùng này tác hại đối với người.
Nhà vi trùng học Mỹ cũng cảnh báo về nguy cơ của những vi trùng di cư như vậy, khi so sánh dịch bệnh năm 2012 ở loài hải cẩu xám (vốn trước đó có thể trạng tốt) ở vùng Bắc Đại Tây Dương, do một biến thể mới của vi trùng Sarcocystis, với nạn dịch hạch ở Châu Âu thời Trung Cổ khiến 1/3 dân số Châu Âu thiệt mạng. Biến thể mới của vi trùng Sarcocystis nói trên đe dọa cả loài gấu Bắc Cực, voi biển, gấu ở bang Alaska cũng như ở cả tỉnh bang British Columbia, miền tây nam Canada.
Cách đây ít năm, ngành y tế đã báo động về nguy cơ nạn dịch do ký sinh trùng Toxoplasma gondii tại khu vực thổ dân Inuit – sống tại vùng Bắc Cực thuộc Canada và Hoa Kỳ. Theo tập quán lâu đời, thổ dân Inuit thường tiêu thụ món thịt cá voi trắng (beluga). Mà trong thời gian gần đây, cùng với việc băng Bắc Cực tan bớt, loài cá voi trắng bắt đầu bị vi trùng Toxoplasma gondii tấn công.
Loại ký sinh trùng hay thấy ở loài mèo nói trên là một nguyên nhân hàng đầu gây bệnh mù do nhiễm trùng ở người, và có thể gây tử vong đối với bào thai hay những người và động vật bị suy giảm miễn dịch. Ký sinh trùng Toxoplasma gondii được truyền đi thuận lợi thông qua việc dùng thịt không được nấu đủ chín hay nước có tiếp xúc với các vùng đất bị nhiễm đồ phóng uế của mèo.
Bắc Cực tan băng : Một trong các hệ quả của
biến đổi khí hậu/"vũ khí hủy diệt đáng sợ nhất"
Nhà sinh vật học hải dương Sue Moore thuộc Cơ quan Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ, nhận định « các động vật biển có vú có thể là những người lính gác rất tốt cho hệ sinh thái tại Bắc Cực », chúng đưa ra các tín hiệu giúp cho con người hiểu biết rõ hơn về các biến đổi môi trường. Còn theo giáo sư sinh học Christopher Field, tại đại học Stanford (California), hiện tại con người còn hiểu biết rất ít về khả năng của các thực vật, động vật và con người phản ứng lại tốc độ biến độ khí hậu nhanh chóng như hiện nay. Tốc độ biến đổi khí hậu nhanh chóng như hiện nay có thể so sánh với đợt biến đổi dữ dội gần đây nhất, cách nay khoảng 50 triệu năm, vào lúc Trái Đất rơi vào thời kỳ lạnh xuống dữ dội.
Ngày 16/02, tại Jakarta, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố cần coi « biến đổi khí hậu » là một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt, tương tự như vũ khí hạt nhân, thậm chí đây có thể coi là « vũ khí hủy diệt đáng sợ nhất ». Khả năng tỉnh dậy và gây hại của các loài ký sinh trùng nguy hiểm khi Bắc Cực tan băng là một trong những hệ quả của thứ « vũ khí biến đổi khí hậu » vô cùng đáng sợ ấy. Câu hỏi đặt ra là liệu con người có thể vừa tăng tốc thăm dò và khai thác các nguồn dầu khí đầy tiềm năng ở Bắc Cực, và đồng thời nỗ lực cho việc hãm lại tốc độ nóng lên của Trái Đất ?
Theo RFI