Viết lách bao giờ cũng là một công việc cô đơn. Cực kỳ cô đơn. Có người còn cho đó là một việc làm cô đơn nhất.
Giống như những người giữ hải đăng ngoài biển. Một mình. Hình ảnh tiêu biểu nhất của các nhà văn và nhà thơ, khi
sáng tác, là hình ảnh, về không gian, một căn phòng khép kín hoặc một chiếc bàn trong góc khuất; về thời gian, thường
là ban đêm, thậm chí, trong khuya khoắt. Một mình. Chung quanh hoàn toàn im ắng. Có người, dễ tính hơn, có thể viết
ở chỗ làm, trong quán cà phê hay trên xe lửa, nhưng những lúc ấy, họ vẫn phải thu mình lại, tách biệt hẳn với thế giới
bên ngoài, lắng vào trong, chỉ chạy đuổi theo trí tưởng tượng và tư tưởng của mình, nghe ngóng từng xao động nho
nhỏ, khẽ nhàng và tế vi trong chính tâm hồn của mình. Như vậy, ngay ở những chỗ đông người nhất, tập nập nhất, ồn
ào nhất, họ cũng vẫn cô đơn.
Dĩ nhiên, trong đời sống hàng ngày, với tư cách một con người hoặc một công dân, người cầm bút vẫn phải giao tiếp
với người khác, từ gia đình đến xã hội. Như mọi người khác. Nhưng với tư cách một người cầm bút, lúc sáng tác, hắn
có một thế giới riêng, thế giới bên trong của hắn, ở đó, không có cửa ngõ nào thông ra bên ngoài. Thế giới bên ngoài
cung cấp cho hắn những hiểu biết, kinh nghiệm, hình ảnh và nhân vật, nhưng chỉ ở thế giới bên trong, hắn mới bắt gặp
tư tưởng, cảm xúc và giọng điệu, ba yếu tố làm cho hắn trở thành một nhà văn hay một nhà thơ. Thế giới bên ngoài có
thể giúp hắn trở thành trí thức uyên bác hay lịch lãm, nhưng chỉ với thế giới bên trong, hắn mới có thể trở thành một
nghệ sĩ sâu sắc và độc đáo. Hắn là kẻ gieo hạt bên ngoài nhưng lại gặt hái từ bên trong. Bên ngoài, hắn nhặt nhạnh và
gom góp của cải; nhưng chỉ với những gì được tìm thấy từ bên trong, hắn mới trở thành giàu có. Ở cái cõi bên trong
ấy, hắn hoàn toàn một mình. Cô đơn và cô độc.
Sự cô đơn ấy làm cho hắn khác người. Du hành, với người khác, là đi ra ngoài, đến những nơi xa lạ, ngắm nghía
những kỳ quan của thiên nhiên hay của người khác; với người cầm bút, là đi ngược vào trong, đến tận đáy tâm hồn, để
ngắm nghía những ngóc ngách bí hiểm của những gì ngỡ như rất quen thuộc, ở đó, bản thân hắn biến thành một kỳ
quan cần được khám phá. Ở nhiều loại hình nghệ thuật khác, người ta có thể song tấu hay hợp tấu. Trong văn chương,
chỉ có một trò chơi duy nhất: độc tấu. Lúc nào cũng độc tấu. Ngay cả với những tác phẩm viết chung, mỗi người vẫn
sáng tác một mình. Và chỉ chơi cái trò chơi của mình. Một mình mơ mộng. Một mình nghĩ ngợi. Một mình nhớ nhung,
dù phần lớn, nói theo Xuân Diệu, “nhớ xa xôi”, hay nói theo Quang Dũng, “nhớ ơ hờ”. Một mình lắng nghe những xôn
xao trong lòng mình. Một mình tìm cho mình một giọng nói. Từ bỏ cái một mình ấy để lao vào giàn đồng ca của thời
đại, do chế độ điều khiển, chỉ là một cách tự sát. Dưới các chế độ cộng sản, ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới,
bao nhiêu tên tuổi thuộc loại lỗi lạc, đã tự giết mình bằng cách ấy.
Số phận của người cầm bút là số phận cô đơn. Trải qua mấy ngàn năm, điều kiện sáng tác và phổ biến tác phẩm có
thể thay đổi, hơn nữa, với đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thay đổi thật nhanh, nhưng cái số phận cô đơn ấy, từ
Homer và Khuất Nguyên đến tận ngày nay, không hề thay đổi. Ở đâu và thời nào, chọn cầm bút cũng đồng nghĩa với
việc chấp nhận cô đơn. Bàn về sáng tác, ý kiến mỗi người một khác, có người đứng (Hemingway, Virginia Woolf), có
người ngồi (phần đông), có người nằm (Marcel Proust, James Joyce,Truman Capote); có người viết tay, có người
thích gõ rào rào trên bàn máy đánh chữ hay bàn phím computer; có người viết nhanh (Alexandre Dumas cha, Jack
London, William Golding, Anthony Trollope, Stephen King), có người viết chậm (James Joyce, Dorothy Parker); có
người cần cà phê để tỉnh táo (Voltaire và Balzac – tương truyền mỗi người uống khoảng từ 40 đến 50 ly cà phê mỗi
ngày!), có người uống rượu để tìm cảm hứng (Lý Bạch, William Faulkner, Raymond Carver, Charles Bukowski, Edgar
Allan Poe, Jack Kerouac, F. Scott Fitzgerald), nhưng hầu như ai cũng giống nhau ở một điểm: tất cả đều xem sự cô
đơn như điều kiện, thậm chí, yếu tính của sáng tác. Sử gia Edward Gibbon có một câu nói nổi tiếng: “Sự đối thoại làm
tăng hiểu biết nhưng chính sự đơn độc mới là ngôi trường của các thiên tài.”Johann Wolfgang von Goethe cũng có
câu nói tương tự: “Người ta có thể được giáo dục trong xã hội, nhưng người ta chỉ được gợi hứng trong sự đơn độc.”
Nói chung về nghệ thuật, Picasso nhận định: “Không có sự đơn độc lớn sẽ không có một tác phẩm nghiêm túc nào
được ra đời”.
Nhưng các nhà văn và nhà thơ không phải chỉ cô đơn trong quá trình sáng tác. Họ còn cô đơn cả trong quá trình phổ
biến tác phẩm. Viết, nói chung, bao giờ cũng để cho người khác đọc. Tác phẩm chỉ thực sự hiện hữu khi được đọc.
Theo Roland Barthes, không phải tác giả mà chính độc giả mới là kẻ làm cho tác phẩm hiện hữu như một chỉnh thể
nghệ thuật thống nhất và có ý nghĩa. Nhưng, về phương diện xã hội, giữa tác giả và độc giả bao giờ cũng có một
khoảng cách lớn lao. Một họa sĩ hoặc một điêu khắc gia có thể nhìn thấy phản ứng của những người thưởng ngoạn
trong các cuộc triển lãm. Thấy được sự thích thú hay ngưỡng mộ của họ. Với một nhạc sĩ hay một ca sĩ, cái thấy ấy
còn cụ thể hơn nữa. Phản ứng của con người, khi nghe nhạc, thường rất nồng nhiệt. Không ai cần giấu giếm. Sự nồng
nhiệt toát ra từ những tràng pháo tay hay từ những ánh mắt đắm đuối. Còn các nhà văn và nhà thơ thì hầu như không
bao giờ được nghe những tiếng vỗ tay. Không ai vỗ tay khi đọc một cuốn sách, dù là một cuốn sách tuyệt hay. Ngay cả
khi cuốn sách khiến người ta xúc động đến độ chảy nước mắt thì tác giả cũng không bao giờ được nhìn thấy. Người
đọc bao giờ cũng đọc một mình. Nếu viết là một công việc cô đơn; đọc cũng cô đơn không kém. Quan hệ giữa tác giả
và độc giả, do đó, là một thứ quan hệ oái oăm giữa những kẻ cô đơn.
Ở trên, tôi có viết: nhà văn hay nhà thơ không nghe được tiếng vỗ tay. Dĩ nhiên, trong cuộc sống, ở những buổi nói
chuyện hay đọc thơ, họ cũng có thể nhận được những tiếng vỗ tay cổ vũ của người nghe. Nhưng đó là một trường
hợp khác: Họ được vỗ tay vì bài nói hay giọng đọc chứ không phải vì các bài viết vốn là nơi chứa đựng những tinh hoa
sâu thẳm nhất của họ. Nói cách khác, họ được vỗ tay ở cái phần kém cỏi nhất của họ: Nói. Không có nhà văn hay nhà
thơ tài hoa nào có thể nói hay hơn những gì họ viết. Cái được nói, dù mạch lạc, lưu loát hay dí dỏm đến mấy, cũng chỉ
là một bãi quặng. Chỉ trong cái viết mới có vàng đã được tinh chế. Bởi vậy, trừ các nhà văn và nhà thơ bình dân, hầu
như không có người cầm bút thực sự nào có thể thấy thỏa mãn với những tràng pháo tay của người nghe: Điều họ cần
nhất là những phản hồi của người đọc.
Người đọc khác với người nghe.
Viết: cô đơn. Đọc: cũng cô đơn. Trong thế giới văn chương, sự gặp gỡ giữa người viết và người đọc là sự gặp gỡ
giữa hai cái-một-mình. Trong thầm lặng. Gặp gỡ mà vẫn cô đơn.
May, quan hệ giữa những kẻ cô đơn ấy lại có thể là một thứ quan hệ sâu sắc và bền bỉ hiếm thấy, nếu không muốn nói
là không bao giờ thấy, trong các loại hình nghệ thuật khác. Không có một bức tranh, một bức tượng hay một bản nhạc
nào có thể làm thay đổi cách suy nghĩ hay cách sống của một con người. Nhưng với sách thì có. Đã có nhiều người
nói, thậm chí, xuất bản những cuốn sách mang nhan đề “Những cuốn sách làm thay đổi thế giới”. Thánh Kinh, Coran,
Những bài giảng của Đức Phật, Luận ngữ, Đạo đức kinh, những cuốn sách về dân chủ của Alexis de Tocqueville, về
tự do của John Stuart Mill, về pháp chế của Montesquieu, về chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx, về độc tài của George
Orwell, về chính trị của Niccolo Michiavelli, về phân tâm học của Sigmund Freud, về triết học của Nietzsche, v.v. đã
làm thay đổi thế giới.
Thế giới còn thay đổi được, huống gì là từng cá nhân.
Có lẽ nhờ sự tác động mạnh mẽ và sâu sắc ấy, quan hệ giữa tác giả và độc giả, về bản chất, khác với quan hệ giữa
các nghệ sĩ khác với các khán giả và thính giả của họ. Nhà văn Võ Phiến, trong bài “Viết lách” in trong tập Cuối cùng
(2009), có một nhận xét tinh tế là trong tiếng Việt chỉ có chữ “bạn đọc” chứ không có chữ bạn nhìn, bạn xem và bạn
nghe. Khán giả lúc nào cũng là khán giả; khi được Việt hóa, chúng ta có: người xem. Thính giả lúc nào cũng là thính
giả; khi được Việt hóa, chúng ta có: người nghe. Nhưng độc giả, ngoài chữ người đọc chung chung và xa cách, chúng
ta còn có: bạn đọc. Võ Phiến trầm trồ: “Nghề văn hay nghề viết quả kỳ cục. Cổ lai nghề đâu có nghề chỉ nhằm vào một
loại khách hàng duy nhất là ‘bạn’.” (tr. 154)
Mà không phải chỉ trong quan hệ giữa tác giả với độc giả mới có tình bạn. Giữa các tác giả với nhau cũng có tình bạn.
Chúng ta thường nói đến bạn văn hay bạn thơ, nhưng không ai nói đến bạn vẽ, bạn đàn hay bạn hát; bạn họa hay bạn
nhạc. Trong các loại hình nghệ thuật, hầu như chỉ có trong văn chương là có những tình bạn khắng khít, sâu đậm và
lâu dài. Rất nhiều tình bạn đã đi vào lịch sử và trở thành giai thoại. Trong lãnh vực hội họa hay âm nhạc, tình bạn giữa
các văn nghệ sĩ với nhau, nếu có, cũng chỉ là họa hoằn. Nhà văn Gertrude Stein có lần nhận xét là Picasso có rất ít,
cực ít, bạn bè trong giới họa sĩ. Bạn của ông toàn là các nhà văn và các nhà thơ. Nhìn vào giới văn nghệ sĩ Việt Nam,
chúng ta cũng có thể thấy rõ điều ấy.
Chính tình bạn sâu đậm giữa các tác giả và độc giả cũng như giữa các tác giả với nhau đã làm cho công việc viết lách
bớt đi chút cô đơn và hiu quạnh.
Cũng đỡ.
***
Chú thích:
Bài trên, tôi viết lại từ bài nói chuyện trong buổi ra mắt 3 cuốn sách mới của tôi (Phản tỉnh và Phản biện; Văn học Việt
Nam tại Úc: Chính trị và thi pháp của lưu vong; và Thơ Lê Văn Tài) tại giảng đường Đại học Victoria ở Melbourne, Úc
vào chiều Chủ nhật 16/2/2014. Hôm ấy, sách không đủ cung cấp cho những người tham dự. Với những người ấy,
cũng như với bạn đọc ở xa, nếu muốn, có thể mua online tại Người Việt Shop: hoặc trên
www.amazon.com.
Theo VOA