Chứng móng chân mọc vào thịt rất thường thấy, là tình trạng chỗ góc hoặc cạnh của móng chân mọc vào phần thịt mềm kế bên gây ra đau, đỏ, sưng và, đôi khi, nhiễm trùng. Chứng này thường xẩy ra nơi ngón chân cái.
Thường thì bạn có thể tự chữa chứng này nhưng nếu bị đau nhiều hay vết thương lan rộng, bạn có thể phải nhờ bác sĩ thực hiện một vài thủ thuật để giảm bớt sự khó chịu và giúp tránh được các biến chứng.
Nếu bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh khác khiến máu lưu thông đến bàn chân kém đi, bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng.
Triệu chứng
Gồm có:
-Đau ở ngón chân một hoặc cả hai bên của móng
-Đỏ xung quanh móng chân
-Sưng xung quanh móng
-Nhiễm trùng mô xung quanh móng chân
Khi nào nên đi khám bệnh
Nên gặp bác sĩ nếu quý vị:
-Bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh suy tuần hoàn chân hay đau và nhiễm trùng
Nguyên nhân
Gồm có:
-Mang giày chật làm các móng chân chạm nhau
-Cắt móng chân quá ngắn hoặc không cắt thẳng ngang
-Bị thương ở móng chân
-Móng chân cong bất thường
Biến chứng
Nếu không phát hiện ra và điều trị, chứng móng chân mọc vào thịt có thể lây sang các xương bên dưới, đưa đến nhiễm trùng xương nghiêm trọng.
Nếu bệnh nhân có bệnh tiểu đường thì biến chứng còn nghiêm trọng hơn vì lưu thông của máu và dây thần kinh điều khiển bàn chân có thể bị suy yếu. Vì vậy, bất kỳ chấn thương chân nào dù nhỏ như vết cắt, trầy, chai, sẹo hoặc móng chân mọc vào thịt, cũng có thể không lành được và có thể dẫn đến nhiễm trùng. Một vết loét khó lành có thể cần phải được cắt bỏ để ngăn bị hoại tử của mô do sự gián đoạn trong lưu lượng máu đến đó.
Điều trị
Bệnh nhân bị chứng móng chân mọc vào thịt có thể tự chữa bằng nhiều cách như ngâm chân thường xuyên trong nước ấm và bôi kem trụ sinh.
Nếu vẫn bị đau sau vài ngày hoặc có mủ và sưng đỏ lan rộng, nên đến gặp bác sĩ . Một phần của móng chân có thể phải được cắt bỏ và bệnh nhân có thể phải uống trụ sinh chống nhiễm trùng.
Phương pháp điều trị gồm có:
-Nâng móng lên. Nếu móng chỉ hơi mọc vào trong (bị sưng đỏ và đau nhưng không có mủ), bác sĩ có thể đặt bông băng, dây chỉ răng (dental floss) hay hoặc một thanh nẹp nhỏ dưới cạnh của móng chân để tách móng khỏi phần da phủ lên trên móng, giúp móng chân mọc lên trên da.
-Cắt bỏ một phần móng chân. Khi móng chân mọc vào thịt nhiều hơn (sưng đỏ, đau và có mủ), bác sĩ có thể phải cắt bỏ phần móng mọc vào thịt. Trước khi cắt, bác sĩ có thể chích thuốc tê để tạm thời làm tê liệt ngón chân.
-Cắt bỏ một phần móng và mô thịt chung quanh. Nếu bị móng chân mọc vào thịt nhiều lần, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ một phần của móng chân và mô dưới da để tránh phần móng chân này mọc trở lại. Thủ thuật này có thể thực hiện bằng hóa chất, tia laser hoặc các phương pháp khác .
Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn sử dụng kem trụ sinh tại chỗ hoặc uống trụ sinh để điều trị, nhất là khi ngón chân bị nhiễm trùng hoặc có nguy cơ bị nhiễm trùng.
Tự chữa
Chứng móng chân mọc vào thịt có thể được tự chữa ở nhà bằng những cách sau:
-Ngâm chân trong nước ấm khoảng 15 đến 20 phút, hai hoặc ba lần một ngày. Ngâm làm giảm sưng và giảm đau .
-Đặt miếng bông băng nhỏ hoặc dây chỉ răng (dental floss) bên dưới phần móng chân mọc ngược vào thịt sau khi ngâm chân. Cách này sẽ giúp móng mọc lên trên phần da thay vì tiếp tục mọc sâu vào trong thịt . Thay đổi bông hoặc floss hàng ngày cho đến khi bớt đau và đỏ.
-Bôi kem trụ sinh (Bacitracin hay Neosporin) ngay tại chỗ đau và sưng đỏ.
-Đi giày hở mũi hoặc dép cho đến khi ngón chân đỡ hơn.
-Dùng thuốc giảm đau. Nếu đau quá nhiều có thể uống thuốc giảm đau mua tự do như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB hoặc hiệu khác) cho đến khi bạn có thể gặp bác sĩ.
-Xem xét kỹ bàn chân. Nếu bạn có bệnh tiểu đường, nên xem xét kỹ chân hàng ngày để xem có dấu hiệu của móng chân mọc vào thịt hoặc các vấn đề về chân khác .
phòng chống
Phòng ngừa
-Cắt móng chân thẳng ngang. Không cắt cong để phù hợp với hình dạng của mặt trước ngón chân. Nếu đến tiệm làm móng, hãy yêu cầu cắt móng chân thẳng ngang. Nếu có vấn đề lưu thông máu trong bàn chân của bạn do bệnh tiểu đường hoặc bệnh mạch máu ngoại vi, nên đến bác sĩ chuyên về bàn chân (podiatrist) thường xuyên để được cắt móng chân đúng cách nếu bạn không thể tự cắt.
-Giữ móng chân dài vừa phải. Cắt móng chân ở mức ngang bằng với đầu ngón chân Nếu cắt móng chân quá ngắn, sức ép từ đôi giày lên mô ngón chân có thể làm móng mọc vào trong thịt.
-Mang giày vừa vặn. Giày chật sẽ đặt áp lực quá nhiều vào ngón chân hoặc ép các ngón chân khiến móng chân phải mọc vào các mô xung quanh. Nếu bị suy yếu dây thần kinh đến chân, bệnh nhân có thể bị mất cảm giác và không nhận ra là giầy quá chật. Nên chọn giầy cẩn thận và chỉ mang giầy vừa vặn thoải mái, tốt nhất là từ một cửa hàng giày chuyên về giày dép cho những người có vấn đề về bàn chân.
-Mang giày bảo vệ. Nếu công việc khiến bạn có nguy cơ bị thương ngón chân, nên mua giày bảo vệ, thí dụ như giày bằng thép ở phần ngón, để bảo vệ ngón chân của bạn .
BS Nguyễn Thị Nhuận