Trong ngôn ngữ Việt có một lối nói quá hay lại độc đáo thần kỳ. Đó là việc sử dụng từ “ấy” để thay thế các tự loại khác hoặc để “giải cứu” những khi người nói gặp bí chưa kịp hoặc bất khả tìm ra các từ thích hợp. Chẳng hạn một đấng mày râu sau khi đã lai rai hai ba xị, bèn phê bình một “đồng giới,” “Thằng ấy, ấy hả? Nó ấy lắm, khó chơi!” - hay nhận xét một “em bé” vừa chợt hiện ra trong tầm mắt nhá nhem hơi men, “Ừa, con nhỏ ấy, nhìn cũng... ấy đấy chứ!” Thế thì với chữ “chuyện ấy” trong tiêu đề trên đây, thiết tưởng chẳng cần “phụ đề Việt Ngữ” hoặc giải thích dài dòng văn tự, bảo đảm “ngây thơ cụ” cách mấy, ai cũng thừa sức hiểu “chuyện ấy” là... chuyện gì rồi.
Phải, nói về “chuyện ấy,” người ta thường nghĩ đến “logo” (huy hiệu) của giới Playboy. Đó là nửa phần trên của con thỏ. Vì chỉ là hình “bán thân” của thỏ lại đen thui nên người tò mò không thể đoán biết đó là thỏ đực hay cái, là thỏ rừng hoặc thỏ nhà. Vấn đề quan trọng chứ chẳng phải chơi, bởi mỗi giống thỏ vừa kể tổng quát trên đây có những đặc điểm khác nhau. Tuy nhiên vì những thành viên “Playboy” vẫn thường tự vỗ ngực xưng là “dân chơi” nên hầu hết người đứng ngoài đã quyết đoán sở dĩ nhân dân giới này nhận thỏ làm biểu tượng, chắc hẳn con vật này có khả năng “vượt chỉ tiêu” về “chuyện ấy.”
Riêng cá nhân tôi, khởi đầu tôi cũng tin chắc như vậy nhưng dần dần đâm nghi ngờ. Tôi đọc trong tài liệu, được biết giống thỏ (rabbit) có tới hơn 100 loại khác nhau. Sử gia Hy Lạp Plybius (khoảng 203-120 trước Công Nguyên) là người đầu tiên đã miêu tả loài vật này trong tác phẩm Corsica của ông nhưng tuyệt nhiên không đá động gì tới “chuyện ấy” của thỏ.
Người ta bắt đầu săn thỏ từ cách nay 120,000 năm, nhưng mãi đến khoảng năm 600 sau Tây Lịch mới cho phép thỏ “nhập gia tùy tục.” Giáo Hoàng La Mã Gregor Đệ Nhất tuyên bố “rabbit” không phải... thịt, do đó tín hữu Công Giáo cứ “vô tư” mà xơi trong những ngày “ăn chay kiêng thịt.” Đấy, cũng chẳng thấy ai đề cao hay ca tụng “chuyện ấy” của thỏ.
Xét về khả năng sinh sản của thỏ, được biết thỏ cái mang thai trong vòng 28-32 ngày, đẻ mỗi lứa 1-14 con (thường 6 con là trung bình). Thỏ con được “đánh giá” là độc lập sau khoảng 4 tuần lễ, tuy nhiên cả đực lẫn thỏ cái phải được 8 tháng tuổi mới có thể “ấy” nhau mà sinh con đẻ cái. Như thế “chuyện ấy” của thỏ cũng chỉ xoàng xoàng “bậc trung” thôi. Chẳng thế mà dân nhậu chẳng ai ngâm rượu thuốc “pín” thỏ để hy vọng có cơ hội cường dương, kích âm, động dục... giống như thiên hạ vẫn ngâm rượu rắn hổ mang, “ngọc hành” hổ hay hải cẩu với niềm hy vọng vĩ đại là “nhất dạ ngũ giao bất tri lao” hoặc “nhất dạ ngũ giao sinh... lục tử.”
Vậy nếu tôi là thành viên của “Playboy,” ắt tôi sẽ đề nghị triệu tập một đại hội Playboy Quốc Tế nhằm yêu cầu xét lại chủ nghĩa đồng thời hủy bỏ “logo” chân dung thỏ mà nhận một trong hai con vật dưới đây làm “lãnh tụ” bất tử do các thành tích “ấy” của chúng vốn chẳng những giỏi, “non stop” mà còn... tàn bạo “hết ý”:
Mất đầu rồi mà vẫn tiếp tục ‘ấy’
Thứ nhất, đó là bọ ngựa. Đúng ra phải liệt kê bọ ngựa vào thành phần côn trùng. Mà, chắc hẳn quí bạn đọc nào mà chẳng biết con bọ ngựa nhỉ, nhất là những độc giả xưa kia ở nhà quê Việt Nam vẫn thường trèo cây leo cối. Bọ ngựa dài khoảng 40-80 mm (mi-li-mét/ly) nhưng con cái lại thường lớn hơn con đực. Tuy nói chung chung bọ ngựa mang màu xanh lá cây nhưng nhiều con cũng thay đổi theo màu nơi chúng ở nên có con màu cỏ úa, nâu hoặc vàng. Hai cánh trước và hai cánh sau phát triển rộng, trong khi đôi chân trước có dạng lưỡi kiếm với răng cưa ở bờ bên trong mà bọ ngựa dùng để săn mồi và chiến đấu.
Việc mô tả tổng quát trên đây chỉ có ý đánh động “bộ nhớ” của quí vị nào nay đã lỡ quên bọ ngựa. Điểm “cực nóng” ở đây là tôi muốn nhấn mạnh đến “chuyện ấy” của loài bọ ngưa; trong đó phần thua đã nằm sẵn ở phía... đực. Đúng vậy, đối với bọ ngựa đực, mỗi cuộc mây mưa giống như một canh bạc sinh tử. Nói rõ hơn để mà tội nghiệp cho giống đực, kể cả... đàn ông, liên quan đến những “sự cố” ân ái. Theo đó nếu cuộc giao hoan xẩy ra vào lúc con bọ ngựa cái no bụng thì con đực lãnh được cơ may giữ được mạng sống của nó “an toàn trên xa lộ;” bằng ngược lại, nếu bọ ngựa cái đói bụng thì “chuyện ấy” chỉ là cái bẫy để khi con đực say sưa trong “lâu đài tình ái,” con cái sẽ ăn thịt “chàng” không chút tiếc thương.
Trong rất nhiều trường hợp, đầu bọ ngựa đực đã bị “nàng” nhai nát rồi mà phần mình của con đực vẫn hoạt động bơm cho cạn nguồn tinh trùng của nó vào “hang pác-bó” của con cái. Sau khi cảm nhận đã “cạn tàu ráo máng” trọn vẹn sinh lực của bọ ngựa đực, “nàng” bèn co cẳng đạp mạnh “bạn tình” ra khỏi “phòng the” cho rơi xuống vực thẳm.
Các nhà côn trùng học giải thích sở dĩ có tình trạng “xơi tái” nhau trong lúc hai bọ ngựa “đánh cờ... ngựa” này là vì cái chết của bọ ngựa đực vốn được “đánh giá” là một sự hy sinh cao cả qua việc bọ ngựa cái ăn thịt đầu của nó nhằm “sáng tạo” thành các dưỡng chất bồi bổ cho những đứa con tương lai của nó. Tử vong trong hoan lạc của lài bọ ngựa đực xứng đáng được loài người xưng tụng bằng bài ca “Thú Đau Thương!”
Chết sau khi ‘ấy’ ở cường độ cao
Các nhà nghiên cứu ở Úc Đại Lợi vừa khám phá ra nhiều loài của giống “Antechinus”-có túi phía trước bụng. Loại động vật có vú này tuy thân nhỏ nhưng các con đực vốn... lừng danh về việc “làm tình” dữ dội hơn vũ bão, nhưng sau đó thì lăn ra... chết không kịp ngáp!
Giống “Antechimus” (ant+echimus) nhìn y chang một con chuột với lông nhím, lần đầu tiên được đề cập đến vào năm 1803. Nó là một trong một số ít chi động vật có vú, trong đó các con đực - mà nói toạc móng heo ra là “chơi” cho tới chết.
Đài NBC News ngày 25-2-2014 loan tin rằng các nhà khảo cứu ở tiểu bang Queensland của Úc, trong hai năm vừa qua đã khám phá ra nhiều loài mới khác nhau của giống động vật có túi vốn thân hình thấp nhỏ này.
Năm 2013 các nhà nghiên cứu đã tìm ra một loại “Antechinus” thuộc vùng cận nhiệt đới và trong tuần lễ vừa qua, họ lại “bật mí” thêm về một loài mới được khám phá mà họ gọi là “Antechinus”-đuôi đen.
Dù có những điểm dị biệt về “ngoại thất” và “mặt bằng” nhưng các loài này - cả cũ lẫn mới được khám phá - đều có một điểm chung. Đó là các con đực đặc biệt không ngừng phát triển mạnh mẽ khả năng tình dục của chúng.
Các nhà nghiên cứu thuộc viện Đại Học Queensland nay nỗ lực cứu nguy giống này hầu chúng được sống còn trong tương lai, bởi vì chúng vốn đã từ khuya được nhận định là đang trên đà nguy cơ diệt chủng.
Theo trang mạng Live Science, khả năng sex của con “Antechinus”-đực được “đánh giá” chín mùi khi chúng được... một tuổi đời. Đặc điểm sau đây mới xứng đáng được nhấn cực mạnh và gây thèm thuồng: Vào thời kỳ giao phối (còn gọi là đi tơ hay động đực), con đực này dư sức làm tình nhiều lần với nhiều “đối tác” khác nhau; nhiều lần chúng có thể đạt kỷ lục để xứng đáng ghi danh vào sách Guinness World Records: 14 tiếng đồng hồ mỗi thời kỳ “trăng hoa.” Việc này khiến chúng tiêu thụ “xả láng” số lượng prôtêin tối quan trọng vốn chúng đã tích trữ được trước khi “mây mưa;” thêm vào đó chúng ngăn chận được hệ thống miễn nhiễm “giải phóng” thêm năng lực nữa.
Thế nhưng, cả người lẫn vật đều không tránh khỏi “chân lý” sau đây, “Có chơi có chịu” - hay châm ngôn của thời đại, “Nghề chơi cũng lắm công phu.” Chẳng thế mà trong khi làm tình, con đực này sản xuất nhiều lượng “testosterone” và tuy có.... sướng, chúng vẫn chết bởi các chứng liên quan đến “stress.”
Ngược lại, con cái lại tha hồ đẻ nhiều con của nhiều “ông bố” khác nhau. Lý do là “sự cố” có thể bởi các con cái có thể tồn trữ tinh trùng từ nhiều nam “đối tác” khác nhau trước khi noãn sào (trứng) thụ tinh.
Tuy vậy, “tuổi thọ” của con Antechinus-cái cũng ngắn ngủi như của con đực. Đực thì “ra đi vĩnh viễn” sau các cuộc “đánh cờ,” coi như bị “cháy túi” - trong khi cái thì thường “tiêu diêu” sau thời gian ngắn hạ sinh đoàn “thê thử” đầu tiên. Như vậy kể như... huề. Bằng không chỉ có đực “đột tử,” trong khi cái sống lâu để “trường kỳ chiến đấu” thì thế giới Antechinus sẽ rơi vào thảm trạng “thừa gái, thiếu trai.” Bao giờ “trời cũng có mắt” nên vũ trụ mới tồn tại trong thế quân
bình.
Hoài Mỹ