Marc Karpelès (G), Giám đốc điều hành của MtGox, trong cuộc họp báo tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 28/02/2014. REUTERSMất trộm « tiền ảo » nhưng đe dọa phá sản và khủng hoảng tài chính của đồng Bitcoin là có thực. Đơn vị tiền ảo Bitcoin đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trộng nhất kể từ khi đi vào hoạt động cách nay bốn năm. Một « sự cố tin học » khiến 500 triệu đô la của MtGox, sàn giao dịch tiền ảo quan trọng nhất của thế giới, không cánh mà bay. Thân chủ của MtGox không hy vọng thu về được vốn.
Ngày 28/02/2014 sàn giao dịch MtGox, trụ sở tại Tokyo, chính thức thông báo đặt mình dưới luật phá sản của Nhật Bản. Chủ tịch Tổng Giám đốc, một người Pháp sinh sống tại Nhật Bản lâu năm, Mark Karpèles, 28 tuổi, thú nhận MtGox đã mất rất nhiều tiền do « sự kém cỏi của hệ thống tin học ». Trên thực tế, sàn chứng khoán này đã mất 7 % vốn tính bằng đơn vị Bitcoin đang lưu hành trên thế giới. 850.000 Bitcoin không cánh mà bay và với tỷ giá hối đoái của tháng 2/2014, MtGox đã mất khoảng 500 triệu đô la. Khoảng 127.000 khách hàng của MtGox bị thiệt hại.
Sau « tai nạn » của MtGox, các sàn giao dịch tiền ảo khác trên thế giới, như ở Anh, Mỹ hay Trung Quốc đã lên tiếng trấn an khách hàng, nhưng ngày càng có nhiều người nghi ngờ về sự tồn tại lâu dài của đồng tiền ảo này. Thậm chí, các chuyên gia còn nói tới một cuộc « khủng hoảng » tiền ảo đang manh nha. Viễn cảnh đen tối này như đang được bồi thêm : Cùng lúc MtGox « biến mất » trên các trang mạng internet, thì cảnh sát Singapore đã tìm thấy thi hài của nữ Giám đốc sàn chứng khoán Bitcoin First Meta, trụ sở tại Singapore. Điều tra sơ khởi xác nhận đây là một cái chết « không tự nhiên », có nhiều khả năng vị nữ doanh nhân trẻ tuổi này đã tự sát.
Đây là dịp để trở lại với những câu hỏi cơ bản về Bitcoin : Bitcoin có thực sự là một đồng tiền hay không ? Sử dụng đơn vị tiền tệ ảo này có lợi ở điểm nào ?
Trước hết, Bitcoin là một đơn vị tiền ảo được người sáng lập - lấy tên là Satoshi Nakamoto, tạo ra năm 2009. Đây là một đồng tiền không liên quan đến bất kỳ một chính phủ nào và không cần phải qua trung gian các ngân hàng cũng như một ngân hàng trung ương khi được sử dụng để thanh toán. Đồng tiền ảo này được cho ra đời với mục đích tạo thuận lợi cho các khoản giao dịch trên mạng internet và nghiễm nhiên trở thành một đơn vị tiền tệ « không biên giới ».
Bitcoin thực sự đóng vai trò của một đồng tiền, tức là một đơn vị đo lường về giá trị của một món hàng, một dịch vụ hay một khối bất động sản. Đơn vị tiền ảo này cho phép người mua và kẻ bán dễ trao đổi với nhau. Khác biệt quan trọng với đồng tiền thực là đồng Bitcoin không được một ngân hàng trung ương bảo đảm. Cụ thể, nếu có 1 đồng Bitcoin trong tay, bạn không thể mang ra ngân hàng để đổi lấy giá trị tương tự của nó bằng tiền mặt.
Về câu hỏi đồng tiền ảo này được tạo ra để làm gì ? Xin thưa, mục tiêu ban đầu của Satoshi là nhằm tạo ra một hệ thống thanh toán, chuyển tiền online an toàn, rẻ mà không cần đến sự can thiệp của các định chế tài chính. Vấn đề đặt ra là trong hệ thống giao dịch tiền tệ bình thường, ngân hàng đóng vai trò trung gian. Nghĩa là khi hai người chuyển tiền cho nhau, thì ngân hàng trừ tiền trong tài khoản của người gửi, cộng tiền vào tài khoản của người nhận và nhận hoa hồng của cả hai đầu.
Hệ thống Bitcoin không có vai trò trung gian đó. Để tránh mọi sự gian lận, lừa đảo, Satoshi trao vai trò xác thực các khoản giao dịch cho cả một « cộng đồng » những người sử dụng Bitcoin. Cộng đồng những người sử dụng tiền ảo dùng hệ thống tin học để xác thực các khoản giao dịch và bảo đảm an toàn của hệ thống. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có tài khoản bằng tiền ảo Bitcoin, bạn không bắt buộc phải đảm nhận vai trò của những người phải xác thực các khoản giao dịch. Bạn có thể mua vào đồng tiền ảo qua các sàn chứng khoán như MtGox chẳng hạn.
Lợi ích gì khi dùng tiền ảo ? Theo như sáng kiến của Satoshi ban đầu, đơn giản là với Bitcoin, các cá nhân có thể trao đổi, mua bán với nhau ở khắp mọi nơi trên thế giới mà không cần đi qua bất kỳ một trung gian nào. Điều đó có nghĩa nếu dùng thẻ tín dụng Visa để thanh toán thì ta phải trả chi phí tương đối cao cho ngân hàng mà lại mất thời gian để tiền đến tay người nhận. Với Bitcoin, chi phí đó cho một trung gian gần như được giảm xuống số không và tiền đến tay người nhận trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Lợi thế không nhỏ khác là người mua và người bán không bắt buộc phải tiết lộ danh tính. Đổi lại, như đã nói, Bitoin không được chính thức công nhận là một đơn vị tiền tệ, hiểu theo nghĩa được một chính phủ đứng ra bảo lãnh. Trong trường hợp như vừa xảy ra với sàn giao dịch MtGox, không một ai có thể đổi đồng Bitcoin ra bất kỳ một đơn vị tiền tệ nào khác.
Tóm lại nếu như bạn đang có một ví tiền ảo trong tay thì bạn chỉ có thể bán đi các đồng Bitcoin đang có nếu như ở một nơi nào đó, có người muốn mua vào đơn vị tiền ảo này. Hệ thống tiền ảo rất dễ vỡ khi mà tất cả mọi người cùng muốn bán đi khối lượng Bitcoin đang nắm giữ để thu tiền thật về.
Một bất lợi khác là tỷ giá của đồng tiền ảo này cũng rất « phiêu lưu»: Ở vào thời điểm cao giá nhất, có lúc 1 Bitcoin ăn 1200 đô la Mỹ. Thế nhưng cũng có lúc chỉ cần 220 đô la là đủ để mua vào 1 Bitcoin.
Với tin sàn giao dịch tiền ảo MtGox, trụ sở tại Nhật Bản bị « mất trộm » 500 triệu đô la, nữ Giám đốc điều hành sàn giao dịch tại Singapore chết trong những tình huống còn chưa được xác định rõ ràng, sàn chứng khoán của Canada thông báo đình chỉ các hoạt động vì cũng bị « mất cắp » đã khiến đồng tiền ảo Bitcoin hôm nay (06/03/2014) chỉ còn tương đương với 131 đô la mà thôi !
Theo RFI
Sửa bởi người viết 06/03/2014 lúc 09:31:59(UTC)
| Lý do: Chưa rõ