Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng Hoa Vương. Ảnh tư liệu gia đìnhKhán giả cải lương từ thời thập niên 1930 – 1940 đã thấy diễn viên bay trên sân khấu, và lúc ấy hình thức nghệ thuật này được coi như mới lạ, do vậy đã lối cuốn khá đông người đi coi hát. Và gánh Tân Thinh của ông bầu Trương Văn Thông ở Sa Đéc đã làm giàu nhờ khai thác các diễn viên biết “bay” này.
Xem “bay” hay xem hátThời bấy giờ nhiều người họ mua vé chỉ để đi coi những màn bay, chớ còn tuồng hay hoặc dở họ chẳng quan tâm bao nhiêu. Thật vậy đó quí vị, ngay cả chính tôi đây thời đầu thập niên 1950 cũng thích đi coi tuồng cải lương có bay hơn là loại tuồng nào khác.
Tôi còn nhớ lúc cư ngụ gần Đại Thế Giới, một buổi tối nọ thay vì vô rạp Đông Vũ Đài trong khuôn viên Đại Thế Giới để coi gánh Thanh Minh hát tuồng Người Nô Lệ cũng khá hay. Thế mà tôi không coi, lại lội bộ đến rạp Văn Cầm ở Chợ Quán xa hơn 1 cây số để coi gánh “Chim Việt” hát tuồng bay, bởi các tấm bãng vẽ giới thiệu tuồng trước rạp hát, hầu như tấm nào cũng vẽ cảnh bay đã thu hút tôi.
Cô Năm Cần Thơ, người đứng sau cô Kim Hà trong một vở diễn trước đâyBiết được tâm lý khán giả thích coi bay, nên phần lớn bầu gánh hát thời ấy đã cố học hỏi xem cách bay như thế nào, rồi đem áp dụng ở gánh hát mình, có nghĩa là ít nhiều gì cũng biến sân khấu thành hát xiệc, chớ nếu không thì khó kiếm ăn, bị chê là dở hơn mấy gánh khác.
Rồi người ta không biết có phải cái nghệ thuật bay đã không ăn khách lâu dài, hay là do tai nạn của diễn viên, thường hay bị đứt dây bay, mà tuồng có đào kép bay giảm dần, chỉ thỉnh thoảng mới nghe các đoàn nhỏ ở thôn quê là còn nhưng cũng ít. Rồi thì suốt cả chục năm không nghe nói bay, thiên hạ tưởng đâu cái trò bay kia đã chấm dứt rồi. Thế nhưng, sau 1975, khán giả lại thấy cải lương bay trở lại, và còn bay “bạo” hơn nhiều. Thay vì khi xưa chỉ bay vòng vòng trên sân khấu, giờ đây bay luôn ra ở những hàng ghế của khán giả, từ 3 hàng ghế đến 6 hàng ghế, rồi bay xa đến 10 hàng ghế, thật là hát xiệc cũng không bằng.
Diễn viên hay lượn như chim bay bên trên, bên dưới khán giả đưa quạt giấy có cột tiền lên để “chim” bay ngang đớp cây quạt tiền! Thì ra diễn viên bay ra xa ngoài khán giả là để đớp tiền! Nghệ thuật sân khấu có một không hai, mạng sống chẳng cần để có tiền, thì người ta còn cần thứ gì nữa chớ? Cái trò bay ở sân khấu để kiếm tiền thật là đáng buồn. Khán giả cho tiền đã xem nghệ sĩ như là chim bay kiếm mồi vậy
Khoảng 1991 đoàn cải lương Thủ Đức đi lưu diễn ở Phan Thiết, diễn tuồng “Hỏa Sơn Thần Nữ” cũng có bay. Khi vở hát mới mở màn độ 15 phút, nữ diễn viên chánh của đoàn là Lệ Huyền (vai Hỏa Sơn Thần Nữ) trong một lớp đu bay, bất ngờ gặp trở ngại kỹ thuật, cũng dây bay bị đứt, Hỏa Sơn thần nữ rơi xuống sân khấu bất tỉnh nhân sự! Toàn thể khán giả ngày hôm ấy đều xôn xao khi thấy gương mặt của Lệ Huyền bị chảy máu!
Con gái chị Hằng(soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng) với Tám Vân - Thanh Nga - Hữu PhướcCô đã không may rớt xuống đất cấn vào bậc tam cấp. Ngay lập tức đoàn phải kéo màn cáo lỗi với khán giả.
Cũng khoảng thời gian ấy tại rạp Hưng Đạo, đoàn cải lương Thanh Nga diễn tuồng “Duyên Chị Tình Em”, kép Vương Cảnh cũng bay vòng ra ngoài những hàng ghế khán giả, khi trở vào bị chạm vào bục sân khấu, chỗ dàn đờn, bị thương phải vào bệnh viện.
Trước Lệ Huyền và Vương Cảnh còn rất nhiều nghệ sĩ bị đứt dây bay, khi đang biểu những đường bay đẹp mắt từ sân khấu xuống những hàng ghế khán giả. Và cũng đã nhiều lần khán giả mến mộ sân khấu cải lương đã mục kích những nghệ sĩ “phiêu lưu trên không” này bị “rớt đài” và mang thương tật. Người ta thương cho những nghệ sĩ đã can đảm chấp nhận thuyết định mệnh “sinh nghe tử nghiệp” vậy!
Đó là các nghệ sĩ có lẽ không nổi tiếng mấy về ca diễn mới liều mình như thế, chớ như danh ca Minh Cảnh, thì chỉ nội làn hơi ca vọng cổ trời cho của anh cũng ăn tiền rồi. Vậy mà anh cũng bay và cứ mỗi hai năm là bị tai nạn một lần, và tất cả 4 như vậy mới không nghe thấy anh ta bay nữa.
Và tiếp đây tôi xin kể một câu chuyện khá buồn cười trong làng sân khấu:
Chữ ký có tiền và chữ ký không tiềnKhi một soạn giả mới vào nghề mà có tuồng được gánh lớn cho trình diễn, tức là nấc thang danh vọng đã gần kề. Và nếu như tuồng ăn khách được tái diễn nhiều thì, tiền tài lẫn danh vọng cầm chắc trong tay, cuộc đời lên hương thấy rõ. Chẳng hạn như cặp Hà Triều, Hoa Phượng, lúc từ miền Tây mới lên Sài Gòn ăn nhờ ở đậu, có thể nói là nghèo lắm, nghe nói người nào cũng chỉ có 2, 3 bộ quần áo củ thay đổi.
Thế mà nhờ có vở tuồng Nửa Đời Hương Phấn, đoàn Thanh Minh Thanh Nga diễn liên tục cả tháng tại một rạp, tức thì sau đó cặp soạn giả này lên đến địa vị cao ngất, oanh liệt suốt gần 2 thập niên. Hoa Phượng thì dư sức cung cấp cho nhiều bà vợ, còn Hà Triều thì hàng tuần đóng góp vô trường đua Phú Thọ không ít, tiền khán giả cải lương đổ vào trường đua ngựa khá nhiều.
Còn như trường hợp chàng soạn giả nhỏ con Tuấn Khanh, nhờ có tuồng Bí Mật Của Nàng – Bí Mật Của Chàng do Bạch Tuyết Hùng Cường đóng vai chánh. Thế là anh chàng Tuấn Khanh nói tiếng mái này cũng lên như diều, dám mơ mộng đến cả Thanh Nga mới đáng nói chớ! Đó chỉ là số ít soạn giả may mắn, chớ còn số đông thì không được như vậy. Trong làng cải lương, hậu trường sân khấu có những chuyện nho nhỏ và ngộ ngộ, không kém vẻ ly kỳ, và câu chuyện sau đây xảy ra thời thập niên 1960, tức thời kỳ cải lương hoạt động mạnh, soạn giả mới vào nghề khá nhiều.
Ngày nọ người ta bỗng thấy một chàng soạn giả thuộc dạng mới vào nghề ấy, anh ta hớt hải chạy tìm ông bầu gánh, và đi từ tư gia đến rạp hát, cho đến mấy tiệm cà phê, những nơi ông thường lui tới, nhưng vẫn không thấy tăm dạng ông bầu, khiến cho chàng ta mặt mày bí xị như bánh bao chiều. Có chuyện chi mà như thế chứ?
Số là chàng soạn giả mới vào nghề này, lần đầu tiên có tuồng được trình diễn sân khấu một đại bang, là điều may mắn mà ít người được. Thông thường gánh hát nhỏ thì bầu gánh tự tay phát lương cho đào kép, công nhân, soạn giả... Nhưng đây là gánh hát lớn có phát ngân viên đàng hoàng. Tuồng trình diễn khi đêm, trưa hôm sau bầu gánh ký cho anh ta tờ giấy lãnh tiền.
Còn nỗi vui mừng nào bằng, soạn giả nhà ta hí hửng cầm tờ giấy lãnh tiền ấy khoe với cô bạn gái vừa quen trước đó ít lâu, và đồng thời rủ cô nàng đi nghỉ mát Vũng Tàu. Mấy lần trước chàng có rủ đi chơi đây đó cô đều từ chối, nhưng có lẽ lần nầy thấy tờ giấy như thấy cái “kho tàng” trong tương lai nên nàng ô kê gật đầu, cũng như bằng lòng ở lại ngoài đó đến 2 ngày đêm, và hứa hẹn sáng mai lên đường.
Đến xế chiều chàng soạn giả chạy Honda đi tìm người phát ngân viên của đoàn để lãnh tiền. Dọc đường anh ta mường tượng trong trí cái cảnh sẽ du dương ái tình lẩm cẩm với cô em trong hai đêm ở Vũng Tàu đầy hoa mộng ấy.
Thế nhưng, ở đời có lắm chuyện bất ngờ mà chàng soạn giả kia mất đi một dịp hưởng cảnh thần tiên, non bồng nước nhược. Tại cô nàng đổi ý chăng? Không phải, mà là do ông bầu gánh hát đại bang nói trên “sáng chế” ra một sự đối phó với một số người dưới tay hoặc quen biết, ông dặn riêng người phát tiền của đoàn như sau:
- Trong vấn đề xuất phát tiền nong, tôi có hai chữ ký tên: Chữ ký thứ nhứt có dấu hiệu như vầy như vầy, gặp giấy có chữ ký ấy anh cứ phát tiền cho người cầm giấy. Còn chữ ký thứ nhì của tôi có dấu hiệu khác hơn, nếu anh gặp giấy có chữ ký đó ấy thì đừng phát tiền.
Cái anh chàng soạn giả kia cầm phải tờ giấy có chữ ký thứ nhì, nên người phát tiền cười rất tươi nói rằng:
- Hôm nay kẹt tiền, vì mắc phải chi phí nhiều việc, vậy xin hôm sau, anh đến...
Đau như bị bò đá, soạn giả nhà ta cầm tấm giấy vừa đi vừa chửi thề, bởi biết ăn làm sao, nói làm sao với người đẹp đây? Dễ gì nàng chấp nhận lần thứ hai. Vì vậy mà chàng chạy lung tung kiếm ông bầu đỏ con mắt vẫn không gặp.
Theo RFA