Thính giả Nguyễn Hoàng Anh, từ Việt Nam, có câu hỏi như sau:
"Kính thưa Bác sĩ,
Mẹ em năm nay 47 tuổi. Mẹ em bị bệnh rụng tóc 5 năm rồi. Khi đi khám tổng quát, bác sĩ bảo mẹ bị thay đổi nội tiết tố
trong cơ thể gây rụng tóc, rồi cho đơn thuốc uống, đa số đều là thuốc kích thích mọc tóc. Mẹ em có đi chích cả thuốc
để mọc tóc nhanh, nhưng mà sau khi mọc, tóc lại rụng như cũ. 5 năm rồi cứ mọc lên lại rụng đi. Hiện giờ đầu mẹ em
giống như hói vậy, chỉ có vài cọng tóc lưa thưa nguyên cả đầu, nên khi mẹ em đi làm hay đội cái mũ vải, vì ngại ánh
mắt mọi người. Em không biết liệu đội mũ hằng ngày như vậy có tác hại gì không.
Ðiều thứ 2 là, mẹ em bị tiết bã nhờn ở da đầu, khi tóc ít lưa thưa, da đầu bình thường, nhưng khi tóc mọc lên khoảng
7-8 phân thì da đầu lại bắt đầu tiết bã nhờn rất nhiều, làm bóng tóc mặc dù mới gội đầu. Nó làm cho tóc của mẹ em
sau khi mọc lại rụng đi, chất nhờn này tiết rất nhiều, như váng dầu nhưng không có màu, mẹ đang xài dầu gội thiên
nhiên cây cỏ, và trước đây có sử dụng bồ kết, vỏ bưởi nhưng đều không có tác dụng gì cả. Hiện nay mẹ em đang
dùng sản phẩm Green Hair được 1 năm rồi, nhưng cho dù tóc mọc lên thì cũng vẫn rụng xuống.
Cho em hỏi cách điều trị ạ.
Chân thành cảm ơn bác sĩ."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải đáp:
Tải để nghe Bệnh rụng tóc
http://realaudio.rferl.o...4c-a517-bd59a656127d.mp3Ở một người phụ nữ 47 tuổi, bị rụng tóc tái đi tái lại trên 5 năm và chữa không khỏi hẳn mặc dù đã đi trị bệnh với bác sĩ
chuyên khoa, và có vấn đề nội tiết thì đây không phải là một vấn đề đơn giản để có thể đưa ra biện pháp giải quyết từ
xa được. Ở đây tôi chỉ xin nêu ra một số tin tức về một chứng bệnh tương tự, alopecia areata, chỉ với tính cách thông
tin, để chúng ta cùng học hỏi về một số hiện tượng xảy ra làm rụng tóc mạn tính.
Một bệnh thường gặp là bệnh alopecia areata. Alopecia là bệnh mất tóc, hói đầu, areata là từng vùng, bởi vậy còn gọi
là spot baldness (hói từng đốm). Tuy nhiên, bệnh có thể bao gồm hết da đầu và mất hết tóc, gọi là alopecia totalis (hói
toàn bộ) hoặc alopecia universalis, trường hợp này tất cả lông (lông mày, lông nheo), tóc đều rụng hết.
Nguyên nhân là cơ thể người bệnh, do một cơ chế tự miễn nhiễm gửi đến chân tóc những tế bào T cells tấn công các
nang lông tóc (hair follicles). Nang là những bộ phận nhỏ nằm dưới da, gốc sợi tóc/lông và sản xuất và bảo dưỡng
lông tóc. Nang bị hư hại lên lông tóc rụng mà không được thay thế.
Triệu chứng:Thường bệnh nhân không có triệu chứng gì ngoài việc tóc rụng, người bệnh nhẹ thì rụng từng vùng tròn, nhìn trên
vùng da mất tóc thì da vẫn có thể bình thường, không đỏ, sưng hay lở lói; nếu bác sĩ rọi đèn soi kỹ thì thấy những
chấm vàng (do keratin ứ đọng, hyperkeratinosis) hoặc đen (do chân sợi tóc bị teo còn sót lại) ở nơi các chân tóc nay
đã rụng. Móng tay chân có thể không bình thường (những điểm lõm vào lấm tấm [nail pitting], màu sắc. Vd: móng
trắng, chân móng màu đỏ.
Nếu bác sĩ khám kỹ hơn và thử máu, có thể phát hiện cơ địa dị ứng (atopy) và bệnh nội tiết suy tuyến giáp
(hypothyroidism), tiểu đường trong một số trường hợp thiểu số nhưng đáng kể. Nói chung alopecia areata chịu ảnh
hưởng của di truyền, trong gia đình người bệnh có một hoặc nhiều người khác bị chứng này, hoặc những bệnh trong
loại tự miễn nhiễm (như bệnh tuyến giáp, bệnh tiểu đường, phong thấp; autoimmune disease)).
Cần phân biệt với rụng tóc do bệnh nhân tự nhổ tóc (bệnh tâm lý, tóc gãy, đứt không đều vì bị bứt đi); bệnh nấm da
đầu hay nhiễm trùng (da đầu có triệu chứng viêm, sưng, đỏ chảy nước, có vảy); bệnh tuyến bã nhờn nặng (seborrhea,
da có chất nhờn, liên hệ đến hiện diện của nấm, có thể kèm theo những vết bệnh ngoài da ở mặt, nách, háng); bệnh
vảy nến (da có vảy khô và bạc, kèm theo bệnh những nơi khác, đau khớp).
Trị liệu:Nếu bệnh nhẹ, không cần trị liệu vì chỉ tác dụng trên khía cạnh thẩm mỹ và nói chung các thuốc dùng không hiệu
nghiệm lắm, có thể gây phản ứng phụ. Một số khá đông bệnh nhân không chữa cũng khỏi qua thời gian, chừng 80%
nếu là bệnh nhẹ, giới hạn. Nói chung, lúc đầu nếu bệnh càng nặng thì sau đó cơ may tự phục hồi càng ít đi.
Nếu cần, bs có thể cho bôi kem corticoid, loại mạnh hoặc khá mạnh lên da đầu để giảm bớt tác dụng tự miễn
nhiễm.Thuốc cần phải ngấm vào các nang lông tóc nên phải đủ mạnh (clobetasol, fluocinonide), có khi bác sĩ cho thoa
vào da đầu, sau đó bọc plastic bít lại để qua đêm (occlusive plastic film dressing). Nghiên cứu áp dụng biện pháp này
6 ngày /tuần, trong 6 tháng, và có kết quả 18%.
Nếu cần, bs có thể chích những lượng nhỏ thuốc corticoid vào da đầu (triamcinolone acetonide, hydrocortisone
acetate).
Ngoài ra có thể dùng:
● minoxidil (nguyên là một thuốc hạ huyết áp với phản ứng phụ làm mọc tóc nên được dùng trong mục đích này),
● cyclosporine, methotrexate (điều tiết hệ miễn nhiễm),
● tacrolimus (thuốc được dùng trị viêm da cơ địa/atopic dermatitis),
● contact immunotherapy, (cho phép da chỗ rụng tóc tiếp cận và gây nhạy cảm [sensitize] với thuốc DPCP trước, 2
tuần sau, dùng nồng độ yếu mỗi tuần một lần, với nồng độ thuốc tăng dần trong nhiều tháng cho đến lúc xuất hiện viêm
da),
● laser, aromatherapy,vv...
Trong một số trường hợp bác sĩ có thể dùng thuốc corticoid uống để chữa bệnh alopecia areata, nhưng thuốc
corticoid uống, nhất là nếu dùng lâu dài, còn nhiều biến chứng hơn cả thuốc thoa (như giữ nước, lên cân, giảm đề
kháng cơ thể, làm mắt bị cườm khô, làm bệnh lao tiềm ẩn bộc phát...)
Nói chung, nếu để hiệu nghiệm tóc mọc lại thì có thể cần tiếp tục dùng thuốc lâu dài trong một số trường hợp, nếu
không tóc sẽ rụng lại. Cho nên có thể tốn kém, dễ làm nản lòng vì kết quả không dứt khoát rõ rệt. Có thể do bệnh tự
nó thuyên giảm (các trường hợp nhẹ), mà cũng có thể nhờ trị liệu, nên bệnh nhân có thể dễ tin vào những bài thuốc
được giới thiệu là kỳ diệu, sẽ tốn kém vô ích và sẽ gây thất vọng.
Lắm khi, nên bình tĩnh chấp nhận một bệnh không gây thiệt hại gì lắm trên sức khoẻ. Dùng những biện pháp đơn giản
hơn như đổi kiểu tóc, mang tóc giả, có thể là giải pháp tốt nhất.
Riêng với thính giả đặt câu hỏi, nên nhờ bác sĩ gia đình xem ngoài sự bất tiện về mái tóc còn vấn đề gì sâu xa hơn
phải giải quyết không. Nếu không có, có thể thời gian, nếp sống vệ sinh (ăn uống điều độ, đầy đủ chất tươi xanh, thể
dục) và thư giãn tâm trí có thể là những liều thuốc hiệu nghiệm nhất.
Chúc thính giả và bệnh nhân may mắn.
Reference: British Association of Dermatologists' Guidelines for the Management of Alopecia Areata 2012
A.G. Messenger, J. McKillop, P. Farrant, A.J. McDonagh, M. Sladden
The British Journal of Dermatology. 2012;166(5):916-926.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền