Hơn một tuần lễ nằm trong bệnh viện, không được dùng internet, tôi cảm thấy như mình bị bỏ rơi lại sau lưng cuộc sống này. Ngay cả việc dùng điện thoại cũng bị hạn chế. Chỉ có một số bạn bè thân thuộc đến thăm, đôi khi tôi cũng không tiếp chuyện được. Cái số tôi thế nào mà cả hai lần nằm bệnh viện, tuần báo Văn Nghệ Úc và Thời Báo Canada đều gặp dịp có người về Sài Gòn đến thăm. Các bạn bè và con cháu ở Mỹ gọi điện thoại khá nhiều nhưng đôi khi tôi cũng không có sức để nghe, người nhà tôi thay mặt trả lời. Thật ra, có những ngày tôi quá mệt, ăn bất cứ cái gì cũng ói ra hết, cứ nằm xuống là ho sặc sụa không tài nào ngủ được đồng thời hệ thống tiêu hóa cũng phát sinh nhiều thứ bệnh bất ngờ. Ngày không ăn, đêm không ngủ suốt ba ngày như thế mà không tìm ra bệnh gì. Mặc dầu đã hai lần xét nghiệm máu, chụp hình phổi, đo điện tâm đồ, làm siêu âm, thậm chí bà bác sĩ trị bệnh cho tôi cho đi khám cả tai mũi họng cũng không kiếm ra bệnh. Cuối cùng đành phải chữa theo kiểu “đau đâu chữa đấy”. Mỗi ngày từ 09g sáng đến 4-5g chiều nằm dài đưa cánh tay ra, vô cùng lúc ba chai nước biển với đủ loại thuốc và chất dinh dưỡng nuôi tạm cái cơ thể 40kg này. Lúc nào đi đâu cũng phải có người ôm theo cái cần lủng lẳng dây nhợ với ba chai nước biển toòng teng cứ như đám rước vua ở cung đình thời xa xưa… Nói bao nhiêu cũng không hết nỗi khổ của anh già có thể nói “thập tử nhất sinh” nằm trong bệnh viện. Tôi diễn tả như thế để các bạn thông cảm với cánh già chúng tôi nằm bệnh viện “sướng” như thế nào.
Ấy thế mà tôi cũng đã chịu đựng được cả tuần lễ rồi bệnh tình… dần hồi phục. Tôi phải xin về nhà nằm với lời cam đoan với bà bác sĩ già nếu có biến chuyển sẽ trở lại phòng cấp cứu ngay không chậm trễ. Tôi không tiếc nuối gì khi đã sống 80 năm trọn vẹn với nghề nghiệp của mình.
Mới từ đầu năm 2014 đến nay đã có năm ông bạn cùng lứa tuổi ra đi. Khi về nhà đọc hàng trăm cái ‘meo’ của bạn bè khắp nơi, nhiều bạn thăm hỏi rất nhiệt tình. Xin cảm tạ tất cả các bạn. Về nhà rồi mới được tin ông bạn Hà Huyền Chi của tôi cũng vừa bị stroke ngất xỉu phải nằm cấp cứu, nhưng cái tin ấy đến cùng lúc với tin ông thi sĩ “bạt mạng” này đã trở lại làm thơ và đi casino đều đều. Tôi nhớ cách đây gần một tháng, ông Trần Thiện Hiệp hiện đang ở Thủ Đức cũng vừa “hai lần từ cõi chết bước ra”, ông gửi email mời bạn bè đến chia vui cùng vợ chồng ông. Nhưng ông mời sớm trước cả nửa tháng nên tôi meo lại cho ông rằng: “Liệu đến ngày đó tôi và ông còn sống không mà mời sớm thế”. Đúng như “dự đoán”, tôi vào nằm cấp cứu, chút xíu nữa thì chưa biết ai chia buồn cùng ai trước đây.
Cái tuổi già thì đành chịu vậy thôi, “chẳng nên oán trách trời gần trời xa” và cũng chẳng còn gì để tiếc nuối.
Như bạn đọc đã biết, hai tuần vừa qua tôi không có bài viết cho các báo tôi cộng tác thường xuyên. Đến nay tôi mới có thể trở lại cố gắng làm việc bình thường để thấy mình không sống thừa. Ngồi nhìn lại những biến chuyển thời sự xã hội, trong những ngày vừa qua, tôi chỉ thấy các cơ quan thông tin Việt Nam đều nhấn mạnh đến 5 vụ đại án sẽ được đưa ra xét xử vào đầu năm 2014 này. Và một thông tin được dư luận đang đề cập đến sôi nổi nhất, đó là vụ căn biệt thự “khủng” của ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng Thanh Tra nhà nước. Nhưng khi một số thông tin liên quan đến vấn đề đất đai, biệt thự khủng của ông Trần Văn Truyền, chưa kịp lắng xuống thì vài ngày gần đây dư luận càng “nóng” hơn với thông tin đăng tải trên báo Người Cao Tuổi về việc ông Trần Văn Truyền đã ký ồ ạt, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi nghỉ hưu. Nhưng vụ này còn nhiều tình tiết chưa rõ nên tôi sẽ tường thuật vào kỳ sau.
5 vụ đại án và 1 vụ bị… bỏ quênKỳ này tôi muốn nhắc đến năm vụ đại án sẽ được đưa ra xét xử vào những ngày đầu năm này. Tuy nhiên tôi lại thấy dường như các cơ quan thông tin ở đây bỏ quên một vụ cũng có thể là đại án thuộc phạm vi báo chí.
Hãy kể về năm vụ đại án từ cuối năm ngoái còn lại. Tôi chỉ xin nhắc lại sơ lược những nét chính trong các vụ án đó.
-
Đầu tiên là vụ Dương Chí DũngChắc bạn đọc chưa quên vụ án ly kỳ này với nhiều tình tiết hấp dẫn nhất trong năm.
Vụ Dương Chí Dũng càng trở nên om xòm và phức tạp khi ông Phạm Quý Ngọ đột ngột qua đời. Ông Ngọ là người bị Dũng khai là cầm 510 ngàn đô và 1 triệu đô chuyển cho người khác. Tất nhiên người chết không thể tự biện minh cho mình và cũng không thể đổ cho ai khác. Vậy câu chuyện đến đó có bị “ngắt ngang xương” không? Lời khai của Dương Chí Dũng sẽ là vô giá trị hay còn giá trị? Đó là câu hỏi lớn nhất của người dân đang hào hứng theo dõi vụ án lớn nhất trong “lịch sử tham nhũng” tại Việt Nam. Người ta cứ hy vọng chuyến này sẽ tóm được cả một bầy sâu tham nhũng lớn. Nhưng sự ra đi bất ngờ của ông Phạm Quý Ngọ đã làm gián đoạn tất cả, làm “nghẹt” cái “cống” đang khai thông.
Có lẽ đây cũng là điều làm đau đầu nhà chức trách ở đây. Người ta chưa thể dự đoán được vụ án này rồi sẽ đi đến đâu. Nếu lời khai của Dương Chí Dũng còn giá trị như biên bản đã ghi trước tòa thì ai sẽ đứng ra làm nhân chứng? Khó có thể có một nhân vật nào, dù cấp cao hay cấp thấp, có thể chứng minh được lời khai này đúng hay sai, và cũng chẳng ai dại gì đưa đầu ra chịu “báng”. Vụ án có thể bước sang một ngã rẽ khác và số phận của Dương Chí Dũng bây giờ trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Cái án tử hình lại chập chờn trước mặt hơn là cái hy vọng được giảm xuống còn chung thân. Đó là suy nghĩ của người dân.
-
Vụ thứ hai: Hậu “oan sai” của ông Nguyễn Thanh Chấn Ngày 25/1/2014 ông Nguyễn Thanh Chấn, người trải qua hơn 10 năm tù đày vừa chính thức được “minh oan” bằng quyết định đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu của vụ án từng gây chấn động dư luận cuối 2013. Bởi nhiều người còn kỳ vọng vào những phiên tòa khác đằng sau vụ án này.
Có nhiều tờ báo loan tin rằng trong gần 3.700 ngày bị bắt oan về tội “giết người”, ông Nguyễn Thanh Chấn yêu cầu Tòa án Nhân dân Tối cao bồi thường 280.000 đồng cho mỗi ngày thu nhập bị mất và tính tổng cộng là hơn 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo tin mới nhất, ông Chấn đã phủ nhận việc này. Ông Chấn khẳng định: “Tôi không đưa ra đề nghị nào như thế cả. Việc bồi thường hiện vẫn đang được tiến hành liệt kê và cung cấp chứng cứ, chứng minh thiệt hại liên quan cho luật sư để tiến hành các thủ tục đòi bồi thường”. Còn bà Chiến (vợ ông Chấn) quả quyết: “Tôi đang chữa bệnh, tôi không hề biết tại sao lại có thông tin nói rằng gia đình đòi số tiền bồi thường trên 1 tỷ đồng!”.
Bà Chiến cũng cho hay để kêu oan cho chồng, trong 10 năm qua, bà đã chạy vạy, vay nợ rất nhiều. Hiện gia đình còn nợ không ít, trong đó món nợ lớn nhất là nợ ông Thân Ngọc Hoạt hơn 100 triệu đồng và 3 sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng để lấy tiền đi kêu oan.
Ông Chấn phân trần: “Trong thời gian tôi ngồi tù, gia đình phải chịu nhiều oan ức, khuynh gia bại sản, đau thương nhục nhã, hệ lụy đến nhiều thế hệ họ hàng. Gia đình tôi đề nghị và yêu cầu bồi thường thật đầy đủ mọi tổn thất, tổn thương, hệ lụy ở mức cao nhất”.
Như thế, có thể mức đòi đền bù của ông Chấn sẽ còn lớn hơn con số 1 tỉ đồng. Hầu hết dư luận cho rằng đền bù hơn 1 tỉ đồng là còn quá ít so với những thiệt hại về tinh thần và vật chất mà ông Chấn phải chịu.
-
Vụ thứ ba: Đại án kinh tế bầu KiênNgày 20/8/2012, công an Việt Nam đã khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) về tội “Kinh doanh trái phép”. Vụ án Bầu Kiên được coi là một trong mười “đại án” tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được VKSND Tối cao đề nghị với Đoàn kiểm tra giám sát của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, bị can Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) bị truy tố về 4 tội danh: “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.
Hai bị can Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị can còn lại, Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) thì bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can trên gây ra trong vụ án này là hơn 1.695 tỷ đồng.
Nhiều khả năng vụ án sẽ sớm được đưa ra xét xử trong nửa đầu năm 2014.
Chưa biết vụ đại án kinh tế này sẽ còn dẫn tới đâu và sẽ có bao nhiêu đại gia, đại quan bị đưa ra pháp trường như mấy ông quan ba Tàu hồi này ra tòa cả lũ và nhận án tử hình. Nhiều người dân hy vọng tòa án Việt Nam cũng cương quyết làm được như thế, may ra nạn tham nhũng gộc mới bớt được đôi phần, chứ ở Việt Nam mà đòi diệt trừ hết sạch tham nhũng với kiểu vừa đánh vừa xoa khó mà chấm dứt được. Họa chăng… trời sập!
-
Vụ thứ tư: Bác sĩ Tường phi tang xác bệnh nhânĐây là vụ án mà nhiều người đang dõi theo và chờ ngày diễn ra phiên xét xử trong năm 2014. Việc phi tang xác nạn nhân của bác sĩ Tường đã gây chấn động dư luận, và hành động này đã bị lên án mạnh mẽ, nhiều người hy vọng vào một bản án nghiêm khắc trừng trị thích đáng vị bác sĩ “tàn nhẫn” này.
Ngày 14/1, sau hơn ba tháng xảy ra, tại trại tạm giam công an Hà Nội, cơ quan cảnh sát điều tra tống đạt bản kết thúc điều tra vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng. Bác sĩ Tường bị đề nghị truy tố hai tội: “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế” và “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt”.
-
Vụ thứ năm: “Quan tài diễu phố” ở Vĩnh PhúcKhoảng 15giờ ngày 17/3, hơn 1.000 người mang quan tài của anh Nguyễn Tuấn Anh đến khu vực trước Bưu điện Vĩnh Phúc đòi công an điều tra nghi án nạn nhân bị đánh chết, xác rơi xuống cống. Nguyên nhân của việc mang quan tài diễu phố là vì gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh không đồng tình với kết luận ban đầu của cơ quan điều tra, rằng anh tử vong vì bị ngã, chết đuối dưới cống nước.
Sáng 6/3 vừa qua, Tòa án Tối cao xét xử phúc thẩm vụ án sát hại anh Nguyễn Tuấn Anh. Luật sư Lê Thị Oanh, người bảo vệ quyền lợi cho bên bị hại Nguyễn Tuấn Anh, cho biết, trong phiên phúc thẩm sẽ đưa ra nhiều nội dung mới.
Theo đó, những nội dung mới như: 11 sai phạm của cơ quan điều tra, 5 sai phạm của Viện Kiểm Sát; 6 sai phạm của Tòa án dẫn tới việc điều tra, truy tố, xét xử không không khách quan; Có dấu hiệu các bị cáo chưa khai nhưng cơ quan điều tra đã định sẵn nội dung để báo cáo… Chúng tôi dự tính sẽ đề nghị HĐXX TAND Tối cao trả hồ sơ, điều tra lại.
Phía gia đình bị hại cũng đã gửi đơn kháng án vì cho rằng tòa án cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm và việc bồi thường của các bị cáo đối với gia đình là chưa tương xứng với tổn thất tinh thần cũng như thiệt hại về vật chất mà gia đình bị hại phải chịu.
Trong phiên xử chiều ngày 6/3, Đại diện Viện kiểm sát, giữ quyền công tố tại tòa, kiến nghị: hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ, điều tra bổ sung lại từ đầu.
Chúng ta hãy chờ xem tòa án các cấp, các nơi sẽ giải quyến năm vụ đại án này như thế nào? Mong rằng lần xét xử này sẽ công tâm, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, mang lại niềm tin vào luật pháp đã và đang bị xói mòn.
Còn vụ thứ sáu xin đừng quênChắc bạn đọc còn nhớ vụ bôi xấu, sỉ nhục thanh danh của người phụ nữ “Việt kiều” (các báo ở Việt Nam quen gọi các vị người Mỹ gốc Việt là Việt kiều), bà Phạm Thị Thanh Ngọc, hiện đang sinh sống tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Nhưng đến nay hầu như báo chí ở Việt Nam đã… quên mất vụ này. Xin nhắc lại sơ lược
Ép tài xế “mây mưa” hơn 30 lần/2 ngàyHai anh chàng được gọi là “phóng viên” của tờ báo Người Đưa Tin là Diệu Nam và Đoàn Tân đã viết hàng loạt bài bôi xấu, làm nhục danh dự bà Ngọc khi bà về Việt Nam ở tại tòa biệt thự số ngõ 268 đường Điện Biên Phủ (T.P Hải Dương).
Bài báo viết rất nhiều chi tiết thô tục, đểu cáng cố tình xuyên tạc hình ảnh bà Ngọc. Diệu Nam viết: “Để thỏa mãn dục vọng, kiều nữ này thường liên tục thay đổi các chiêu câu tài xế của các hãng. Theo anh T, tài xế lâu năm hãng taxi Rạng Đông, trên địa bàn cho biết, ở Hải Dương có gần chục hãng taxi, thì gần như 80% nam tài xế đã bị N lừa vào “cuộc yêu”.
“Chỉ có những tài xế già, trông yếu ớt thì ả kiều này không “thịt”, còn đa phần cứ gặp thanh niên trẻ, khỏe lại cao to là không thể cưỡng được các chiêu bài của ả bày ra”, anh T nói. Nhiều tài xế bị qua đêm với “nữ dâm tặc”, ngày hôm sau mắt đẫn đờ, chân bước không nổi, chỉ còn chút sức tàn gọi điện cho quản lý hay bạn bè đến đón đưa về…
Anh chàng phóng viên Diệu Nam này còn đưa ra hàng loạt tài xế taxi của hãng Mai Linh như tài xế X, tài xế Q, và tài xế H. hãng Thành Đông… thì kể lại những kiểu tống tình và làm tình của chủ nhân ngôi biệt thự. Và anh ta còn kể bà N. ép tài xế “mây mưa” hơn 30 lần trong hai ngày.
Chưa hết, anh chàng tự nhận là “phóng viên” Đoàn Tân còn làm một bài phóng sự tường thuật chuyện chính anh ta đã “đi thực tế” vào gặp bà Ngọc và bị gạ tình, ép làm tình như thế nào. Đoàn Tân viết: “Để tận mắt chứng kiến kiều nữ có sở thích cưỡng dục tài xế taxi, PV đã trực tiếp thâm nhập vào căn biệt thự và giáp mặt người đẹp có một không hai này…”
Bằng những lời lẽ diễn tả thô tục, trắng trợn Đoàn Tân kể mọi chuyện bịa như thật.
Bà Ngọc đi kiệnNhư tôi đã tường thuật trong bài “Nhà báo vô lương tâm hay người phụ nữ bệnh hoạn”, bà Ngọc đã từ Mỹ về Việt Nam nộp đơn kiện. Hồi 14 giờ ngày 15/1 vừa qua, cùng với hai luật sư, bà Phạm Thị Thanh Ngọc – người bị một tờ báo gán biệt danh “kiều nữ Hải Dương” – đã gặp mặt báo chí Việt Nam.
Trả lời với báo chí về cội nguồn của những bài báo đăng trên báo Người Đưa Tin, bà Ngọc nói: “Tôi không hiểu báo đó lấy thông tin từ đâu ra. Tôi hoàn toàn bị oan và báo Người Đưa Tin đã vu khống”.
Bà bật khóc khi được hỏi về những hệ lụy từ sau những bài báo đó, bà Ngọc nức nở: “Tôi rất đau lòng khi bị báo Người Đưa Tin bôi nhọ. Tôi không muốn những người đọc được tiếng Việt đánh giá tôi là một người như báo chí đã bịa đặt. Tôi đã khóc rất nhiều, uất ức rất nhiều bởi dù rất yêu con người Việt Nam, tôi cũng không thể ngờ một ngày mình lại vướng phải chuyện này”.
Nạn nhân đã gửi đơn tới những đâu?Sau cuộc gặp gỡ báo chí, ngày 14/1 luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP. HCM) và luật sư Lê Vũ Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) với tư cách là người bảo vệ quyền lợi cho bà Ngọc đã gửi đơn tố cáo tới công an Hải Dương về việc bà Ngọc bị vu khống.
Theo luật sư đại diện, với những chứng cứ trong các bài báo, căn cứ vào kết quả điều tra xác minh của cơ quan công an, bà Ngọc sẽ đề nghị xem xét xử lý các cá nhân về tội “vu khống”. Luật sư Hoàng Cao Sang cho rằng theo luật định khung hình phạt tối đa cho tội này có thể lên tới 7 năm tù. Ngoài việc gửi đơn tố cáo với công an Hải Dương, làm việc với báo Người Đưa Tin, bà Ngọc cùng luật sư đại diện sẽ tiếp tục gửi đơn đến ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam về việc bị báo chí bôi nhọ, vu khống.
Vào chiều 13/1, bà Ngọc đã đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để nhờ bảo vệ quyền lợi công dân (bà Ngọc có quốc tịch Hoa Kỳ) trước những sự việc không hay xảy ra cho bà. Lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng đã biết câu chuyện và rất thông cảm với bà. Cơ quan này sẽ thực hiện những việc làm đúng theo quy định của họ.
Cần có câu trả lờiHiện nay hầu hết các báo tại Việt Nam không hề nhắc đến vụ án này khiến dư luận đặt câu hỏi: “Liệu có bị chìm xuồng hay có vụ dàn xếp nào”? Hiện bà Ngọc cũng tạm thời trở về Mỹ, ủy quyền cho các luật sư trong vụ kiện này.
Tuy nhiên đây cũng có thể gọi là một vụ đại án về báo chí. Cần phải làm sáng tỏ từng tội phạm và phải được trừng trị thích đáng để làm bài học cho những tên viết láo, viết tục, sỉ nhục danh dự người khác. Cần phải loại ngay những tên “đồ tể cầm bút” này ra ngoài làng báo. Mặc dù, không hiểu vì lẽ gì, tờ báo Người Đưa Tin đã cho gỡ bài này xuống. Không lẽ như thế đã là đủ?
- Công chúng rất cần được biết công an thành phố Hải Dương đã điều tra vụ này đến đâu? Chuyện bịa đặt hay chuyện có thật? Ai có tội trong việc này?
- Mặt khác Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Hội Nhà Báo VN đã giải quyết đơn kiện của bà Ngọc như thế nào?
- Và Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã can thiệp như thế nào để bảo vệ cho công dân nước mình bị làm nhục ở một quốc gia khác.
Tất cả những điều này cần phải được thông tin công khai rộng rãi cho người dân được biết, và chỉ có thế họ mới tin tưởng mình được pháp luật bảo vệ. Nếu để chìm xuồng vụ này, biết đâu một ngày nào đó bất cứ người dân nào cũng sẽ bị mấy anh phóng viên dỏm “làm thịt”, quấy hôi bôi nhọ mà không biết kêu cứu vào đâu.
Đừng dung túng cho những hành động đê hèn này. Hãy coi đây cũng là một vụ đại án báo chí phải đưa ra xét xử vào những tháng đầu năm 2014 này, để mang lại niềm tin cho người dân. Nếu không, ai còn dám tin vào báo chí Việt Nam nữa!
Văn Quang
07/3/2014