Một cảnh trong The Ten Commandments
Trong 90 năm, các đụn cát vùng Guadalupe-Nipomo đã ẩn giấu một bí mật liên quan tới di tích của một phim trường khổng lồ, được xây dựng bởi một trong những nhà làm phim nhiều ảnh hưởng nhất của Hollywood.
Nằm trên khu vực dài hơn 35km ở bờ biển miền trung California, khu vực này đóng vai trò quan trọng trong cuốn phim vĩ đại The Ten Commandments được sản xuất năm 1923 bởi nhà làm phim kỳ cựu Cecil B. De Mille (sinh 1881 mất 1959).
Tuy nhiên khi các ký ức về thời kỳ sản xuất dần bị lãng quên cũng là lúc cả thành phố của DeMille biến mất.
Nhà sản xuất phim Peter Brosnan cho biết: “DeMille đã cho chôn vùi cả một khu bảo tàng phim ảnh ở Guadalupe và hiện nay chúng tôi chỉ mới bắt đầu đào bới kho báu đó”. Ông là người thực hiện cuốn phim tài liệu có tên là Thành phố bị lãng quên của Cecil B. DeMille. Phim này sẽ tái hiện chi tiết cuộc tìm kiếm và khai quật phim trường kéo dài suốt hàng chục năm của ông. Và một phần trong số kho báu bị lãng quên đó sẽ được trưng bày tại Trung tâm Guadalupe-Nipomo Dunes.
Brosnan cho biết: “Với dự án này, DeMille cần phần ngoại cảnh tại sa mạc và Hồng Hải, nhưng quay phim ở Trung Đông là quá tốn kém. Trong khi đó, Guadalupe có thể cung cấp cho ông mọi thứ cần thiết về mặt hình ảnh”.
Phim được công ty Famous Players-Lasky Corp. (ngày nay là Paramount Pictures) cung cấp kinh phí 750.000 Mỹ kim (tương đương với hơn 10 triệu Mỹ kim ngày nay). Vào tháng 5/1923, công việc xây dựng phim trường bắt đầu. Gần 1.500 công nhân, hầu hết là dân địa phương đã bỏ ra 6 tuần để xây cả một thành phố Ai Cập cổ đại dựa trên thiết kế của Paul Iribe. Có 4 bức tượng Ramses II, mỗi tượng cao 11m đứng trước cánh cổng cao gần 40m, cùng với đó là 21 tượng nhân sư, mỗi tượng nặng 5 tấn được xếp dọc theo con đường dẫn tới lối vào. Brosnan giải thích: “Tất cả những thứ này đều diễn ra trước thời đại có kỹ thuật máy điện toán do đó nếu bạn muốn có một thành phố lớn, bạn sẽ phải xây dựng nó”.
Khu ăn nghỉ dành cho hơn 2.000 thành viên đoàn làm phim cũng không kém phần thú vị. Các binh sĩ Mỹ đảm nhiệm vấn đề hậu cần như cung cấp nhu yếu phẩm và vận chuyển. Theo Robert S. Birchard, cựu giám đốc tổ chức bảo tồn Hollywood Heritage Inc., thời tiết xấu và nhiều yếu tố khác đã kéo dài thời gian thực hiện cũng như làm tăng ngân sách cho cuốn phim, khiến DeMille phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ ngân hàng A.P. Giannini. Chi phí của phim vào thời điểm công chiếu ngày 4/12/1923 là 1,4 triệu Mỹ kim. May mắn là phim đã thu được hơn 4 triệu Mỹ kim, khiến nó trở thành một trong những cuốn phim câm thành công nhất. DeMille sau đó tiếp tục làm 3 cuốn phim sử thi theo Kinh thánh lần lượt là The King of Kings (1927), The Sign of the Cross (1932) và Samson and Delilah (1949) trước khi quay trở lại cuốn phim cuối cùng The Ten Commandments (1956).
Brosnan cho rằng có 2 lý do khiến DeMille phá dỡ và chôn cả phim trường thay vì vận chuyển nó về Los Angeles. Thứ nhất là do chi phí quá cao, nên ông đã chọn cách nhanh hơn là chôn cả phim trường. Lý do thứ 2, theo Brosnan: “Ông ấy biết rằng nếu ông để nguyên cả phim trường, ngay hôm sau sẽ có người tới quay phim trên phim trường của ông và họ sẽ công chiếu phim chỉ sau vài tuần. Ông ấy bảo vệ công sức của mình bằng việc phá bỏ nó”.
Theo Thời Báo