Chuyện tham nhũng hối lộ ở Việt Nam tràn lan, ai cũng biết rồi. Tham nhũng hối lộ từ cấp dưới lên trên, ai cũng biết rồi. Làm sao để giảm bớt cái nạn này, ấy mới là điều không rõ ràng lắm. Một giải pháp hiển nhiên là nhà nước và doanh nghiệp tư nhân kiểm tra nội bộ để bài trừ những con sâu sinh sôi nảy nở, lấn át mọi thứ khác trong nồi canh, nhưng khả năng thanh tra cũng là sâu không phải nhỏ trong môi trường bát nháo hiện nay.
Nhập nhằng hơn nữa, bên cạnh những lời than thở về nạn tham nhũng, còn có cảm thương cho mức lương không đủ sống của một số lớn nhân viên đủ mọi tầng lớp, đặc biệt là viên chức quốc doanh. Câu hỏi không thể tránh được là phải chăng cơm áo gạo tiền ở mức căn bản tối thiểu của cuộc sống, chính là nguồn thúc đẩy biến đổi phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp thành “có hóa không”, hay “có tùy trường hợp”.
Trong lúc lương tối thiểu do nhà nước quy định chỉ khoảng 1 triệu đồng VN/ tháng (gần $50 đô la), lương bác sĩ trong bệnh viện công khoảng 3-4 triệu đồng ($100-200 đô la), và lương hầu bàn trong tiệm ăn khoảng 2-3 triệu ($100-150 đô la) có bao ăn ở. Sự chênh lệch giữa bằng cấp, kỹ năng và khoảng cách gần gũi giữa 2 mức lương bác sĩ công và hầu bàn tư là những điểm đáng chú ý. Thêm vào đó là vật giá những thứ căn bản: gạo phải trên 10 ngàn đồng/ký, thịt heo, gà 90 ngàn/ký ($4 đô la), cá và thịt bò 140-260 ngàn/ký ($7-12 đô la), mức lương hạng chuyên gia như bác sĩ trong quy chế nhà nước, nuôi một mình người ấy đã chật vật, chứ đừng nói thêm vào gia đình con cái.
Lương thấp khó sống thì những nhân viên tư nhân cũng gặp phải, nhưng thường chỉ nhân viên nhà nước mới có thể biến chức vụ thành công cụ tham nhũng. Nếu không lạm dụng chức vụ, nhân viên nhà nước cũng dễ dàng lơ là công việc nhà nước để “chân trong chân ngoài” kiếm thêm thu nhập. Không phải là thiếu đạo đức nghề nghiệp, thì cũng là thiếu phẩm chất nghề nghiệp. Những giáo viên phải dạy thêm để đủ sống, và bác sĩ phải mở phòng mạch tư kiếm tiền, không thể không thấy phẩm chất công việc chính của họ sẽ giảm xuống, vì họ phải làm việc quá nhiều giờ.
Đó là chưa kể đến ảnh hưởng xấu từ ngày làm việc dài giờ của họ đến những người chung quanh: những em học sinh cũng phải lếch thếch theo học kèm, những bệnh nhân không được chữa trị đúng mức, hoặc thậm chí “lợn lành thành lợn què” vì bác sĩ mệt mỏi. Rồi còn chính bản thân và gia đình của những người giáo viên, bác sĩ ấy nữa. Thì giờ, sức lực, tâm trí của họ còn bao nhiêu để chăm lo cho gia đình, con cái?
“Bần cùng sinh đạo tặc” là chuyện thường tình, nhân viên nhà nước cũng như nhân viên tư nhân, khi vào thế kẹt ai cũng chực chờ cơ hội kiếm tiền, cho dù bất chính trong chừng mức này hoặc chừng mức khác. Hoặc có những người bỏ hẳn cố gắng kiếm thu nhập một cách chân chính, để thành tội phạm toàn thời gian như trộm cướp, buôn lậu, lừa đảo...
Việt Nam hiện nay đã thay đổi được gần 30 năm, kinh tế và đời sống đã phát triển đến mức có lẽ khả năng một người bị chết đói đã giảm đi nhiều. Nhưng mặt khác, sự phát triển đều đặn trong vòng hơn 2 thập kỷ qua, cộng với khoảng cách giàu nghèo càng lúc càng rộng, theo khuynh hướng tất nhiên của nền kinh tế thị trường, đã khiến kỳ vọng và mong muốn vật chất của người dân tăng lên so với trước đổi mới rất nhiều.
Giờ đây, ai cũng phải có điện thoại di động, xe máy, tivi màu, bữa ăn phải có thịt thà... nên ai cũng tích cực tìm cách kiếm tiền, và như thế chi phí đời sống tối thiểu cũng cao hơn nhiều so với trước kia. Sản xuất thực phẩm ngoài gạo không đủ dùng, phải nhập cảng bằng đô la, thêm nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh, khiến lạm phát trở thành nặng nề. Đã thế còn phải có những món hối lộ đút tay khắp nơi, làm sao không có những người dù muốn hay không cũng phải bán mình, bán lương tâm, bán phẩm cách để mà kiếm tiền?
Chính phủ đã nói nhiều lần quyết diệt tham ô. Chính phủ cũng nhiều lần nói nhân viên mọi ngành phải có đạo đức và phẩm chất nghề nghiệp. Câu hỏi đầu tiên cho chính phủ cũng là “tiền đâu”. Nói rộng ra, chính phủ đã tạo điều kiện và môi trường để giúp nhân viên mọi cấp của mình giữ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp chưa? Có thực mới vực được đạo, chính bản thân các giới chức cao cấp nhất cũng lệ thuộc vào cuộc sống thực tế, vậy thì tại sao tính toán thế nào cho mức lương tối thiểu quả thực là tối thiểu để đủ sống lại khó khăn đến thế?
Quy định mức lương tối thiểu và mức lương hợp lý cho từng ngành nghề không phải là chuyện dễ, và chắc chắn sẽ gây tranh chấp dữ dội trong nội bộ chính phủ. Một phần vấn đề sẽ được giải quyết khi khuynh hướng tư hữu hóa quốc doanh đang được nhà nước thúc đẩy. Mặc dù thế, chấn chỉnh lại tâm lý chụp giựt vơ vét trong dân chúng mới là điều khó. Lòng tham là một bản năng mạnh, và thói quen không dễ sửa đổi, kèm thêm sự “chấp nhận” tham ô là việc đương nhiên trong lẽ sinh tồn. Nếu có một tương lai ít nhũng nhiễu hơn, hẳn con đường ấy phải có rất nhiều vụ án tham nhũng lớn nhỏ và bao nhiêu sự nghiệp tan tành.
Nguyễn Phương