Thưa quý bạn, cha mẹ sinh con trời sinh tính, tánh nết Đoàn Dự tui ham vui, ưa tếu, thích chuyện khôi hài. Vậy mà hơn mười năm nay hầu chuyện quý bạn, tôi cứ phải giữ mồm giữ miệng, trình bày cái gì cũng thiệt nghiêm túc kẻo quý bạn lại bảo thầy giáo mà linh tinh lang tang, ăn nói như rứa. Thiệt tình mà nói, nhiều lúc tôi muốn phá lệ, kể hầu quý bạn một vài câu chuyện vui vui hoặc dịch vài truyện cổ tích gởi tới quý bạn để chúng ta thư giãn tâm hồn chứ nghiêm túc lắm cũng chẳng làm gì. “Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”, trong Cung oán ngâm khúc, cụ Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều đã nói như thế là đúng phong phóc chả sai một tí nào phải không thưa quý bạn?
Vậy thì, bây giờ, để thay đổi không khí, tôi xin kể hầu quý bạn một câu chuyện mà tôi và mấy đứa bạn tôi hồi còn nhỏ là nhân vật chính. Kể để làm gì? Để chúng ta có dịp nhớ lại đôi ba kỷ niệm thời còn niên thiếu và quý bạn sẽ thông cảm với các cháu nội cháu ngoại, có khi cả các cháu gọi bằng… cụ của quý bạn nữa: “À, thì ra thằng cha Đ.Dự hồi nhỏ cũng láo lếu ra phết, dám rủ bạn đi “nhòm trộm” người ta chứ có phải không đâu. Cháu mình như vậy là còn tốt chán, khá hơn anh chàng thầy giáo này nhiều”. Vâng, thưa quý bạn, “nhỏ lếu láo lớn làm thầy giáo” hoặc “nhỏ lếu láo lớn làm nhà báo” cũng cùng một thứ. Thật ra bạn tôi rủ tôi chứ không phải tôi rủ bạn. Bây giờ xin mời quý bạn coi chơi cho biết, cam đoan là chuyện có thật, nói dóc chết liền!…
Chuyện thứ nhất: Người mẫuSau khi di cư vào Nam năm 54, tôi thi đậu vô lớp Đệ Thất trường Trung học Nguyễn Trãi niên khóa 1956-57. Hồi ấy ở miền Nam các lớp 6, 7, 8… gọi là Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ…, tới Đệ Tứ tức lớp 9 bây giờ là hết Trung Học Đệ Nhất Cấp, chúng tôi sẽ được chuyển sang trường Chu Văn An hay Petrus Ký để học tiếp các lớp Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất (tức lớp 10, lớp 11, lớp 12 bây giờ), kêu là Trung Học Đệ Nhị Cấp.
Ở Sài Gòn lúc ấy có 4 trường trung học đệ nhất cấp nho nhỏ vừa phải dành cho nam sinh, đó là các trường Nguyễn Trãi ở Đa Kao, Võ Trường Toản ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm phía trước Sở Thú, Trần Lục ở Tân Định, và trường Hồ Ngọc Cẩn ở bên Bà Chiểu. Ngoài bốn trường đệ nhất cấp nam sinh nói trên, có hai trường rất lớn vừa đệ nhất cấp vừa đệ nhị cấp cũng nam sinh là trường Petrus Ký và trường Chu Văn An. Về phía nữ sinh, có hai trường cũng vừa đệ nhất cấp vừa đệ nhị cấp là Nữ Trung học Gia Long và Nữ Trung học Trưng Vương. Sau này có thêm hai trường khác nữa là Nữ Trung học Lê Văn Duyệt ở gần Lăng Ông Bà Chiểu và trường Mạc Đĩnh Chi kêu là trường “mixte” tức gồm cả nam lẫn nữ ở dưới Phú Lâm.
Tôi không kể hiện nay các trường nói trên đã đổi tên là gì, bởi vì sau 30-4-75, tất cả các trường tại Sài Gòn đều nam nữ học chung. Tất nhiên học chung cũng được, nam nữ cùng lớp cũng được, nhưng với điều kiện phải ngồi riêng, không ngồi cùng bàn lẫn lộn với nhau. Tại sao như thế? Bởi vì nguyên tắc sư phạm nói rằng khi đã 14-15 tuổi trở lên (có khi còn nhỏ hơn nữa), nam có tính chất riêng của nam, nữ có tính chất riêng của nữ, trong lớp ngồi chung bàn với nhau là điều không tốt. Ngày nay, trường học không hiểu vì mục đích gì mà người ta cứ cố ý xếp con trai ngồi xen kẽ với con gái dù các cháu đã học tới lớp 11-12. Họ không biết đến nguyên tắc sư phạm thì tôi không cần nói tới.
Trở lại câu chuyện Nguyễn Trãi, Chu Văn An ngày trước. Lạ lùng một điều rằng các trường Nguyễn Trãi, Trần Lục, Hồ Ngọc Cẩn, Võ Trường Toản lúc ấy đều là đệ nhất cấp, cuối năm Đệ Tứ học sinh được chuyển sang Chu Văn An hay Petrus Ký như nhau theo nguyện vọng của mình, nhưng xem ra Nguyễn Trãi và Chu Văn An rất thân thiết với nhau, hai trường như một. Năm 1956, cụ Vũ Ngô Xán hiệu trưởng trường Chu Văn An về hưu, cụ Hoàng Văn Việt hiệu trưởng Nguyễn Trãi lên thay, rồi cụ Vũ Đức Thận giám học Chu Văn An sang làm hiệu trưởng Nguyễn Trãi. Lúc ấy các cụ chỉ vào khoảng 40 tuổi hoặc nhiều lắm 50 tuổi là cùng, vậy mà không hiểu tại sao chúng tôi lại cứ gọi bằng cụ chứ không gọi bằng thầy. Gọi ngầm vậy thôi, các cụ oai lắm, trời nắng chang chang như đổ lửa mà luôn luôn mặc com-lê, mang cra-vát, mặt mũi nghiêm trang như lúc nào cũng sẵn sàng la mắng học sinh nên chúng tôi sợ lắm, hễ trông thấy là vội vàng lảng tránh từ xa chứ chẳng khi nào dám đến gần các cụ.
Ban giáo sư Nguyễn Trãi hầu hết cũng là giáo sư Chu Văn An. Lúc ấy tôi mới học lớp Đệ Thất nên không biết rằng ngay cả những môn phụ như Hán văn, Nhạc, Hội họa… chúng tôi cũng được học với các “bậc sư”, như Hán văn thì học với cụ cử Tô Văn Độ và cụ tú Nguyễn Văn Anh; Nhạc học với nhạc sĩ Chung Quân Nguyễn Đức Tiến, tác giả bản Làng Tôi nổi tiếng; Hội họa học với “đại họa sĩ” Nguyễn Văn Thịnh “Del”, người đã đậu thủ khoa trường Đại học Mỹ Thuật La Mã.
Bây giờ, cũng từ câu chuyện về cụ Thịnh “Del”, tôi xin kể hầu quý bạn câu chuyện “dòm lén” khá đặc biệt không giống ai hết của ba đứa láo lếu tụi tôi.
Một hôm, một bạn trong lớp hỏi vị giáo sư vừa lùn vừa mập, giọng nói ề à giống như chuông bể Thịnh “Del”: “Thưa thầy, da thầy trắng, sao mọi người lại gọi thầy là họa sĩ Nguyễn Văn Thịnh “đen”?” Cụ Thịnh vốn tính xuề xòa, cười, lấy phấn viết lên bảng và giải thích: “Không phải vậy đâu, tại hồi trước thầy học hội họa ở bên La Mã, lúc thi tốt nghiệp đậu thủ khoa chung cả học viên các nước. Mà, ở trường Mỹ Thuật La Mã họ có truyền thống là ngày lễ tốt nghiệp, người đậu thủ khoa được đội lên đầu một vòng hoa làm bằng cây Delpinium giống như vòng nguyệt quế của ta nhưng không phải là cây nguyệt quế, bởi vì hoa nguyệt quế màu trắng, còn hoa cây Delpinium thì màu xanh dương, nghe nói rất quý. Từ cây Delpinium, người ta nói tắt, ghi tên người đậu thủ khoa có chữ “Del” trong bằng tốt nghiệp, đấy là một vinh dự chứ không phải da đen da trắng”.
Thì ra thế, từ đấy chúng tôi mới hiểu ý nghĩa chữ “Del” phía sau họ tên của thầy Nguyễn Văn Thịnh… “Del”.
Ít lâu sau, các báo đăng tin ông Nguyễn Văn Thịnh, giáo sư hội họa các trường trung học Nguyễn Trãi và Chu Văn An bị bắt về tội “công xúc tu sỉ”: cảnh sát bắt quả tang ông cho một phụ nữ khoảng 27-28 tuổi, hoàn toàn khỏa thân đứng trên bàn trong xưởng vẽ của ông ở đường Bàn Cờ để các học viên vẽ. Báo Ngôn Luận còn tường thuật rất kỹ là khi cảnh sát ập vào bắt, ông thản nhiên không nói gì cả, bảo ông ký biên bản thì ông ký, bảo giơ tay cho người ta còng ông cũng giơ tay. Riêng người phụ nữ không một mảnh vải che thân thì cảnh sát giữ bằng chứng bằng cách cho khoác tạm một chiếc mền mỏng trước khi bị dẫn ra xe. Cô cũng im lặng không nói gì cả. Hai người bị đưa về bót quận 3, hàng xóm ra coi đông như chợ.
Ngay hôm sau các báo lại đăng tin giáo sư Nguyễn Văn Thịnh đã được thả và do chính ông cảnh sát trưởng bót quận 3 đích thân lái xe Jeep đưa hai người về tận nhà, đồng thời ông cảnh sát trưởng cũng thay mặt toàn thể anh em cảnh sát trong bót quận 3 ngỏ lời xin lỗi về sự hiểu lầm đối với giáo sư Nguyễn Văn Thịnh và cô người mẫu.
Tuần sau, tới giờ vẽ, thầy Thịnh vào lớp, chúng tôi đứng lên chào và ai cũng cười cười mặc dầu chẳng ai dám cười lớn. Ông vẫy tay cho chúng tôi ngồi xuống rồi nói: “Tôi biết các em cười gì rồi nhưng thôi, kệ, không sao đâu, hôm nay chúng ta học về vẽ phối cảnh”. Một anh ngồi ở bàn đầu thấy ông dễ tính bèn hỏi: “Thưa thầy chuyện thầy bị bắt hôm đó ra sao ạ?”. Ông cười lắc đầu: “Có gì đâu, họ hiểu lầm ấy mà. Họa sĩ vẽ khỏa thân thì phải có người mẫu chứ”. “Thưa, thế sao thầy không giải thích cho họ hiểu?”. “Giải thích làm gì. Cái hạng ngu dốt đó thì giải thích chỉ phí lời. Thôi, im lặng, học đi”, và ông bắt đầu giảng về cách vẽ phối cảnh.
Đối với giáo sư Thịnh-Del, mọi chuyện đơn giản như vậy nhưng sự thực là không đơn giản. Chúng tôi nghe nói ngay sau khi biết tin, ông Ngô Đình Nhu tức lắm, cho gọi ngay ông cảnh sát trưởng bót quận 3 vào Dinh Độc Lập trình diện và đập bàn mắng xối xả: “Răng mà anh ngu như rứa hỉ? Người ta dạy hội họa thì phải có người mẫu, khỏa thân cũng được, không có chuyện chi hết. Tui ra lịnh cho anh phải thả ổng ra ngay lập tức, lái xe đưa ổng về nhà và xin lỗi ổng với cô người mẫu. Nếu họ không bằng lòng, báo chí đăng một tiếng, tui sẽ cách chức anh liền tức thì”.
Ông cảnh sát trưởng tuân lệnh và mọi chuyện kết thúc êm đẹp.
Ít lâu sau, thi lục cá nguyệt xong, hai đứa bạn thân trong lớp là Hoàng Ngọc Cảnh (trưởng lớp) và Nguyễn Toàn Thắng (trưởng ban văn nghệ) nói ngầm với tôi: “Này, thằng Hưng con cụ Thịnh-Del nó trông coi lớp dạy hội họa của cụ ấy đấy mày ạ. Hôm nọ tụi tao năn nỉ, nó lén cho hai đứa tao vô coi, đã lắm. Nếu mày muốn coi, bữa nào tụi tao nói với nó cho mày vô coi”. “Làm sao nó cho vô được? Lỡ cụ ấy biết thì chết”. “Không sao đâu, nó dặn tụi tao làm bộ đến ghi danh xin học rồi nó dẫn vô. Ông già nó thường ở trên lầu, đến gần hết giờ mới xuống coi các bức hình của học viên vẽ. Mày đến đi, tụi tao dẫn vô, đã lắm!”.
Vâng, đã thật, đấy là lần đầu tiên tôi trông thấy thân thể phụ nữ. Lúc ấy tôi còn ít tuổi, mới học lớp Đệ Thất nên không phân biệt được cô đẹp hay xấu thế nào nhưng thân hình cô vừa phải, nước da trắng mịn, mái tóc buông xõa che xuống dưới vai. Cô đứng trên bàn, thân hình nghiêng qua một bên, tay phải ôm một chiếc bình ngang trên vai, tay trái đưa sang đỡ hờ dưới đáy chiếc bình đó, chân đứng cheo chéo dáng trông rất đẹp. Ôi chao, bộ ngực cô và…và khoảng giữa hai đùi cô… Sau này, khi đã học lớp bên trên, mỗi lần đọc tới hai câu thơ trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du tôi lại nhớ tới thân hình cô: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Tôi thấy cụ Nguyễn Du là nhất, không ai có thể so sánh được.
Chuyện “nhìn trộm” của tôi là như thế. Không bao giờ tôi quên được cái thân hình trong ngọc trắng ngà ấy mặc dầu bây giờ nếu còn sống, có lẽ cô đã… gần 100 tuổi!…
Sau đây là chuyện kể của người bạn tôi–anh Vũ Đức Sao Biển, vừa là nhà giáo vừa là nhạc sĩ, tác giả bản nhạc nổi tiếng được nhiều người biết “Thu, hát cho người” và nhiều bản khác. Sao Biển quê gốc ở Quảng Nam, ngày trước cùng dạy với tôi tại trường Trung học Bạc Liêu.
Chuyện thứ hai: Đôi dépGiữa nhà gươl đốt một bếp lửa lớn. Đêm ấy, đàn ông của 52 nóc (nhà) đều có mặt. Đàn bà không được phép lên nhà gươl nhưng vẫn bồng con nhỏ đứng dưới đất dự thính. “Bị cáo” chính trong phiên tòa là thằng Briu Nhanh, 20 tuổi, người Cơ Tu ta. Briu Nhanh bị ông Alăng Xuân cáo buộc đã ăn trộm đôi dép mới của cô Alăng Thu, con gái ông.
Ông Xuân nói ngắn gọn chuyện thằng Nhanh ăn cắp đôi dép của con gái ông nhưng chân hắn to, không mang được nên mới đem đến nhà ông trả lại. Luật lệ của người Cơ Tu rất nghiêm, không ai được xâm phạm vật gì của ai. Ông đề nghị già làng phạt thằng Nhanh.
Già làng nghiêm khắc nhìn vào mặt Nhanh, buộc Nhanh trả lời là có ăn cắp dép của Alăng Thu không. Nhanh cúi mặt, nuốt nước miếng ừng ực. Già làng hỏi đến lần thứ ba, anh ta lắc đầu và nói: “Mình không ăn cắp”. Già làng hỏi vặn lại: “Rứa đôi dép từ mô mà mi có?”. Cả làng chờ đợi, cuối cùng Nhanh phải khai ra sự thật.
Cách đó mấy hôm, buổi trưa Nhanh đi dọc bờ suối hái rau dớn. Mới hái được một nắm Nhanh nghe có tiếng động trên mặt nước. Ngỡ là có con thú nào đó đến uống nước, Nhanh se sẻ bước tới chỗ bụi cây nhìn ra suối. Hóa ra tiếng động đó là cô Alăng Thu… đang tắm! Alăng Thu là học sinh trường dân tộc nội trú. Hôm ấy cô được nghỉ học, từ trên thị trấn P về nhà, đi tắm suối.
Nhanh thú nhận trước nay anh chưa hề được nhìn thấy thân hình con gái nên… tò mò, chừ có dịp phải ngó thử coi hắn ra răng. Anh níu tay lên một nhánh cây, định nhìn cho rõ hơn thì rắc một tiếng, nhánh cây gãy, đầu chạc cây cứa vào bắp tay anh. Sảng hồn, anh “á” lên một tiếng.
Biết có người nhìn lén mình tắm, Alăng Thu hoảng hốt quơ lấy cái xà lùng mặc vào người đi về ngay, bỏ quên đôi dép mới bên bờ suối. “Mình lượm đôi đép của Alăng Thu đem về định đưa lại cho hắn, nhưng nếu mình đưa thì lòi ra cái tội… ngó hắn tắm, nếu không đưa thì cũng phạm tội ăn cắp. Xấu hổ quá, mình xin thú thiệt trước làng là chỉ mới ngó được cái lưng của hắn chớ chưa ngó được cái chi hết”.
Lời “thú tội” của Briu Nhanh làm mấy chục người đàn ông sảng khoái cười ha hả. Đến cả ông Alăng Xuân cũng khoái tỉ vì nghĩ con gái mình đẹp nên hắn mới lén xem.
Già làng vỗ tay ra hiệu cho mọi người ngưng cười. Ông hỏi: “Trong anh em, có ai chưa hề dòm lén bọn con gái tắm suối thì giơ tay lên”. Từ ông già già cho đến ông tre trẻ không có ai giơ tay cả. Briu Nhanh thở một cái khì, rất sướng cái bụng.
Già làng kết luận: “Cái chuyện dòm mấy đứa con gái tắm suối thì anh em hồi trai trẻ cũng đã từng dòm, kể cả mình. Cái vụ này không phạm tội chi hết. Nè Briu Nhanh, nói mẹ mi kiếm con heo, con gà sang nhà ông Alăng Xuân đi. Nói vậy Alăng Xuân có thông không?”. Alăng Xuân gật đầu nói có, hí hửng cười.
Đoàn Dự ghi chép