Bé Rinku, 20 tháng tuổi, chỉ nặng 4 kg và bị suy dinh dưỡng trầm trọngWASHINGTON — Giàu có hơn không tự động làm cho một nước khỏe mạnh hơn, theo một nghiên cứu mới.
Nghiên cứu này tìm hiểu liệu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có phải là cách tốt nhất để cải thiện dinh dưỡng trẻ em ở những nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo giáo sư Subu Subramanian thuộc Trường Y tế công Đại học Harvard, suy nghĩ thông thường là "Hãy cứ lo tăng trưởng kinh tế rồi mọi thứ khác sẽ theo sau."
Ấn Độ bùng nổ
Nhưng ông Subramanian lưu ý rằng nền kinh tế bùng nổ chẳng giúp gì mấy cho việc giảm tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở Ấn Độ.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ấn Độ, thước đo phổ biến nhất của nền kinh tế, tăng trưởng hơn 5 phần trăm mỗi năm trong phần lớn hai thập niên qua. Mức tăng trưởng này còn nhanh hơn so với hầu hết các nước phương Tây.
Nhưng hơn hai phần năm trẻ em Ấn Độ bị thiếu cân và gần một nửa bị còi cọc. Và tình trạng này không thay đổi mấy kể từ đầu những năm 1990.
Trong một nghiên cứu năm 2011 đăng trên chuyên san PLoS Medicine, ông Subramanian và đồng nghiệp không tìm thấy bằng chứng cho thấy mức gia tăng của tăng trưởng kinh tế dẫn đến sự suy giảm tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em.
Họ tự hỏi liệu điều này cũng đúng ở những nước khác. Vì thế, họ đã nghiên cứu những cuộc khảo sát y tế được tiến hành từ năm 1990 ở 36 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chủ yếu là ở châu Phi hạ Sahara.
"Gần bằng không"
Viết trên tạp chí The Lancet Global Health, họ phát hiện ra rằng khi so sánh tác động của tăng trưởng GDP với những chỉ số suy dinh dưỡng trẻ em, như chậm phát triển và thiếu cân, tác động là "gần như bằng không cho tới rất, rất nhỏ."
Ví dụ, cứ mỗi 5 phần trăm tăng trưởng GDP họ phát hiện thấy có ít hơn 1 phần trăm suy giảm tình trạng còi cọc.
Ông Subramanian nói đó là bởi vì những khoản đầu tư làm tăng GDP không phải là những khoản sẽ giúp cải thiện sức khỏe trẻ em. Ông chỉ trích Ấn Độ xây dựng những đường cao tốc và sân bay mới trong khi phần lớn cả nước thiếu hệ thống vệ sinh cơ bản.
Ông nói không có đầu tư vào nước sạch, vào việc thúc đẩy cho con bú, những chương trình viện trợ lương thực v..v...,"những gì chúng ta đang thấy là tăng trưởng kinh tế tự nó không mang tới nhiều tác động."
"Sai lầm"
Nhưng những người chỉ trích gọi kết luận rằng tăng trưởng GDP có ít hoặc không có ảnh hưởng gì đến dinh dưỡng trẻ em là "điên rồ" và "sai lầm."
"Tăng trưởng thu nhập là điều kiện cần để gia tăng chi tiêu cho thực phẩm, y tế, giáo dục, vệ sinh v..v...," ông Derek Headey thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế nói.
Ông Lawrence Haddad, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Phát triển ở Brighton, Anh, cho biết nghiên cứu xem xét quá ít quốc gia trong khoảng thời gian quá ngắn. Ông chỉ ra những nước như Ghana, Brazil và Việt Nam, những nơi mà tăng trưởng kinh tế góp phần làm giảm mạnh tình trạng suy dinh dưỡng trong hai thập niên qua.
"Một nửa còn lại là do những khoản đầu tư chiến lược vào nước, vệ sinh, hệ thống y tế, các chương trình dinh dưỡng," ông nói.
Nói cách khác, để cải thiện tỉ lệ dinh dưỡng trẻ em phải cần cả tăng trưởng GDP và đầu tư đúng đắn.
"Thật không may là với tình trạng suy dinh dưỡng, không có cách nào giải quyết nhanh gọn được," ông nói thêm. "Giống như một chuỗi những liên kết, nếu một trong những liên kết bị yếu thì nó làm suy yếu mọi thứ khác."
Theo VOA