Thưa quý bạn, đời Tam Quốc bên Tàu có câu chuyện như thế này: Sau khi Lưu Bị chiếm được Tây Thục, quân sư Khổng Minh Gia Cát Lượng làm hình luật dùng cho dân chúng trong nước. Pháp Chính là một nhà pháp trị xem qua rồi nói với Khổng Minh: “Phần hình luật do quân sư đưa ra dường như hơi nghiêm khắc. Ngày trước, khi đức Cao Tổ nhà Hán ta chiếm được kinh đô Lạc Dương của nhà Tần, ngài chỉ ban bố vắn tắt có ba điều lệnh: Thứ nhất, kẻ nào giết người thì phải đền mạng. Thứ hai, kẻ nào trộm cướp thì bị chặt tay. Thứ ba, kẻ nào chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị tịch thu gia sản và xung đi làm lính. Chỉ có vậy thôi và dân chúng vui mừng phấn khởi. Nay, hình luật của quân sư nghiêm ngặt hơn nhiều so với luật lệ của đức Cao Tổ”. Khổng Minh nói: “Ông biết một mà không biết hai. Ngày trước, nhà Tần quá ư khắc nghiệt nên đức Cao Tổ phải khoan dung. Ngày nay, suốt bao nhiêu năm Lưu Chương chúa Tây Thục thờ ơ, coi thường chính pháp, dân chúng ỷ y, sống bừa bãi, đầu trộm đuôi cướp chẳng ra sao cả. Vì vậy, ta phải ban hành chính pháp thật nghiêm minh để dân chúng được an cư lạc nghiệp, kẻ gian biết sợ mà không dám làm điều xằng bậy, đó mới là cách trị thiên hạ”. Pháp Chính chắp tay vái Khổng Minh một vái và nói: “Lời dạy của quân sư thật đáng khuôn vàng thước ngọc”.
Thưa quý bạn, ở trong nước hiện nay có lẽ cũng giống với thời Lưu Chương khi còn làm chủ Tây Thục trong truyện Tam Quốc: trộm cướp lộng hành quá mức, rồi những “ông quan” tham lam vơ vét, đục khoét ngân khố nhà nước một cách khủng khiếp dù họ biết nếu việc bị phát giác thì sẽ vào tù và bị tịch thu gia sản để bồi hoàn vào số ngân khoản họ đã chiếm đoạt “gây nên hậu quả nghiêm trọng”. Ngày trước, ông Nguyễn Công Trứ có nói: “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn”, nghĩa là biết đủ thì đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ. Biết nhàn thì nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn. Các ông lớn ngày nay hình như rất “liều” trong vấn đề tiền bạc. Một ông giám đốc ngân hàng và một ông phó giám đốc ngân hàng đâu phải hạng nghèo. Vậy mà họ vẫn nhắm mắt ký giấy cho mấy mụ lưu manh “vay” hàng ngàn tỷ đồng không trả trong chính ngân hàng nơi họ làm giám đốc và phó giám đốc, khiến ngân hàng khốn đốn, trong khi họ được “lại quả” từ 3 đến 5%, tức cỡ vài chục tỷ đồng, rồi vào tù cả đám, họ “tri túc tiện túc” là ở chỗ nào?
Sau đây Đ.Dự tôi xin trình bày lướt qua hầu quý bạn một vài vụ án gần nhất đang làm dư luận trong nước xôn xao. Tôi chỉ xin “lướt qua” thôi vì sợ có những chuyện quý bạn biết rồi, sau đó sẽ kể một câu chuyện mà trong đó từ bà Việt kiều ở thành phố Brisbane thuộc tiểu bang Queensland bên Úc cho tới những người trong nước, dù giàu hay nghèo, ai cũng rất tốt. Họ tốt một cách tự nhiên như cha ông họ đã sinh ra như vậy mà không hề biết rằng mình tốt. Sau đây xin mời quý bạn xem qua cho biết…
Người mẫu Thanh Thủy bị cướp, đang trong tình trạng nguy kịchKhoảng 4 giờ chiều ngày 10/3/2014, cô Mâu Thị Thanh Thủy, người mẫu, quán quân cuộc thi Vietnam Nextop Model 2013 với giải thưởng 2 tỷ đồng (cỡ 100 ngàn Mỹ kim), đi xe tay ga Attila trên đường Nguyễn Tất Thành, hướng từ Quận 4 về Quận 1, vừa từ nhà ra đến đoạn gần cầu Khánh Hội thì bất ngờ bị một tên cướp từ phía sau vượt lên, áp sát, giật chiếc túi xách cô đeo qua cổ quàng xuống dưới vai. Vì y rất khỏe, giật quá mạnh, nên cô bị ngã, đập đầu xuống đường bất tỉnh nhân sự.
Lúc ấy, có một anh nhân viên dân phòng Phường 12, Quận 4, đang đứng trông coi giao thông gần cầu Khánh Hội, trông thấy sự việc. Anh bèn tri hô lên và chạy tới. Anh kể: “Đến nơi, thấy cô gái bị thương quá nặng nên tôi hô hoán dân chúng đuổi theo bắt tên cướp, còn mình và mấy người khác thì đưa nạn nhân đi cấp cứu”. Dân chúng hò hét nhau đuổi theo và chận bắt được tên cướp to cao, mặc áo thun trắng.
Về phần người mẫu Thanh Thủy, hiện cô đang nằm tại Bệnh viện 115, tình trạng hết sức nguy kịch. Các bác sĩ cho biết cô bị nứt sọ và có máu bầm trong não, nếu uống thuốc mà máu bầm không tan thì sẽ phải mổ hộp sọ để nạo máu bầm. Đến nay cô vẫn chưa tỉnh, tính mạng cô chưa biết ra sao.
Giết bạn vứt xác xuống sông để đòi tiền chuộcSáng ngày 12/3/2014, công an Sài Gòn đã công bố những lời khai của hung thủ giết bạn đồng học rồi bỏ xác vào bao tải vứt xuống sông, sau đó y nhắn tin đe dọa, tống tiền bố mẹ nạn nhân 500 triệu đồng.
Kẻ tàn ác tên Nguyễn Kim An, 19 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận, tạm trú tại Quận Tân Bình, Sài Gòn. Y đã khai nhận toàn bộ vụ bắt cóc, giết người và tống tiền.
Nạn nhân tên Lưu Vĩnh Đạt, 18 tuổi, sống với gia đình tại Quận Bình Tân, Sài Gòn.
Sau khi bị bắt, Nguyễn Kim An khai y quen biết và rất thân với Lưu Vĩnh Đạt do cả hai cùng học công nghệ thông tin trên đường Cộng Hòa, Quận Tân Bình.
Đêm 26/2/2014, Kim An gọi điện thoại rủ Vĩnh Đạt đến phòng trọ của mình ở Phường 4, Quận Tân Bình để trao đổi về bài học. Thông qua Đạt, An biết gia đình bạn đang có một khoản tiền lớn tới hơn 2 tỷ đồng gửi ngân hàng, nên nảy sinh ý định tống tiền.
Y mua sáu viên thuốc ngủ, hòa vào một chai nước ngọt, mời Đạt uống. Sau khi uống xong, Đạt bị sốc thuốc, co giật, nên An dùng dây trói gập hai chân Đạt lên trên đầu, rồi dùng hai bao tải trùm lại, nhét Đạt vào trong đó.
Đến 9 giờ tối cùng ngày, An dùng chính chiếc xe gắn máy của Đạt, chiếc Mio Ultimo (một loại xe tay ga trông hơi giống chiếc xe Lambretta ngày trước nhưng nhỏ và sức yếu hơn), chở bao tải chứa Đạt bên trong qua hướng Quận 7. An khai lúc này Đạt hôn mê, liên tục co giật, nhưng An vẫn cứ chở đi.
Trên đường đi, Đạt liên tục giãy giụa, An phải nhiều lần dừng xe để chỉnh sửa lại hai chiếc bao và chở đến cầu Phú Mỹ rồi vứt xuống sông Sài Gòn.
Sau khi vứt xong, An đi chiếc xe của Đạt về Quận Tân Bình, gửi vào bãi giữ xe, sau đó dùng số điện thoại của Đạt nhắn tin vào máy của bố mẹ Đạt, đòi chuộc 500 triệu đồng “nếu không thì con ông bà sẽ bị giết chết” (sự thật là Đạt đã bị ném xuống sông rồi).
Lời khai của tên Nguyễn Kim An phù hợp với kết quả khám nghiệm tử thi sau khi chiếc bao tải trôi dạt được dân chúng phát hiện và vớt lên. Tuy nhiên, theo công an, mặc dầu tên An khai rằng chỉ một mình y thực hiện hành vi tàn ác này, nhưng có những điểm đáng nghi ngờ, ví dụ căn phòng tên An thuê ở trên lầu rất nhỏ, chiếc cầu thang hình xoắn ốc rất hẹp, một mình tên An không thể vác chiếc bao đựng xác một thanh niên 18 tuổi từ trên xuống mà những người ở các phòng bên dưới không hề hay biết. Ngoài ra, chiếc Mio Ultimo của Đạt nhỏ, không đủ chỗ để chiếc bao tải dưới chân, mà nếu cột trên yên xe cũng khó, vì theo lời khai của tên An, Đạt ở trong bao luôn giãy giụa. Như vậy, tên An phải có một hay vài kẻ đồng lõa cùng gây tội ác.
Trước lời khai của hung thủ, vợ chồng ông Lư Nguyên (44 tuổi, bố mẹ Đạt) khóc và cho biết, vợ chồng ông là người buôn bán, vốn liếng còn thiếu qua thiếu lại các bạn hàng cả trăm triệu đồng, “không khi nào con tôi lại bảo nhà có hai tỷ gửi ngân hàng”.
Và mẹ của Đạt còn cho hay, khoảng 10 giờ tối 26/2/2014, thấy con chưa về, chị gọi điện thoại thì có một người lạ nghe máy của Đạt. “Tên này nói giọng Nam chứ không phải giọng Trung vùng Bình Thuận như tên An. Âm thanh bên ngoài tôi nghe thấy có nhiều người có mặt ở đó, có giọng nói vọng vào: “Bả là mẹ thằng Đạt”. Tôi tin chắc tối hôm đó có nhiều kẻ biết chuyện xảy ra đối với con tôi”.
Trong số bạn bè của tên An có kẻ đã bỏ trốn. Có một số chi tiết tên An đã khai thêm nhưng còn được giữ bí mật để tiện việc điều tra và bắt toàn bộ những kẻ dính líu.
Chuyện “đại án” hàng ngàn tỷ đồngNgày l1/3/2014, Tòa án tỉnh Đắk Nông đã đưa ra xét xử vụ án lừa đảo gần 1,000 tỷ đồng tại ba ngân hàng: Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông (Vietnam Development Bank VDB), Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội, Sở giao dịch tại Sài Gòn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OTC in Saigon). Có 13 bị cáo phải ra hầu tòa.
Trong phần thủ tục, bị cáo Đặng Thị Kim Ngân (56 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thủy Ngân) yêu cầu thay đổi chủ tọa phiên tòa (tức chánh án) và người đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông. Bị cáo cho rằng những người này không khách quan trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX không chấp nhận đề nghị của bị cáo Ngân và vẫn làm việc bình thường.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Cao Bạch Mai (65 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Minh Nhật huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông) khai rằng năm 2008 bị cáo đến làm việc với bị cáo Vũ Việt Hùng (57 tuổi, nguyên giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông VDB), đặt vấn đề vay vốn ưu đãi xuất khẩu hàng nông sản. Muốn được vay vốn, Cao Bạch Mai liên hệ với các đầu nậu tại Nam Ninh bên Trung Quốc để làm giả các hợp đồng. Bạch Mai khai rằng trong khoảng thời gian gần ba năm (từ tháng 10/2008 đến tháng 7/2010), Mai đã dùng 70 hợp đồng kinh tế giả để vay của VDB Đắk Lắk-Đắk Nông 1005 tỷ đồng.
Tương tự, bị cáo Trần Thị Xuân (50 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Tân) cũng nhờ Mai làm giả 65 bộ hợp đồng kinh tế xuất khẩu giả để vay 938,5 tỷ đồng tại VDB Đắk Lắk-Đắk Nông. Đến khi bị bắt, Mai đã chiếm đoạt hơn 155 tỷ đồng và Xuân đã chiếm đoạt hơn 202 tỉ đồng từ VDB Đắk Lắk-Đắk Nông do Vũ Việt Hùng làm giám đốc.
Mai và Xuân khai rằng sau mỗi hợp đồng vay vốn, hai bị cáo đều phải “lại quả” cho Vũ Việt Hùng 3-5% (khoảng 117 tỷ đồng). Mai và Xuân cũng đã phải góp nhau để mua biếu Vũ Việt Hùng một chiếc BMW trị giá 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Mai còn biếu Hùng một nhẫn kim cương trị giá 25.000 Mỹ kim và 100.000 Mỹ kim tiền mặt. Mai khai việc chi trả hoa hồng 3-5% sau mỗi hợp đồng vay vốn là “quy định ngầm” giữa Hùng với các bị cáo.
Bị cáo Trần Xuân Lộc (nguyên Trưởng phòng tín dụng xuất khẩu VDB Đắk Lắk-Đắk Nông) khai: Cuối năm 2008, khi thẩm định hồ sơ vay vốn của Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân, Lộc đã phê vào hồ sơ không đồng ý cho vay vì hai người này năng lực tài chính rất yếu, chưa có kinh nghiệm trong lãnh vực xuất nhập khẩu nên khó có khả năng chi trả. Tuy nhiên, sau khi chuyển hồ sơ lên giám đốc thì Vũ Việt Hùng yêu cầu Lộc phải tạo điều kiện cho vay.
Đến hôm nay, khi bài này đang được viết để trình bày với quý bạn thì phiên tòa còn đang tiếp tục, nhưng chúng ta cũng hiểu được các tham quan đã “ăn bạo” như thế nào. Đấy chỉ mới là giám đốc hay phó giám đốc ngân hàng tại các tỉnh nhỏ (Đắk Lắk ngày trước gọi là Ban Mê Thuột, nay “Buôn Ma Thuột” đã trở thành thành phố, còn Đắk Lắk là tỉnh. Đắk Nông là một tỉnh nghèo mới thành lập, nằm trong khoảng trên đường từ Sài Gòn đi Ban Mê Thuột). Chúng ta tự hỏi các “ông nhỏ” đã ăn bạc tỷ như thế thì các ông “đại bự” ăn như thế nào. Chỉ chết dân thôi, đóng thuế è cổ ra để các ông ấy ăn.
Chuyện những người tốtGần tết vừa rồi, một vị độc giả ở Brisbane (thường đọc là Visbần), Queensland bên Úc, gọi điện thoại về cho Đ.Dự. Bà nói rằng bà đọc ở đâu đó câu chuyện về một cậu thanh niên quê ở Cần Thơ rất tội nghiệp. Cậu ta tên Nguyễn Văn Vũ, bị liệt hai chân từ nhỏ không đi đứng được, phải xỏ hai tay vào đôi dép, lết đi bằng tay. Hằng ngày cậu lết ra con sông lớn ở gần đó, ngồi trên bờ quăng lưới xuống sông bắt cá, bán lấy tiền nuôi bố mẹ. Cách đây hơn hai năm, cả cha lẫn mẹ cậu đều bị bệnh nằm một chỗ. Cha cậu bị tai biến mạch máu não, đau bao tử và bệnh tim. Mẹ cậu bị gai cột sống, đau thần kinh tọa, nhức xương đầu gối và cũng bị bệnh tim. Nhà không còn tiền bạc gì cả, cậu nhờ ông già xe ôm chở ra ngoài thị trấn vay được của một bà nhà giàu 13 triệu đồng, đem về lo việc thuốc men cho cha mẹ. Bà “nhà giàu” này hiểu hoàn cảnh của cậu nên đã không lấy tiền lời gì hết mà nói rằng khi nào cậu có thì trả cũng được. Đến nay (tức gần tết vừa rồi), cậu đã trả được 3 triệu đồng, còn lại 10 triệu, cậu thề rằng nếu sống thì cậu sẽ lo trả bằng được số nợ chứ không dám phụ lòng tốt của bà đã cứu giúp cho gia đình cậu trong lúc khó khăn, còn nếu chết cậu sẽ làm con trâu con chó để đền đáp ơn nghĩa cho bà.
Bà Việt kiều nói với tôi rằng bà không giàu có gì nhưng khi biết câu chuyện về cậu thanh niên ở Cần Thơ bà rất cảm động, nhất là chuyện cậu thề sẽ trả hết nợ. Đó là con người trung thực rất đáng quý, bà muốn giúp đỡ cậu nhưng không biết phải làm thế nào. Gửi về xã ấp thì sợ họ ăn hết. Gửi dịch vụ thì họ nói ở nhà quê xa xôi, người nhận phải có số điện thoại để đại lý liên lạc trước xem có thể tìm được địa chỉ hay không thì họ mới nhận. Mà gửi người khác thì bà không biết ai để gửi. Bà kể tiếp: “Tự nhiên tôi nghĩ đên ông Đ.Dự. Tôi chưa liên lạc với ông bao giờ cả nhưng vẫn đọc bài của ông và biết ông thường đi làm từ thiện với anh em trong báo Văn Nghệ. Tôi hiểu ông rất bận nhưng ông có thể vui lòng tranh thủ thời gian xuống Cần Thơ giúp cậu thanh niên đó giùm tôi được không?”. Tôi nói: “Thưa bà được chứ ạ. Đúng là tôi rất bận vì còn phải viết bài để sống. Đi ra ngoài Bắc hay ra miền Trung thì tôi không thể đi được, chứ ở trong Nam hay các tỉnh gần gần Sài Gòn, đi mất một hai ngày thì tôi đi được. Tính tôi hay đi, hơn nữa đi thì biết được chuyện này chuyện nọ để viết, đó cũng là điều lợi chứ không phải không. Đối với các vị độc giả có địa chỉ chắc chắn của người nhận, có thể gửi bưu điện được thì tôi gửi theo đường bưu điện rồi sẽ chuyển cái hóa đơn gửi tiền cho quý vị độc giả đó biết, không có gì khó đâu bà ạ”. “Nếu vậy thì cám ơn ông nhiều lắm. Tôi sẽ gửi ông 300 Úc kim hay hơn một chút, tức khoảng 6 triệu đồng. Nhờ ông đổi ra tiền Việt. Điều quan trọng là xuống dưới ấy ông nhớ tới gặp bà nhà giàu xem câu chuyện ra sao, có đúng như vậy không. Nếu đúng, ông giúp cậu thanh niên đó 5 triệu đồng giùm tôi để cậu ấy trả bớt nợ cho bà nhà giàu. Còn lại 5 triệu đồng, từ từ khi nào có tiền tôi sẽ gửi tiếp sau. Trong 6 triệu đồng đó tôi xin biếu ông một triệu làm tiền lộ phí…” Tôi vội ngắt lời: “Trời đất ơi, đây xuống Cần Thơ gần xịch, tiền xe cả đi lẫn về hết có 260 ngàn đồng, làm gì mà bà gửi tới hơn một triệu đồng, nhiều quá tôi không dám nhận”. Bà nói: “Còn tiền ông ăn uống dọc đường nữa chứ. Thôi kệ, ông lớn tuổi rồi, tiêu xài cho rộng rãi một chút, chứ đừng tiết kiệm làm chi. Tôi không muốn ông đã mất công đi mà còn phải tốn kém vào đấy nữa. Thế nhé, ông xuống dưới ấy nếu thấy không đúng sự thật thì đừng có cho. Thà dùng 5 triệu đồng đó giúp đồng bào nghèo hay trẻ mồ côi còn tốt hơn”. “Vâng, tôi sẽ làm theo lời bà dặn, xin bà cứ yên tâm”.
Bà Việt kiều Brisbane đọc địa chỉ của cậu thanh niên ở Cần Thơ cho tôi ghi kỹ: “Nguyễn Văn Vũ, 35 tuổi, bờ Kinh 6 Thước, ấp Qui Lâm 6, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. Cha: Nguyễn Hồng Xinh, 75 tuổi. Me: Phạm Thị Qui, 65 tuổi”. Bà cũng hỏi tên thật và địa chỉ của tôi để gửi tiền. “Lát tôi sẽ đi gửi ngay lập tức, chắc chỉ chiều nay hay sáng mai là ông nhận được thôi”. “Vâng ạ, nếu nhận được tôi sẽ gọi điện thoại sang báo tin cho bà biết”. “Không, không, đừng gọi. Ông gọi làm gì cho tốn tiền. Để thủng thẳng ông đi Cần Thơ về xong tôi sẽ gọi lại hỏi ông xem sự việc ra sao”. “Vâng ạ, tôi sẽ làm đúng theo lời bà dặn”. Kỳ thật, tôi gọi thì tốn tiền còn các ông các bà Việt kiều gọi… chắc không tốn tiền (!). Các anh em tôi cũng thế, anh tôi còn dặn hễ gọi thì cứ nhá máy cho anh tôi biết rồi cúp, anh tôi sẽ gọi lại. Tình cảm của quý vị Việt kiều như vậy biết bao giờ chúng tôi mới đền đáp được.
Hai hôm sau thì tôi đi Cần Thơ. Tôi đi xe Phương Trang chuyến 6 giờ sáng với ý định xong việc sẽ về trong ngày. Sự thật, tôi không biết Vĩnh Thạnh ở đâu cả mà cũng chưa từng nghe ai nói tới cái tên đó bao giờ. Lúc ngồi trên xe, tôi hỏi cũng chẳng ai biết, kể cả ông tài xế lẫn chú kiểm soát vé. “Tới bến xe Cần Thơ chú thử hỏi mấy người làm trong văn phòng xem sao, có lẽ họ biết. Cháu nghe nói Vĩnh Thạnh ở đâu đó gần miệt Ô Môn thì phải”. “Vâng, cám ơn chú”. Chú kiểm soát vé dặn thêm: “Nếu đi Ô Môn chú nhớ đi xe trung chuyển cho đỡ tốn tiền”. “Vâng”.
Ngày nay, các hãng xe lớn như Phương Trang, Thành Bưởi, Mai Linh. Kum Ho,v.v…, hãng nào cũng chiều khách bằng cách khi tới bến, nếu khách đăng ký, họ sẽ có xe trung chuyển đưa khách tới tận nhà hoàn toàn miễn phí với điều kiện chỉ trung chuyển trong vòng 10 cây số.
Tôi tới bến Cần Thơ lúc 9 giờ 30 sáng. Hỏi xe trung chuyển đi Ô Môn, cô thư ký ngồi ở bàn giấy nói: “Dạ dạ, chú chờ một lát có thêm khách đi Ô Môn cháu sẽ sắp xếp xe cho chú đi”. Tôi chờ. Chẳng thấy ai đi Ô Môn cả. Tôi rất nóng ruột nhưng cứ mỗi chuyến xe Phương Trang về tới, khách lũ lượt xuống, cô thư ký lại chạy ra hỏi có ai đi Ô Môn không thì chẳng thấy ai trả lời. Tôi đành ngồi đợi. Ruột tôi nóng như lửa đốt. Lúc ấy đã là 10 giờ 30, giờ này mà chưa đi không biết có về Sài Gòn kịp chiều nay không. Cuối cùng, sốt ruột quá tôi bèn ra ngoài hỏi thăm định thuê xe ôm đi Ô Môn cho được việc. Một người đàn ông mập mạp có ria cá chốt hỏi tôi: “Ông đi đâu mà đi Ô Môn?”. “Tôi đi Vĩnh Thạnh”. Ông ta kêu lên: “Chu mẹc ơi, đây tới Vĩnh Thạnh cả trăm cây số, trời nắng chang chang thế này mà ông định đi xe ôm tới Vĩnh Thạnh không sợ say nắng chết queo hay sao? Thôi, đi xe đò Rạch Giá đi cho chắc ăn, bố già!”. Tôi trợn tròn mắt: “Tôi đi Vĩnh Thạnh chứ đâu có đi Rạch Giá?”. Ông ta lắc đầu: “Bố không biết, Vĩnh Thạnh ngày trước là quận Thốt Nốt, thuộc về Rạch Giá. Sau này họ cắt ra, kêu là Vĩnh Thạnh, thuộc về Cần Thơ. Bố đi xe Rạch Giá, qua Ô Môn, qua phà Vàm Cống, qua ngã ba Lộ Tẻ một lúc thì tới Vĩnh Thạnh. Đường trên đó tui rành quá mà!”. Mấy người xe ôm cũng xúm lại khuyên tôi nên đi xe Rạch Giá. Tôi trở lại nói với cô thư ký. Cô nhăn nhó đập tay lên đầu mình: “Trời đất, vậy sao chú không nói với cháu trước? Nếu biết chú đi Vĩnh Thạnh thì cháu kêu chú mua vé đi Rạch Giá từ lâu rồi…” Cô dẫn tôi tới quầy Phương Trang bán vé đi Rạch Giá nhưng vé đã hết. “Làm thế nào bây giờ cô?”. “Kệ, không sao đâu. Lát xe Phương Trang trên Sài Gòn đi Rạch Giá xuống, cháu dẫn chú lên xe được thì thôi. Khi nào tới Vĩnh Thạnh chú trả tiền xe cho anh Sơn phụ xế”. “Vâng, được vậy thì nhất, cám ơn cô”.
Lát sau, một chiếc Phương Trang đề bảng Sài Gòn-Cần Thơ-Rạch Giá xuống tới, xe rất đông. Chỉ có ba người khách Cần Thơ lên vì họ đã mua vé từ trước. Cô thư ký dẫn tôi tới chỗ cửa xe và bảo chú phụ xế xếp chỗ cho tôi ngồi. “Hết ghế rồi, đâu có còn chỗ nào”. “Hết ghế thì anh nhường chiếc ghế xúp bên cạnh tài xế của anh cho khách. Ông bác đây đang cần đi Vĩnh Thạnh gấp, không đợi chuyến sau được”. Chú phụ xế bèn nghe lời, không hiểu vì cô thư ký còn trẻ tuổi, rất xinh đẹp hay vì cô là người làm trong văn phòng, có quyền hành cao hơn chú. Xe bắt đầu chạy, chú kiểm tra lại số hành khách đối chiếu với giấy tờ trong sổ rồi ngồi xuống chiếc thùng sắt ở phía trong góc, cạnh chiếc ghế xúp đã nhường cho tôi. Như vậy ở đằng trước xe chỉ có ba người là bác tài xế, tôi, và chú phụ xế. Hai người này ăn mặc lịch sự với áo sơ mi màu xanh dương nhạt bỏ vào quần, đeo cravát cùng màu xanh sậm như nhau.
Đường xa, chú phụ xế hỏi tôi đi công việc gì mà hồi nãy thấy cô Thư nói bác cần đi Vĩnh Thạnh gấp. Tôi nói tôi đi làm từ thiện, rồi kể cho chú nghe có người ở nước ngoài nhờ tôi tới gặp cậu thanh niên tên Nguyễn Văn Vũ, hai chân bị liệt, nhà ở bờ Kinh 6 thước, ấp Qui Lâm 6, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh. Vừa nói tôi vừa mở miếng giấy ghi địa chỉ của cậu thanh niên tên Vũ đưa cho chú coi. Chú xem rất kỹ rồi nói xã Thạnh Quới thì tụi cháu biết còn ấp Qui Lâm 6 với Kinh 6 thước tụi cháu không biết. Người tài xế từ nãy giờ vẫn im lặng lái xe, nghe chúng tôi nói chuyện bèn rút điện thoại di động gọi cho bạn, hỏi ấp Qui Lâm 6 với Kinh 6 thước ở đâu, có ông bác đây đi làm từ thiện muốn kiếm. Không hiểu người bạn trả lời ra sao, ông kêu: “Vậy hả, gần trụ sở UBND xã Thạnh Quới hả? UBND xã Thạnh Quới thì tao biết. Cám ơn mày nghen!”. Người tài xế cất điện thoại rồi nói với tôi: “Thằng bạn cháu dặn khi nào tới Thạnh Quới bác cứ vô trụ sở UBND mà hỏi rồi nói mình là người đi làm từ thiện, họ sẽ cho người dẫn tới”. “Vậy thì tốt, cám ơn các ông”. Người tài xế trông hơi lớn tuổi, có lẽ đã ngoài 40 nên tôi gọi chung hai người bằng ‘ông’ cho được lịch sự.
Bên ngoài có lẽ trời đang nắng gắt. Lúc ấy giữa trưa, hành khách đã có nhiều người ngủ. Xe tới phà Vàm Cống. Bến phà thật đẹp và rất sạch sẽ. Những tiếng “phà Vàm Cống” và “sông Ông Đốc” đối với tôi có đôi chút kỷ niệm. Ngày ấy, đã lâu lắm rồi, tôi đang học ĐHSP và viết tiểu thuyết cho báo Tự Do của ông Phạm Việt Tuyền. Có một độc giả tên Nguyễn Thị Lan Chi ở Rạch Giá viết thư về tòa soạn khen ngợi tôi, khiến tôi cảm động và sung sướng lắm, coi nàng như một ân nhân hay một thần tượng. Hai bên thư đi thư lại với nhau suốt mấy năm trời. Sau khi tốt nghiệp ĐHSP, tôi báo cho nàng biết tôi sẽ xuống Rạch Giá thăm nàng. Nhưng không hiểu tại sao – có lẽ sắp lấy chồng – Lan Chi tránh mặt, trốn về Vàm Cống hay quận Sông Ông Đốc gì đó khiến tôi rất buồn. Mấy năm sau, tôi có dịp xuống Rạch Giá dự đám cưới một tên bạn cùng học trong ĐHSP, dạy ở Rạch Giá và được xếp ngồi cùng bàn với một thiếu phụ rất đẹp có đứa con trai nhỏ cỡ 4, 5 tuổi trùng tên với bút hiệu lúc viết tiểu thuyết của tôi. Tôi hỏi ra, đó chính là Lan Chi và Lan Chi cũng là cháu ruột gọi đứa bạn tôi bằng cậu. Từ đấy, những tiếng “phà Vàm Cống” hay “sông Ông Đốc” đối với tôi có chút kỷ niệm mà tôi không thể nào quên được.
Qua phà, xe lại chạy tiếp. Tới ngã ba Lộ Tẻ tức một đường đi Rạch Giá, một đường đi Long Xuyên, Châu Đốc, một đường đi Cần Thơ, tài xế cho xe ghé vô một quán cơm để hành khách ăn trưa. Người tài xế mời tôi ngồi cùng bàn với ông ta và chú phụ xế. Họ đối với tôi có vẻ hết sức trọng vọng nên tôi nghĩ tôi sẽ trả tiền bữa ăn cho cả ba người. Nhà hàng tự động bưng ra ba ly trà đá, một dĩa lươn xào sả ớt, một dĩa hột vịt kho tàu, một tô canh khổ qua nhồi thịt và một thố cơm lớn chắc ba người ăn không hết. Chú Sơn phụ xế đứng dậy bới cơm cho tôi còn anh Sang tài xế thì nói: “Bác dùng tự nhiên đi bác”. “Vâng, cám ơn anh”.
Ăn xong, tôi móc bóp kêu nhà hàng tính tiền. Chị chủ quán rất mập cười toe: “Không không, ông là khách của tài xế, nhà hàng không tính tiền”. Tôi ngớ người, sau đó mới nhớ ra là các tài xế xe đò thường “xăng-ta” với các tiệm cơm bên đường nên ăn không phải trả tiền. Tuy nhiên, dù sao tôi cũng rất áy náy. Bởi vậy, trong lúc uống nước, anh Sang tài xế mua ba tờ vé số “cá cặp” tức ba vé cùng số giống nhau. Tôi hỏi người bán, thấy còn bảy tấm nữa bèn mua tất cả để “được” trả tiền chung cả mười tấm hết 100 ngàn đồng, rồi chia cho chú Sơn phụ xế ba tấm, tôi lấy bốn tấm. Sau khi về Sài Gòn, một hôm vô tình so mấy tấm vé số đó, tôi thấy mỗi tấm trúng 100 ngàn đồng. Như vậy tôi được 400 ngàn, anh Sang với chú Sơn mỗi người được 300 ngàn. Chuyện chẳng đáng gì nhưng cũng vui vui vì tôi thấy đã trả được phần nào cái công cho họ.
“Gần tới Vĩnh Thạnh rồi. Lát cháu đưa bác tới trước trụ sở UBND xã Thạnh Quới, bác vô đó rồi nhờ người ta chỉ dẫn đến nhà thằng thanh niên gì đó bị liệt hai chân…”. “Vâng, cám ơn anh. Ủa, quên, hồi sáng cô Thư dặn tôi gửi tiền xe cho chú Sơn…” Tôi móc bóp lấy 150 ngàn tức tiền xe từ Cần Thơ sang Rạch Giá đưa cho chú phụ xế nhưng chú không cầm: “Không, cháu không lấy tiền của bác”. “Sao lại không lấy?”. “Bác lớn tuổi rồi, lại đi làm từ thiện giúp đỡ người nghèo thì cháu lấy tiền của bác làm gì”. “Tôi biết công ty Phương Trang rất nghiêm, chú không lấy tiền vé của tôi chẳng lẽ lại phải bỏ tiền túi ra mà trả công ty hay sao?”. “Dạ không, cái ghế bác ngồi là ghế xúp dành riêng cho phụ xế, công ty không tính vô ghế hành khách. Cháu nhường cho bác là quyền của cháu, bác cứ yên tâm, không sao đâu…”.
Đúng lúc ấy tài xế cho chiếc xe Phương Trang dừng lại và bảo tôi đã đến trụ sở UBND xã Thạnh Quới ở bên kia đường. Chúng tôi chia tay nhau, chú Sơn phụ xế thận trọng dắt tay đỡ tôi xuống xe, sau đó chiếc Phương Trang từ từ chạy tiếp.
Thưa quý bạn, mọi việc diễn ra đúng như bà Việt kiều Nguyễn Thị B. ở Brisbane đã cho biết. Nghĩa là tôi đã đến căn nhà xập xệ giống như chiếc chòi của gia đình cậu thanh niên hai chân bị liệt tên Nguyễn Văn Vũ, đã gặp bà “nhà giàu” có cửa hàng tạp hóa ở ngoài thị trấn, nghe bà kể lại đúng như vậy nên đã trao 5 triệu đồng của bà Việt kiều cho Vũ. Chỉ có một điều hơi khác chút đỉnh là trong xóm có người được bảo lãnh đi Mỹ. Trước khi đi, họ có chiếc tắc-ráng còn rất mới, không bán mà cho lại cậu thanh niên bị liệt để cậu có thể chèo ra ngoài xa quăng lưới bắt cá. Ngoài ra, cậu còn chịu khó nuôi một đàn vịt nho nhỏ nữa. Các bức hình sau đây có lẽ cũng đủ nói lên những điều tôi đã trình bày với quý bạn. Cuối cùng, để kết luận, tôi muốn thưa với quý bạn rằng, xã hội dù xấu xa đến thế nào chăng nữa thì vẫn còn những người tốt. Trong chuyến đi Rạch Giá này tôi đã may mắn gặp những người tốt đó.
Đoàn Dự ghi chép
Sửa bởi người viết 28/03/2014 lúc 06:54:31(UTC)
| Lý do: Chưa rõ