Trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng của De Amicis do Hà Mai Anh dịch có một truyện ngắn với tựa đề là Lòng Yêu Nước Của Cậu Bé Thành Pađôva.
Truyện kể trên một chuyến tàu chạy từ Tây Ban Nha đi Ý, có một chú bé quần áo rách rưới đứng ở một góc toa xe. Chú bé nhà nghèo phải theo một gánh xiếc bỏ nhà ở Ý để đi tha phương cầu thực hết ở Pháp rồi qua Tây Ban Nha. Sau hai năm bị chủ gánh xiếc ngược đãi, chú bỏ trốn tìm về nhà cũ.
Cô Kiều Trinh, con gái một ủy viên trung ương đảng, bị bắt 2 lần tại Thụy Ðiển và Anh về tội trộm cắp.
Thấy chú rách rưới tội nghiệp, một vài hành khách thương hại quăng cho chú vài ba đồng bạc. Chú bé vui vẻ bỏ túi, nghĩ khi về nhà sẽ dùng những đồng tiền ấy mua quà cho cha mẹ. Lát sau, tình cờ, khi đứng cạnh phòng ăn, chú nghe thấy những người khách vừa cho chú tiền kể chuyện về những chuyến đi du lịch của họ và đề cập tới nước Ý của chú.
Những người khách này đã không tiếc lời nói ra toàn những chuyện xấu xa về nước Ý mà họ đã có dịp viếng thăm. Một người nói nước Ý toàn những thứ cường đạo xấu xa. Người thì nói dân Ý toàn một bọn ngu dốt. Người thứ ba nói thêm là người Ý sống rất bẩn thỉu. Một người nói tiếp người Ý là một bọn ăn cắp. Người này chưa nói hết câu thì ông ta và luôn cả mấy người bạn bị ném một nắm tiền vào mặt. Những người ấy đứng dậy xem ai là người làm việc đó, thì chú bé thành Pađôva bước tới, hét lớn bằng giọng phẫn nộ rằng chú không thèm nhận những đồng tiền bố thí của những người lăng mạ nước Ý của chú.
Truyện đọc đã hơn nửa thế kỷ mà tôi vẫn nhớ nguyên từng chi tiết. Nước Ý trong truyện của De Amicis quả là có nghèo và lạc hậu thật. Chú bé người Ý rách rưới, nghèo đói nhưng nghe người nói những điều không đẹp về nước Ý, chú đã phản ứng rất mạnh như thế.
Ngày nay, những thái độ kỳ thị như câu chuyện trên chuyến tầu của De Amicis có lẽ không còn thấy nữa. Mà nếu có, thì cũng kín đáo hơn. Nói ra những điều đó công khai thì rất ít. Chuyện nói xấu nước Ý lại càng không.
Nhưng vẫn có thể xảy ra với một vài nước.
Ðặc biệt là Việt Nam.
Hãy đọc thử mấy hàng chữ trên tấm biểu ngữ này: “Gần đây phát hiện ra người Việt hay trộm đồ, trong cửa hàng đều có gắn camera, toàn bộ sẽ đưa ra công an xử lý. Ở Ðài Loan tội trộm cắp sẽ bị phạt tù ít nhất 3 tháng.”
Bức ảnh không cho biết được treo ở đâu, thành phố nào ở Ðài Loan nhưng chắc đó phải là nơi có nhiều người Việt. Chuyện trộm cắp mà thủ phạm là người Việt Nam chắc đã xảy ra nhiều. Nhiều đến nỗi người ta phải đem chi tiết đó ra nói để cảnh cáo. Những dòng chữ ở phía trên là chữ Hoa. Chữ Hán của tôi chỉ đủ để nhìn ra chữ thứ 5 và thứ 6 ở hàng trên cùng đọc từ trái qua phải là hai chữ Việt Nam.
Ðấy, chình ình ra đấy, nhưng tiếc là không thấy có một chú bé nào đòi hạ xuống. Các đại diện ngoại giao của Hà Nội ở Ðài Loan cũng không có phản ứng gì. Lẽ ra cũng phải lên tiếng phản đối yêu cầu dẹp tấm biểu ngữ đó để bảo vệ danh dự của quốc gia.
Những thứ biểu ngữ như thế chỉ mới xuất hiện gần đây. Trước đây, nói rõ hơn, trước năm 1975 thì không bao giờ thấy.
Mà cũng chẳng chỉ riêng ở Ðài Loan, luôn cả ở Nhật, ở Ðại Hàn, ở Thái Lan, ở Singapore ... cũng có những tấm bảng tương tự. Tuy không viết thẳng là “người Việt Nam hay trộm đồ” như trong tấm biểu ngữ ở Ðài Loan, nhưng rõ ràng những lời cảnh cáo trộm cắp như vậy đều nhắm vào người Việt. Vì tất cả đều được viết bằng tiếng Việt. Không lẽ mấy hàng chữ Việt đó là để cảnh cáo người Pakistan hay người Ma rốc?
Tuần qua, tờ Japan Daily Press của Nhật loan tin một nữ tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines bị bắt ở Tokyo vì bị nghi mang trong hành lý đồ ăn cắp. Cảnh sát Nhật cũng đã tới khám xét văn phòng của Vietnam Airlines ở Tokyo để tìm thêm bằng cớ.
Tấm bảng có dòng chữ tiếng Việt trong một siêu thị tại Ðài Loan.
Ngoài cô tiếp viên này, cảnh sát Nhật cũng muốn gặp 4 tiếp viên và 1 phi công phụ của Vietnam Airlines để thẩm vấn nhưng hiện những người này không có mặt ở Nhật. Cô tiếp viên bị bắt nói là cô đã làm như thế mấy lần và nhiều tiếp viên khác của Vietnam Airlines cũng đã làm những việc như cô. Cô cũng cho biết các bạn của cô còn mang hàng ăn cắp cho các hãng hàng không khác để lấy công.
Ở Hà Nội, theo tờ Sankei Shimbun, có mấy cửa tiệm chuyên bán những thứ hàng ăn cắp ở Nhật mang về. Những món hàng này còn nguyên cả giá tiền Yen của Nhật và tên của các cửa tiệm ở Tokyo.
Chẳng phải chỉ những thành phần nghèo khó ít học đi lao động ở Nhật, Ðại Hàn, Ðài Loan, Thái Lan... mới giở những trò trộm cắp như thế, mà ngay cả một phụ nữ con gái của một ủy viên trung ương đảng (Vũ Văn Hiến) và cũng là tổng giám đốc truyền hình Việt Nam, cô Kiều Trinh đã hai lần bị cảnh sát Thụy Ðiển (năm 2001) và Anh (năm 2006) bắt giữ về tội trộm cắp. Cô Kiều Trinh sau những can thiệp của các sứ quán Việt Nam, vẫn bình an, lại còn được đề bạt lên làm trưởng phòng văn hóa dân tộc, xuất hiện thường xuyên trong chương trình Văn Hóa Dân Tộc trên đài truyền hình VTV.
Hai tác giả Eugen Burdick và William Lederer khi viết cuốn The Ugly American đã dùng chữ “ugly” để nói về chính sách ngoại giao xấu chơi của Washington đối với các nước khác. Nhưng những việc làm xấu xa của người Việt như trộm cắp, buôn lậu, ồn ào, ăn tham uống tục... qua mắt nhìn của người Thái, người Nhật, người Ðài Loan, người Hàn quốc ... thì nhất định khi được viết xuống chắc phải đặt tên cuốn sách là The Ugly Vietnamese.
Xấu xa tệ lậu vô cùng.
Cách đây vài năm, ở Việt Nam, một nhà tu hiền lành cũng phải ngán ngẩm nói rằng khi xuất ngoại, ngài thấy rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, vì đi đâu, khi xuất trình giấy tờ ở phi trường, ngài đều bị soi xét rất kỹ lưỡng... Ngài mong sao người Việt Nam đi đâu cũng được kính trọng như người Nhật, người Hàn quốc cầm hộ chiếu của họ là đi qua tất cả mọi nơi, không ai bị xem xét gì cả...
Nhưng nếu những chuyện như thế này cứ tiếp tục diễn ra, thì điều mơ ước của tổng giám mục Ngô Quang Kiệt khi tuyên bố trước ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hôm 20 tháng 9 năm 2008 sẽ còn phải rất lâu mới thành sự thật được.
Xóa được những thành kiến xấu xa về Việt Nam sẽ rất khó và sẽ mất rất nhiều thời gian ngay cả trong trường hợp bắt đầu ngay từ bây giờ.
Tại sao Việt Nam, đất nước quê hương chúng ta lại trở thành một đất nước tồi tệ, xấu xa đến như thế?
Nhớ chuyện Án Anh người nước Tề khi bị vua Sở tìm cách lăng nhục bằng cách đổ cho là người Tề hay trộm cắp đã trả lời vua Sở nói rằng quýt trồng ở Hoài Nam thì rất ngọt, mang trồng ở Hoài Bắc thì chua. Án Anh nói rằng người nước Tề không quen trộm cắp nhưng sang nước Sở sinh sống thì sinh ra trộm cắp là do thủy thổ của hai nước khác nhau.
Trường hợp người Việt ăn cắp đến nỗi mang tiếng ở nhiều nước chắc chắn không phải vì thủy thổ khác nhau mà chính là thứ đạo đức được đem ra dậy dỗ từ mấy chục năm nay, đó là đạo đức của Hồ Chí Minh vậy.
Trước đây làm gì có chuyện người Việt mang tiếng xấu như thế! Mắc cỡ vô cùng!
Bùi Bảo Trúc