Reuters
Ống nghe, một dụng cụ không thể thiếu được của bác sĩ để nghe phổi, nghe nhịp tim, để chẩn đoán bệnh, hóa ra còn bẩn hơn cả bàn tay của bác sĩ, đó là báo động được đưa ra trong một công trình nghiên cứu của Thụy Sĩ được công bố ngày 28/02/2014.
Cho tới nay, các bác sĩ, y tá vẫn rất chăm chỉ rửa sạch tay bằng đủ loại xà bông tẩy trùng, vì bàn tay của họ vẫn bị xem là nhân tố chính lây nhiễm vi khuẩn ở các bệnh viện và các phòng khám. Nhưng có lẻ ít ai để ý đến chuyện thường xuyên tẩy trùng ống nghe.
Ống nghe đã được bác sĩ Réné Laennec sáng chế từ năm 1816, ban đầu là dưới dạng một xấp giấy quấn lại, rồi bằng ống gỗ, trước khi cố định dưới dạng như hiện nay, tức là với hai đầu nghe cho hai lỗ tai, nối với đầu ống nghe bằng hai ống cao su mềm.
Một nghiên cứu của bác sĩ Didier Pittel thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, với sự tham gia của các bệnh viện đại học ở Genève, cho thấy là đầu ống nghe của bác sĩ chứa nhiều vi khuẩn hơn là bàn tay của bác sĩ sử dụng ống nghe đó.
Để thực hiện nghiên cứu nói trên, họ theo dõi 71 bệnh nhân được khám bởi các bác sĩ đeo găng tiệt trùng và dùng ống nghe. Các xét nghiệm cho thấy đầu ống nghe, tức là phần tiếp xúc với da của bệnh nhân, dính nhiều vi khuẩn hơn là lòng bàn tay, đầu ngón tay và mu bàn tay của các bác sĩ.
Trong một ngày, bác sĩ sử dụng ống nghe để khám cho nhiều bệnh nhân, và như vậy họ truyền hàng triệu vi khuẩn nhiễm từ bệnh nhân trước cho bệnh nhân sau.
Cho nên, tác giả bài nghiên cứu nói trên khuyên các bác sĩ cũng nên tẩy trùng sạch sẽ ống nghe sau mỗi lần sử dụng, cũng như là họ rửa tay sau mỗi lần khám bệnh nhân.
Thật ra thì từ người ta cũng đang dự trù thay thế ống nghe bằng những dụng cụ hiện đại hơn bằng siêu âm, tức là sẽ không tiếp xúc trực tiếp với da của bệnh nhân, mà lại giúp chẩn đoán chính xác hơn các vấn đề tim mạch và hô hấp của bệnh nhân. Các thiết bị mới này có thể sẽ có hình dạng gọn nhẹ như một điện thoại thông minh cở lớn, tức là tiện dụng hơn rất nhiều. Có điều những thiết bị loại này còn rất đắt tiền, giá từ 8000 đến 10.000 đôla.
Theo RFI