Dân chúng chờ tại một địa điểm ghi danh mua bảo hiểm y tế ở Cudahy, bang California, 27/3/14Hơn 6 triệu người Mỹ hiện đã ghi danh tham gia chương trình bảo hiểm y tế mới tại Mỹ, nhưng luật cải cách chăm sóc y tế áp dụng trên toàn quốc vẫn còn gây nhiều tranh cãi như khi nó được Quốc hội phê chuẩn cách đây 4 năm.
Hầu hết người lao động Mỹ nhận được bảo hiểm y tế tại nơi làm việc của mình mà phần lớn là do chủ lao động đứng ra chi trả. Nhưng những người không có bảo hiểm phải đối mặt với hạn chót mua bảo hiểm là thứ Hai 31 tháng 3, nếu không sẽ phải nộp phạt tài chính có thể bằng 1% tiền lương của họ.
Quốc hội thông qua luật cải cách chăm sóc y tế mang tính rộng khắp vào năm 2010. Luật này vẫn là thành quả lập pháp mang dấu ấn nhất của Tổng thống Barack Obama, mặc dù nhiều cải cách bây giờ chỉ mới thành hình.
Nhưng chỉ có những đồng nghiệp trong đảng Dân chủ của Tổng thống bỏ phiếu cho luật này và hầu hết những thành viên đảng Cộng hòa vẫn kiên quyết phản đối. Họ đặc biệt chống đối điều luật bắt buộc mua bảo hiểm mà họ coi là sự xâm phạm quyền tự do cá nhân.
Luật cải cách y tế được biết tới với cái tên phổ biến là ‘Obamacare.’ Các cuộc khảo sát ý kiến cho thấy cử tri phản đối nhiều hơn là ủng hộ. Nhưng nhiều người tán đồng một số cải cách chẳng hạn như cấm những công ty bảo hiểm tư nhân từ chối không nhận bảo hiểm một người đã có bệnh sẵn và cần chăm sóc y tế tốn kém.
Luật Obamacare nhằm mục đích gia tăng đáng kể số lượng người được bảo hiểm y tế trong cả nước, và chính phủ ước tính khoảng 25 triệu người có thể có bảo hiểm đến năm 2016. Khi đó sẽ có khoảng 9% người dân không có bảo hiểm, một phần là vì một số tiểu bang đã từ chối mở rộng bảo hiểm tới cho người nghèo.
Hơn 6 triệu người ghi danh vào chương trình bảo hiểm mới đã tiến đến gần với ước tính ban đầu là 7 triệu người sẽ đăng ký trước thời hạn hôm thứ Hai.
Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết luật này hợp hiến vào năm 2012. Nhưng hệ thống tòa án Mỹ đang nghe xử nhiều vụ kiện thách thức một số điều luật cụ thể của luật Obamacare.
Tòa án Tối cao đã nghe một vụ như vậy vào tuần trước. Dự kiến Tòa sẽ ra phán quyết vào tháng 6 về việc liệu chủ lao động phản đối luật này vì lý do tôn giáo có buộc phải cung cấp những biện pháp tránh thai cho nhân viên nữ hay không.
Theo VOA